Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ông đã có thể nhận ân huệ của Đức Chúa Trời

Ông đã có thể nhận ân huệ của Đức Chúa Trời

Ai trong chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va cũng muốn nhận ân huệ của ngài. Nhưng ngài ban ân huệ và phước lành cho những ai? Một số người trong Kinh Thánh nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời dù trước kia họ từng phạm tội nặng. Số khác thì có những tính tốt nhưng không nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời. Vì thế, có lẽ chúng ta thắc mắc: “Đức Giê-hô-va tìm kiếm điều gì nơi mỗi chúng ta?”. Trường hợp của Rê-hô-bô-am, vua Giu-đa, có thể giúp chúng ta tìm lời giải đáp.

KHỞI ĐẦU KHÔNG SUÔN SẺ

Cha của Rê-hô-bô-am là Sa-lô-môn trị vì Y-sơ-ra-ên được 40 năm (1 Vua 11:42). Sa-lô-môn qua đời vào năm 997 TCN. Từ Giê-ru-sa-lem, Rê-hô-bô-am đi theo hướng bắc đến Si-chem để nhận ngôi vua (2 Sử 10:1). Hãy hình dung Rê-hô-bô-am lo lắng thế nào khi tiếp bước của Sa-lô-môn, một người khôn ngoan vượt trội. Không lâu sau, Rê-hô-bô-am sẽ phải chứng tỏ mình có đủ khôn ngoan để giải quyết một tình huống phức tạp hay không.

Hẳn Rê-hô-bô-am thấy tình hình rất căng thẳng ở Y-sơ-ra-ên. Những người đại diện cho dân chúng đến gặp vua và đề nghị: “Cha ngài đã khiến ách của chúng tôi trở nên nặng nề. Nếu ngài giảm bớt gánh lao dịch và giảm nhẹ cái ách nặng nề mà cha ngài đã đặt trên chúng tôi thì chúng tôi sẽ hầu việc ngài”.—2 Sử 10:3, 4.

Có lẽ Rê-hô-bô-am cảm thấy vô cùng bế tắc! Nếu đáp ứng yêu cầu của dân thì ông cùng gia đình và triều thần có thể không còn được hưởng đời sống xa hoa như trước và không đòi hỏi được nhiều ở dân. Ngược lại, nếu từ chối yêu cầu đó thì dân hẳn sẽ phản nghịch. Ông sẽ làm gì? Vị vua mới này đã hội ý với các trưởng lão từng làm cố vấn cho Sa-lô-môn. Nhưng sau đó Rê-hô-bô-am lại tìm lời khuyên của những người trẻ lớn lên cùng ông. Rê-hô-bô-am nghe lời khuyên của họ và đối xử hà khắc với dân chúng. Ông đáp lại: “Ta sẽ chất thêm gánh nặng cho các ngươi và làm cho ách các ngươi nặng hơn nữa. Cha ta trừng phạt các ngươi bằng roi, ta sẽ trừng phạt các ngươi bằng roi bò cạp”.—2 Sử 10:6-14.

Chúng ta rút ra bài học nào? Thường là khôn ngoan khi tìm sự hướng dẫn của những anh chị thành thục và lớn tuổi hơn. Là những người có kinh nghiệm, rất có thể họ thấy trước kết quả của quyết định nào đó, nhờ thế có thể cho chúng ta lời khuyên hữu ích.—Gióp 12:12.

“HỌ VÂNG LỜI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

Để đàn áp cuộc nổi dậy, Rê-hô-bô-am liền tập hợp quân đội. Nhưng Đức Giê-hô-va đã can thiệp bằng cách phán qua nhà tiên tri Sê-ma-gia: “Các ngươi không được lên đánh anh em Y-sơ-ra-ên của mình. Mỗi người phải trở về nhà, vì ta đã khiến chuyện này xảy ra”.—1 Vua 12:21-24. *

Ông phải làm gì đây? Hãy hình dung Rê-hô-bô-am khó xử thế nào! Dân chúng sẽ nghĩ gì về vị vua từng đe dọa sẽ trừng phạt thần dân “bằng roi bò cạp” nhưng giờ lại đầu hàng trước cuộc phản nghịch ấy? (So sánh 2 Sử ký 13:7). Dù vậy, vua cùng quân đội của ông “vâng lời Đức Giê-hô-va và trở về nhà, đúng như Đức Giê-hô-va đã phán dặn”.

Chúng ta rút ra bài học nào? Thật khôn ngoan khi vâng lời Đức Chúa Trời dù bị người khác chế giễu. Sự vâng lời ấy mang lại ân huệ và phước lành.—Phục 28:2.

Hành động vâng lời của Rê-hô-bô-am mang lại kết quả nào? Ông từ bỏ kế hoạch tấn công vương quốc phía bắc và tập trung vào việc xây dựng các thành thuộc chi phái Giu-đa và Bên-gia-min mà ông vẫn đang trị vì. Ông làm cho những thành ấy “rất vững chắc” (2 Sử 11:5-12). Quan trọng hơn, trong một thời gian ông đã tuân theo luật pháp Đức Giê-hô-va. Khi vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái bắt đầu thờ thần tượng, nhiều người thuộc vương quốc này đã “ủng hộ Rê-hô-bô-am” và đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Giê-hô-va (2 Sử 11:16, 17). Nhờ vâng lời nên vương quyền của Rê-hô-bô-am được củng cố.

PHẠM TỘI VÀ ĂN NĂN PHẦN NÀO

Tuy nhiên, khi vương quyền vững chắc, Rê-hô-bô-am lìa bỏ luật pháp Đức Giê-hô-va và quay sang thờ thần giả. Tại sao? Phải chăng ông bị mẹ mình là người Am-môn ảnh hưởng? (1 Vua 14:21). Dù lý do là gì thì toàn thể dân chúng đã làm theo ông. Vì thế, Đức Giê-hô-va để cho vua Si-sắc của Ai Cập chiếm được nhiều thành ở Giu-đê, dù Rê-hô-bô-am đã củng cố những thành đó rất vững chắc!—1 Vua 14:22-24; 2 Sử 12:1-4.

Tình hình lên đến đỉnh điểm khi Si-sắc tiến đánh Giê-ru-sa-lem, nơi Rê-hô-bô-am cai trị. Lúc này, Sê-ma-gia truyền thông điệp của Đức Chúa Trời cho Rê-hô-bô-am và các quan: “Các ngươi đã từ bỏ ta nên ta cũng từ bỏ các ngươi và phó các ngươi vào tay Si-sắc”. Rê-hô-bô-am phản ứng thế nào trước thông điệp sửa trị đó? Kinh Thánh cho biết: “Các quan của Y-sơ-ra-ên cùng vua đều hạ mình xuống và nói: ‘Đức Giê-hô-va là công chính’”. Vì thế, Đức Giê-hô-va đã giải cứu Rê-hô-bô-am và Giê-ru-sa-lem khỏi sự hủy diệt.—2 Sử 12:5-7, 12.

Rê-hô-bô-am tiếp tục trị vì vương quốc phía nam. Trước khi qua đời, ông đã phân phát dư dật quà cho nhiều con trai để họ không phản bội người anh em A-bi-gia, là người kế vị (2 Sử 11:21-23). Rê-hô-bô-am đã hành động khéo léo, khác với trước đó.

TỐT HAY XẤU?

Dù có những lúc làm điều đúng nhưng Rê-hô-bô-am đã không nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tóm lược về những năm cai trị của ông như sau: “Vua làm điều ác”. Tại sao? Vì “lòng [ông] đã không quyết tìm kiếm Đức Giê-hô-va”.—2 Sử 12:14.

Rê-hô-bô-am đã không vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, như gương của vua Đa-vít

Hãy thử nghĩ: Có những lúc Rê-hô-bô-am vâng lời Đức Chúa Trời và làm một số điều tốt cho dân ngài. Nhưng ông không vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va hoặc khao khát làm ngài vui lòng. Vì thế, ông đã phạm tội và thờ thần giả. Có lẽ anh chị thắc mắc: “Phải chăng Rê-hô-bô-am hưởng ứng sự sửa dạy của Đức Chúa Trời là vì bị người khác thúc ép, chứ không phải vì thật lòng ăn năn và muốn làm hài lòng ngài?” (2 Sử 11:3, 4; 12:6). Sau này ông quay sang làm những điều sai trái. Rê-hô-bô-am thật khác với ông nội của mình là vua Đa-vít! Đa-vít phạm sai lầm nhưng ông được biết đến là người yêu mến Đức Giê-hô-va, gắn bó với sự thờ phượng thật và thật lòng ăn năn khi phạm tội.—1 Vua 14:8; Thi 51:1, 17; 63:1.

Chắc chắn chúng ta rút ra bài học từ Rê-hô-bô-am. Chu cấp cho gia đình và cố gắng đạt được thành quả là điều đáng khen. Nhưng để hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời, điều quan trọng nhất là chúng ta phải ủng hộ và gắn bó với sự thờ phượng thật.

Để đạt mục tiêu đó, chúng ta cần giữ cho tình yêu thương với Đức Giê-hô-va được sâu đậm. Như việc thêm củi để giữ cho ngọn lửa tiếp tục cháy, chúng ta cần giữ cho tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời luôn bùng cháy bằng cách đều đặn đọc và suy ngẫm Lời ngài cũng như kiên trì cầu nguyện (Thi 1:2; Rô 12:12). Rồi tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc chúng ta muốn làm hài lòng ngài trong mọi khía cạnh của đời sống. Tình yêu thương cũng sẽ thôi thúc chúng ta thành thật ăn năn khi phạm tội. Khác với Rê-hô-bô-am, chúng ta sẽ vững vàng trong sự thờ phượng thật.—Giu 20, 21.

^ đ. 9 Vì Sa-lô-môn bất trung nên Đức Chúa Trời báo trước là nước Y-sơ-ra-ên sẽ bị chia làm hai.—1 Vua 11:31.