Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ai đứng về phía Đức Giê-hô-va?”

“Ai đứng về phía Đức Giê-hô-va?”

“Anh em phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, hầu việc ngài, gắn bó với ngài”.—PHỤC 10:20.

BÀI HÁT: 28, 32

1, 2. (a) Tại sao đứng về phía Đức Giê-hô-va là điều khôn ngoan? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Thật khôn ngoan khi gắn bó với Đức Giê-hô-va! Không ai quyền năng, khôn ngoan và yêu thương hơn Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, chúng ta luôn muốn đứng về phía ngài (Thi 96:4-6). Nhưng một số người thờ phượng Đức Chúa Trời đã lưỡng lự trong tình huống đòi hỏi họ đứng về phía ngài.

2 Trong bài này, chúng ta sẽ xem trường hợp của một số người vừa nhận mình đứng về phía Đức Giê-hô-va vừa đi theo đường lối mà ngài ghét. Những bài học quan trọng rút ra từ các lời tường thuật này có thể giúp chúng ta tiếp tục giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DÒ THẤU LÒNG

3. Tại sao Đức Giê-hô-va chủ động cảnh báo Ca-in, và ngài nói gì với ông?

3 Hãy xem trường hợp của Ca-in. Ông nhận mình thờ Đức Giê-hô-va, không thờ bất cứ thần nào khác. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không chấp nhận sự thờ phượng của Ca-in, vì ngài nhìn thấy khuynh hướng gian ác trong lòng ông (1 Giăng 3:12). Đức Giê-hô-va chủ động cảnh báo Ca-in: “Nếu trở lại làm điều lành, lẽ nào con không được lại ơn sao? Nhưng nếu con không trở lại làm điều lành thì tội lỗi rình rập trước cửa và thèm khống chế con lắm, nhưng con phải chế ngự nó” (Sáng 4:6, 7). Như thể Đức Giê-hô-va nói với Ca-in: “Nếu con ăn năn và quyết tâm đứng về phía ta, ta sẽ đứng về phía con”.

4. Dù có cơ hội đứng về phía Đức Giê-hô-va, Ca-in đã làm gì?

4 Nếu Ca-in điều chỉnh lối suy nghĩ, Đức Giê-hô-va sẽ ban ơn lại cho ông. Tuy nhiên, Ca-in không nghe theo lời khuyên. Lối suy nghĩ sai trái và ham muốn ích kỷ đã dẫn đến việc ông phạm tội (Gia 1:14, 15). Khi còn trẻ, hẳn Ca-in không bao giờ hình dung là mình sẽ chống lại Đức Giê-hô-va. Nhưng cuối cùng ông đã làm điều mà ông không tưởng tượng nổi: Đó là phản nghịch Đức Chúa Trời và giết chính em mình!

5. Lối suy nghĩ nào có thể khiến chúng ta đánh mất ân huệ của Đức Giê-hô-va?

5 Như Ca-in, có lẽ một tín đồ ngày nay vừa nhận mình thờ phượng Đức Giê-hô-va vừa đi theo đường lối sai trái (Giu 11). Chẳng hạn, một người hoạt động tích cực trong thánh chức và đều đặn tham dự buổi nhóm họp nhưng đồng thời cũng nuôi dưỡng tư tưởng đồi bại, tham lam hoặc căm ghét anh em mình (1 Giăng 2:15-17; 3:15). Lối suy nghĩ đó có thể dẫn đến việc phạm tội. Có lẽ người khác không biết suy nghĩ và hạnh kiểm của chúng ta, nhưng Đức Giê-hô-va thấy mọi sự và biết chúng ta có hết lòng đứng về phía ngài hay không.—Đọc Giê-rê-mi 17:9, 10.

6. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta “chế ngự” khuynh hướng tội lỗi như thế nào?

6 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không vội vàng từ bỏ chúng ta. Khi một người có dấu hiệu từ bỏ ngài, Đức Chúa Trời kêu gọi người đó: ‘Hãy trở lại cùng ta thì ta sẽ trở lại cùng con’ (Mal 3:7). Đặc biệt khi chúng ta phải tranh đấu với những yếu kém của bản thân, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đứng vững và kháng cự điều xấu (Ê-sai 55:7). Nếu chúng ta làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ đứng về phía chúng ta bằng cách ban sức mạnh về thiêng liêng, cảm xúc và thể chất mà chúng ta cần để “chế ngự” khuynh hướng tội lỗi.—Sáng 4:7.

“ĐỪNG ĐỂ BỊ LỪA DỐI”

7. Điều gì khiến Sa-lô-môn đánh mất tình bạn với Đức Giê-hô-va?

7 Chúng ta có thể học được nhiều điều từ trường hợp của vua Sa-lô-môn. Thời còn trẻ, Sa-lô-môn hướng đến Đức Giê-hô-va để được chỉ dẫn. Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan vượt trội và giao cho ông công việc xây dựng đền thờ nguy nga ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng Sa-lô-môn đã đánh mất tình bạn với Đức Giê-hô-va (1 Vua 3:12; 11:1, 2). Luật pháp cho biết rõ rằng vua không được phép “lấy nhiều vợ, hầu cho lòng mình không đi lạc lối” (Phục 17:17). Sa-lô-môn đã không vâng lời. Ông cưới 700 vợ và 300 cung phi (1 Vua 11:3). Nhiều người vợ của ông không phải là người Y-sơ-ra-ên và thờ thần giả. Vì thế, Sa-lô-môn cũng vi phạm luật về việc cưới phụ nữ ngoại quốc.—Phục 7:3, 4.

8. Sa-lô-môn xúc phạm Đức Giê-hô-va đến mức nào?

8 Dần dần Sa-lô-môn không còn vâng theo đòi hỏi của Đức Giê-hô-va và cuối cùng phạm tội trọng. Sa-lô-môn xây một bàn thờ cho nữ thần Át-tô-rét và ít nhất một bàn thờ khác cho thần giả Kê-móc. Tại đó, ông đã cùng những người vợ thờ thần giả. Thậm chí ông xây các bàn thờ ấy trên ngọn núi ngay phía trước Giê-ru-sa-lem, nơi ông đã xây đền thờ cho Đức Giê-hô-va! (1 Vua 11:5-8; 2 Vua 23:13). Có lẽ Sa-lô-môn tự lừa mình bằng cách lý luận rằng miễn là vẫn dâng vật tế lễ tại đền thờ thì Đức Giê-hô-va sẽ lờ đi việc ông không vâng lời.

9. Hậu quả là gì khi Sa-lô-môn không nghe lời cảnh báo của Đức Chúa Trời?

9 Đức Giê-hô-va không bao giờ lờ đi tội lỗi. Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va nổi giận với Sa-lô-môn, vì lòng vua đã lìa khỏi Giê-hô-va Đức Chúa Trời... là đấng đã hai lần hiện ra với vua và cảnh báo về chính điều ấy, rằng vua không được theo các thần khác. Nhưng vua không vâng lời Đức Giê-hô-va truyền dặn”. Hậu quả là Sa-lô-môn không còn được Đức Chúa Trời chấp nhận và ủng hộ. Con cháu kế vị Sa-lô-môn đã không được cai trị cả vương quốc Y-sơ-ra-ên và chịu nhiều tai họa trong hàng trăm năm.—1 Vua 11:9-13.

10. Điều gì có thể gây nguy hại cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va?

10 Như trong trường hợp của Sa-lô-môn, một trong những điều gây nguy hại nhất về thiêng liêng là việc kết bạn với những người không hiểu hoặc không tôn trọng tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Có lẽ đó là một số người kết hợp với hội thánh nhưng yếu về thiêng liêng. Hoặc có thể là bà con, hàng xóm, đồng nghiệp hay bạn học không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Dù là trường hợp nào, nếu kết thân với người không quý trọng sâu xa tiêu chuẩn của ngài thì cuối cùng chúng ta có thể đánh mất mối quan hệ với ngài.

Những người anh chị đang kết hợp ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của anh chị với Đức Giê-hô-va? (Xem đoạn 11)

11. Điều gì có thể giúp chúng ta biết nên tránh kết hợp với những người nào?

11 Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:33. Hầu hết mọi người đều có điểm tốt, và nhiều người trong thế gian không làm điều sai trái trắng trợn. Có lẽ anh chị quen biết một số người như thế ở trong và ngoài hội thánh. Nhưng có phải vì thế mà họ là bạn tốt không? Hãy tự hỏi: Những người mình đang kết hợp ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va? Họ có giúp mình đến gần ngài hơn không? Trong lòng họ có gì? Có phải hầu như mỗi cuộc trò chuyện của họ đều xoay quanh thời trang, tiền bạc, thiết bị điện tử, giải trí hay những điều tương tự không? Họ có thường bình phẩm tiêu cực về người khác hoặc nói đùa tục tĩu không? Chúa Giê-su cảnh báo: “Lòng đầy tràn thì miệng mới nói ra” (Mat 12:34). Nếu nhận ra những người mình đang kết hợp gây nguy hại cho mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va, hãy hành động dứt khoát bằng cách hạn chế tiếp xúc hoặc chấm dứt tình bạn, nếu cần.—Châm 13:20.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÒI HỎI LÒNG SÙNG KÍNH CHUYÊN ĐỘC

12. (a) Sau khi dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai Cập, Đức Giê-hô-va cho họ biết rõ điều gì? (b) Dân Y-sơ-ra-ên phản ứng thế nào về việc Đức Chúa Trời đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc?

12 Chúng ta cũng có thể rút ra bài học từ câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên sau khi họ rời khỏi Ai Cập. Dân chúng tập hợp trước núi Si-nai. Tại đấy, Đức Giê-hô-va hiện diện theo cách vô cùng ấn tượng. Họ thấy một đám mây dày đặc, sấm sét, khói và nghe một tiếng rất lớn như tiếng của tù và (Xuất 19:16-19). Lúc đó, Đức Giê-hô-va tiết lộ cho dân Y-sơ-ra-ên rằng ngài “là Đức Chúa Trời đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc”. Đức Giê-hô-va cũng hứa là ngài sẽ thành tín với ai yêu thương ngài và gìn giữ điều răn của ngài. (Đọc Xuất Ai Cập 20:1-6). Như thể ngài nói: “Nếu các con đứng về phía ta, ta sẽ đứng về phía các con”. Anh chị sẽ phản ứng thế nào nếu nghe lời hứa ấy của Đức Giê-hô-va? Hẳn anh chị sẽ hành động như dân Y-sơ-ra-ên. Họ “đồng thanh đáp: ‘Chúng tôi sẵn lòng làm theo mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn’” (Xuất 24:3). Nhưng không lâu sau, một chuyện bất ngờ xảy ra đã thử thách lòng trung thành của dân Y-sơ-ra-ên.

13. Hoàn cảnh nào thử thách lòng trung thành của dân Y-sơ-ra-ên?

13 Dân Y-sơ-ra-ên run sợ khi thấy đám mây dày đặc, sấm sét và những dấu hiệu đáng kinh ngạc khác từ Đức Chúa Trời. Theo lời thỉnh cầu của họ, Môi-se đồng ý làm người đại diện để lên núi Si-nai thưa chuyện với Đức Giê-hô-va (Xuất 20:18-21). Môi-se ở trên núi trong thời gian khá lâu. Dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy như bị kẹt trong hoang mạc và không có người lãnh đạo. Dường như đức tin của dân chúng quá phụ thuộc vào sự hiện diện của Môi-se. Họ lo lắng và bảo A-rôn: “Hãy làm một thần cho chúng tôi, đấng sẽ đi trước chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với cái ông Môi-se này, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ai Cập”.—Xuất 32:1, 2.

14. Dân Y-sơ-ra-ên tự lừa mình thế nào, và Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao trước hành động của họ?

14 Dân Y-sơ-ra-ên biết thờ thần tượng là một tội nghiêm trọng trước mắt Đức Giê-hô-va (Xuất 20:3-5). Thế mà chẳng bao lâu sau, họ lại thờ bò con bằng vàng! Rõ ràng đó là hành động bất tuân nhưng dân chúng đã tự lừa mình khi lý luận rằng họ vẫn đứng về phía Đức Giê-hô-va. A-rôn còn gọi việc thờ bò con là “một lễ cho Đức Giê-hô-va”! Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Ngài cảm thấy bị phản bội. Ngài bảo Môi-se rằng dân Y-sơ-ra-ên “đã tự làm chúng bại hoại” và “từ bỏ đường lối mà [ngài] dặn phải theo”. Thậm chí trong “cơn thịnh nộ”, Đức Giê-hô-va định sẽ tận diệt nước Y-sơ-ra-ên mới vừa thành lập.—Xuất 32:5-10.

15, 16. Làm thế nào Môi-se và A-rôn cho thấy họ quyết tâm đứng về phía Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).

15 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va quyết định không tận diệt dân Y-sơ-ra-ên. Vì thương xót, ngài đã cho những người trung thành cơ hội quyết tâm đứng về phía ngài (Xuất 32:14). Khi Môi-se thấy dân chúng hò hét, ca hát và nhảy múa trước tượng thần, ông nghiền nát bò con thành bột. Rồi ông nói: “Ai đứng về phía Đức Giê-hô-va? Hãy đến với tôi!”. Lời tường thuật cho biết “tất cả người Lê-vi đều tập hợp quanh ông”.—Xuất 32:17-20, 26.

16 Dù lúc đầu tham gia vào việc làm tượng bò nhưng A-rôn đã ăn năn và cùng với những người Lê-vi khác đứng về phía Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, họ tách khỏi những kẻ làm điều sai trái. Đó là hành động khôn ngoan. Hôm ấy, hàng ngàn người đã mất mạng vì tội thờ thần tượng. Còn những người đứng về phía Đức Giê-hô-va thì ngài hứa sẽ ban phước.—Xuất 32:27-29.

17. Lời Phao-lô nói về trường hợp bò con bằng vàng dạy chúng ta điều gì?

17 Sứ đồ Phao-lô đề cập đến trường hợp bò con bằng vàng và cảnh báo: “Những việc đó là gương cho chúng ta, hầu chúng ta không... thờ thần tượng như một số người trong vòng họ đã làm. [Những điều đó] được ghi lại để cảnh báo chúng ta, là những người sống vào thời điểm kết thúc của thế gian này. Vậy, ai nghĩ mình đang đứng thì phải coi chừng kẻo ngã” (1 Cô 10:6, 7, 11, 12). Như Phao-lô nói, ngay cả những người thờ phượng chân chính có thể cũng làm điều sai trái. Những người chiều theo cám dỗ có thể nghĩ rằng mình vẫn có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Nhưng chỉ có ước muốn làm bạn với Đức Giê-hô-va hoặc nhận mình trung thành với ngài thì chưa hẳn được ngài chấp nhận.—1 Cô 10:1-5.

18. Điều gì có thể khiến chúng ta xa rời Đức Giê-hô-va, và hậu quả là gì?

18 Dân Y-sơ-ra-ên lo lắng vì cảm thấy Môi-se ở quá lâu trên núi Si-nai. Tương tự, có lẽ chúng ta cũng lo lắng vì cảm thấy ngày phán xét của Đức Giê-hô-va và thế giới mới lâu đến. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng những lời hứa ấy quá xa vời hoặc chỉ là mộng tưởng. Nếu không cẩn thận, lối suy nghĩ đó có thể khiến chúng ta làm theo ý mình thay vì ý Đức Giê-hô-va. Cuối cùng chúng ta có thể xa rời Đức Giê-hô-va và làm những điều mà mình không tưởng tượng nổi.

19. Chúng ta nên luôn nhớ điều gì, và tại sao?

19 Hãy luôn nhớ rằng Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta hết lòng vâng lời và dành cho ngài sự sùng kính chuyên độc (Xuất 20:5). Nếu không làm theo ý Đức Giê-hô-va thì chúng ta sẽ làm theo ý của Sa-tan, và điều đó chỉ dẫn đến tai họa. Vì thế, Phao-lô nhắc chúng ta: “Anh em không thể vừa uống chén của Đức Giê-hô-va vừa uống chén của các quỷ; anh em không thể vừa ăn tại ‘bàn của Đức Giê-hô-va’ vừa ăn tại bàn của các quỷ”.—1 Cô 10:21.

HÃY GẮN BÓ VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA!

20. Ngay cả khi chúng ta lạc lối, Đức Giê-hô-va vẫn có thể giúp chúng ta như thế nào?

20 Lời tường thuật của Kinh Thánh về Ca-in, Sa-lô-môn và dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai đều có một điểm chung đáng chú ý. Những người này có cơ hội “ăn năn và thay đổi con đường mình” (Công 3:19). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va không vội vàng từ bỏ những ai lạc lối. Trong trường hợp A-rôn, Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ. Ngày nay, Đức Giê-hô-va có thể cảnh báo chúng ta qua một lời tường thuật Kinh Thánh, các ấn phẩm hoặc lời khuyên của anh em đồng đạo. Nếu lắng nghe lời cảnh báo, chúng ta chắc chắn sẽ được ngài thương xót.

21. Khi lòng trung thành bị thử thách, chúng ta nên quyết tâm làm gì?

21 Đức Giê-hô-va thể hiện lòng nhân từ bao la là có mục đích (2 Cô 6:1). Đó là cho chúng ta cơ hội “bác bỏ sự không tin kính cùng những ham muốn của thế gian”. (Đọc Tít 2:11-14). Bao lâu còn sống “giữa thế gian này”, bấy lâu chúng ta sẽ còn đương đầu với những tình huống thử thách lòng sùng kính chuyên độc dành cho Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta luôn quyết tâm đứng về phía ngài, vì chúng ta ‘kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, hầu việc ngài và gắn bó với ngài’!—Phục 10:20.