Chúng ta thuộc về Đức Giê-hô-va
“Hạnh phúc thay nước nào có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời, dân nào được ngài chọn làm sản nghiệp!”—THI 33:12.
1. Tại sao có thể nói rằng mọi vật đều thuộc về Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).
Mọi vật thuộc về Đức Giê-hô-va! “Các tầng trời,... ngay cả các tầng trời của các tầng trời, trái đất cùng mọi vật trong đó” cũng thuộc về ngài (Phục 10:14; Khải 4:11). Vậy con người hiện hữu là nhờ Đức Giê-hô-va, nên tất cả đều thuộc về ngài (Thi 100:3). Tuy nhiên, trong suốt lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời đã chọn ra những nhóm người để thuộc về ngài theo một cách đặc biệt.
2. Theo Kinh Thánh, những ai thuộc về Đức Giê-hô-va theo một cách đặc biệt?
2 Chẳng hạn, bài Thi thiên 135 miêu tả những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va thuộc dân Y-sơ-ra-ên xưa là “sản nghiệp quý báu thuộc về ngài” (Thi 135:4). Ngoài ra, sách Ô-sê cũng báo trước rằng nhiều người không thuộc dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở thành dân của Đức Giê-hô-va (Ô-sê 2:23). Lời tiên tri của Ô-sê được ứng nghiệm khi Đức Giê-hô-va chọn những người không phải là dân Do Thái để nhận triển vọng cùng cai trị với Đấng Ki-tô (Công 10:45; Rô 9:23-26). Những tín đồ được xức dầu bằng thần khí thánh được gọi là “dân tộc thánh”. Họ là “sản nghiệp đặc biệt” của Đức Giê-hô-va (1 Phi 2:9, 10). Còn phần lớn những tín đồ trung thành ngày nay có hy vọng sống trên đất thì sao? Đức Giê-hô-va cũng gọi họ là “dân” của ngài và “những người [ngài] chọn”.—Ê-sai 65:22.
3. (a) Ngày nay, những ai được hưởng mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?
3 Ngày nay, “bầy nhỏ” với hy vọng lên trời và “chiên khác” với hy vọng sống trên đất hợp thành “một bầy” cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va (Lu 12:32; Giăng 10:16). Chắc chắn chúng ta muốn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc vì Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta có mối quan hệ đặc biệt với ngài. Bài này sẽ xem xét những cách mà chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã ban đặc ân đó.
DÂNG ĐỜI SỐNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
4. Bằng cách nào chúng ta tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va vì cho chúng ta có mối quan hệ với ngài, và Chúa Giê-su đã làm điều tương tự nào?
4 Chúng ta tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va bằng cách dâng mình cho ngài. Qua việc báp-têm trong nước, chúng ta chính thức và công khai cho thấy mình thuộc về ngài và sẵn sàng vâng phục ngài (Hê 12:9). Chúa Giê-su đã làm điều tương tự khi báp-têm, như thể ngài nói với Đức Giê-hô-va: “Lạy Đức Chúa Trời của con, làm theo ý muốn ngài là niềm ao ước của con” (Thi 40:7, 8, chú thích). Dù từ lúc sinh ra, Chúa Giê-su đã thuộc về một dân đã được dâng cho Đức Giê-hô-va, nhưng ngài vẫn trình diện để làm theo ý muốn của Cha.
5, 6. (a) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi Chúa Giê-su báp-têm? (b) Hãy nêu minh họa cho thấy Đức Giê-hô-va hài lòng khi chúng ta dâng đời sống cho ngài, dù mọi thứ đã thuộc về ngài.
5 Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi Chúa Giê-su báp-têm? Kinh Thánh cho biết: “Sau khi chịu phép báp-têm, Chúa Giê-su liền lên khỏi mặt nước; kìa, các tầng trời mở ra, và Giăng thấy thần khí Đức Chúa Trời xuống như chim bồ câu và ngự trên Chúa Giê-su. Kìa! Cũng có tiếng từ trời phán rằng: ‘Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng’” (Mat 3:16, 17). Dù Chúa Giê-su đã thuộc về ngài, nhưng Đức Giê-hô-va rất hài lòng khi thấy Con ngài sẵn sàng đặt ý muốn của ngài trên hết. Tương tự, Đức Giê-hô-va hài lòng khi thấy chúng ta dâng đời sống cho ngài, và sẽ ban phước cho chúng ta.—Thi 149:4.
6 Để minh họa, hãy hình dung một người cha trồng nhiều loại hoa trong vườn. Ngày nọ, con gái nhỏ của ông hái một bông hoa ở đó và tặng ông. Chẳng phải bông hoa ấy đã thuộc về ông rồi sao? Làm sao cô bé có thể tặng cha mình một điều đã thuộc về cha? Một người cha yêu thương sẽ không nghĩ như thế. Thay vì vậy, ông sẽ vui lòng đón nhận món quà, vì đó là dấu hiệu cho thấy con gái yêu thương ông. Chắc chắn, ông quý bông hoa ấy hơn mọi bông hoa khác trong vườn. Đức Giê-hô-va cũng rất hài lòng khi chúng ta sẵn sàng dâng đời sống cho ngài.—Xuất 34:14.
7. Ma-la-chi 3:16 cho biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những người sẵn lòng phụng sự ngài?
7 Đọc Ma-la-chi 3:16. Nếu anh chị chưa dâng mình và báp-têm, hãy xem tại sao việc thực hiện bước này rất quan trọng. Như bao người khác, anh chị đã thuộc về Đức Giê-hô-va kể từ giây phút anh chị hình thành trong lòng mẹ. Dù thế, Đức Giê-hô-va sẽ vui mừng biết bao khi anh chị công nhận quyền tối thượng của ngài qua việc dâng mình và làm theo ý muốn ngài (Châm 23:15). Ngài biết những người sẵn lòng phụng sự ngài và viết tên của họ trong “cuốn sách để kỷ niệm”.
8, 9. Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi những người được viết tên trong “cuốn sách để kỷ niệm”?
8 Nếu muốn tên của mình được lưu lại trong “cuốn sách để kỷ niệm”, chúng ta phải làm một số điều. Ma-la-chi nói rằng chúng ta phải “kính sợ Đức Giê-hô-va và ngẫm nghĩ về danh ngài”. Ngoài Đức Giê-hô-va, nếu chúng ta thờ bất cứ ai hay điều gì thì tên của mình sẽ bị xóa khỏi sách sự sống của ngài.—9 Vì thế, việc dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va không chỉ là long trọng hứa làm theo ý muốn ngài và báp-têm trong nước. Những hành động đó sẽ nhanh chóng thuộc về quá khứ. Để đứng về phía Đức Giê-hô-va với tư cách là dân ngài, chúng ta cần tiếp tục vâng lời trong cả hiện tại lẫn tương lai. Bao lâu còn sống, bấy lâu chúng ta phải vâng lời Đức Giê-hô-va.—1 Phi 4:1, 2.
BÁC BỎ NHỮNG HAM MUỐN CỦA THẾ GIAN
10. Những người hầu việc Đức Giê-hô-va phải có sự khác biệt rõ ràng nào với những người không hầu việc ngài?
10 Trong bài trước, chúng ta đã xem xét lời tường thuật về Ca-in, Sa-lô-môn và dân Y-sơ-ra-ên. Họ nhận mình thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng không trung thành với ngài. Các trường hợp này rõ ràng cho thấy những người thật sự thuộc về Đức Giê-hô-va phải quyết tâm đứng về phía sự công chính và kháng cự sự gian ác (Rô 12:9). Vì thế, điều thích hợp là sau khi Ma-la-chi đề cập đến “cuốn sách để kỷ niệm”, Đức Giê-hô-va nói rằng sẽ có “sự khác biệt giữa người công chính và kẻ gian ác, giữa người hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc ngài”.—Mal 3:18.
11. Tại sao lòng sùng kính chuyên độc của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va phải được thấy rõ?
11 Một cách khác để tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã chọn chúng ta làm dân ngài là tiến bộ về thiêng liêng đến mức ‘mọi người thấy rõ’ (1 Ti 4:15; Mat 5:16). Hãy tự hỏi: “Người khác có thấy mình hoàn toàn trung thành với Đức Giê-hô-va không? Mình có tìm cơ hội để cho người khác biết mình là Nhân Chứng không?”. Đức Giê-hô-va đã chọn chúng ta làm dân ngài. Vì thế, ngài sẽ rất buồn nếu chúng ta do dự cho người khác biết mình thuộc về ngài.—Thi 119:46; đọc Mác 8:38.
12, 13. Một số người đã làm gì khiến người khác khó nhận ra họ là Nhân Chứng?
12 Đáng buồn là một số người đã bắt chước “tinh thần của thế gian”. Hậu quả là họ không còn hoàn toàn khác biệt với những người không hầu việc Đức Chúa Trời (1 Cô 2:12). “Tinh thần của thế gian” khiến người ta chú tâm vào “các ham muốn của xác thịt” (Ê-phê 2:3). Chẳng hạn, dù chúng ta đã nhận nhiều lời khuyên về ngoại diện, nhưng một số người vẫn thích những cách ăn mặc thiếu khiêm tốn. Họ mặc những loại quần áo quá chật hoặc hở hang, ngay cả khi tham dự nhóm họp. Hoặc họ để những kiểu tóc gây phản cảm (1 Ti 2:9, 10). Vì thế, khi họ ở giữa một đám đông, có lẽ người khác không biết rõ họ thuộc về Đức Giê-hô-va hay “làm bạn với thế gian”.—Gia 4:4.
13 Một số Nhân Chứng không kiên quyết bác bỏ hạnh kiểm của thế gian qua những cách khác. Chẳng hạn, tại các bữa tiệc, họ có một số điệu nhảy và cách cư xử không thích hợp với tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Trên mạng xã hội, họ đăng ảnh của mình và những bình luận phản ánh tinh thần thế gian. Có lẽ họ đã không bị sửa trị trong hội thánh vì không phạm tội trọng, nhưng họ có thể gây ảnh hưởng xấu đến những anh chị đang cố gắng giữ hạnh kiểm tốt trong vòng dân Đức Giê-hô-va.—Đọc 1 Phi-e-rơ 2:11, 12.
14. Chúng ta phải làm gì để bảo vệ tình bạn quý báu với Đức Giê-hô-va?
14 Thế gian không ngừng cổ vũ “sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt và sự phô trương của cải” (1 Giăng 2:16). Vì thuộc về Đức Giê-hô-va, chúng ta được khuyên hãy “bác bỏ sự không tin kính cùng những ham muốn của thế gian, để sống có suy xét, đi theo đường lối công chính và thể hiện lòng sùng kính giữa thế gian này” (Tít 2:12). Mọi điều trong đời sống của chúng ta, chẳng hạn cách nói năng, ngoại diện, thói quen ăn uống và thái độ làm việc, nên cho người khác thấy mình dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:31, 32.
“HÃY THA THIẾT YÊU THƯƠNG NHAU”
15. Tại sao chúng ta nên đối xử với anh em đồng đạo một cách nhân từ và yêu thương?
15 Chúng ta tỏ lòng biết ơn về tình bạn với Đức Giê-hô-va qua cách đối xử với anh em đồng đạo. Họ cũng thuộc về Đức Giê-hô-va. Nếu ghi nhớ điều đó, chúng ta sẽ luôn đối xử với anh em một cách nhân từ và yêu thương (1 Tê 5:15). Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em”.—Giăng 13:35.
16. Làm thế nào Luật pháp Môi-se giúp chúng ta thấy Đức Giê-hô-va giữ gìn và bảo vệ dân ngài?
16 Để biết chúng ta nên đối xử thế nào với anh em đồng đạo, hãy xem một quy định trong Luật pháp Môi-se. Những vật dụng trong đền thờ của Đức Giê-hô-va được biệt riêng, tức chỉ dành cho sự thờ phượng thanh sạch. Luật pháp Môi-se ghi lại chi tiết cách dùng những vật dụng này, và ai vi phạm sẽ bị diệt trừ (Dân 1:50, 51). Nếu Đức Giê-hô-va giữ gìn những vật dụng vô tri được dùng trong việc thờ phượng, thì ngài còn giữ gìn và bảo vệ những người thờ phượng ngài nhiều hơn biết bao! Đức Giê-hô-va phán với dân ngài: “Ai đụng đến các con tức là đụng đến con ngươi mắt ta”.—Xa 2:8.
17. Đức Giê-hô-va “để ý và lắng nghe” điều gì?
17 Ma-la-chi nói rằng Đức Giê-hô-va “để ý và lắng nghe” khi dân ngài đối xử với nhau (Mal 3:16). Thật vậy, Đức Giê-hô-va “biết những người thuộc về ngài” (2 Ti 2:19). Ngài biết rõ mọi điều chúng ta nói và làm (Hê 4:13). Khi chúng ta đối xử thiếu tử tế với anh em đồng đạo, Đức Giê-hô-va “để ý và lắng nghe”. Khi chúng ta tỏ lòng hiếu khách, rộng rãi, tha thứ và tử tế với nhau, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va cũng thấy những điều đó.—Hê 13:16; 1 Phi 4:8, 9.
“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ KHÔNG LÌA DÂN NGÀI”
18. Làm thế nào chúng ta tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về đặc ân làm dân ngài?
18 Chắc chắn, chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về đặc ân làm dân ngài. Chúng ta biết dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va là sự lựa chọn khôn ngoan nhất. Dù đang sống “giữa một thế hệ gian xảo và đồi bại”, chúng ta muốn cho người khác thấy mình “không chỗ trách được và trong sạch,... chiếu sáng như những ngọn đèn trong thế gian” (Phi-líp 2:15). Chúng ta kiên quyết kháng cự điều xấu (Gia 4:7). Chúng ta yêu thương và tôn trọng anh em đồng đạo vì họ cũng thuộc về Đức Giê-hô-va.—Rô 12:10.
19. Đức Giê-hô-va ban thưởng cho những người thuộc về ngài như thế nào?
19 Kinh Thánh hứa: “Đức Giê-hô-va sẽ không lìa dân ngài” (Thi 94:14). Lời bảo đảm vững chắc này cho thấy dù chuyện gì xảy ra, Đức Giê-hô-va vẫn luôn ở bên chúng ta. Ngay cả sự chết cũng không thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của ngài (Rô 8:38, 39). Nếu chúng ta “sống là sống cho Đức Giê-hô-va, và nếu chúng ta chết là chết cho Đức Giê-hô-va. Thế nên, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Đức Giê-hô-va” (Rô 14:8). Chúng ta trông mong ngày mà Đức Giê-hô-va sẽ làm cho những người bạn trung thành của ngài được sống lại (Mat 22:32). Thậm chí ngay bây giờ, chúng ta cũng nhận được nhiều ân phước. Kinh Thánh nói thật đúng: “Hạnh phúc thay nước nào có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời, dân nào được ngài chọn làm sản nghiệp!”.—Thi 33:12.