Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết’

‘Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết’

‘Sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng của anh em’.—PHI-LÍP 4:7.

BÀI HÁT: 76, 141

1, 2. Những sự kiện nào ở thành Phi-líp dẫn đến việc Phao-lô và Si-la bị bỏ tù? (Xem hình nơi đầu bài).

Lúc đó khoảng nửa đêm. Hai giáo sĩ là Phao-lô và Si-la đang ngồi tù, ở phòng sâu nhất của nhà tù tại thành Phi-líp. Chân họ bị siết chặt bởi gông cùm, và lưng còn đau nhức bởi những trận đòn mới đây (Công 16:23, 24). Mọi chuyện xảy ra thật nhanh chóng! Chưa được cảnh báo gì hết, họ đã bị đám đông lôi đến chợ để đứng trước một phiên tòa được triệu tập gấp gáp. Quần áo của hai người bị xé rách tả tơi, và họ bị người ta phạt trượng một cách tàn nhẫn (Công 16:16-22). Thật bất công! Phao-lô, một công dân La Mã, xứng đáng được xét xử tại phiên tòa quang minh chính đại. *

2 Khi ngồi trong bóng tối, Phao-lô suy ngẫm về những sự kiện xảy ra trong ngày. Ông nghĩ về dân thành Phi-líp. Họ thậm chí không có nhà hội của người Do Thái trong thành, khác với nhiều thành mà Phao-lô đã viếng thăm. Thật ra, các tín đồ Do Thái giáo còn phải nhóm lại ở ngoài cổng thành, bên cạnh một con sông (Công 16:13, 14). Có phải vì không có đến mười người nam Do Thái ở trong thành, là con số đủ để được phép thành lập một nhà hội? Rõ ràng, dân thành Phi-líp rất tự hào mình là công dân La Mã, cho dù đó chỉ là một loại công dân bị xem là thấp kém hơn (Công 16:21). Có phải vì thế mà họ thậm chí không nghĩ những người Do Thái như Phao-lô và Si-la lại có thể là công dân La Mã? Dù trường hợp nào đi nữa, hai người đang ở đây, bị cầm tù một cách bất công.

3. Tại sao có lẽ Phao-lô bối rối về việc mình bị bỏ tù, nhưng ông có thái độ nào?

3 Có lẽ Phao-lô cũng nghĩ đến những sự kiện đã xảy ra vài tháng trước. Lúc ấy ông đang ở bên kia biển Aegean, thuộc Tiểu Á. Khi Phao-lô đang ở đó, thần khí thánh nhiều lần ngăn cản ông rao giảng tại một số nơi. Như thể thần khí thánh đang đẩy ông đến một nơi khác (Công 16:6, 7). Nhưng là nơi nào? Câu trả lời nằm trong khải tượng ông nhận được ở Trô-ách. Phao-lô được mời: “Xin qua Ma-xê-đô-ni-a”. Trước dấu hiệu rõ ràng về ý muốn của Đức Giê-hô-va, Phao-lô liền chấp nhận lời mời. (Đọc Công vụ 16:8-10). Nhưng điều gì xảy ra sau đó? Không lâu sau khi đến Ma-xê-đô-ni-a, ông bị bỏ tù! Tại sao Đức Giê-hô-va để cho chuyện này xảy ra với Phao-lô? Ông sẽ phải ngồi tù bao lâu? Cho dù những câu hỏi ấy đè nặng tâm trí Phao-lô, ông không để chúng làm xói mòn đức tin và niềm vui của mình. Cả ông và Si-la đều bắt đầu “cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời” (Công 16:25). Lòng và trí họ được xoa dịu bởi sự bình an của ngài.

4, 5. (a) Hoàn cảnh của chúng ta có thể tương tự với hoàn cảnh của Phao-lô như thế nào? (b) Hoàn cảnh của Phao-lô bất ngờ thay đổi ra sao?

4 Như Phao-lô, có thể có những lúc trong đời, anh chị cảm thấy mình đang làm theo sự dẫn dắt của thần khí thánh, nhưng rồi sự việc không xảy ra theo cách mình mong đợi. Anh chị phải đối mặt với thử thách, hoặc rơi vào hoàn cảnh mới đòi hỏi mình phải thực hiện những thay đổi rất lớn trong đời (Truyền 9:11). Khi nhìn lại, có lẽ anh chị thắc mắc tại sao Đức Giê-hô-va để cho những chuyện như thế xảy ra. Nếu vậy, điều gì có thể giúp anh chị tiếp tục chịu đựng với lòng tin cậy tuyệt đối nơi ngài? Để biết câu trả lời, chúng ta hãy trở lại với lời tường thuật về Phao-lô và Si-la.

5 Khi Phao-lô và Si-la hát ngợi khen Đức Chúa Trời, một loạt sự kiện hoàn toàn bất ngờ xảy ra. Thình lình có cơn động đất rất lớn, các cửa tù mở toang và xiềng xích của mọi tù nhân bung ra hết. Phao-lô ngăn cản viên cai tù tự sát. Viên cai tù cùng cả nhà chịu phép báp-têm. Đến sáng, các quan tư pháp của thành sai cận vệ đi thả Phao-lô và Si-la. Họ bảo Phao-lô và Si-la rời khỏi thành một cách bình an. Sau đó, khi biết Phao-lô và Si-la là công dân La Mã, các quan tư pháp thấy mình đã làm điều dại dột nên đích thân đến đưa hai người ra. Nhưng Phao-lô và Si-la yêu cầu trước tiên được gặp Ly-đi, một chị mới báp-têm, để nói lời tạm biệt. Ngoài ra, họ còn tận dụng cơ hội này để củng cố anh em (Công 16:26-40). Mọi chuyện thay đổi thật nhanh chóng!

“ĐIỀU VƯỢT QUÁ MỌI SỰ HIỂU BIẾT”

6. Giờ đây, chúng ta sẽ cùng thảo luận và ôn lại điều gì?

6 Chúng ta học được gì từ những sự kiện ấy? Đức Giê-hô-va có thể khiến một điều bất ngờ xảy ra, vì thế chúng ta không cần lo lắng khi gặp thử thách. Chắc chắn, bài học đó để lại ấn tượng khó phai trong Phao-lô, như được thấy qua những lời mà sau này ông viết cho anh em ở Phi-líp về sự lo lắng và sự bình an của Đức Chúa Trời. Trước tiên, hãy thảo luận những lời của Phao-lô được ghi nơi Phi-líp 4:6, 7. (Đọc). Sau đó, chúng ta sẽ ôn lại một số trường hợp khác trong Kinh Thánh cho thấy cách Đức Giê-hô-va khiến một điều bất ngờ xảy ra. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào “sự bình an của Đức Chúa Trời” có thể giúp chúng ta chịu đựng với lòng tin cậy tuyệt đối nơi ngài.

7. Sau này khi viết cho anh em ở Phi-líp, Phao-lô nhấn mạnh bài học nào, và chúng ta học được gì từ những lời của ông?

7 Chắc chắn, khi anh em ở Phi-líp đọc thư của Phao-lô, họ nhớ đến điều đã xảy ra cho ông và ai cũng bất ngờ trước cách Đức Giê-hô-va hành động. Phao-lô dạy họ bài học nào? Về cơ bản là: Đừng lo lắng. Hãy cầu nguyện, rồi anh em sẽ nhận được sự bình an của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy lưu ý rằng “sự bình an của Đức Chúa Trời... vượt quá mọi sự hiểu biết”. Điều đó có nghĩa gì? Một số dịch giả dịch cụm từ này là “vượt quá mọi giấc mơ của chúng ta” hoặc “vượt khỏi mọi dự tính của con người”. Như thể Phao-lô nói rằng “sự bình an của Đức Chúa Trời” tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng. Vì thế, dù theo quan điểm của con người, có thể chúng ta không thấy lối thoát của vấn đề mình gặp nhưng Đức Giê-hô-va thì thấy, và ngài có thể khiến một điều bất ngờ xảy ra.—Đọc 2 Phi-e-rơ 2:9.

8, 9. (a) Dù Phao-lô bị đối xử bất công ở Phi-líp nhưng điều đó mang lại kết quả nào? (b) Tại sao anh em ở Phi-líp có thể tin cậy lời của Phao-lô?

8 Nhìn lại mười năm kể từ khi những biến cố ấy xảy ra, hẳn anh em ở Phi-líp được khích lệ. Lời Phao-lô viết thật đúng. Dù Đức Giê-hô-va để cho sự bất công ấy xảy ra, nhưng điều đó cuối cùng đã giúp “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa quyền rao giảng tin mừng” (Phi-líp 1:7). Các quan tư pháp của thành sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi làm bất cứ điều gì chống lại hội thánh đạo Đấng Ki-tô mới được thành lập trong thành. Có lẽ vì các hành động của Phao-lô, mà người bạn đồng hành của ông là thầy thuốc Lu-ca đã có thể ở lại Phi-líp sau khi Phao-lô và Si-la rời khỏi. Nhờ thế, Lu-ca có thể giúp thêm cho các tín đồ mới trong thành.

9 Thật vậy, khi anh em ở Phi-líp đọc thư của Phao-lô, họ biết đó không phải là lời của một học giả ngồi làm việc bàn giấy. Phao-lô đã trải qua những thử thách đầy cam go; dù vậy, ông cho thấy mình có “sự bình an của Đức Chúa Trời”. Thật thế, khi Phao-lô viết lá thư ấy, ông đang bị quản thúc ở Rô-ma. Nhưng ông vẫn cho thấy “sự bình an của Đức Chúa Trời” ở cùng ông.—Phi-líp 1:12-14; 4:7, 11, 22.

“ĐỪNG LO LẮNG BẤT CỨ ĐIỀU GÌ”

10, 11. Chúng ta cần làm gì khi quá lo lắng về một vấn đề, và chúng ta có thể mong đợi điều gì?

10 Điều gì có thể giúp chúng ta không lo lắng về bất cứ chuyện gì và cảm nghiệm được “sự bình an của Đức Chúa Trời”? Những lời Phao-lô viết cho anh em ở Phi-líp cho thấy phương thuốc giải tỏa nỗi lo lắng là cầu nguyện. Vì thế khi lo lắng, chúng ta cần cầu nguyện. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:6, 7). Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, hãy tin chắc rằng ngài quan tâm đến anh chị. Hãy dâng lời “tạ ơn” về những ân phước mình nhận được. Niềm tin của chúng ta nơi ngài sẽ được củng cố khi nhớ rằng ngài có thể “làm nhiều hơn gấp bội mọi điều chúng ta cầu xin hay tưởng tượng”.—Ê-phê 3:20.

11 Như trong trường hợp của Phao-lô và Si-la ở Phi-líp, chúng ta có thể ngạc nhiên trước những gì Đức Giê-hô-va làm cho mình. Có thể đó không phải là điều ly kỳ nhưng sẽ luôn là điều chúng ta cần (1 Cô 10:13). Dĩ nhiên, chúng ta không khoanh tay ngồi nhìn mà chẳng làm gì cả, chỉ chờ đợi Đức Giê-hô-va chỉnh đốn tình hình hay giải quyết vấn đề. Chúng ta cần hành động phù hợp với lời cầu nguyện của mình (Rô 12:11). Qua hành động, chúng ta chứng tỏ mình là người thành thật và cho Đức Giê-hô-va cơ hội để ban phước. Nhưng chúng ta cũng cần nhận ra rằng Đức Giê-hô-va không bị giới hạn bởi lời khẩn cầu, dự tính và mong đợi của chúng ta. Đôi khi, ngài làm chúng ta ngạc nhiên bằng cách khiến một điều bất ngờ xảy ra. Hãy xem xét một số lời tường thuật trong Kinh Thánh giúp chúng ta càng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có khả năng khiến một điều bất ngờ xảy ra vì lợi ích của chúng ta.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP CHO THẤY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHIẾN MỘT ĐIỀU BẤT NGỜ XẢY RA

12. (a) Vua Ê-xê-chia đã làm gì khi bị vua San-chê-ríp của A-si-ri đe dọa? (b) Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va giải quyết vấn đề?

12 Khi học Kinh Thánh, nhiều lần chúng ta thấy những trường hợp mà Đức Giê-hô-va khiến một điều bất ngờ xảy ra. Vua Ê-xê-chia sống vào thời điểm mà vua San-chê-ríp của A-si-ri xâm lược Giu-đa và đã chiếm được mọi thành kiên cố, ngoại trừ Giê-ru-sa-lem (2 Vua 18:1-3, 13). Sau đó, San-chê-ríp quay sang Giê-ru-sa-lem. Vua Ê-xê-chia đã làm gì khi đối mặt với mối đe dọa gần kề này? Ông đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và đến gặp nhà tiên tri của ngài là Ê-sai để xin lời khuyên (2 Vua 19:5, 15-20). Ê-xê-chia cũng cố gắng cho thấy tính phải lẽ qua việc nộp khoản cống nạp mà San-chê-ríp đòi hỏi (2 Vua 18:14, 15). Với thời gian, Ê-xê-chia làm một số việc để chuẩn bị cho giai đoạn bị vây hãm lâu dài (2 Sử 32:2-4). Nhưng tình hình được giải quyết như thế nào? Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ xuống hủy diệt 185.000 quân của San-chê-ríp trong một đêm. Thật vậy, ngay cả Ê-xê-chia cũng bất ngờ trước điều xảy ra!—2 Vua 19:35.

Chúng ta học được gì từ điều xảy ra với Giô-sép?—Sáng 41:42 (Xem đoạn 13)

13. (a) Chúng ta học được gì từ điều xảy ra với Giô-sép? (b) Điều bất ngờ nào đã xảy ra với vợ của Áp-ra-ham là Sa-ra?

13 Hãy xem xét trường hợp của chàng trai trẻ Giô-sép, con trai Gia-cốp. Trong khi ngồi tù tại Ai Cập, Giô-sép có biết là ông sẽ được đưa lên vị trí cao thứ hai trong xứ, hay sẽ được Đức Giê-hô-va dùng để cứu gia đình khỏi nạn đói không? (Sáng 40:15; 41:39-43; 50:20). Chắc chắn, hành động của Đức Giê-hô-va vượt quá mọi sự mong đợi của Giô-sép. Cũng hãy nghĩ đến trường hợp của cố nội Giô-sép là Sa-ra. Bà Sa-ra cao tuổi có mong đợi rằng Đức Giê-hô-va sẽ cho bà sinh một con trai, thay vì nhận con của đầy tớ gái làm con mình không? Việc Y-sác được sinh ra chắc chắn ngoài sức tưởng tượng của Sa-ra.—Sáng 21:1-3, 6, 7.

14. Chúng ta có niềm tin nào nơi Đức Giê-hô-va?

14 Đành rằng, chúng ta không mong đợi Đức Giê-hô-va sẽ làm cho mọi vấn đề của chúng ta biến mất một cách mầu nhiệm trước khi thế giới mới đến, và cũng không đòi hỏi phải có điều ly kỳ xảy ra trong đời mình. Nhưng chúng ta biết rằng đấng giúp các tôi tớ ngài theo những cách đáng kinh ngạc chính là Đức Chúa Trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va. (Đọc Ê-sai 43:10-13). Niềm tin chắc ấy giúp chúng ta có đức tin nơi ngài. Chúng ta tin rằng ngài có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp chúng ta thực hiện ý muốn của ngài một cách trọn vẹn (2 Cô 4:7-9). Chúng ta học được gì từ những lời tường thuật ấy? Trường hợp của Ê-xê-chia, Giô-sép và Sa-ra cho thấy Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta làm được những điều tưởng chừng không thể, nếu chúng ta giữ lòng trung thành với ngài.

Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta làm được những điều tưởng chừng không thể, nếu chúng ta giữ lòng trung thành với ngài

15. Làm thế nào chúng ta giữ được “sự bình an của Đức Chúa Trời”, và nhờ đâu có được điều đó?

15 Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với thử thách mà vẫn giữ được “sự bình an của Đức Chúa Trời”? Đó là duy trì mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời chúng ta, Đức Giê-hô-va. Mối quan hệ như thế chỉ có được “qua Đấng Ki-tô Giê-su”, đấng đã hy sinh mạng sống làm giá chuộc. Sự cung cấp giá chuộc là một hành động kinh ngạc khác của Cha trên trời. Đức Giê-hô-va dùng giá chuộc để che lấp tội lỗi của chúng ta, giúp chúng ta có lương tâm trong sạch và đến gần ngài.—Giăng 14:6; Gia 4:8; 1 Phi 3:21.

BẢO VỆ LÒNG VÀ TRÍ CỦA CHÚNG TA

16. Kết quả là gì khi chúng ta có “sự bình an của Đức Chúa Trời”? Hãy minh họa.

16 Kết quả là gì khi chúng ta nhận được “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết”? Kinh Thánh trả lời bằng cách nói rằng sự bình an ấy ‘sẽ bảo vệ lòng và trí của chúng ta qua Đấng Ki-tô Giê-su’ (Phi-líp 4:7). Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “bảo vệ” được dùng cho quân đội. Từ ấy nói đến nhóm lính được giao nhiệm vụ bảo vệ một thành kiên cố vào thời xưa. Phi-líp là một thành như thế. Cư dân của thành Phi-líp ngủ ngon vào ban đêm vì biết rằng có lính bảo vệ ở các cổng thành. Tương tự, khi có “sự bình an của Đức Chúa Trời”, lòng và trí chúng ta được thanh thản. Chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va chăm sóc chúng ta và muốn chúng ta thành công (1 Phi 5:10). Khi biết điều này, chúng ta được bảo vệ để không bị chìm ngập trong nỗi lo lắng hay sự nản lòng.

17. Điều gì sẽ giúp chúng ta hướng đến tương lai với niềm tin chắc?

17 Chẳng bao lâu nữa, nhân loại sẽ đối mặt với hoạn nạn lớn nhất mà sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nữa (Mat 24:21, 22). Chúng ta không biết mọi chi tiết về điều sẽ xảy ra với mỗi người. Nhưng chúng ta không cần phải kiệt sức vì lo lắng. Cho dù không biết mọi điều Đức Giê-hô-va sẽ làm, nhưng chúng ta biết Đức Chúa Trời của mình. Qua cách ngài xử lý vấn đề trong quá khứ, chúng ta thấy rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, Đức Giê-hô-va sẽ luôn thực hiện ý định của ngài, và đôi lúc ngài còn làm thế một cách bất ngờ. Mỗi lần Đức Giê-hô-va làm vậy cho chúng ta, chúng ta lại cảm nghiệm theo một cách mới về “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết”.

^ đ. 1 Hẳn Si-la cũng là công dân La Mã.—Công 16:37.