Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Có phước khi được làm việc với các anh thiêng liêng tính

Có phước khi được làm việc với các anh thiêng liêng tính

Vào giữa thập niên 1930, cha mẹ tôi là James và Jessie Sinclair chuyển đến Bronx, một khu thuộc thành phố New York. Một trong những người mà họ mới quen là Willie Sneddon, cũng đến từ Scotland. Trong vài phút gặp gỡ đầu tiên, ba người nói chuyện với nhau về gia đình. Đó là vài năm trước khi tôi được sinh ra.

Mẹ tôi đã nói với bác Willie rằng không lâu trước cuộc Đại Chiến, cha và anh trai của bà bị chết đuối khi tàu đánh cá của họ va phải mìn ở Biển Bắc. Bác Willie đáp: “Cha của chị ở trong hỏa ngục!”. * Bác Willie là một Nhân Chứng Giê-hô-va, và bác ấy đã giới thiệu chân lý Kinh Thánh cho mẹ tôi theo cách sốc như vậy.

Anh chị Willie và Liz Sneddon

Điều mà bác Willie nói khiến mẹ tôi buồn vì bà biết cha mình là một người tốt. Nhưng bác Willie nói thêm: “Nếu tôi bảo chị rằng Chúa Giê-su đã xuống hỏa ngục thì chị đỡ buồn hơn không?”. Mẹ tôi nhớ lại một tín điều của giáo hội từng nói rằng Chúa Giê-su xuống hỏa ngục và được sống lại vào ngày thứ ba. Vì thế, bà thắc mắc: “Nếu hỏa ngục là nơi hành hạ kẻ ác, vậy tại sao Chúa Giê-su lại xuống đó?”. Chính điều ấy khiến mẹ tôi chú ý đến chân lý. Bà bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp tại hội thánh Bronx và báp-têm năm 1940.

Với mẹ tôi, và sau này với cha tôi

Vào thời đó, các bậc cha mẹ tín đồ không được khuyến khích rõ ràng là phải học Kinh Thánh với con họ. Khi tôi chập chững biết đi, cha đã chăm sóc tôi lúc mẹ đi nhóm họp và tham gia thánh chức vào cuối tuần. Vài năm sau, cha con tôi bắt đầu tham dự nhóm họp cùng mẹ. Bà rất tích cực rao giảng tin mừng và điều khiển nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh với người chú ý. Có một thời gian bà nhóm một số học viên lại để học chung, vì các học viên ấy sống khá gần nhau. Tôi tham gia thánh chức với mẹ trong kỳ nghỉ hè. Bằng cách đó, tôi học được nhiều điều về Kinh Thánh và cách dạy Kinh Thánh cho người khác.

Tôi thấy tiếc khi phải nói rằng lúc nhỏ, tôi không thật sự xem trọng chân lý. Nhưng khi độ 12 tuổi, tôi trở thành người công bố Nước Trời và kể từ đó, tôi đều đặn làm thánh chức. Khi 16 tuổi, tôi dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va, báp-têm ngày 24-7-1954, tại hội nghị ở Toronto, Canada.

PHỤNG SỰ TẠI BÊ-TÊN

Lúc bấy giờ, một số anh trong hội thánh chúng tôi là, hoặc từng là, thành viên của gia đình Bê-tên. Họ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi. Tôi rất ấn tượng trước khả năng trình bày và giải thích những sự thật Kinh Thánh của họ. Dù giáo viên trong trường muốn tôi học lên đại học, nhưng mục tiêu của tôi là vào Bê-tên. Vì thế, tôi đã nộp đơn vào Bê-tên tại hội nghị đó ở Toronto. Tôi lại nộp đơn lần nữa tại hội nghị ở sân vận động Yankee, thành phố New York vào năm 1955. Không lâu sau, khi 17 tuổi, tôi được mời phụng sự tại Bê-tên Brooklyn vào ngày 19-9-1955. Ngày thứ hai trong Bê-tên, tôi bắt đầu làm việc tại xưởng đóng sách ở 117 đường Adams. Tôi sớm được vận hành máy thu trang giấy, là máy tổng hợp các phần 32 trang của sách để sẵn sàng cho việc may thành quyển.

Ở tuổi 17, tôi bắt đầu phụng sự tại Bê-tên Brooklyn

Sau khoảng một tháng trong xưởng đóng sách, tôi được chuyển đến Ban Tạp chí vì tôi biết đánh máy. Thời đó, các anh chị đánh địa chỉ trên khuôn chữ bằng kẽm cho những người mới đặt Tháp Canh Tỉnh Thức! dài hạn. Vài tháng sau, tôi làm việc trong Ban Vận chuyển. Anh Klaus Jensen, giám thị ban, hỏi tôi có sẵn sàng đi cùng anh tài xế chở những thùng ấn phẩm bằng xe tải đến các cảng để chuyển đi khắp thế giới không. Cũng có những bao tạp chí cần được mang đến bưu điện để gửi cho các hội thánh ở khắp Hoa Kỳ. Anh Jensen nói rằng anh nghĩ công việc tay chân sẽ tốt cho tôi. Tôi chỉ nặng khoảng 57kg và gầy như que tăm. Những chuyến đến cảng và bưu điện đã giúp tôi tăng cường thể lực. Anh Jensen thật sự biết điều gì là tốt cho tôi!

Ban Tạp chí cũng đáp ứng yêu cầu của hội thánh về tạp chí. Vì thế, tôi biết đến những ngôn ngữ mà tạp chí được in tại Brooklyn và gửi tới các nơi khác trên thế giới. Dù chưa bao giờ nghe về nhiều ngôn ngữ trong số đó, nhưng tôi vui vì biết rằng hàng chục ngàn tạp chí được gửi đến những nơi xa xôi. Lúc ấy tôi không biết rằng những năm sau này tôi có đặc ân được thăm nhiều nơi trong số đó.

Với anh Robert Wallen, Charles Molohan, và Don Adams

Năm 1961, tôi được làm việc trong Văn phòng Thủ quỹ dưới sự giám sát của anh Grant Suiter. Vài năm sau đó, tôi được gọi lên văn phòng của anh Nathan Knorr, lúc ấy anh đang dẫn đầu công việc toàn cầu. Anh giải thích rằng một trong những người làm việc cùng với anh sắp tham gia Trường thánh chức Nước Trời một tháng, sau đó anh ấy sẽ làm việc trong Ban Công tác. Tôi được giao việc là thay thế anh ấy và làm cùng anh Don Adams. Thật trùng hợp vì chính anh Don nhận đơn xin vào Bê-tên của tôi tại hội nghị năm 1955. Cũng có hai anh khác là Robert Wallen và Charles Molohan cùng làm việc trong văn phòng ấy. Bốn người chúng tôi làm việc cùng nhau hơn 50 năm. Thật vui mừng khi phụng sự cùng những anh trung thành và thiêng liêng tính như thế!—Thi 133:1.

Lần đầu viếng thăm vùng tại Venezuela, năm 1970

Từ năm 1970, tôi được giao nhiệm vụ là mỗi một hoặc hai năm thì dành vài tuần đi thăm một số văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh, công việc mà lúc đó gọi là viếng thăm vùng. Việc này bao gồm thăm các gia đình Bê-tên và giáo sĩ trên khắp thế giới, khích lệ họ về thiêng liêng và xem xét sổ sách của văn phòng chi nhánh. Thật vui mừng khi được gặp một số anh chị tốt nghiệp những khóa đầu của Trường Ga-la-át, nhưng vẫn trung thành phụng sự trong nhiệm sở ở nước ngoài! Được đến thăm hơn 90 nước khi làm công việc ấy quả là đặc ân và niềm vui!

Thật vui thích khi được thăm anh em trong hơn 90 nước!

TÌM ĐƯỢC BẠN ĐỒNG HÀNH TRUNG THÀNH

Tất cả thành viên gia đình Bê-tên ở Brooklyn đều được bổ nhiệm đến các hội thánh thuộc thành phố New York. Hội thánh mà tôi được bổ nhiệm đến là ở Bronx. Hội thánh đầu tiên trong khu đó đã phát triển và được phân chia. Hội thánh ban đầu ấy được gọi là Thượng Bronx, là hội thánh tôi đã tham dự.

Vào giữa thập niên 1960, một gia đình Nhân Chứng người Latvia biết chân lý từ nam Bronx chuyển đến khu vực của hội thánh tôi. Livija, con gái lớn nhất của họ, trở thành tiên phong đều đều khi mới tốt nghiệp trung học. Vài tháng sau, cô ấy chuyển đến Massachusetts để phụng sự ở nơi cần thêm người công bố về Nước Trời. Tôi bắt đầu viết thư để cho cô ấy biết tin của hội thánh và cô ấy hồi âm để kể cho tôi nghe về kết quả trong thánh chức ở khu gần Boston.

Với Livija

Vài năm sau, Livija được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt. Vì muốn làm hết khả năng để phụng sự Đức Giê-hô-va, nên cô ấy nộp đơn vào Bê-tên và được mời năm 1971. Dường như đó là gợi ý từ Đức Giê-hô-va! Ngày 27-10-1973, chúng tôi kết hôn và rất vinh dự được anh Knorr làm bài diễn văn hôn lễ. Châm ngôn 18:22 nói: “Người tìm được vợ tốt tìm được điều tốt lành, và người hưởng ân huệ của Đức Giê-hô-va”. Vì thế, vợ chồng tôi được hưởng ân huệ khi cùng phụng sự trong Bê-tên hơn 40 năm. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ một hội thánh cũng trong khu vực của Bronx.

KỀ VAI SÁT CÁNH VỚI ANH EM CỦA ĐẤNG KI-TÔ

Được làm việc với anh Knorr thật sự là niềm vui. Anh là người làm việc không mệt mỏi vì chân lý cũng như vô cùng quý trọng và biết ơn các giáo sĩ trên khắp thế giới. Nhiều người trong số họ là Nhân Chứng đầu tiên ở những nước mà họ được bổ nhiệm. Thật buồn khi thấy anh Knorr phải chịu đựng căn bệnh ung thư vào năm 1976. Một lần khi nằm trên giường bệnh, anh bảo tôi đọc cho anh nghe một số tài liệu sẽ được in. Anh nhờ tôi gọi anh Frederick Franz đến để anh ấy cũng có thể nghe tôi đọc. Sau này, tôi khám phá ra vì anh Franz bị thị lực yếu, nên anh Knorr dành khá nhiều thời gian để đọc tài liệu cho anh ấy nghe.

Chuyến viếng thăm vùng với anh chị Daniel và Marina Sydlik năm 1977

Anh Knorr qua đời năm 1977, nhưng những ai biết và yêu mến anh được an ủi vì anh đã kết thúc đời sống trên đất một cách trung thành (Khải 2:10). Sau đó, anh Franz dẫn đầu công việc của chúng ta.

Lúc ấy, tôi đang làm thư ký cho anh Milton Henschel, người làm việc với anh Knorr trong nhiều thập niên. Anh Henschel báo rằng trách nhiệm lớn nhất tại Bê-tên của tôi bây giờ là giúp anh Franz trong bất cứ nhu cầu nào. Tôi đều đặn đọc tài liệu cho anh Franz trước khi in. Anh ấy có trí nhớ siêu phàm và khả năng kỳ diệu là có thể hoàn toàn tập trung vào những điều được nghe. Thật vui vì được giúp anh Franz theo cách đó cho đến khi anh kết thúc đời sống trên đất vào tháng 12 năm 1992!

124 Columbia Heights, nơi tôi làm việc trong hàng thập kỷ

Thời gian 61 năm tôi làm việc tại Bê-tên trôi qua nhanh. Cha mẹ tôi đều qua đời trong sự trung thành với Đức Giê-hô-va, và tôi trông mong chào đón họ khi họ sống lại trong thế giới tốt hơn nhiều (Giăng 5:28, 29). Không điều gì trong thế giới cũ này có thể sánh với đặc ân tuyệt vời là được làm việc cùng những anh chị trung thành vì lợi ích của dân Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Vợ chồng tôi có thể thành thật nói rằng trong những năm phụng sự trọn thời gian, ‘niềm vui của Đức Giê-hô-va đã là thành lũy của chúng tôi’.—Nê 8:10.

Không người nào là quá cần thiết trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, và công việc rao truyền những sự thật về Nước Trời vẫn cứ tiếp tục. Quả là niềm vui và đặc ân khi được làm việc với nhiều anh chị kiên định và trung thành trong nhiều năm! Phần lớn những người được xức dầu mà tôi từng làm việc chung không còn sống trên đất. Nhưng tôi biết ơn vì được đồng hành cùng những người trung thành và thiêng liêng như thế khi phụng sự Đức Giê-hô-va.

^ đ. 5 Sê-ôn và Ha-đe trong nguyên ngữ Kinh Thánh nói đến mồ mả chung của nhân loại. Tuy nhiên, một số bản Kinh Thánh dịch là “hỏa ngục”.