Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Lời Đức Chúa Trời có quyền lực’

‘Lời Đức Chúa Trời có quyền lực’

“Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”.—HÊ 4:12.

BÀI HÁT: 114, 113

1. Tại sao có thể tin chắc rằng Lời Đức Chúa Trời có quyền lực? (Xem hình nơi đầu bài).

Là dân Đức Giê-hô-va, chúng ta tin chắc rằng Lời ngài, tức thông điệp của ngài dành cho con người, “là lời sống, có quyền lực” (Hê 4:12). Nhiều người trong chúng ta là bằng chứng sống cho thấy Kinh Thánh có quyền lực thay đổi đời sống. Một số anh chị trước đây từng trộm cắp, nghiện ma túy hoặc sống gian dâm. Một số khác từng thành công phần nào trong thế gian này nhưng cảm thấy thiếu vắng điều gì đó trong đời sống (Truyền 2:3-11). Hết lần này đến lần khác, những người dường như lạc lối trong vô vọng đã tìm được con đường sự sống nhờ quyền lực biến đổi của Kinh Thánh. Hẳn anh chị đã đọc và vô cùng thích thú với nhiều kinh nghiệm được đăng trong Tháp Canh, qua loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống”. Anh chị cũng thấy rằng ngay cả sau khi chấp nhận chân lý, tín đồ đạo Đấng Ki-tô vẫn tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng với sự giúp đỡ của Kinh Thánh.

2. Lời Đức Chúa Trời có quyền lực ra sao vào thế kỷ thứ nhất?

2 Chúng ta có nên ngạc nhiên khi nhiều người thời nay có những thay đổi lớn nhờ tìm hiểu Lời Đức Chúa Trời không? Chắc chắn không! Những kinh nghiệm như thế nhắc chúng ta nhớ đến các anh chị vào thế kỷ thứ nhất, là những người có hy vọng lên trời. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Sau khi liệt kê nhiều loại người sẽ không được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô nói thêm: “Một số người trong anh em từng là người như thế”. Nhưng họ đã thay đổi với sự giúp đỡ của Kinh Thánh và thần khí thánh của Đức Chúa Trời. Thậm chí sau khi chấp nhận chân lý, một số anh chị đã phải vượt qua những vấn đề nghiêm trọng về thiêng liêng. Kinh Thánh đề cập đến một tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất đã phải bị khai trừ, và sau này được nhận lại (1 Cô 5:1-5; 2 Cô 2:5-8). Chẳng phải chúng ta được khích lệ khi xem xét nhiều vấn đề mà anh em đồng đạo từng gặp và vượt qua nhờ Lời Đức Chúa Trời sao?

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Vì Lời Đức Chúa Trời có quyền lực và chúng ta có trong tay sách này, nên chắc chắn chúng ta muốn sử dụng một cách tốt nhất (2 Ti 2:15). Vì thế trong bài này, hãy xem xét bằng cách nào chúng ta để cho quyền lực của Lời Đức Chúa Trời tác động nhiều hơn (1) trên đời sống mình, (2) khi tham gia thánh chức và (3) khi dạy dỗ trên bục. Những lời nhắc nhở ấy sẽ giúp chúng ta thể hiện tình yêu thương và lòng biết ơn đối với Cha trên trời yêu thương, đấng dạy chúng ta được ích.—Ê-sai 48:17.

TRÊN ĐỜI SỐNG MÌNH

4. (a) Để Lời Đức Chúa Trời tác động đến mình, chúng ta cần làm gì? (b) Anh chị sắp xếp thời gian như thế nào để đọc Kinh Thánh?

4 Để Lời Đức Chúa Trời tác động đến mình, chúng ta cần đều đặn đọc sách này, mỗi ngày nếu được (Giô-suê 1:8). Dĩ nhiên, phần lớn trong chúng ta có đời sống rất bận rộn. Dù vậy, chúng ta không thể để cho bất cứ điều gì, ngay cả những trách nhiệm chính đáng, cản trở lịch trình đọc Kinh Thánh của mình. (Đọc Ê-phê-sô 5:15, 16). Nhiều anh chị trong vòng dân Đức Giê-hô-va đã tìm ra những cách hay để dành thời gian đọc Kinh Thánh hằng ngày, dù lúc bắt đầu hoặc kết thúc một ngày, hay vào lúc nào đó trong ngày. Họ cảm thấy như người viết Thi thiên: “Con yêu luật pháp ngài biết dường nào! Suốt ngày con ngẫm nghĩ luật pháp ấy”.—Thi 119:97.

5, 6. (a) Tại sao suy ngẫm là điều quan trọng? (b) Làm thế nào để suy ngẫm một cách hiệu quả? (c) Anh chị nhận được lợi ích nào nhờ đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời?

5 Ngoài việc đọc Kinh Thánh, điều quan trọng là chúng ta cần suy ngẫm những gì mình đọc (Thi 1:1-3). Chỉ khi đó chúng ta mới có thể áp dụng tốt nhất lời khôn ngoan bất hủ trong sách ấy. Dù đọc Lời Đức Chúa Trời trên bản in hay bản điện tử, chúng ta nên có mục tiêu là để thông điệp trong đó động đến lòng và thúc đẩy mình hành động.

6 Làm thế nào để suy ngẫm một cách hiệu quả? Nhiều người thấy điều hữu ích là tạm ngừng sau khi đọc một phần Kinh Thánh, rồi xem xét những câu hỏi như: “Đoạn này cho mình biết gì về Đức Giê-hô-va? Mình đang áp dụng nguyên tắc trong đoạn này ra sao vào đời sống? Mình nên cải thiện những khía cạnh nào?”. Sau khi suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời và cầu nguyện, chúng ta sẽ được thúc đẩy để áp dụng lời khuyên trong đó một cách trọn vẹn hơn. Thật vậy, chúng ta sẽ để cho quyền lực của Kinh Thánh tác động nhiều hơn đến đời sống mình.—2 Cô 10:4, 5.

TRONG THÁNH CHỨC

7. Trong thánh chức, bằng cách nào chúng ta có thể tận dụng Kinh Thánh?

7 Điều gì có thể giúp chúng ta tận dụng Lời Đức Chúa Trời trong thánh chức? Bước đầu là thường xuyên dùng Kinh Thánh khi rao giảng và dạy dỗ. Một anh diễn tả như sau: “Nếu đi rao giảng từng nhà với Đức Giê-hô-va, anh chị sẽ nói hết hay để ngài nói?”. Ý của anh là: Trong thánh chức, khi đọc trực tiếp từ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta đang để cho Đức Giê-hô-va nói với chủ nhà. Câu Kinh Thánh khéo chọn hẳn có quyền lực hơn nhiều so với bất cứ lời nào chúng ta có thể nói (1 Tê 2:13). Hãy tự hỏi: “Mình có tìm mọi cơ hội để chia sẻ một đoạn Kinh Thánh với những người mình rao giảng tin mừng không?”.

8. Tại sao chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ đọc câu Kinh Thánh khi rao giảng?

8 Dĩ nhiên, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ đọc câu Kinh Thánh cho người mà mình bắt chuyện. Tại sao? Vì nhiều người hiểu ít hoặc không hiểu gì về Kinh Thánh. Tình trạng này có vào thế kỷ thứ nhất và ngày nay cũng vậy (Rô 10:2). Vì thế, chúng ta không nên cho rằng chỉ cần đọc câu Kinh Thánh là họ sẽ hiểu ý nghĩa. Chúng ta cần dành thời gian để chia câu Kinh Thánh ra từng phần, có lẽ đọc lại những từ then chốt và giải nghĩa. Làm thế sẽ rất hữu ích để thông điệp của Lời Đức Chúa Trời động đến lòng và trí người nghe.—Đọc Lu-ca 24:32.

9. Chúng ta có thể giới thiệu Kinh Thánh như thế nào để người nghe tôn trọng Lời Đức Chúa Trời? Hãy nêu ví dụ.

9 Chúng ta cũng nên giới thiệu các câu Kinh Thánh theo cách giúp người nghe tôn trọng Lời Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói: “Hãy xem Đấng Tạo Hóa cho biết gì về điều này”. Khi rao giảng cho người không theo Ki-tô giáo, chúng ta có thể nói: “Xin chú ý đến điều mà Thánh Thư cho biết”. Hoặc nếu rao giảng cho người có tinh thần thế tục, chúng ta có thể hỏi: “Ông/Bà từng nghe câu châm ngôn cổ xưa này chưa?”. Thật vậy, chúng ta xem mỗi người là khác nhau và điều chỉnh cách trình bày cho thích hợp.—1 Cô 9:22, 23.

10. (a) Hãy kể kinh nghiệm của một anh. (b) Anh chị đã chứng kiến Lời Đức Chúa Trời có quyền lực như thế nào trong thánh chức?

10 Nhiều người thấy việc dùng Lời Đức Chúa Trời trong thánh chức có thể tác động sâu xa đến người mình rao giảng. Hãy xem một trường hợp. Một anh đi thăm lại một bác trai lớn tuổi, người đọc tạp chí của chúng ta trong nhiều năm. Thay vì chỉ giới thiệu số Tháp Canh mới nhất, anh quyết định đọc một câu Kinh Thánh được đề cập trong số Tháp Canh ấy. Anh đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4: “Cha đầy lòng thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi thử thách”. Bác chủ nhà cảm động đến mức bảo anh đọc câu Kinh Thánh này lần nữa. Bác nói rằng vợ chồng bác rất cần sự an ủi, và hiện nay bác chú ý đến thông điệp Kinh Thánh. Chẳng phải anh chị cũng đồng ý rằng Lời Đức Chúa Trời có quyền lực trong thánh chức sao?—Công 19:20.

KHI DẠY DỖ TRÊN BỤC

11. Các anh dạy dỗ trên bục có trách nhiệm nào?

11 Tất cả chúng ta đều vui thích tham dự nhóm họp và các kỳ hội nghị. Trước hết, chúng ta tham dự những dịp ấy để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng nhận được rất nhiều lợi ích từ những chỉ dẫn thiêng liêng. Đối với các anh, có bài giảng vào những dịp ấy là đặc ân lớn. Nhưng các anh cũng ý thức rằng đó là một trọng trách (Gia 3:1). Họ phải luôn đảm bảo là điều mình dạy dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Nếu là một anh được giao nhiệm vụ dạy dỗ trên bục, làm thế nào anh để quyền lực của Kinh Thánh tác động đến bài giảng mà mình trình bày?

12. Bằng cách nào một diễn giả có thể đảm bảo Kinh Thánh là nòng cốt của bài giảng mình trình bày?

12 Hãy đảm bảo rằng Kinh Thánh là nòng cốt của bài giảng mình trình bày (Giăng 7:16). Điều này có nghĩa gì? Thứ nhất, hãy thận trọng, đừng để bất cứ điều gì như kinh nghiệm, minh họa hoặc thậm chí cách trình bày làm lu mờ các câu Kinh Thánh. Thứ hai, hãy nhớ rằng chỉ đọc các câu Kinh Thánh thôi không có nghĩa là dạy từ Lời Đức Chúa Trời. Thật ra, dùng quá nhiều câu Kinh Thánh có thể khiến người nghe không lưu lại câu nào trong trí. Vì thế, hãy chọn kỹ những câu Kinh Thánh then chốt, và dành thời gian để làm tốt các bước như đọc, giải thích, minh họa và đưa ra cách áp dụng (Nê 8:8). Khi bài giảng dựa trên dàn bài do tổ chức cung cấp, hãy nghiên cứu dàn bài và các câu Kinh Thánh được đề cập. Cố gắng hiểu mối liên hệ giữa các câu trong dàn bài và câu Kinh Thánh được viện dẫn. Sau đó, hãy dùng những câu Kinh Thánh chọn lọc để dạy các điểm trong dàn bài. (Bài 21 đến 23 của sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền đưa ra những đề nghị thực tế). Trên hết, hãy cầu xin sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để truyền tải những ý tưởng quý báu trong Lời ngài.—Đọc Ê-xơ-ra 7:10; Châm ngôn 3:13, 14.

13. (a) Một chị được tác động ra sao bởi những câu Kinh Thánh được dùng trong một buổi nhóm họp? (b) Anh chị nhận được lợi ích nào từ sự dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh tại các buổi nhóm họp?

13 Một chị ở Úc được tác động sâu sắc bởi các câu Kinh Thánh được dùng trong một buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô. Dù có tuổi thơ đầy bi kịch, chị đã hưởng ứng thông điệp Kinh Thánh và dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Tuy vậy, chị thấy khó chấp nhận rằng Đức Giê-hô-va yêu thương mình. Nhưng với thời gian, chị dần tin chắc điều đó. Điều gì giúp chị đi đến kết luận ấy? Một bước ngoặt là khi chị suy ngẫm một câu Kinh Thánh được dùng trong một buổi nhóm họp, và liên kết câu ấy với những câu Kinh Thánh khác. * Anh chị có được tác động như thế bởi Lời Đức Chúa Trời tại các buổi nhóm họp và các kỳ hội nghị không?—Nê 8:12.

14. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quý trọng Lời Đức Chúa Trời?

14 Chẳng phải chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va về Lời ngài là Kinh Thánh sao? Ngài không những yêu thương cung cấp cuốn sách ấy cho gia đình nhân loại, mà còn thực hiện lời ngài hứa là làm cho cuốn sách ấy tồn tại (1 Phi 1:24, 25). Chắc chắn, chúng ta muốn đều đặn đọc Lời Đức Chúa Trời, áp dụng trong đời sống và dùng sách này khi giúp người khác. Khi làm thế, chúng ta không những cho thấy mình yêu thích và trân trọng món quà quý ấy, mà quan trọng hơn, chúng ta còn chứng tỏ mình yêu thương và biết ơn Tác Giả của cuốn sách này là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.