Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy vun trồng tính tự chủ

Hãy vun trồng tính tự chủ

“Bông trái của thần khí là... tự chủ”.—GA 5:22, 23.

BÀI HÁT: 83, 52

1, 2. (a) Việc thiếu tự chủ có thể dẫn đến hậu quả nào? (b) Tại sao sự tự chủ là đề tài đáng quan tâm vào thời nay?

Tự chủ là một đức tính tin kính (Ga 5:22, 23). Đức Giê-hô-va có sự tự chủ hoàn hảo. Tuy nhiên, vì bất toàn nên con người phải tranh đấu để giữ sự tự chủ. Thật vậy, nhiều vấn đề mà người ta gặp phải ngày nay xuất phát từ sự thiếu tự chủ. Thiếu tự chủ có thể dẫn đến sự trì hoãn và giảm hiệu quả trong học tập và công việc. Thiếu tự chủ cũng có thể dẫn đến lời nhục mạ, say sưa, bạo lực, ly dị, nợ nần không cần thiết, nghiện ngập, tù tội, chấn thương cảm xúc, các bệnh lây qua đường tình dục, có thai ngoài ý muốn và nhiều hậu quả khác.—Thi 34:11-14.

2 Rõ ràng, những người thiếu tự chủ gây ra vấn đề cho chính mình và người khác. Tình trạng thiếu tự chủ thì ngày càng tồi tệ. Nghiên cứu vào thập niên 1940 cho thấy thời đó đã có tình trạng thiếu tự chủ, nhưng theo các nghiên cứu gần đây thì tình trạng này tăng vọt. Những người học Lời Đức Chúa Trời không ngạc nhiên về điều đó, vì Kinh Thánh báo trước rằng việc người ta “thiếu tự chủ” là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng”.—2 Ti 3:1-3.

3. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên quan tâm đến việc vun trồng tính tự chủ?

3 Tại sao anh chị nên quan tâm đến việc vun trồng tính tự chủ? Hãy xem hai lý do quan trọng. Thứ nhất, thực tế cho thấy những người có thể kiểm soát tính bốc đồng nhìn chung có ít vấn đề nghiêm trọng hơn. Họ có cảm xúc ổn định hơn, dễ tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh hơn. Họ ít tức giận và lo lắng cũng như ít trầm cảm hơn những người bốc đồng. Thứ hai, khả năng kháng cự cám dỗ và kiểm soát sự bốc đồng là điều thiết yếu để giữ được ân huệ của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ là A-đam và Ê-va phải gánh chịu hậu quả khi không làm thế (Sa 3:6). Cũng hãy nghĩ đến hậu quả đau buồn mà những người khác phải chịu khi không thể hiện đức tính quan trọng này.

4. Tại sao những ai đang tranh đấu để thể hiện tính tự chủ có thể được khích lệ?

4 Không người bất toàn nào có thể biểu lộ hoàn hảo tính tự chủ. Đức Giê-hô-va hiểu sự tranh đấu của các tôi tớ ngài trong vấn đề này, và ngài muốn giúp họ chế ngự các khuynh hướng tội lỗi (1 Vua 8:46-50). Là Bạn yêu thương, ngài nồng nhiệt khuyến khích những ai có lòng thành muốn phụng sự ngài nhưng thấy khó thể hiện tính tự chủ trong khía cạnh nào đó của đời sống. Hãy xem xét gương hoàn hảo của Đức Giê-hô-va. Sau đó, chúng ta sẽ rút ra bài học từ những gương tốt và xấu được ghi lại trong Kinh Thánh. Chúng ta cũng xem lại những đề nghị thực tế giúp mình củng cố tính tự chủ.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NÊU GƯƠNG MẪU

5, 6. Đức Giê-hô-va nêu gương mẫu nào trong việc thể hiện tính tự chủ?

5 Đức Giê-hô-va thể hiện hoàn hảo tính tự chủ, vì ngài hoàn hảo trong mọi việc ngài làm (Phục 32:4). Tuy nhiên, chúng ta là người bất toàn. Thế nên, để hiểu tính tự chủ, chúng ta cần xem xét gương mẫu của Đức Giê-hô-va hầu có thể noi theo ngài tốt hơn. Đức Giê-hô-va thể hiện tính tự chủ trong một số trường hợp đáng chú ý nào?

6 Hãy nghĩ về cách Đức Giê-hô-va thể hiện tính tự chủ khi xử lý vấn đề về sự phản nghịch trâng tráo của Sa-tan. Sự thách thức đó cần được giải quyết. Chắc chắn, sự thách thức của Ác Quỷ khiến tạo vật thần linh trung thành với Đức Chúa Trời phẫn nộ, tức giận và khinh thường hắn. Có lẽ anh chị có cảm xúc tương tự khi xem xét mọi sự đau khổ mà Sa-tan gây ra. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không phản ứng hấp tấp. Cách đáp lại của ngài là có cân nhắc và hoàn toàn phù hợp. Ngài chậm nóng giận và công bằng khi xử lý cuộc nổi loạn của Sa-tan (Xuất 34:6; Gióp 2:2-6). Tại sao? Đức Giê-hô-va để một thời gian trôi qua vì ngài không muốn bất cứ ai bị hủy diệt, nhưng “muốn mọi người đều ăn năn”.—2 Phi 3:9.

7. Chúng ta học được gì từ gương mẫu của Đức Giê-hô-va?

7 Việc Đức Giê-hô-va thể hiện tính tự chủ dạy chúng ta rằng mình cũng phải thận trọng trong lời nói và hành động; chúng ta không nên hấp tấp làm bất cứ điều gì. Khi đứng trước một vấn đề quan trọng, hãy dành thời gian cần thiết để suy nghĩ hầu hành động khôn ngoan. Hãy cầu xin sự khôn ngoan để nói hay làm điều đúng (Thi 141:3). Trong lúc căng thẳng, một người rất dễ phản ứng theo cảm xúc. Nhiều người trong chúng ta phải hối tiếc về những lời nói hoặc hành động hấp tấp!—Châm 14:29; 15:28; 19:2.

CÁC GƯƠNG TỐT VÀ XẤU TRONG VÒNG TÔI TỚ ĐỨC CHÚA TRỜI

8. (a) Chúng ta có thể tìm ở đâu những gương thể hiện các đức tính tin kính? (b) Khi bị vợ Phô-ti-pha cố dụ dỗ, điều gì giúp Giô-sép kháng cự? (Xem hình nơi đầu bài).

8 Những gương nào trong Kinh Thánh nêu bật giá trị của việc kiểm soát cách mình phản ứng? Chắc chắn anh chị nhớ một số nhân vật Kinh Thánh đã thể hiện tính tự chủ khi bị thử thách. Một trong số đó là Giô-sép, con trai của Gia-cốp. Giô-sép thể hiện tính tự chủ khi hầu việc trong nhà của Phô-ti-pha, quan chỉ huy vệ binh của Pha-ra-ôn. Vợ Phô-ti-pha để mắt đến Giô-sép, một chàng trai “cường tráng và khôi ngô”, và bà cố dụ dỗ chàng. Điều gì giúp Giô-sép không ngừng kháng cự lại việc bà liên tục tán tỉnh mình? Chắc chắn, Giô-sép dành thời gian để suy ngẫm về những hậu quả mà mình sẽ phải chịu nếu thiếu cảnh giác. Khi tình thế trở nên gay go, chàng bỏ chạy. Giô-sép lý luận: “Sao tôi có thể làm điều vô cùng xấu xa đó mà phạm tội với Đức Chúa Trời?”.—Sáng 39:6, 9; đọc Châm ngôn 1:10.

9. Anh chị có thể chuẩn bị ra sao để kháng cự cám dỗ?

9 Gương của Giô-sép dạy chúng ta điều gì? Một điều là chúng ta cần chạy trốn khỏi sự cám dỗ nào khiến mình vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Trước khi trở thành Nhân Chứng, một số anh chị đã phải đấu tranh với thói ăn uống vô độ, uống rượu quá độ, hút thuốc lá, dùng ma túy, gian dâm, v.v. Thậm chí sau khi báp-têm, có thể đôi lúc họ vẫn bị cám dỗ để trở lại những thói xấu trước đây. Nhưng nếu anh chị bị cám dỗ để vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, hãy dành thời gian suy ngẫm các hậu quả tai hại về thiêng liêng mà mình có thể phải chịu nếu ngưng kiềm chế khuynh hướng tội lỗi. Anh chị có thể cố gắng thấy trước những tình huống mà mình có thể bị cám dỗ, rồi quyết định cách mình có thể tránh (Thi 26:4, 5; Châm 22:3). Nếu anh chị gặp cám dỗ, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan và tự chủ để kháng cự.

10, 11. (a) Nhiều bạn trẻ phải đối mặt với tình huống nào tại trường? (b) Điều gì có thể giúp các tín đồ trẻ kháng cự áp lực làm chuyện sai trái?

10 Nhiều tín đồ trẻ cũng đối mặt với tình huống như Giô-sép. Hãy xem trường hợp của chị Kim. Đa số các bạn cùng lớp của chị có quan hệ tình dục, và sau một cuối tuần như thường lệ, họ khoe về những người mà gần đây họ quan hệ. Chị Kim không có gì để kể. Chị thừa nhận là sự khác biệt đôi lúc làm chị cảm thấy “bị bỏ rơi và cô đơn”, và các bạn xem chị là người ngốc nghếch vì không hẹn hò. Dù vậy, chị Kim đủ khôn ngoan để biết rằng quan hệ tình dục là cám dỗ rất lớn đối với nhiều người trẻ (2 Ti 2:22). Các bạn thường hỏi xem chị còn trong trắng không. Nhờ thế, chị có cơ hội để giải thích tại sao mình sẽ không quan hệ vô luân. Chúng ta tự hào về những tín đồ trẻ quyết tâm kháng cự áp lực quan hệ vô luân, và Đức Giê-hô-va cũng tự hào về họ!

11 Kinh Thánh ghi lại các gương cảnh báo về những người thiếu tự chủ trong vấn đề tình dục. Sách này cũng cho thấy những hậu quả đau buồn mà hành vi thiếu tự chủ ấy có thể gây ra. Nếu anh chị nào đối mặt với tình huống tương tự như chị Kim, hãy suy ngẫm về trường hợp của người trai trẻ nhẹ dạ được miêu tả nơi Châm ngôn chương 7. Cũng hãy nghĩ đến hành vi của Am-nôn và kết cục bi thảm mà hành vi ấy gây ra (2 Sa 13:1, 2, 10-15, 28-32). Các bậc cha mẹ có thể giúp con vun trồng tính tự chủ và sự khôn ngoan liên quan đến mối quan hệ lãng mạn. Họ làm thế bằng cách thảo luận với con đề tài này trong Buổi thờ phượng của gia đình, dùng các đoạn Kinh Thánh vừa được đề cập.

12. (a) Điều gì cho thấy Giô-sép kiềm chế cảm xúc khi đối xử với các anh mình? (b) Chúng ta phải kiềm chế cảm xúc trong những hoàn cảnh nào?

12 Vào một dịp khác, Giô-sép lại nêu gương tốt về việc tự chủ. Để hiểu lòng của các anh, Giô-sép đã giấu danh tính của mình trước mặt họ, khi họ đến Ai Cập để mua lương thực. Lúc cảm xúc dâng trào, ông lui vào chỗ riêng để khóc (Sa 43:30, 31; 45:1). Nếu có một anh em đồng đạo hay người thân làm điều gì đó khiến mình buồn giận, việc thể hiện tính tự chủ tương tự như Giô-sép có thể giúp anh chị tránh phản ứng hấp tấp (Châm 16:32; 17:27). Nếu có người thân bị khai trừ, anh chị cần kiểm soát cảm xúc để tránh có sự liên lạc không cần thiết với họ. Tự chủ trong những hoàn cảnh như thế không phải là phản xạ tự nhiên. Dù vậy, chúng ta sẽ dễ tự chủ hơn nếu nhớ rằng khi làm thế là mình đang noi gương Đức Chúa Trời và hành động phù hợp với lời khuyên của ngài.

13. Chúng ta học được gì từ những lời tường thuật về vua Đa-vít?

13 Kinh Thánh nói đến gương đáng chú ý của vua Đa-vít. Dù có quyền hành lớn nhưng ông không thi hành quyền trong cơn giận khi bị Sau-lơ và Si-mê-i khiêu khích (1 Sa 26:9-11; 2 Sa 16:5-10). Điều đó không có nghĩa là Đa-vít luôn kiểm soát được bản thân, như chúng ta biết về việc ông phạm tội với Bát-sê-ba và phản ứng ban đầu của ông trước sự tham lam của Na-banh (1 Sa 25:10-13; 2 Sa 11:2-4). Dù vậy, chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá từ ông. Thứ nhất, các giám thị trong vòng dân Đức Chúa Trời đặc biệt cần tự chủ để không lạm quyền. Thứ hai, không ai có thể quá tự tin mà cho rằng mình không bao giờ rơi vào cám dỗ.—1 Cô 10:12.

NHỮNG ĐIỀU THỰC TẾ ANH CHỊ CÓ THỂ LÀM

14. Một anh có trải nghiệm nào, và tại sao phản ứng của chúng ta trong tình huống tương tự là điều quan trọng?

14 Anh chị có thể làm gì để phát huy tính tự chủ? Hãy xem một tình huống có thật. Một chiếc xe tông vào đuôi xe của anh Luigi. Dù tài xế kia đã sai nhưng ông ta mắng nhiếc anh Luigi và cố tình gây hấn. Anh Luigi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình giữ bình tĩnh, và anh cố gắng làm tài xế kia dịu xuống nhưng không thành. Anh Luigi ghi lại biển số xe của tài xế đó và đi khỏi trong khi người ấy vẫn quát tháo. Một tuần sau, anh Luigi đi thăm lại một phụ nữ và biết được rằng chồng chị chính là tài xế đó! Ông ấy cảm thấy hổ thẹn và xin lỗi về lời mắng nhiếc của mình. Ông ấy tự nguyện liên lạc với công ty bảo hiểm của anh Luigi để việc bồi thường xúc tiến nhanh hơn. Ông tham gia cuộc thảo luận về thiêng liêng và quý trọng những gì được nghe. Ngẫm lại, anh Luigi thấy tầm quan trọng của việc giữ bình tĩnh khi bị đụng xe, và việc mất tự chủ có thể gây thiệt hại nào.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:3, 4.

Bình tĩnh hoặc mất tự chủ đều có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến thánh chức của chúng ta (Xem đoạn 14)

15, 16. Việc học Kinh Thánh có thể giúp anh chị và gia đình ra sao để vun trồng tính tự chủ?

15 Việc siêng năng và tận tâm học Kinh Thánh có thể giúp tín đồ đạo Đấng Ki-tô vun trồng tính tự chủ. Hãy nhớ lại những lời Đức Chúa Trời từng phán với Giô-suê: “Sách Luật pháp này đừng xa miệng con, con phải đọc nhẩm nó ngày lẫn đêm để cẩn thận vâng giữ mọi điều được viết trong sách; nhờ đó, con sẽ thành công trong đường lối mình và khôn ngoan trong các hành động mình” (Giô-suê 1:8). Việc học Kinh Thánh có thể giúp anh chị ra sao để vun trồng tính tự chủ?

16 Như chúng ta vừa xem xét, Kinh Thánh chứa đựng những lời tường thuật cho thấy rõ lợi ích của việc tự chủ và hậu quả của việc thiếu tự chủ. Đức Giê-hô-va cho ghi lại những lời tường thuật ấy là có mục đích (Rô 15:4). Thật khôn ngoan nếu đọc, suy ngẫm và nghiên cứu các lời tường thuật ấy! Cố gắng hiểu cách áp dụng cho anh chị và gia đình. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị áp dụng Lời ngài. Nếu nhận ra mình thiếu sót trong khía cạnh nào đó của sự tự chủ, hãy thừa nhận, rồi cầu nguyện về điều đó và cố gắng tìm cách cải thiện (Gia 1:5). Chắc chắn, việc nghiên cứu các ấn phẩm của đạo Đấng Ki-tô có thể giúp anh chị tìm được tài liệu trợ giúp thêm.

17. Qua những cách nào cha mẹ có thể giúp con vun trồng tính tự chủ?

17 Bằng cách nào anh chị có thể giúp con vun trồng tính tự chủ? Cha mẹ biết rằng người trẻ không tự nhiên có đức tính này. Như với mọi đức tính mà con trẻ cần học, cha mẹ nên nêu gương trong đức tính này (Ê-phê 6:4). Vì thế, nếu anh chị thấy con mình khó kiểm soát tính bốc đồng, hãy tự hỏi mình có đang nêu gương cho con không. Đừng xem nhẹ ảnh hưởng tốt của việc anh chị đều đặn tham gia thánh chức, tham dự nhóm họp và có Buổi thờ phượng của gia đình. Nếu cần, đừng sợ nói “không” trước những gì con xin! Đức Giê-hô-va đặt ra giới hạn cho A-đam và Ê-va. Những giới hạn đó có thể giúp họ khắc ghi vào lòng sự tôn trọng thích đáng đối với uy quyền của ngài. Tương tự, cha mẹ sửa dạy và nêu gương cho con với mục đích là dạy con về tính tự chủ. Một số điều quý giá nhất mà anh chị có thể vun trồng nơi con là lòng yêu mến đối với uy quyền của Đức Chúa Trời, và việc tôn trọng các tiêu chuẩn của ngài.—Đọc Châm ngôn 1:5, 7, 8.

18. Tại sao anh chị có thể tin chắc rằng bạn bè tốt là một ân phước?

18 Dù có là cha mẹ hay không, chắc chắn anh chị không nên xem nhẹ việc chọn bạn một cách khôn ngoan. Hãy kết hợp với những người sẽ khuyến khích anh chị theo đuổi các mục tiêu chính đáng và tránh vấn đề (Châm 13:20). Những người thiêng liêng tính sẽ ảnh hưởng tích cực đến anh chị, thúc đẩy anh chị noi theo lối sống tự chủ của họ. Chắc chắn, hạnh kiểm tốt của anh chị cũng sẽ khích lệ bạn bè. Khi vun trồng được tính tự chủ, chúng ta sẽ vui hưởng đời sống mỗi ngày với ân huệ của Đức Chúa Trời, và chia sẻ điều tốt lành với người thân yêu.