Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một đấng toàn năng nhưng đầy lòng quan tâm

Một đấng toàn năng nhưng đầy lòng quan tâm

“[Đức Giê-hô-va] biết rõ chúng ta nắn nên bởi gì, ngài luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là bụi đất”.—THI 103:14.

BÀI HÁT: 30, 10

1, 2. (a) Khác với những người có quyền lực, Đức Giê-hô-va đối xử với dân ngài như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Những người có quyền lực thường thống trị, thậm chí áp bức người khác (Mat 20:25; Truyền 8:9). Đức Giê-hô-va thì hoàn toàn khác! Dù là Đấng Toàn Năng nhưng ngài rất quan tâm đến mỗi chúng ta. Ngài là đấng nhân từ và ân cần. Ngài để ý đến cảm xúc và nhu cầu của chúng ta. “Ngài luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là bụi đất”, vì thế ngài không bao giờ đòi hỏi chúng ta làm những gì ngoài khả năng của mình.—Thi 103:13, 14.

2 Kinh Thánh ghi lại nhiều ví dụ cho thấy Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quan tâm đối với các tôi tớ ngài. Hãy xem ba ví dụ. Thứ nhất, cách Đức Giê-hô-va đã ân cần giúp cậu bé Sa-mu-ên truyền thông điệp phán xét cho thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li. Thứ hai, cách Đức Giê-hô-va thể hiện sự kiên nhẫn khi Môi-se không muốn dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên. Và thứ ba, cách Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quan tâm đối với dân Y-sơ-ra-ên khi dẫn họ ra khỏi Ai Cập. Khi xem xét những ví dụ này, hãy xem chúng ta có thể học được gì về cách Đức Giê-hô-va hành động.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BIỂU LỘ LÒNG QUAN TÂM ĐỐI VỚI MỘT CẬU BÉ

3. Vào một đêm nọ, điều lạ thường nào xảy ra với Sa-mu-ên, và câu hỏi nào được nêu lên? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Sa-mu-ên “phục vụ Đức Giê-hô-va” tại lều thánh từ khi còn rất nhỏ (1 Sa 3:1). Đêm nọ, sau khi cậu bé đi ngủ, có một điều lạ thường xảy ra. * (Đọc 1 Sa-mu-ên 3:2-10). Cậu bé nghe có tiếng gọi tên mình. Vì nghĩ thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li đã gọi nên Sa-mu-ên lập tức chạy đến nói với Hê-li: “Có con đây, ông gọi con”. Nhưng Hê-li nói là ông không gọi cậu bé. Khi điều tương tự xảy ra hai lần nữa, Hê-li nhận ra rằng chính Đức Chúa Trời gọi Sa-mu-ên. Vì thế, ông dạy cho cậu bé cách đáp lại khi nghe tiếng gọi, và Sa-mu-ên đã làm theo. Tại sao Đức Giê-hô-va không tiết lộ về ngài cho Sa-mu-ên ngay từ lần đầu tiên gọi cậu bé? Kinh Thánh không cho biết, nhưng có lẽ ngài làm thế vì quan tâm đến cảm xúc của Sa-mu-ên. Tại sao có thể nói vậy?

4, 5. (a) Sa-mu-ên phản ứng thế nào khi được Đức Chúa Trời giao sứ mạng, và điều gì xảy ra vào sáng hôm sau? (b) Lời tường thuật này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va?

4 Đọc 1 Sa-mu-ên 3:11-18. Luật pháp Đức Giê-hô-va đòi hỏi con trẻ phải kính trọng người lớn tuổi, đặc biệt là một thủ lĩnh (Xuất 22:28; Lê 19:32). Thật khó để hình dung cậu bé Sa-mu-ên đến gặp Hê-li vào sáng hôm sau và mạnh dạn nói với ông về thông điệp phán xét từ Đức Chúa Trời. Lời tường thuật cho biết Sa-mu-ên “sợ, không dám kể về khải tượng cho Hê-li”. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã cho Hê-li thấy rõ là ngài đang gọi Sa-mu-ên. Vì thế, Hê-li chủ động bảo Sa-mu-ên nói. Ông bảo cậu bé: “[Đừng] giấu dù chỉ một từ trong mọi điều Đức Chúa Trời đã phán”. Sa-mu-ên vâng lời và “kể lại cho ông mọi điều”.

5 Thông điệp mà Sa-mu-ên nói hẳn không khiến thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li quá ngạc nhiên. Thông điệp ấy phù hợp với những gì mà “người của Đức Chúa Trời” đã nói với Hê-li vào trước đó (1 Sa 2:27-36). Qua lời tường thuật này, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va là đấng đầy lòng quan tâm và khôn ngoan.

6. Chúng ta có thể học được gì qua cách Đức Chúa Trời giúp Sa-mu-ên?

6 Bạn có phải là người trẻ không? Nếu thế, lời tường thuật về cậu bé Sa-mu-ên cho thấy Đức Giê-hô-va hiểu những thử thách và cảm xúc mà bạn phải trải qua. Có lẽ bạn thấy ngại hoặc khó chia sẻ thông điệp Nước Trời cho người lớn tuổi hoặc khó giữ sự khác biệt với bạn bè. Hãy tin chắc Đức Giê-hô-va muốn giúp bạn. Vì thế, hãy trút đổ lòng mình với ngài qua lời cầu nguyện (Thi 62:8). Hãy suy ngẫm về những ví dụ trong Kinh Thánh, chẳng hạn như trường hợp của Sa-mu-ên. Cũng hãy trò chuyện với những anh chị từng vượt qua thử thách giống bạn. Có lẽ anh chị ấy sẽ chia sẻ với bạn về những lần Đức Giê-hô-va giúp họ, có thể theo cách không ngờ.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BIỂU LỘ LÒNG QUAN TÂM ĐỐI VỚI MÔI-SE

7, 8. Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài rất quan tâm đến Môi-se?

7 Khi Môi-se 80 tuổi, Đức Giê-hô-va giao cho ông một sứ mạng khó khăn. Đó là giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập (Xuất 3:10). Hẳn điều này khiến Môi-se sửng sốt, vì ông làm nghề chăn cừu ở Ma-đi-an trong 40 năm qua. Ông nói: “Con là ai mà có thể đến gặp Pha-ra-ôn và đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập?”. Đức Chúa Trời trấn an ông: “Ta sẽ ở bên con” (Xuất 3:11, 12). Ngài cũng đảm bảo rằng: “Chắc chắn [các trưởng lão] sẽ nghe theo lời con”. Dù vậy, Môi-se vẫn nói: “Nếu họ... không nghe lời con thì sao?” (Xuất 3:18; 4:1). Như thể Môi-se đang phủ nhận những lời của Đức Chúa Trời! Nhưng Đức Giê-hô-va vẫn kiên nhẫn với ông. Thậm chí, ngài còn làm nhiều hơn thế. Ngài ban cho Môi-se quyền năng làm phép lạ, và ông là người đầu tiên trong Kinh Thánh có quyền năng này.—Xuất 4:2-9, 21.

8 Môi-se tiếp tục tìm cách thoái thác khi nói rằng mình không phải là người có tài ăn nói. Vì thế, Đức Chúa Trời phán với ông: “Ta sẽ ở với con khi con nói và chỉ cho con điều phải nói”. Cuối cùng điều này có thuyết phục được Môi-se không? Rõ ràng là không, vì ông xin Đức Chúa Trời hãy sai người khác. Lúc đó, Đức Giê-hô-va nổi giận. Nhưng ngài không cứng nhắc. Ngài vẫn cho thấy ngài quan tâm đến cảm xúc của Môi-se khi bổ nhiệm A-rôn làm người phát ngôn cho Môi-se.—Xuất 4:10-16.

9. Làm thế nào lòng quan tâm và kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va giúp Môi-se chu toàn nhiệm vụ?

9 Lời tường thuật này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va? Là Đức Chúa Trời Toàn Năng, ngài có thể làm cho Môi-se sợ hãi và lập tức vâng lời. Nhưng ngài đã kiên nhẫn và nhân từ. Ngài cố gắng làm vững lòng người tôi tớ khiêm nhường của ngài. Kết quả là gì? Môi-se đã trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc của dân Đức Giê-hô-va. Ông cố gắng đối xử mềm mại và ân cần với người khác giống như cách Đức Giê-hô-va đã đối xử với ông.—Dân 12:3.

Anh chị có noi gương Đức Giê-hô-va trong cách cư xử với người khác không? (Xem đoạn 10)

10. Khi noi gương Đức Giê-hô-va trong việc thể hiện lòng quan tâm, chúng ta nhận được lợi ích nào?

10 Chúng ta có thể rút ra bài học nào? Nếu là người chồng, bậc cha mẹ hoặc trưởng lão, anh chị có một số quyền hạn trên người khác. Thật quan trọng biết bao khi noi gương Đức Giê-hô-va trong việc đối xử ân cần, nhân từ và kiên nhẫn với những người mà mình có trách nhiệm chăm sóc! (Cô 3:19-21; 1 Phi 5:1-3). Khi cố gắng noi gương Đức Giê-hô-va và Môi-se Lớn là Chúa Giê-su, anh chị sẽ trở thành người dễ đến gần và là nguồn khích lệ cho người khác (Mat 11:28, 29). Ngoài ra, anh chị cũng sẽ là gương tốt để họ noi theo.—Hê 13:7.

ĐẤNG GIẢI CỨU QUYỀN NĂNG NHƯNG ĐẦY LÒNG QUAN TÂM

11, 12. Khi Đức Giê-hô-va dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, ngài đã làm gì để giúp họ cảm thấy được an toàn?

11 Khi dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai Cập vào năm 1513 TCN, có lẽ lúc đó có hơn ba triệu người. Những người này thuộc ba hoặc bốn thế hệ, bao gồm trẻ em, người lớn tuổi và có thể những người bị bệnh hoặc tàn tật. Để dẫn một đám đông lớn như thế ra khỏi Ai Cập hẳn cần phải có một Đấng Lãnh Đạo đầy lòng quan tâm. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là Đấng Lãnh Đạo như thế qua việc ngài dùng Môi-se. Nhờ đó, dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy được an toàn khi rời nơi duy nhất mà họ từng cư ngụ.—Thi 78:52, 53.

12 Đức Giê-hô-va đã làm gì để dân ngài cảm thấy được an toàn? Ngài dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập “một cách có trật tự như những nhóm lính” (Xuất 13:18). Hẳn cách tổ chức như thế đảm bảo với dân sự rằng Đức Chúa Trời vẫn đang kiểm soát tình hình. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va cũng cho thấy ngài ở bên họ khi dùng áng mây ban ngày và ánh lửa ban đêm để hướng dẫn họ (Thi 78:14). Như thể Đức Giê-hô-va đang nói với họ: “Đừng sợ. Ta sẽ ở bên con để hướng dẫn và che chở con”. Lời trấn an này thật cần thiết vì dân Y-sơ-ra-ên sắp đối mặt với những điều xảy ra sau đó.

Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài quan tâm đến dân Y-sơ-ra-ên tại Biển Đỏ? (Xem đoạn 13)

13, 14. (a) Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài quan tâm đến dân Y-sơ-ra-ên tại Biển Đỏ? (b) Đức Giê-hô-va thể hiện quyền năng như thế nào trên người Ai Cập?

13 Đọc Xuất Ai Cập 14:19-22. Hãy hình dung anh chị đang có mặt ở đó, bị kẹt giữa một bên là đội quân của Pha-ra-ôn và một bên là Biển Đỏ. Rồi Đức Chúa Trời hành động. Trụ mây chuyển về phía sau dân Y-sơ-ra-ên, chặn bước tiến của quân Ai Cập và khiến chúng ở trong bóng tối. Tuy nhiên, bên phía anh chị thì được chiếu sáng kỳ diệu! Rồi Môi-se giơ tay ra trên biển, và một cơn gió mạnh từ phía đông thổi đến, tạo thành lối đi lớn. Anh chị cùng gia đình và súc vật băng qua đáy biển một cách trật tự với những người khác. Anh chị kinh ngạc khi thấy đáy biển không bị lầy lội hoặc trơn trượt nhưng khô ráo và chắc chắn, giúp anh chị đi một cách dễ dàng. Nhờ thế, ngay cả những người đi chậm nhất cũng có thể đi qua một cách an toàn.

14 Đọc Xuất Ai Cập 14:23, 26-30. Trong lúc đó, Pha-ra-ôn kiêu ngạo và dại dột đang ráo riết đuổi theo và lao vào đáy biển. Một lần nữa, Môi-se giơ tay ra trên biển. Hai bức tường nước ập xuống, giống như hai cơn sóng thần lao vào nhau. Pha-ra-ôn cùng đạo quân của hắn không còn cơ hội sống sót!—Xuất 15:8-10.

15. Lời tường thuật này dạy anh chị điều gì về Đức Giê-hô-va?

15 Qua lời tường thuật này, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của sự trật tự, một phẩm chất giúp chúng ta cảm thấy được an toàn (1 Cô 14:33). Đức Giê-hô-va cũng cho thấy ngài là đấng chăn chiên yêu thương và quan tâm đến dân ngài qua những cách thực tế. Ngài gìn giữ và bảo vệ họ khỏi các kẻ thù. Những điều này làm chúng ta vững lòng biết bao khi sắp đối mặt với sự kết liễu của thế gian hiện tại!—Châm 1:33.

16. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét cách Đức Giê-hô-va giải cứu dân Y-sơ-ra-ên?

16 Ngày nay, Đức Giê-hô-va vẫn chăm sóc dân ngài với tư cách một tập thể, cả về thiêng liêng lẫn thể chất. Ngài sẽ tiếp tục làm điều đó trong hoạn nạn lớn sắp đến (Khải 7:9, 10). Vì thế, dù lớn tuổi hay trẻ tuổi, khỏe mạnh hay tàn tật, dân Đức Giê-hô-va sẽ không hoảng loạn trong hoạn nạn lớn. * Thật vậy, họ sẽ phản ứng hoàn toàn ngược lại! Họ sẽ nhớ những lời của Chúa Giê-su: “Hãy đứng thẳng và ngước đầu lên vì sự giải cứu của anh em đang đến gần” (Lu 21:28). Họ luôn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ họ, ngay cả khi phải đối mặt với cuộc tấn công của Gót, một liên minh các nước mạnh hơn nhiều so với Pha-ra-ôn thời xưa (Ê-xê 38:2, 14-16). Tại sao dân Đức Chúa Trời có lòng tin chắc như thế? Họ biết rằng Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. Một lần nữa, ngài sẽ chứng tỏ là Đấng Giải Cứu đầy lòng quan tâm và yêu thương.—Ê-sai 26:3, 20.

17. (a) Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét những lời tường thuật về cách Đức Giê-hô-va quan tâm đến dân ngài? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?

17 Những ví dụ trong bài này chỉ là một số trong nhiều ví dụ cho thấy cách Đức Giê-hô-va quan tâm và nhân từ khi chăm sóc, hướng dẫn và giải cứu dân ngài. Khi suy ngẫm về những lời tường thuật như thế, hãy cố gắng học một điều mới về Đức Giê-hô-va bằng cách tìm hiểu về những chi tiết mà có lẽ anh chị chưa nhận ra trước đó. Khi làm thế, những phẩm chất tuyệt vời của Đức Giê-hô-va sẽ càng thấm sâu vào lòng và trí anh chị, đồng thời củng cố đức tin và tình yêu thương mà anh chị dành cho ngài. Bài tới sẽ thảo luận những cách chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va qua việc biểu lộ lòng quan tâm đối với những người trong gia đình, trong hội thánh và trong thánh chức.

^ đ. 3 Sử gia Do Thái Josephus nói rằng Sa-mu-ên lúc đó 12 tuổi.

^ đ. 16 Hợp lý để kết luận rằng trong số những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn sẽ có một số người bị tàn tật. Khi ở trên đất, Chúa Giê-su đã chữa lành “mọi thứ bệnh tật”. Điều này cho thấy trước những gì ngài sẽ làm, không phải cho những người được sống lại, nhưng cho những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn (Mat 9:35). Chắc chắn những người được sống lại sẽ có cơ thể khỏe mạnh.