Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hạnh phúc cho những người thờ phượng “Đức Chúa Trời hạnh phúc”

Hạnh phúc cho những người thờ phượng “Đức Chúa Trời hạnh phúc”

“Hạnh phúc thay dân nào có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời!”—THI 144:15.

BÀI HÁT: 44, 125

1. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va là một dân hạnh phúc? (Xem hình nơi đầu bài).

Nhân Chứng Giê-hô-va là một dân hạnh phúc. Các buổi nhóm họp, hội nghị và những cuộc họp mặt của họ tràn ngập tiếng nói, tiếng cười. Tại sao họ hạnh phúc như thế? Lý do chính là vì họ được biết Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời hạnh phúc”. Họ phụng sự và cố gắng noi gương ngài (1 Ti 1:11; Thi 16:11). Là nguồn của hạnh phúc, Đức Chúa Trời muốn chúng ta hạnh phúc, và ngài cho chúng ta nhiều lý do để vui mừng.—Phục 12:7; Truyền 3:12, 13.

2, 3. (a) Hạnh phúc là gì? (b) Tại sao tìm được hạnh phúc trong thế giới ngày nay có thể là một thách đố?

2 Còn anh chị thì sao? Anh chị có hạnh phúc không? Anh chị có thể hạnh phúc hơn không? Hạnh phúc có thể được định nghĩa là “một trạng thái vui sướng tương đối lâu dài, là những cung bậc cảm xúc từ thỏa nguyện cho đến vui mừng sâu xa, và ước muốn tự nhiên là được tiếp tục trạng thái đó”. Kinh Thánh cho thấy chỉ những ai có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va mới tìm được hạnh phúc thật. Nhưng để có được hạnh phúc trong thế giới này có thể là một thách đố. Tại sao?

3 Nhiều vấn đề căng thẳng trong đời sống có thể cướp đi hạnh phúc của chúng ta, chẳng hạn như người thân yêu của mình qua đời hay bị khai trừ, hoặc mình phải đối mặt với việc ly dị hay thất nghiệp. Những xung đột và bất hòa trong gia đình có thể làm mất niềm vui của chúng ta. Sự chế giễu của bạn bè và đồng nghiệp, sự ngược đãi hoặc tù đày có thể khiến chúng ta buồn nản. Hay vấn đề về sức khỏe, bệnh kinh niên hoặc trầm cảm cũng là yếu tố ảnh hưởng đến niềm vui của mình. Tuy nhiên, Chúa Giê-su Ki-tô, “Đấng Quyền Lực, là đấng hạnh phúc và duy nhất”, muốn an ủi và làm người khác hạnh phúc (1 Ti 6:15; Mat 11:28-30). Trong Bài giảng trên núi, ngài cho biết một số đức tính có thể giúp chúng ta hạnh phúc dù phải đối mặt với nhiều vấn đề trong thế gian của Sa-tan.

THIÊNG LIÊNG VỮNG MẠNH​—ĐIỀU THIẾT YẾU ĐỂ HẠNH PHÚC

4, 5. Làm thế nào chúng ta có được hạnh phúc và duy trì hạnh phúc ấy?

4 Điều đầu tiên Chúa Giê-su đề cập đến đặc biệt quan trọng. Ngài nói: “Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình, vì Nước Trời thuộc về họ” (Mat 5:3). Làm thế nào chúng ta cho thấy mình ý thức về nhu cầu tâm linh? Đó là hấp thu thức ăn thiêng liêng, quý trọng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và đặt việc thờ phượng ngài lên hàng đầu. Khi làm thế, chúng ta sẽ ngày càng hạnh phúc. Chúng ta sẽ được củng cố đức tin nơi lời hứa sắp thành hiện thực của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng sẽ được khích lệ khi nghĩ về “viễn cảnh hạnh phúc mà chúng ta hy vọng” được nói trong Kinh Thánh.—Tít 2:13.

5 Xây dựng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc có được hạnh phúc lâu dài. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết: “Hãy luôn vui mừng trong Chúa [Đức Giê-hô-va]. Tôi nói lại lần nữa: Hãy vui mừng lên!” (Phi-líp 4:4). Để vun trồng mối quan hệ quý giá này, chúng ta cần có sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói: “Hạnh phúc cho người tìm được sự khôn ngoan và người có được sự thông sáng. Nó là cây sự sống cho người nào nắm lấy, và ai giữ chặt nó được xem là hạnh phúc”.—Châm 3:13, 18.

6. Hạnh phúc lâu dài của chúng ta phụ thuộc vào điều gì?

6 Nhưng để có hạnh phúc lâu dài, điều thiết yếu là chúng ta không chỉ đọc Lời Đức Chúa Trời mà còn phải áp dụng vào đời sống. Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng những gì học được khi nói: “Anh em biết những điều đó, hạnh phúc cho anh em nếu làm theo” (Giăng 13:17; đọc Gia-cơ 1:25). Đây là bí quyết để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và có hạnh phúc lâu dài. Nhưng làm thế nào chúng ta có được hạnh phúc khi có quá nhiều thứ có thể cướp đi hạnh phúc của mình? Hãy xem xét những điều Chúa Giê-su nói tiếp trong Bài giảng trên núi.

NHỮNG ĐỨC TÍNH GIÚP CHÚNG TA HẠNH PHÚC

7. Làm thế nào những người than khóc có thể hạnh phúc?

7 “Hạnh phúc cho những người than khóc, vì sẽ được an ủi” (Mat 5:4). Một số người có lẽ thắc mắc: “Người than khóc thì làm sao có thể hạnh phúc?”. Chúa Giê-su không có ý nói đến tất cả những người than khóc bởi bất cứ lý do nào. Ngay cả người ác cũng than khóc trước những khó khăn trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1). Nhưng sự than khóc ích kỷ của họ không làm họ đến gần với Đức Giê-hô-va, nên họ không có được hạnh phúc. Hẳn Chúa Giê-su nói đến những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình. Họ than khóc vì thấy tình trạng thiêng liêng tồi tệ của nhân loại. Họ cũng nhận biết tình trạng tội lỗi của mình và những đau khổ do tội lỗi gây ra. Đức Giê-hô-va để ý đến những người than khóc chân thành như thế. Ngài an ủi họ, ban cho họ hạnh phúc và triển vọng sống đời đời.—Đọc Ê-xê-chi-ên 5:11; 9:4.

8. Làm thế nào sự ôn hòa có thể góp phần mang lại hạnh phúc?

8 “Hạnh phúc cho những người ôn hòa, vì sẽ được thừa hưởng trái đất” (Mat 5:5). Làm thế nào sự ôn hòa có thể góp phần mang lại hạnh phúc? Sự hiểu biết chính xác về chân lý thôi thúc nhiều người thay đổi. Có lẽ họ từng là người cộc cằn, hay gây gổ và hung hăng. Nhưng giờ đây họ mặc lấy “nhân cách mới” và thể hiện “lòng trắc ẩn dịu dàng, sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và kiên nhẫn” (Cô 3:9-12). Kết quả là hiện nay họ vui hưởng một đời sống bình an, hạnh phúc và có mối quan hệ tốt với người khác. Ngoài ra, Kinh Thánh hứa rằng những người như thế sẽ “thừa hưởng trái đất”.—Thi 37:8-10, 29.

9. (a) Những người ôn hòa “thừa hưởng trái đất” theo nghĩa nào? (b) Tại sao “những người đói khát sự công chính” có thể hạnh phúc?

9 Những người ôn hòa “thừa hưởng trái đất” theo nghĩa nào? Các tín đồ được xức dầu sẽ thừa hưởng trái đất khi họ cai trị từ trời với tư cách là vua kiêm thầy tế lễ (Khải 20:6). Còn hàng triệu người khác không có hy vọng lên trời sẽ thừa hưởng trái đất khi họ sống mãi mãi trên đất trong sự hoàn hảo, bình an và hạnh phúc. Những tín đồ được xức dầu và chiên khác là những người hạnh phúc vì họ “đói khát sự công chính” (Mat 5:6). Những ai đói khát sự công chính sẽ hoàn toàn được thỏa mãn điều này trong thế giới mới (2 Phi 3:13). Khi Đức Chúa Trời loại bỏ mọi sự gian ác và bất chính, không điều gì có thể cướp đi hạnh phúc của người công chính nữa.—Thi 37:17.

10. Lòng thương xót có nghĩa gì?

10 “Hạnh phúc cho những người có lòng thương xót, vì sẽ được thương xót” (Mat 5:7). Dạng động từ của lòng thương xót trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “biểu lộ sự nồng ấm, dịu dàng;... tỏ lòng trắc ẩn”. Trong tiếng Hy Lạp, động từ này cũng bao hàm việc đồng cảm với người khác. Tuy nhiên, lòng thương xót không đơn thuần là cảm xúc. Theo Kinh Thánh, nó bao hàm việc biểu lộ lòng thương cảm bằng hành động thương xót.

11. Qua minh họa về người Sa-ma-ri nhân lành, chúng ta học được gì về lòng thương xót?

11 Đọc Lu-ca 10:30-37. Qua minh họa về người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su miêu tả sống động việc thể hiện lòng thương xót có nghĩa gì. Lòng trắc ẩn và thương xót đã thúc đẩy người Sa-ma-ri ấy hành động để giúp đỡ người đang gặp khốn khổ. Sau khi kể minh họa, Chúa Giê-su nói: “Anh hãy đi và làm y như vậy”. Thế nên, chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có đang làm y như vậy không? Mình có đang làm những gì mà người Sa-ma-ri ấy đã làm không? Mình có thể làm gì hơn nữa để biểu lộ lòng thương xót với những ai đang đau khổ? Chẳng hạn, mình có thể giúp đỡ các anh chị lớn tuổi, góa phụ và những em trẻ có cha hoặc mẹ không phụng sự Đức Giê-hô-va không? Mình có thể chủ động ‘an ủi người buồn nản’ không?”.—1 Tê 5:14; Gia 1:27.

Chủ động thể hiện lòng thương xót mang lại nhiều hạnh phúc (Xem đoạn 12)

12. Làm thế nào việc thể hiện lòng thương xót mang lại hạnh phúc?

12 Nhưng làm thế nào lòng thương xót mang lại hạnh phúc? Khi thể hiện lòng thương xót với người khác, chúng ta cảm nhận hạnh phúc của việc ban cho. Hơn nữa, chúng ta biết điều đó làm Đức Chúa Trời vui lòng (Công 20:35; đọc Hê-bơ-rơ 13:16). Đa-vít nói như sau về những người thể hiện lòng quan tâm và thương xót: “Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ người, bảo toàn mạng sống. Người được xem là hạnh phúc trên đất” (Thi 41:1, 2). Khi thể hiện lòng trắc ẩn, chúng ta cũng nhận được lòng thương xót của Đức Giê-hô-va và có hạnh phúc vĩnh cửu.—Gia 2:13.

TẠI SAO “NHỮNG NGƯỜI CÓ LÒNG TRONG SẠCH” ĐƯỢC HẠNH PHÚC?

13, 14. Lòng trong sạch và hạnh phúc liên hệ với nhau như thế nào?

13 “Hạnh phúc cho những người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Mat 5:8). Để có lòng trong sạch, chúng ta phải giữ cho ước muốn và lối suy nghĩ của mình được thanh sạch. Đây là điều rất quan trọng để sự thờ phượng của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va không bị ô uế.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:2; 1 Ti 1:5.

14 Những người có lòng trong sạch sẽ hạnh phúc vì có vị thế tốt trước mắt Đức Giê-hô-va. Ngài phán: “Hạnh phúc cho những ai giặt áo mình” (Khải 22:14). Họ “giặt áo mình” theo nghĩa nào? Đối với những tín đồ được xức dầu, điều này được hiểu theo nghĩa là họ có vị thế trong sạch trước mắt Đức Giê-hô-va và sẽ được ban sự sống bất tử cũng như hạnh phúc vĩnh cửu ở trên trời. Còn đối với đám đông lớn có hy vọng sống trên đất, điều này được hiểu là họ đạt được vị thế công chính trước mắt Đức Giê-hô-va với tư cách là bạn ngài. Ngay bây giờ, họ đang “giặt và tẩy trắng áo mình trong huyết Chiên Con”.—Khải 7:9, 13, 14.

15, 16. Làm thế nào người có lòng trong sạch có thể “thấy Đức Chúa Trời”?

15 Nhưng làm thế nào người có lòng trong sạch có thể “thấy Đức Chúa Trời” khi thực tế là “không ai thấy [Đức Chúa Trời] mà còn sống”? (Xuất 33:20). Từ Hy Lạp được dịch là “thấy” có thể mang nghĩa là “thấy trong tâm trí, nhận thức, hoặc biết”. Những người thấy Đức Chúa Trời bằng “mắt của lòng” là những người thật sự biết ngài và quý trọng các đức tính của ngài (Ê-phê 1:18). Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo các đức tính của Đức Giê-hô-va nên ngài có thể nói: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha”.—Giăng 14:7-9.

16 Ngoài việc biết về các đức tính của Đức Chúa Trời, những người thờ phượng chân chính có thể “thấy Đức Chúa Trời” khi xem xét cách ngài hành động vì lợi ích của họ (Gióp 42:5). Họ cũng dùng “mắt của lòng” để nhìn thấy các ân phước mà Đức Chúa Trời ban cho những người cố gắng giữ lòng trong sạch và trung thành phụng sự ngài. Tất nhiên, các tín đồ được xức dầu sẽ thật sự thấy Đức Chúa Trời khi được sống lại để nhận phần thưởng trên trời.—1 Giăng 3:2.

HẠNH PHÚC DÙ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI KHÓ KHĂN

17. Tại sao những người tạo sự hòa thuận được hạnh phúc?

17 Chúa Giê-su nói tiếp: “Hạnh phúc cho những người tạo sự hòa thuận” (Mat 5:9). Những ai chủ động tạo sự hòa thuận có lý do chính đáng để hạnh phúc. Môn đồ Gia-cơ viết: “Hạt giống của trái công chính được gieo trong môi trường hòa thuận cho những người tạo sự hòa thuận” (Gia 3:18). Khi gặp căng thẳng với ai đó trong hội thánh hoặc trong gia đình, chúng ta có thể nài xin Đức Chúa Trời giúp mình tạo sự hòa thuận. Rồi ngài sẽ ban thần khí thánh giúp chúng ta thể hiện các đức tính tin kính, và chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động làm hòa khi nói: “Nếu anh em mang lễ vật đến bàn thờ và tại đó chợt nhớ một người anh em có điều gì bất bình với mình, thì hãy để lễ vật nơi bàn thờ mà đi làm hòa với người đó trước, rồi mới trở lại dâng lễ vật”.—Mat 5:23, 24.

18, 19. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô vui mừng ngay cả khi bị ngược đãi?

18 “Hạnh phúc cho anh em khi bị người ta mắng nhiếc, ngược đãi và vu cho đủ điều ác vì đã theo tôi”. Ý của Chúa Giê-su là gì? Ngài nói tiếp: “Hãy hân hoan và vui mừng hớn hở, vì anh em có phần thưởng rất lớn ở trên trời; các nhà tiên tri thời xưa cũng từng bị ngược đãi như vậy” (Mat 5:11, 12). Khi bị đánh đập và bị bắt ngưng rao giảng, “các sứ đồ ra khỏi Tòa Tối Cao, rất vui mừng”. Dĩ nhiên, không phải vì họ thích nếm trải sự đau đớn. Nhưng họ rất vui mừng vì “đã được xem là xứng đáng để chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giê-su”.—Công 5:41.

19 Ngày nay, dân Đức Giê-hô-va cũng chịu đựng với lòng vui mừng khi bị ngược đãi vì danh Chúa Giê-su hoặc khi đối mặt với thử thách. (Đọc Gia-cơ 1:2-4). Giống như các sứ đồ, không ai trong chúng ta thích bị ngược đãi hoặc đau khổ. Nhưng nếu chúng ta giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va khi gặp thử thách, ngài sẽ giúp chúng ta kiên cường chịu đựng. Chẳng hạn, vào tháng 8 năm 1944, chính quyền của một chế độ chuyên chế đã giam anh Henryk Dornik cùng người anh trai vào trại tập trung. Những kẻ chống đối nói: “Không thể buộc bọn chúng làm gì. Chúng thà tử vì đạo còn hơn”. Anh Dornik giải thích: “Dù không hề muốn trở thành người tử vì đạo, nhưng tôi cảm thấy vui khi can đảm chịu đựng và kiên quyết trung thành với Đức Giê-hô-va... Nhờ cầu nguyện tha thiết, tôi cảm thấy gần gũi với Đức Giê-hô-va, và ngài đã chứng tỏ là đấng giúp đỡ đáng tin cậy”.

20. Tại sao chúng ta hạnh phúc khi phụng sự “Đức Chúa Trời hạnh phúc”?

20 Khi làm “Đức Chúa Trời hạnh phúc” vui lòng, chúng ta có thể hạnh phúc dù gặp sự ngược đãi vì niềm tin, sự chống đối từ gia đình, bệnh tật hoặc tuổi già (1 Ti 1:11). Chúng ta cũng cảm nghiệm niềm hạnh phúc nhờ những lời hứa quý giá của Đức Chúa Trời, “là đấng không thể nói dối” (Tít 1:2). Sự ứng nghiệm của các lời hứa đến từ Đức Giê-hô-va sẽ tuyệt diệu tới mức mọi khó khăn và thử thách hiện tại trở nên thật nhỏ bé. Trong địa đàng sắp đến, những ân phước Đức Giê-hô-va ban sẽ vượt quá sự tưởng tượng của chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm hạnh phúc chưa từng có. Đúng vậy, chúng ta “sẽ hoan hỉ trong bình an dư dật”.—Thi 37:11.