Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Noi theo lòng quan tâm và nhân từ của Đức Giê-hô-va

Noi theo lòng quan tâm và nhân từ của Đức Giê-hô-va

“Hạnh phúc cho người quan tâm đến kẻ thấp hèn!”—THI 41:1.

BÀI HÁT: 130, 107

1. Làm thế nào dân Đức Chúa Trời cho thấy họ yêu thương nhau?

Dân Đức Chúa Trời là một gia đình thiêng liêng và có đặc điểm nổi bật là tình yêu thương (1 Giăng 4:16, 21). Tình yêu thương này được thể hiện hiếm khi qua những hành động quả cảm, nhưng qua vô số điều nhỏ, chẳng hạn như lời nói ân cần và hành động tử tế. Khi quan tâm và đối xử tử tế với người khác, chúng ta ‘bắt chước Đức Chúa Trời’ như con cái yêu dấu của ngài.—Ê-phê 5:1.

2. Chúa Giê-su noi gương Cha như thế nào trong việc thể hiện tình yêu thương?

2 Chúa Giê-su noi gương Cha một cách hoàn hảo. Ngài nói: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được lại sức... vì tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường” (Mat 11:28, 29). Khi noi theo gương của Đấng Ki-tô bằng cách “quan tâm đến kẻ thấp hèn”, chúng ta sẽ nhận được ân huệ của Cha trên trời và có hạnh phúc (Thi 41:1). Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng quan tâm đối với những người trong gia đình, trong hội thánh và trong thánh chức.

BIỂU LỘ LÒNG QUAN TÂM TRONG GIA ĐÌNH

3. Làm thế nào người chồng có thể biểu lộ sự thấu hiểu và lòng quan tâm? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Người chồng nên nêu gương trong việc biểu lộ lòng quan tâm đến các thành viên gia đình (Ê-phê 5:25; 6:4). Chẳng hạn, họ được khuyến giục hãy ăn ở với vợ “theo sự hiểu biết”. Cụm từ này cũng có thể được dịch là “tiếp tục tỏ lòng quan tâm đến vợ; tiếp tục thấu hiểu vợ” (1 Phi 3:7, chú thích). Việc thấu hiểu và tỏ lòng quan tâm đi đôi với nhau. Người chồng thấu hiểu sẽ biết rằng vợ mình là người bổ trợ, và chị không hề thấp kém hơn anh dù khác anh về nhiều mặt (Sáng 2:18). Anh quan tâm đến cảm xúc và tôn trọng phẩm giá của vợ. Một người vợ ở Canada nói về chồng mình: “Anh ấy không bao giờ xem thường cảm xúc của tôi hoặc nói rằng ‘Em không nên có cảm xúc như thế’. Anh ấy cũng là người biết lắng nghe. Khi giúp tôi điều chỉnh quan điểm về vấn đề nào đó, anh làm thế một cách tử tế”.

4. Làm thế nào người chồng cho thấy anh quan tâm đến vợ khi cư xử với những phụ nữ khác?

4 Người chồng cũng cho thấy anh quan tâm đến cảm xúc của vợ khi cư xử với những phụ nữ khác. Anh không bao giờ tán tỉnh hoặc quan tâm quá mức đến họ, và điều này cũng áp dụng khi anh dùng mạng xã hội hoặc Internet (Gióp 31:1). Đúng vậy, anh giữ lòng chung thủy với vợ, không chỉ vì yêu cô ấy mà còn vì yêu thương Đức Chúa Trời và ghét điều xấu.—Đọc Thi thiên 19:14; 97:10.

5. Làm thế nào người vợ có thể biểu lộ lòng quan tâm đến chồng?

5 Khi người chồng noi theo đầu của mình là Chúa Giê-su Ki-tô, điều này giúp vợ vun trồng lòng ‘kính trọng sâu xa’ dành cho anh (Ê-phê 5:22-25, 33). Và lòng kính trọng sẽ thôi thúc cô ấy cố gắng hiểu cảm xúc của anh và đối xử tử tế khi anh phải dành thêm thời gian cho các trách nhiệm thần quyền, hoặc khi anh có những mối lo lắng. Một người chồng ở Anh nói: “Có lúc, vợ tôi nhận ra tôi có gì đó không ổn. Rồi cô ấy áp dụng nguyên tắc nơi Châm ngôn 20:5, dù có khi phải đợi đến đúng thời điểm để ‘múc lấy’ suy nghĩ của tôi nếu đó là vấn đề mà tôi có thể thảo luận với cô ấy”.

6. Làm thế nào tất cả chúng ta có thể khuyến khích các em nhỏ quan tâm đến người khác, và các em sẽ nhận được lợi ích ra sao?

6 Khi cha mẹ quan tâm lẫn nhau, họ nêu gương tốt cho con cái. Tất nhiên, cha mẹ có trách nhiệm chính yếu trong việc dạy con cách tỏ lòng quan tâm đến người khác. Chẳng hạn, cha mẹ có thể dạy con không được chạy trong Phòng Nước Trời. Tại các buổi họp mặt, cha mẹ có thể bảo con nhường cho người lớn tuổi hơn khi xếp hàng lấy thức ăn. Dĩ nhiên, mọi người trong hội thánh có thể giúp đỡ các bậc cha mẹ. Ví dụ, chúng ta nên khen khi một em nhỏ có hành động tử tế, chẳng hạn như mở cửa cho chúng ta. Điều này có thể tác động tốt đến các em và giúp các em nhận thấy việc “cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công 20:35.

“QUAN TÂM ĐẾN NHAU” TRONG HỘI THÁNH

7. Làm thế nào Chúa Giê-su biểu lộ lòng quan tâm đến một người điếc, và chúng ta học được gì từ gương của ngài?

7 Lần nọ, khi Chúa Giê-su ở vùng Đê-ca-bô-li, người ta “mang đến cho ngài một người điếc và ngọng” (Mác 7:31-35). Thay vì chữa cho ông ở giữa đám đông, Chúa Giê-su “dẫn ông ra riêng” và chữa lành. Tại sao? Có lẽ sự khuyết tật đã khiến người đàn ông này cảm thấy không thoải mái khi ở chỗ đông người. Có thể Chúa Giê-su nhận thấy điều này, nên ngài dẫn ông ra riêng để chữa lành cho ông. Tất nhiên, chúng ta không thể chữa bệnh bằng phép lạ. Nhưng chúng ta nên nghĩ đến nhu cầu và cảm xúc của anh em đồng đạo. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy quan tâm đến nhau để khuyến giục nhau biểu lộ tình yêu thương và làm việc lành” (Hê 10:24). Chúa Giê-su thấu hiểu cảm xúc của người đàn ông bị điếc và đối xử ân cần với ông. Thật là một gương tuyệt vời cho chúng ta!

8, 9. Chúng ta có thể biểu lộ lòng quan tâm đến anh chị lớn tuổi và đau yếu qua những cách nào? (Hãy nêu ví dụ).

8 Biểu lộ lòng quan tâm đến người lớn tuổi và đau yếu. Hội thánh đạo Đấng Ki-tô được nhận diện bởi tình yêu thương, chứ không phải hiệu suất làm việc (Giăng 13:34, 35). Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta sẵn sàng giúp đỡ những anh chị lớn tuổi hoặc khuyết tật đến tham dự nhóm họp và đi rao giảng. Chúng ta giúp đỡ ngay cả khi họ không làm được nhiều (Mat 13:23). Anh Michael, một anh phải ngồi xe lăn, rất quý trọng sự giúp đỡ của gia đình và các anh chị trong nhóm rao giảng. Anh nói: “Nhờ sự giúp đỡ của họ, tôi có thể tham dự hầu hết các buổi nhóm họp và đi rao giảng đều đặn. Tôi rất thích làm chứng nơi công cộng”.

9 Nhiều gia đình Bê-tên có các anh chị lớn tuổi và đau yếu. Các giám thị biểu lộ lòng quan tâm đến những tôi tớ trung thành này bằng cách sắp đặt cho họ làm chứng qua thư và điện thoại. Anh Bill 86 tuổi chia sẻ về việc viết thư cho những người ở vùng biệt lập: “Chúng tôi quý trọng đặc ân được viết thư”. Chị Nancy gần 90 tuổi nói: “Tôi không xem việc viết thư chỉ là nhét giấy vào bao thư. Đây là công việc rao giảng. Người ta cần biết chân lý!”. Chị Ethel sinh năm 1921 cho biết: “Tôi thường xuyên cảm thấy đau nhức. Có những ngày tôi gặp khó khăn ngay cả trong việc thay đồ”. Dù thế, chị rất thích rao giảng qua điện thoại và có một số viếng thăm tốt. Chị Barbara 85 tuổi giải thích: “Vì sức khỏe kém nên tôi thấy khó đi rao giảng từng nhà đều đặn. Nhưng việc làm chứng qua điện thoại giúp tôi có thể nói chuyện với người khác. Cảm tạ Đức Giê-hô-va!”. Chưa đầy một năm, một nhóm các anh chị lớn tuổi đã dành 1.228 giờ trong thánh chức, viết 6.265 lá thư, làm chứng qua hơn 2.000 cuộc gọi và phân phát 6.315 ấn phẩm! Chắc chắn, nỗ lực của họ đã mang lại niềm vui cho Đức Giê-hô-va!—Châm 27:11.

10. Làm thế nào chúng ta có thể giúp anh em nhận được lợi ích trọn vẹn từ các buổi nhóm họp?

10 Biểu lộ lòng quan tâm tại các buổi nhóm họp. Chúng ta muốn anh em nhận được lợi ích trọn vẹn từ các buổi nhóm họp. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Một cách là đến đúng giờ để tránh gây sự phân tâm. Tất nhiên, có những lúc chúng ta đến trễ do chuyện bất ngờ xảy ra. Nhưng nếu có thói quen đi trễ, chúng ta nên nghĩ làm thế nào mình có thể quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của người khác. Cũng hãy nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã mời chúng ta đến (Mat 18:20). Hai đấng ấy xứng đáng được chúng ta kính trọng sâu xa!

11. Tại sao những anh có phần trong buổi nhóm họp nên áp dụng chỉ dẫn nơi 1 Cô-rinh-tô 14:40?

11 Nếu quan tâm đến lợi ích của anh em đồng đạo, chúng ta cũng muốn làm theo chỉ dẫn: “Hãy làm mọi việc một cách đúng đắn và theo trật tự” (1 Cô 14:40). Các anh có phần trong buổi nhóm họp vâng theo chỉ dẫn đó bằng cách trình bày bài trong khoảng thời gian ấn định. Điều này không chỉ cho thấy anh quan tâm đến diễn giả kế tiếp mà còn đến cả hội thánh. Một số anh chị có lẽ ở xa. Số khác phụ thuộc vào phương tiện công cộng, và một số có người hôn phối không cùng đức tin đang chờ họ ở nhà.

12. Tại sao các trưởng lão xứng đáng được “hết mực yêu thương, quý trọng”? (Xem khung “ Biểu lộ lòng quan tâm đến những người dẫn đầu”).

12 Những anh chăn bầy làm việc rất siêng năng trong hội thánh và sốt sắng dẫn đầu trong thánh chức, nên họ xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng của chúng ta. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13). Chắc chắn anh chị quý trọng những điều mà các trưởng lão đang làm vì lợi ích của anh chị. Vậy, hãy thể hiện lòng quý trọng bằng cách sẵn sàng hợp tác và ủng hộ họ. Suy cho cùng, “họ đang coi sóc [anh chị] và sẽ khai trình việc ấy”.—Hê 13:7, 17.

BIỂU LỘ LÒNG QUAN TÂM TRONG THÁNH CHỨC

13. Chúng ta có thể học được gì từ cách Chúa Giê-su đối xử với người khác?

13 Trong một lời tiên tri về Chúa Giê-su, Ê-sai nói: “Người sẽ không bẻ cây sậy bị giập, không tắt tim đèn sắp tàn” (Ê-sai 42:3). Tình yêu thương dành cho con người giúp Chúa Giê-su đồng cảm với họ. Ngài hiểu cảm xúc của những người được ví như cây sậy bị giập hoặc tim đèn sắp tàn. Do đó, ngài đối xử với họ một cách ân cần, tử tế và kiên nhẫn. Ngay cả các em nhỏ cũng muốn đến gần ngài (Mác 10:14). Tất nhiên, chúng ta không có sự thông sáng và khả năng dạy dỗ như Chúa Giê-su! Nhưng chúng ta có thể biểu lộ lòng quan tâm với những người mình gặp trong khu vực. Điều này bao hàm cách chúng ta nói chuyện với họ, thời điểm chúng ta đến thăm họ và trong thời gian bao lâu.

14. Tại sao chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến cách mình nói chuyện với người khác?

14 Chúng ta nên nói chuyện với người khác như thế nào? Ngày nay, hàng triệu người “bị hà hiếp và bỏ rơi” bởi những nhà lãnh đạo vô tâm và tham nhũng trong giới thương mại, chính trị và tôn giáo (Mat 9:36). Hậu quả là nhiều người trở nên hoài nghi và vô vọng. Thế nên, thật quan trọng để chúng ta đối xử tử tế và tỏ lòng trắc ẩn với người khác qua việc khéo chọn từ ngữ cũng như giọng điệu khi nói chuyện! Trên thực tế, nhiều người được kéo đến với chân lý không chỉ vì sự hiểu biết về Kinh Thánh hoặc khả năng lập luận của chúng ta, mà còn vì sự quan tâm chân thành và cách cư xử ân cần của chúng ta dành cho họ.

15. Chúng ta có thể biểu lộ lòng quan tâm đến người trong khu vực qua những cách nào?

15 Có nhiều cách để thể hiện lòng quan tâm đến những người mà chúng ta rao giảng. Chẳng hạn, đặt câu hỏi là một phương pháp dạy dỗ hữu hiệu. Chúng ta nên đặt câu hỏi một cách tử tế và tôn trọng. Một anh tiên phong rao giảng trong khu vực có nhiều người nhút nhát, nên anh tránh đặt những câu hỏi có thể khiến họ lúng túng. Đó có lẽ là những câu mà người ta không thể trả lời hoặc trả lời sai. Ví dụ, anh tránh hỏi: “Ông/Bà có biết tên của Đức Chúa Trời không?”, hoặc “Ông/Bà có biết Nước Trời là gì không?”. Thay vì thế, anh sẽ nói: “Khi tìm hiểu Kinh Thánh, tôi biết được Đức Chúa Trời có một tên riêng. Tôi xin chia sẻ với ông/bà được không?”. Tất nhiên, chúng ta không cần có luật cụ thể về điều này vì văn hóa ở mỗi nơi mỗi khác. Nhưng chúng ta luôn muốn quan tâm và tôn trọng người trong khu vực. Để làm thế, chúng ta cần hiểu về họ.

16, 17. Làm thế nào lòng quan tâm giúp chúng ta biết (a) nên thăm chủ nhà khi nào? (b) nên thăm chủ nhà trong bao lâu?

16 Chúng ta nên thăm họ khi nào? Khi đi rao giảng từng nhà, chúng ta là khách không mời mà đến. Do đó, thật quan trọng là chúng ta nên đến vào thời điểm mà có lẽ người ta sẽ sẵn lòng nói chuyện! (Mat 7:12). Chẳng hạn, người trong khu vực của anh chị có thích dậy trễ vào cuối tuần không? Nếu thế, anh chị có thể bắt đầu thánh chức bằng cách rao giảng trên đường phố, nơi công cộng hoặc thăm lại những người mà anh chị biết là họ đã thức dậy.

17 Chúng ta nên thăm họ bao lâu? Nhiều người ngày nay rất bận rộn nên có lẽ anh chị muốn nói ngắn gọn, đặc biệt vào những lần thăm đầu. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta kết thúc cuộc thảo luận sớm thay vì ở lại quá lâu (1 Cô 9:20-23). Khi thấy chúng ta ý thức về hoàn cảnh và thời gian biểu bận rộn của họ, có thể họ sẵn lòng tiếp chuyện chúng ta vào lần tới. Rõ ràng, chúng ta cần thể hiện bông trái thần khí trong thánh chức. Khi làm thế, chúng ta thật sự trở thành “người cùng làm việc với Đức Chúa Trời”, thậm chí có thể là công cụ được Đức Giê-hô-va dùng để kéo người khác đến với ngài.—1 Cô 3:6, 7, 9.

18. Khi quan tâm đến người khác, chúng ta sẽ nhận được những ân phước nào?

18 Vậy, hãy nỗ lực để biểu lộ lòng quan tâm đến những người trong gia đình, trong hội thánh và trong thánh chức. Khi làm thế, chúng ta sẽ nhận được nhiều ân phước ngay bây giờ và trong tương lai. Thi thiên 41:1, 2 nói: “Hạnh phúc cho người quan tâm đến kẻ thấp hèn! Đức Giê-hô-va sẽ giải thoát người trong ngày thảm họa... Người được xem là hạnh phúc trên đất”.