Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 1

“Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con”

“Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con”

“Đừng sợ chi vì ta ở với con. Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con. Ta sẽ thêm sức cho con, phải, ta sẽ giúp đỡ”.—Ê-SAI 41:10.

BÀI HÁT 7 Đức Giê-hô-va, ngài là sức mạnh của chúng con

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Thông điệp được ghi nơi Ê-sai 41:10 đã tác động đến chị Yoshiko như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va cho lưu lại thông điệp ấy vì lợi ích của ai?

Một nữ tín đồ trung thành tên là Yoshiko đã nhận tin buồn. Bác sĩ nói rằng chị chỉ còn sống được vài tháng nữa. Chị phản ứng thế nào? Chị nhớ lại một câu Kinh Thánh mình yêu thích là Ê-sai 41:10. (Đọc). Sau đó, chị bình tĩnh nói với bác sĩ rằng chị không sợ vì Đức Giê-hô-va đang nắm lấy tay chị. * Thông điệp an ủi trong câu Kinh Thánh ấy đã giúp người chị yêu dấu của chúng ta hết lòng tin cậy ngài. Câu ấy cũng có thể giúp chúng ta giữ bình tĩnh khi đối mặt với những thử thách cam go. Như thế nào? Trước hết, hãy cùng xem xét tại sao Đức Chúa Trời ban cho Ê-sai thông điệp ấy.

2 Ban đầu, Đức Giê-hô-va cho Ê-sai ghi lại những lời ấy để an ủi người Do Thái sẽ bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Tuy nhiên, ngài cho lưu lại thông điệp ấy để mang lại lợi ích không chỉ cho người Do Thái lưu đày mà còn cho tất cả dân ngài kể từ thời đó (Ê-sai 40:8; Rô 15:4). Ngày nay, chúng ta sống trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu”, nên hơn bao giờ hết chúng ta cần những lời khích lệ trong sách Ê-sai.—2 Ti 3:1.

3. (a) Những lời hứa nào được ghi lại nơi Ê-sai 41:10? (b) Tại sao chúng ta cần những lời đảm bảo ấy?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ tập trung vào ba lời hứa củng cố đức tin được ghi lại nơi câu Kinh Thánh cho năm 2019 là Ê-sai 41:10: (1) Đức Giê-hô-va sẽ ở với chúng ta, (2) ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta và (3) ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. Chúng ta cần những lời đảm bảo * này vì như chị Yoshiko, chúng ta cũng gặp thử thách trong đời sống. Tình hình xảy ra trên thế giới cũng gây nhiều áp lực cho chúng ta. Thậm chí một số anh chị bị các chính phủ có thế lực bắt bớ. Giờ đây, hãy xem xét từng lời đảm bảo.

“TA Ở VỚI CON”

4. (a) Chúng ta sẽ xem xét lời đảm bảo đầu tiên nào? (Cũng xem chú thích). (b) Đức Giê-hô-va biểu lộ cảm xúc với chúng ta ra sao? (c) Cách ngài biểu lộ cảm xúc tác động thế nào đến anh chị?

4 Đầu tiên, Đức Giê-hô-va trấn an chúng ta: “Đừng sợ chi vì ta ở với con”. * Đức Giê-hô-va ở với chúng ta qua việc chú tâm đến và trìu mến chúng ta. Hãy lưu ý cách ngài biểu lộ cảm xúc với chúng ta. Ngài nói: “Con đã nên quý giá trước mắt ta, đã được trân trọng, và ta yêu thương con” (Ê-sai 43:4). Không thế lực nào trong vũ trụ có thể khiến Đức Giê-hô-va ngưng yêu thương những người phụng sự ngài. Sự thành tín của ngài đối với chúng ta không lay chuyển (Ê-sai 54:10). Tình yêu thương và tình bạn của ngài giúp chúng ta can đảm. Ngài sẽ bảo vệ chúng ta như đã bảo vệ bạn ngài là Áp-ram (hay Áp-ra-ham). Đức Giê-hô-va nói với ông: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ. Ta là tấm khiên của con”.—Sáng 15:1.

Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể vượt qua những thử thách giống như lửa và bão lũ (Xem đoạn 5, 6) *

5, 6. (a) Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va rất muốn giúp đỡ khi mình gặp thử thách? (b) Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của chị Yoshiko?

5 Chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va rất muốn giúp đỡ khi mình gặp thử thách, vì ngài hứa với dân ngài: “Khi con băng qua nước, ta sẽ ở cùng; khi con lội qua sông, sông không nhấn chìm. Khi con bước qua lửa sẽ không bị bỏng, ngọn lửa cũng chẳng hề làm con cháy sém” (Ê-sai 43:2). Những lời ấy có nghĩa gì?

6 Đức Giê-hô-va không hứa là sẽ xóa bỏ thử thách của chúng ta nhưng ngài không cho phép ‘dòng sông’ vấn đề nhấn chìm chúng ta, hoặc “ngọn lửa” thử thách gây thiệt hại lâu dài cho chúng ta. Đức Giê-hô-va đảm bảo là ngài sẽ ở cùng và giúp chúng ta “băng qua” những khó khăn ấy. Ngài sẽ làm gì? Ngài sẽ làm lắng dịu nỗi sợ hãi, nhờ đó chúng ta có thể giữ lòng trọn thành với ngài, ngay cả khi đối mặt với cái chết (Ê-sai 41:13). Chị Yoshiko, người được đề cập ở trên, đã cảm nghiệm được điều đó. Con gái chị nói: “Chúng tôi rất thán phục trước sự bình tĩnh của mẹ. Quả thật, chúng tôi thấy Đức Giê-hô-va ban cho mẹ sự bình an nội tâm. Cho đến ngày qua đời, mẹ vẫn nói với y tá và bệnh nhân khác về Đức Giê-hô-va và các lời hứa của ngài”. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của chị Yoshiko? Khi tin cậy lời hứa của Đức Giê-hô-va “ta sẽ ở cùng [con]”, chúng ta cũng sẽ can đảm và mạnh mẽ khi chịu đựng thử thách.

“TA LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA CON”

7, 8. (a) Chúng ta sẽ xem xét lời đảm bảo thứ hai nào, và từ “lo” trong câu ấy có nghĩa gì? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va nói với người Do Thái bị lưu đày: “Đừng lo gì”? (c) Hẳn những lời nào nơi Ê-sai 46:3, 4 đã xoa dịu lòng của dân Đức Chúa Trời?

7 Hãy lưu ý đến lời đảm bảo thứ hai được Ê-sai ghi lại: “Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con”. Từ “lo” ở đây có nghĩa gì? Trong nguyên ngữ, từ này có nghĩa là “cứ ngoái lại phía sau để đề phòng những mối nguy hiểm” hay “cứ nhìn nháo nhác như cách một người làm khi sợ hãi”.

8 Tại sao Đức Giê-hô-va bảo những người Do Thái sẽ bị lưu đày sang Ba-by-lôn là “đừng lo gì”? Vì ngài biết rằng mọi người trong xứ đó sẽ sợ hãi. Điều gì sẽ khiến họ sợ hãi? Khi gần kết thúc 70 năm lưu đày của người Do Thái, Ba-by-lôn sẽ bị quân Mê-đi Ba Tư hùng mạnh tấn công. Đức Giê-hô-va sẽ dùng đội quân này để giải phóng dân ngài khỏi cảnh phu tù (Ê-sai 41:2-4). Khi biết kẻ thù đang tiến đến, người Ba-by-lôn và các dân khác sống vào thời đó cố gắng giữ can đảm bằng cách nói với nhau: “Mạnh mẽ lên!”. Họ cũng làm thêm tượng thần và mong những tượng ấy che chở mình (Ê-sai 41:5-7). Trong khi đó, Đức Giê-hô-va xoa dịu lòng của người Do Thái bị lưu đày: “Con [chứ không phải các dân láng giềng của con] là tôi tớ ta, hỡi Y-sơ-ra-ên... Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con” (Ê-sai 41:8-10). Hãy lưu ý rằng Đức Giê-hô-va nói: “Ta Đức Chúa Trời của con”. Qua những lời ấy, ngài trấn an các tôi tớ trung thành rằng ngài không quên họ. Ngài vẫn là Đức Chúa Trời của họ và họ vẫn là dân ngài. Ngài nói với họ: “Ta sẽ bồng ẵm... và giải thoát các con”. Chắc chắn, những lời trấn an ấy đã củng cố người Do Thái bị lưu đày.—Đọc Ê-sai 46:3, 4.

9, 10. Tại sao chúng ta không cần sợ hãi? Hãy minh họa.

9 Hiện nay, hơn bao giờ hết những người xung quanh chúng ta đang lo lắng về tình trạng ngày càng tồi tệ trên thế giới. Dĩ nhiên, tình trạng đó cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng chúng ta không cần sợ hãi. Đức Giê-hô-va nói với chúng ta: “Ta là Đức Chúa Trời của con”. Tại sao lời này cho chúng ta lý do để giữ bình tĩnh?

10 Hãy xem minh họa sau: Hai hành khách là Giang và Bằng đang trên một chuyến bay. Bỗng xuất hiện một cơn bão mạnh. Khi máy bay bị tròng trành, giọng cơ trưởng vang lên: “Xin cài dây an toàn. Chúng ta sẽ phải bay qua vùng giông bão trong một thời gian”. Anh Giang bắt đầu lo lắng. Rồi cơ trưởng nói thêm: “Tôi là cơ trưởng. Xin hành khách đừng lo lắng”. Lúc đó, anh Giang lắc đầu ngao ngán: “Nói vậy thì giúp được gì chứ!”. Nhưng thấy anh Bằng không có chút lo lắng nào nên anh Giang hỏi: “Sao anh bình tĩnh vậy?”. Anh Bằng mỉm cười đáp: “Vì tôi biết rõ cơ trưởng. Ông ấy là cha tôi!”. Rồi anh Bằng nói: “Để tôi cho anh biết về cha tôi. Chắc chắn khi biết về cha tôi và tài năng của ông ấy, anh cũng sẽ bình tĩnh”.

11. Chúng ta học được gì qua minh họa về hai hành khách trên máy bay?

11 Chúng ta học được gì qua minh họa ấy? Như anh Bằng, chúng ta bình tĩnh vì biết rõ Cha trên trời, Đức Giê-hô-va. Chúng ta biết rằng ngài sẽ giúp mình đối phó thành công với vấn đề giống như cơn bão trong những ngày sau cùng của thế gian này (Ê-sai 35:4). Vì tin cậy ngài nên chúng ta có thể giữ bình tĩnh dù những người trong thế gian bị nỗi sợ hãi chế ngự (Ê-sai 30:15). Như anh Bằng, chúng ta cũng chia sẻ với người đồng loại lý do mình tin cậy Đức Giê-hô-va. Nhờ thế, họ cũng có thể tin chắc ngài sẽ giúp họ trong bất cứ khó khăn nào.

“TA SẼ THÊM SỨC CHO CON [VÀ] SẼ GIÚP ĐỠ”

12. (a) Chúng ta sẽ xem xét lời đảm bảo thứ ba nào? (b) Khi nói đến “cánh tay” của Đức Giê-hô-va, Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ điều gì?

12 Hãy xem xét lời đảm bảo thứ ba: “Ta sẽ thêm sức cho con, phải, ta sẽ giúp đỡ”. Trước đó, Ê-sai đã miêu tả cách Đức Giê-hô-va thêm sức cho dân ngài khi ông nói: “Chúa Tối Thượng Giê-hô-va sẽ đến với quyền năng, cánh tay ngài sẽ cai trị cho ngài” (Ê-sai 40:10). Kinh Thánh thường dùng từ “cánh tay” theo nghĩa bóng để nói đến quyền năng. Vì thế, cụm từ “cánh tay ngài sẽ cai trị” nhắc chúng ta nhớ Đức Giê-hô-va là Vua đầy quyền năng. Ngài đã dùng sức mạnh vô song để hỗ trợ và bảo vệ các tôi tớ trong quá khứ. Ngày nay, ngài vẫn thêm sức và che chở những ai tin cậy ngài.—Phục 1:30, 31; Ê-sai 43:10.

Không vũ khí nào chống lại được cánh tay bảo vệ mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 12-16) *

13. (a) Đức Giê-hô-va giữ lời hứa thêm sức cho chúng ta nhất là khi nào? (b) Chúng ta có sức mạnh và lòng tin chắc nhờ lời đảm bảo nào?

13 Đức Giê-hô-va giữ lời hứa “ta sẽ thêm sức cho con” nhất là khi kẻ thù bắt bớ chúng ta. Ngày nay, tại một số nơi trên thế giới, kẻ thù ra sức khiến chúng ta ngưng công việc rao giảng hoặc cấm đoán tổ chức của chúng ta. Dù vậy, chúng ta không quá lo lắng. Chúng ta có sức mạnh và lòng tin chắc nhờ được Đức Giê-hô-va đảm bảo: “Không vũ khí nào chế ra để hại ngươi sẽ hữu hiệu” (Ê-sai 54:17). Những lời ấy nhắc chúng ta nhớ đến ba sự thật quan trọng.

14. Tại sao không ngạc nhiên khi kẻ thù của Đức Chúa Trời tấn công chúng ta?

14 Thứ nhất, là môn đồ của Đấng Ki-tô, chúng ta biết mình sẽ bị thù ghét (Mat 10:22). Chúa Giê-su báo trước rằng môn đồ ngài sẽ bị ngược đãi dữ dội trong những ngày sau cùng (Mat 24:9; Giăng 15:20). Thứ hai, lời tiên tri của Ê-sai cảnh báo về một điều còn tệ hơn sự thù ghét, đó là kẻ thù sẽ dùng nhiều loại vũ khí để chống lại chúng ta. Những vũ khí ấy bao gồm sự lừa gạt tinh vi, lời nói dối trắng trợn và sự bắt bớ tàn bạo (Mat 5:11). Đức Giê-hô-va sẽ không ngăn cản kẻ thù dùng những vũ khí ấy để gây chiến với chúng ta (Ê-phê 6:12; Khải 12:17). Nhưng chúng ta không cần sợ hãi. Tại sao?

15, 16. (a) Sự thật thứ ba chúng ta cần ghi nhớ là gì? Làm thế nào Ê-sai 25:4, 5 giúp khẳng định điều này? (b) Ê-sai 41:11, 12 miêu tả thế nào về kết cục của những kẻ chống đối chúng ta?

15 Hãy xem xét sự thật thứ ba chúng ta cần ghi nhớ. Đức Giê-hô-va nói rằng “không vũ khí nào” mà kẻ thù dùng “sẽ hữu hiệu”. Như bức tường bảo vệ chúng ta khỏi sức mạnh tàn phá của cơn bão, Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta khỏi “cơn gió của bạo chúa”. (Đọc Ê-sai 25:4, 5). Kẻ thù sẽ không bao giờ thành công trong việc gây thiệt hại lâu dài cho chúng ta.—Ê-sai 65:17.

16 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn củng cố niềm tin cậy của chúng ta nơi ngài bằng cách miêu tả chi tiết kết cục của những kẻ “nổi giận” với chúng ta. (Đọc Ê-sai 41:11, 12). Dù kẻ thù có dốc sức đến đâu hoặc trận chiến có khốc liệt thế nào, kết cục vẫn là: Mọi kẻ thù của dân Đức Chúa Trời “sẽ chẳng còn gì và tiêu vong”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÀNG TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

Chúng ta sẽ càng tin cậy Đức Giê-hô-va khi đều đặn đọc về ngài trong Kinh Thánh (Xem đoạn 17, 18) *

17, 18. (a) Làm thế nào việc đọc Kinh Thánh giúp chúng ta càng tin cậy Đức Chúa Trời? Hãy nêu ví dụ. (b) Suy ngẫm câu Kinh Thánh cho năm 2019 sẽ giúp chúng ta ra sao?

17 Chúng ta sẽ càng tin cậy Đức Giê-hô-va khi biết ngài rõ hơn. Cách duy nhất để biết ngài rõ hơn là đọc Kinh Thánh kỹ lưỡng và suy ngẫm những điều mình đọc. Kinh Thánh chứa đựng lời tường thuật đáng tin cậy về cách Đức Giê-hô-va bảo vệ dân ngài trong quá khứ. Lời tường thuật đó giúp chúng ta tin chắc rằng ngài cũng sẽ chăm sóc chúng ta.

18 Hãy xem một hình ảnh rất đẹp mà Ê-sai dùng để minh họa về cách Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta. Ông nói Đức Giê-hô-va là người chăn và tôi tớ ngài là cừu con. Ông viết: “Bằng cánh tay, ngài sẽ gom lại cừu con, bồng ẵm vào lòng” (Ê-sai 40:11). Khi cảm nhận cánh tay mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va bao bọc mình, chúng ta thấy an toàn mà không sợ hãi. Để giúp chúng ta giữ bình tĩnh dù gặp vấn đề, đầy tớ trung tín và khôn ngoan đã chọn Ê-sai 41:10 làm câu Kinh Thánh cho năm 2019: “Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con”. Hãy suy ngẫm những lời đầy an ủi ấy. Nhờ thế, anh chị sẽ được thêm sức để đối mặt với khó khăn phía trước.

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ

^ đ. 5 Câu Kinh Thánh được chọn cho năm 2019 đưa ra ba lý do để giữ bình tĩnh ngay cả khi điều xấu xảy ra trên thế giới hoặc trong đời sống mình. Bài này sẽ xem xét những lý do ấy cũng như giúp chúng ta bớt lo lắng và thêm tin cậy Đức Giê-hô-va. Hãy suy ngẫm câu Kinh Thánh của năm và học thuộc nếu có thể. Câu Kinh Thánh này sẽ củng cố anh chị hầu đối mặt với những khó khăn phía trước.

^ đ. 3 GIẢI NGHĨA: Lời đảm bảo là lời nói thật hay lời hứa rằng một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Lời đảm bảo của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta bớt lo lắng về các vấn đề trong đời sống.

^ đ. 4 Cụm từ “đừng sợ chi” được đề cập ba lần nơi Ê-sai 41:10, 13 và 14. Những câu này cũng lặp lại nhiều lần từ “ta” (nói đến Đức Giê-hô-va). Tại sao Đức Giê-hô-va soi dẫn Ê-sai dùng từ “ta” nhiều lần như vậy? Đó là để nhấn mạnh một sự thật quan trọng: Chỉ khi tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta mới có thể vơi bớt sợ hãi.

^ đ. 52 HÌNH ẢNH: Các thành viên trong một gia đình gặp thử thách tại sở làm, về sức khỏe, trong thánh chức và ở trường học.

^ đ. 54 HÌNH ẢNH: Cảnh sát xông vào một buổi nhóm họp ở nhà riêng nhưng các anh chị vẫn giữ bình tĩnh.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Đều đặn có Buổi thờ phượng của gia đình thêm sức cho chúng ta chịu đựng.