BÀI HỌC 4
Tiếp tục vun trồng lòng trìu mến
“Trong tình yêu thương anh em, hãy có lòng trìu mến đối với nhau”.—RÔ 12:10.
BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng
GIỚI THIỆU *
1. Điều gì cho thấy nhiều gia đình ngày nay thiếu tình thương tự nhiên?
Kinh Thánh báo trước rằng trong những ngày sau cùng, người ta sẽ thiếu “tình thương tự nhiên” (2 Ti 3:1, 3). Chúng ta thấy lời tiên tri này đang được ứng nghiệm ngày nay. Chẳng hạn, hàng triệu gia đình bị đổ vỡ vì ly dị, khiến vợ chồng thù ghét nhau và con cái cảm thấy không được yêu thương. Thậm chí có những gia đình sống chung một mái nhà nhưng xem nhau như người xa lạ. Một cố vấn về gia đình cho biết: “Cha mẹ, con cái giờ chẳng nói chuyện với nhau, lúc nào cũng dán mắt vào máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc trò chơi điện tử. Dù sống chung một nhà nhưng chẳng biết rõ về nhau”.
2, 3. (a) Theo Rô-ma 12:10, chúng ta nên có lòng trìu mến với ai? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?
2 Chúng ta không muốn bị rập khuôn theo tinh thần vô tình của thế gian này (Rô 12:2). Thay vì thế, chúng ta cần vun trồng lòng trìu mến không chỉ với các thành viên trong gia đình mà còn với anh em đồng đức tin. (Đọc Rô-ma 12:10). Vậy, lòng trìu mến là gì? Cụm từ này miêu tả mối quan hệ nồng ấm giữa các thành viên trong gia đình. Đó cũng chính là loại tình yêu thương chúng ta cần vun trồng trong gia đình thiêng liêng. Khi thể hiện lòng trìu mến, chúng ta góp phần duy trì sự hợp nhất, một phần thiết yếu của sự thờ phượng thật.—Mi 2:12.
3 Để biết cách vun trồng và thể hiện lòng trìu mến, hãy xem chúng ta học được gì từ những gương trong Kinh Thánh.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐẤNG “RẤT TRÌU MẾN DỊU DÀNG”
4. Gia-cơ 5:11 cho biết gì về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?
4 Kinh Thánh cho biết về những phẩm chất tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, sách này nói: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Chỉ riêng phẩm chất này cũng đủ để thu hút chúng ta đến gần ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh còn nói rằng Đức Giê-hô-va là đấng “rất trìu mến dịu dàng”. (Đọc Gia-cơ 5:11, chú thích). Quả là lời miêu tả ấm lòng cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta nhiều dường bao!
5. Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót như thế nào, và chúng ta có thể bắt chước ngài ra sao?
5 Gia-cơ 5:11 liên kết lòng trìu mến của Đức Giê-hô-va với một phẩm chất khác cũng thu hút chúng ta đến gần ngài, đó là lòng thương xót (Xuất 34:6). Một cách Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót là tha thứ lỗi lầm của chúng ta (Thi 51:1). Trong Kinh Thánh, lòng thương xót bao hàm nhiều hơn là chỉ tha thứ. Đó là cảm xúc mạnh mẽ nảy nở trong lòng một người khi thấy ai đó gặp khốn khổ và được thúc đẩy để giúp đỡ họ. Đức Giê-hô-va cho thấy cảm xúc của ngài dành cho chúng ta còn mãnh liệt hơn cảm xúc của người mẹ dành cho con (Ê-sai 49:15). Khi thấy chúng ta gặp khốn khổ, lòng thương xót thúc đẩy Đức Giê-hô-va giúp đỡ chúng ta (Thi 37:39; 1 Cô 10:13). Chúng ta có thể tỏ lòng thương xót với anh em đồng đạo qua việc tha thứ và không nuôi lòng oán giận khi họ làm mình tổn thương (Ê-phê 4:32). Một cách quan trọng khác để thể hiện lòng thương xót là giúp đỡ anh em khi họ đương đầu với khó khăn. Khi được thôi thúc bởi tình yêu thương để tỏ lòng thương xót với người khác, chúng ta đang noi theo gương Đức Giê-hô-va, gương mẫu xuất sắc nhất về việc thể hiện lòng trìu mến.—Ê-phê 5:1.
GIÔ-NA-THAN VÀ ĐA-VÍT—“ĐÔI BẠN THÂN GẮN BÓ VỚI NHAU”
6. Giô-na-than và Đa-vít biểu lộ lòng trìu mến với nhau như thế nào?
6 Kinh Thánh ghi lại trường hợp của những người bất toàn đã thể hiện lòng trìu mến với nhau. Hãy cùng xem xét trường hợp của Giô-na-than và Đa-vít. Kinh Thánh cho biết: “Giô-na-than cùng Đa-vít thành đôi bạn thân gắn bó với nhau, và Giô-na-than yêu quý Đa-vít như chính mình” (1 Sa 18:1). Đa-vít được xức dầu để trở thành vị vua kế nhiệm Sau-lơ. Với thời gian, Sau-lơ ghen tị với Đa-vít và cố tìm cách giết ông. Nhưng con trai của Sau-lơ là Giô-na-than không hùa theo cha để hãm hại Đa-vít. Giô-na-than và Đa-vít hứa luôn làm bạn và ủng hộ lẫn nhau.—1 Sa 20:42.
7. Yếu tố nào đã có thể ngăn cản Giô-na-than và Đa-vít trở thành bạn của nhau?
7 Lòng trìu mến giữa Giô-na-than và Đa-vít càng đáng chú ý khi chúng ta xem xét một số yếu tố đã có thể cản trở tình bạn giữa họ. Chẳng hạn, Giô-na-than lớn hơn Đa-vít khoảng 30 tuổi. Hẳn Giô-na-than đã có thể nghĩ rằng mình không thể nào kết thân với một người trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm như Đa-vít. Nhưng Giô-na-than đã không suy nghĩ như thế. Ông không đánh giá hay đối xử với Đa-vít như một người thấp kém hơn mình.
8. Theo anh chị, tại sao Giô-na-than là bạn tốt của Đa-vít?
8 Giô-na-than đã có thể ghen tị với Đa-vít. Là con trai vua Sau-lơ, Giô-na-than cũng có thể khăng khăng cho rằng ông mới là người kế vị chính đáng (1 Sa 20:31). Nhưng Giô-na-than đã khiêm nhường và trung thành với Đức Giê-hô-va. Vì vậy, ông hết lòng ủng hộ việc Đức Giê-hô-va chọn Đa-vít làm vua kế nhiệm. Ông cũng trung thành với Đa-vít ngay cả khi phải lãnh cơn thịnh nộ của Sau-lơ.—1 Sa 20:32-34.
9. Giô-na-than có xem Đa-vít là đối thủ không? Hãy giải thích.
9 Giô-na-than có lòng trìu mến với Đa-vít. Vì thế, ông không xem Đa-vít là đối thủ. Giô-na-than là cung thủ tài ba và chiến binh can đảm. Ông và cha của ông là Sau-lơ có tiếng là “nhanh hơn đại bàng” và “mạnh hơn sư tử” (2 Sa 1:22, 23). Thế nên, Giô-na-than đã có thể khoe về những chiến công oai hùng của mình. Tuy nhiên, Giô-na-than không trở nên hiếu thắng hay ghen tị. Trái lại, ông ngưỡng mộ sự can đảm và lòng tin cậy mà Đa-vít đã thể hiện nơi Đức Giê-hô-va. Thực tế, sau khi Đa-vít giết Gô-li-át, Giô-na-than đã bắt đầu yêu quý Đa-vít như chính mình. Làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng trìu mến như thế với anh em đồng đạo?
LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ TỎ LÒNG TRÌU MẾN?
10. “Tha thiết yêu thương nhau từ đáy lòng” có nghĩa gì?
10 Kinh Thánh khuyên chúng ta hãy “tha thiết yêu thương nhau từ đáy lòng” (1 Phi 1:22). Đức Giê-hô-va nêu gương cho chúng ta về điều này. Tình yêu thương của ngài tha thiết và mạnh mẽ đến nỗi nếu chúng ta trung thành với ngài, không điều gì có thể phá vỡ tình yêu thương đó (Rô 8:38, 39). Từ Hy Lạp được dịch là “tha thiết” truyền đạt ý tưởng kéo căng người ra, thậm chí là cố rướn người. Cũng có khi chúng ta cần “kéo căng người ra” và “rướn người” để có lòng trìu mến với anh em đồng đạo. Nếu ai đó làm mình tổn thương, chúng ta cần tiếp tục “chịu đựng nhau bằng tình yêu thương, cố gắng hết sức gìn giữ sự hiệp một có được nhờ thần khí trong mối liên kết của sự hòa thuận” (Ê-phê 4:1-3). Khi nỗ lực gìn giữ “mối liên kết của sự hòa thuận”, chúng ta sẽ không tập trung vào lỗi lầm của anh em. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để nhìn anh em đồng đạo theo quan điểm của Đức Giê-hô-va.—1 Sa 16:7; Thi 130:3.
11. Tại sao không phải lúc nào cũng dễ để vun trồng lòng trìu mến?
11 Không phải lúc nào cũng dễ để thể hiện lòng trìu mến với anh em đồng đạo, đặc biệt khi chúng ta biết rõ khuyết điểm của họ. Dường như đây là thách đố cho một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Chẳng hạn, Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ hẳn không có mâu thuẫn gì với Phao-lô khi “chung vai sát cánh với [ông] tranh đấu vì tin mừng”. Nhưng vì lý do nào đó, họ lại khó hòa thuận với nhau. Vì thế, Phao-lô khuyến giục họ hãy “có cùng tư tưởng trong Chúa”.—Phi-líp 4:2, 3.
12. Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng lòng trìu mến với anh em đồng đạo?
12 Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng lòng trìu mến với anh em đồng đạo? Khi dành thời gian để biết rõ hơn về anh em, chúng ta sẽ dễ hiểu họ hơn và dễ vun trồng lòng trìu mến với họ. Không nên để tuổi tác và gốc gác ngăn cản mình làm thế. Hãy nhớ rằng Giô-na-than hơn Đa-vít khoảng 30 tuổi, nhưng ông đã có tình bạn mật thiết với Đa-vít. Anh chị có thể kết bạn với một người lớn tuổi hoặc trẻ tuổi hơn mình trong hội thánh không? Khi làm thế, anh chị cho thấy mình “yêu thương cả đoàn thể anh em”.—1 Phi 2:17.
13. Tại sao chúng ta không thể kết thân với tất cả mọi người trong hội thánh?
13 Phải chăng có lòng trìu mến với anh em đồng đạo có nghĩa là chúng ta kết thân với tất cả mọi người trong hội thánh? Không, vì điều đó không thực tế. Không hẳn là sai khi chúng ta thân với người này hơn người kia vì có cùng sở thích. Chúa Giê-su gọi tất cả các sứ đồ là bạn, nhưng ngài đặc biệt yêu mến Giăng (Giăng 13:23; 15:15; 20:2). Tuy nhiên, Chúa Giê-su không thiên vị Giăng. Ví dụ, khi Giăng và anh trai là Gia-cơ hỏi xin ngài cho một vị trí nổi trội trong Nước Trời, ngài nói với họ: “Việc ngồi bên phải hay bên trái tôi thì tôi không có quyền cho” (Mác 10:35-40). Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta cũng không nên thiên vị bạn thân của mình (Gia 2:3, 4). Nếu làm thế, chúng ta đang cổ vũ tinh thần chia rẽ, là điều không có chỗ trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô.—Giu 17-19.
14. Theo Phi-líp 2:3, điều gì giúp chúng ta tránh tinh thần cạnh tranh?
14 Khi tỏ lòng trìu mến với nhau, chúng ta bảo vệ hội thánh khỏi tinh thần cạnh tranh. Hãy nhớ là Giô-na-than đã không cạnh tranh với Đa-vít và xem ông là đối thủ muốn đoạt ngôi vua. Tất cả chúng ta có thể noi gương Giô-na-than. Đừng xem anh em đồng đạo là đối thủ chỉ vì họ có khả năng nào đó, nhưng hãy “khiêm nhường xem người khác cao hơn mình”. (Đọc Phi-líp 2:3). Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta đều có thể góp phần giúp ích cho hội thánh. Khi giữ quan điểm khiêm nhường về bản thân, chúng ta sẽ thấy điểm tốt của anh em đồng đạo và nhận được lợi ích từ gương trung thành của họ.—1 Cô 12:21-25.
15. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của gia đình chị Tanya?
15 Khi chúng ta đối mặt với những thử thách bất ngờ, Đức Giê-hô-va an ủi chúng ta qua sự giúp đỡ thiết thực và lòng trìu mến từ anh em đồng đạo. Hãy xem điều gì đã xảy ra với một gia đình sau phiên họp ngày thứ bảy của hội nghị quốc tế 2019 ở Hoa Kỳ với chủ đề “Tình yêu thương tồn tại mãi!”. Chị Tanya, người mẹ có ba con,
kể lại: “Khi chúng tôi đang trên đường trở về khách sạn, có một xe khác đi cùng chiều đã mất lái và đâm sang xe chúng tôi. Dù không ai bị thương nhưng chúng tôi đều bị sốc. Rồi chúng tôi ra khỏi xe và đứng trên đường cao tốc. Có một ai đó đã dừng xe ở lề đường và vẫy tay mời chúng tôi vào xe của họ cho an toàn. Đó là một anh Nhân Chứng cũng vừa mới rời hội nghị. Không chỉ anh dừng lại mà còn có năm đại biểu khác từ Thụy Điển cũng làm thế. Các chị đã ôm tôi và con gái một cách nồng ấm, đó là điều chúng tôi đang rất cần! Tôi cho các anh chị ấy biết rằng chúng tôi không sao, nhưng họ vẫn ở lại. Họ đã ở với chúng tôi ngay cả sau khi nhân viên y tế đến vì muốn đảm bảo rằng chúng tôi có mọi thứ cần thiết. Trong suốt thời điểm khó khăn đó, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Kinh nghiệm này củng cố tình yêu thương và lòng biết ơn mà chúng tôi dành cho ngài cũng như tình yêu thương đối với anh em đồng đạo”. Anh chị có nhớ lúc mình cần sự giúp đỡ và được một anh em thể hiện lòng trìu mến không?16. Chúng ta có những lý do nào để thể hiện lòng trìu mến với nhau?
16 Việc thể hiện lòng trìu mến với nhau mang lại nhiều kết quả. Chúng ta an ủi anh em đồng đạo trong lúc họ cần và củng cố sự hợp nhất trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời. Chúng ta chứng tỏ mình là môn đồ Chúa Giê-su, và điều này thu hút người có lòng thành đến với sự thờ phượng thật. Trên hết, chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va, “Cha đầy lòng thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” (2 Cô 1:3). Mong sao tất cả chúng ta tiếp tục vun trồng và thể hiện lòng trìu mến với nhau!
BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ
^ đ. 5 Chúa Giê-su nói rằng môn đồ của ngài sẽ được nhận biết bởi tình yêu thương giữa họ. Tất cả chúng ta đều cố gắng làm theo đòi hỏi đó. Chúng ta có thể củng cố tình yêu thương với anh em đồng đạo bằng cách vun trồng lòng trìu mến, là loại tình yêu thương mà người thân trong gia đình thể hiện với nhau. Bài này sẽ giúp chúng ta vun trồng và tiếp tục thể hiện lòng trìu mến với anh em đồng đức tin.
^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Một trưởng lão trẻ nhận được lợi ích từ một anh trưởng lão lớn tuổi nhiều kinh nghiệm; anh trẻ được mời đến nhà anh lớn tuổi và được chào đón nồng ấm. Hai cặp vợ chồng này thể hiện tình yêu thương và lòng rộng rãi với nhau.