Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 1

“Ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va chẳng thiếu điều chi tốt lành”

“Ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va chẳng thiếu điều chi tốt lành”

CÂU KINH THÁNH CHO NĂM 2022: “Ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va chẳng thiếu điều chi tốt lành”.—THI 34:10.

BÀI HÁT 4 “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của tôi”

GIỚI THIỆU *

Đa-vít cảm thấy ông “chẳng thiếu điều chi tốt lành” ngay cả trong những lúc khó khăn (Xem đoạn 1-3) *

1. Đa-vít rơi vào tình cảnh khó khăn nào?

 Đa-vít đang chạy trốn để giữ mạng sống. Sau-lơ, vị vua quyền lực của Y-sơ-ra-ên, quyết tâm giết ông. Khi Đa-vít cần thức ăn, ông ngừng lại ở thành Nóp; tại đây ông xin thầy tế lễ chỉ năm cái bánh (1 Sa 21:1, 3). Lúc sau, ông và những người đi cùng tìm được nơi trú ẩn trong một cái hang (1 Sa 22:1). Tại sao Đa-vít rơi vào tình cảnh ấy?

2. Làm thế nào Sau-lơ đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm? (1 Sa-mu-ên 23:16, 17)

2 Sau-lơ rất ghen tị với tiếng tăm và những chiến thắng quân sự của Đa-vít. Sau-lơ cũng biết rằng vì bất tuân nên ông bị Đức Giê-hô-va chối bỏ, ngài không cho ông làm vua nữa và đã chọn Đa-vít làm vua tương lai. (Đọc 1 Sa-mu-ên 23:16, 17). Dù vậy, là vua của Y-sơ-ra-ên, Sau-lơ có một lực lượng quân đội hùng hậu và nhiều người ủng hộ, nên Đa-vít phải chạy trốn để giữ mạng sống. Có thật là Sau-lơ nghĩ ông có thể chống lại ý định của Đức Chúa Trời dành cho Đa-vít không? (Ê-sai 55:11). Kinh Thánh không cho biết, nhưng chúng ta biết chắc một điều: Sau-lơ đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Những ai chống lại Đức Giê-hô-va sẽ luôn thất bại!

3. Đa-vít cảm thấy thế nào bất kể hoàn cảnh của mình?

3 Đa-vít không phải là người tham vọng. Ông không tự chọn trở thành vua của Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm ông vào vị trí đó (1 Sa 16:1, 12, 13). Sau-lơ xem Đa-vít là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng Đa-vít không đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về tình huống nguy hiểm mà ông phải đối mặt. Ông cũng không than phiền về việc có ít thức ăn và phải trú ẩn trong hang. Ngược lại, rất có thể khi trú ẩn trong hang ấy, ông đã sáng tác bài hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, trong đó có những lời của câu Kinh Thánh chủ đề: “Ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va chẳng thiếu điều chi tốt lành”.—Thi 34:10.

4. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào, và tại sao những câu hỏi ấy quan trọng?

4 Ngày nay, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va bị thiếu thức ăn và những nhu yếu phẩm khác trong đời sống. * Điều này đặc biệt được thấy rõ trong đại dịch gần đây. Khi “hoạn nạn lớn” càng đến gần, chúng ta càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn (Mat 24:21). Ghi nhớ những điều ấy, hãy cùng tìm lời giải đáp cho bốn câu hỏi: Đa-vít “chẳng thiếu điều chi tốt lành” theo nghĩa nào? Tại sao chúng ta cần tập thỏa lòng? Tại sao chúng ta có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc cho mình? Và chúng ta có thể làm gì ngay bây giờ để chuẩn bị cho tương lai?

“TÔI SẼ CHẲNG THIẾU CHI”

5, 6. Làm thế nào Thi thiên 23:1-6 giúp chúng ta hiểu ý của Đa-vít khi ông nói tôi tớ của Đức Chúa Trời “chẳng thiếu điều chi tốt lành”?

5 Ý của Đa-vít là gì khi ông nói rằng tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ “chẳng thiếu điều chi tốt lành”? Chúng ta có thể hiểu điều này khi xem xét những lời tương tự nơi Thi thiên bài 23. (Đọc Thi thiên 23:1-6). Đa-vít mở đầu bài Thi thiên này bằng những lời: “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của tôi. Tôi sẽ chẳng thiếu chi”. Trong phần còn lại của bài Thi thiên ấy, Đa-vít nhắc đến điều thật sự có giá trị lâu dài, đó là những ân phước dư dật về thiêng liêng mà ông được hưởng khi có Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của mình. Đức Giê-hô-va dắt ông “trên nẻo công chính” và ngài hỗ trợ ông trong cả lúc thuận lợi lẫn lúc khó khăn. Đa-vít nhìn nhận là dù ở trong “đồng cỏ tươi xanh” của Đức Giê-hô-va, nhưng đời sống của ông không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đôi khi, ông có thể cảm thấy nản lòng, như thể ông bước đi trong “thung lũng của bóng tối dày đặc”, và ông sẽ có kẻ thù. Nhưng khi có Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ, Đa-vít sẽ “chẳng sợ bị hại”.

6 Vậy chúng ta đã có lời giải đáp cho câu hỏi: Đa-vít “chẳng thiếu điều chi tốt lành” theo nghĩa nào? Về mặt thiêng liêng, ông có mọi điều mình cần. Niềm hạnh phúc của ông không phụ thuộc vào vật chất. Đa-vít thỏa lòng với những gì Đức Giê-hô-va cung cấp. Điều quan trọng nhất với ông là ân phước và sự bảo vệ của Đức Chúa Trời.

7. Theo Lu-ca 21:20-24, các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Giu-đê phải đối mặt với tình huống khó khăn nào?

7 Qua những lời của Đa-vít, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc có quan điểm đúng về vật chất. Dĩ nhiên, chúng ta có thể hưởng những của cải vật chất mà mình đang có, nhưng không nên để những điều ấy làm trọng tâm trong đời sống. Đó là sự thật quan trọng mà các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất sống ở Giu-đê đã hiểu ra. (Đọc Lu-ca 21:20-24). Chúa Giê-su cảnh báo họ về thời điểm mà thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị “quân lính bao vây”. Khi điều đó xảy ra, họ cần “chạy trốn lên núi”. Việc chạy trốn sẽ cứu mạng họ, nhưng họ phải hy sinh nhiều điều. Nhiều năm trước, Tháp Canh nói như sau: “Họ rời bỏ đồng ruộng và nhà cửa, thậm chí không gom của cải trong nhà. Tin tưởng nơi sự che chở và nâng đỡ của Đức Giê-hô-va, họ đặt sự thờ phượng Ngài lên hàng đầu mọi điều có vẻ quan trọng”.

8. Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào từ trường hợp của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Giu-đê?

8 Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào từ trường hợp của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Giu-đê? Tháp Canh vừa đề cập ở trên cho biết: “Có thể sẽ có thử thách về cách chúng ta xem những của cải vật chất; coi chúng là quan trọng nhất hay là sự cứu rỗi cho tất cả những người đứng về phía Đức Chúa Trời quan trọng hơn? Thật vậy, việc chạy thoát của chúng ta có lẽ sẽ có ít nhiều khó khăn và thiếu thốn. Chúng ta sẽ phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì, như các anh em chúng ta trong thế kỷ thứ nhất trốn khỏi Giu-đê”. *

9. Lời khuyên mà sứ đồ Phao-lô đưa ra cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ khích lệ anh chị thế nào?

9 Thật không dễ chút nào khi những tín đồ ấy phải rời bỏ gần như mọi thứ họ có và bắt đầu lại từ đầu. Họ cần có đức tin để tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ có những nhu cầu căn bản. Nhưng có một điều có thể giúp họ làm thế. Năm năm trước khi quân La Mã bao vây thành Giê-ru-sa-lem, sứ đồ Phao-lô đã đưa ra lời khuyên hữu ích cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ: “Hãy giữ lối sống không ham tiền, đồng thời thỏa lòng với những gì mình hiện có. Vì ngài đã phán: ‘Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con’. Nhờ thế, chúng ta có sự can đảm và nói: ‘Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ chẳng sợ hãi gì. Loài người làm chi tôi được?’” (Hê 13:5, 6). Hẳn những ai áp dụng lời khuyên của Phao-lô trước khi quân La Mã tấn công thấy dễ hơn để thích nghi với đời sống khiêm tốn tại nơi ở mới. Họ tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo cho những nhu cầu căn bản của họ. Những lời của Phao-lô cho thấy chúng ta cũng có thể có niềm tin chắc như thế.

HÃY THỎA LÒNG

10. Phao-lô chia sẻ “bí quyết” nào với chúng ta?

10 Phao-lô đưa ra lời khuyên tương tự cho Ti-mô-thê, và lời khuyên ấy cũng áp dụng cho chúng ta. Ông viết: “Vậy nên, có thức ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti 6:8). Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta không được ăn ngon, ở nhà đẹp hoặc thỉnh thoảng mua quần áo mới? Đó không phải là ý của Phao-lô. Ý của ông là chúng ta nên thỏa lòng với những thứ vật chất mình đang có (Phi-líp 4:12). Đó là “bí quyết” của Phao-lô. Tài sản quý giá nhất của chúng ta là mối quan hệ với Đức Chúa Trời, chứ không phải bất cứ của cải vật chất nào mà mình có.—Ha-ba 3:17, 18.

Dân Y-sơ-ra-ên “chẳng thiếu thốn gì” trong suốt 40 năm ở hoang mạc. Chúng ta có thỏa lòng với những gì mình hiện có không? (Xem đoạn 11) *

11. Chúng ta học được gì về sự thỏa lòng qua những lời mà Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên?

11 Quan điểm của chúng ta về những điều mình cần có lẽ khác với quan điểm của Đức Giê-hô-va. Hãy xem điều Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên sau 40 năm họ sống trong hoang mạc: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã ban phước cho ngươi trong mọi việc ngươi làm. Ngài biết rõ về chuyến đi của ngươi xuyên qua hoang mạc mênh mông này. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ở cùng ngươi 40 năm nay, và ngươi chẳng thiếu thốn gì” (Phục 2:7). Trong suốt 40 năm ấy, Đức Giê-hô-va cung cấp cho dân Y-sơ-ra-ên ma-na để ăn. Quần áo của họ, là những quần áo họ có khi rời Ai Cập, chẳng hề sờn (Phục 8:3, 4). Có thể một số người nghĩ những sự cung cấp ấy không đủ, nhưng Môi-se nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ là họ có mọi thứ họ cần. Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng nếu chúng ta tập thỏa lòng, biết ơn ngay cả những thứ đơn giản mà ngài cung cấp, xem đó là ân phước và cảm tạ ngài về những điều ấy.

HÃY TIN CHẮC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ CHĂM SÓC ANH CHỊ

12. Điều gì cho thấy Đa-vít đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chứ không phải nơi bản thân?

12 Đa-vít biết Đức Giê-hô-va là đấng thành tín, và ngài quan tâm sâu xa đến những người yêu mến ngài. Dù mạng sống bị lâm nguy trong thời gian ông sáng tác bài Thi thiên 34, nhưng với đôi mắt đức tin, Đa-vít thấy “thiên sứ Đức Giê-hô-va đóng trại bao quanh” ông (Thi 34:7). Có lẽ Đa-vít đang ví thiên sứ của Đức Giê-hô-va với người lính đóng trại ngoài đồng, luôn canh chừng kẻ thù. Dù Đa-vít là một chiến binh dũng mãnh và Đức Giê-hô-va hứa rằng ông sẽ làm vua, nhưng ông không nương cậy nơi khả năng ném đá hoặc tài dùng gươm của mình để đánh bại kẻ thù (1 Sa 16:13; 24:12). Đa-vít đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, tin chắc thiên sứ của ngài ‘giải thoát người kính sợ ngài’. Dĩ nhiên, ngày nay chúng ta không mong đợi Đức Giê-hô-va bảo vệ mình bằng phép lạ. Nhưng chúng ta biết những người đặt lòng tin cậy nơi ngài sẽ không bị gây hại lâu dài.

Trong hoạn nạn lớn, lực lượng của Gót ở xứ Ma-gót có thể đột kích nhà chúng ta. Nhưng thật an ủi khi biết rằng Chúa Giê-su và các thiên sứ biết điều gì đang xảy ra và sẽ bảo vệ chúng ta (Xem đoạn 13)

13. Khi Gót ở xứ Ma-gót tấn công, tại sao chúng ta có vẻ là mục tiêu dễ dàng, nhưng tại sao chúng ta không cần sợ hãi? (Xem hình nơi trang bìa).

13 Trong tương lai gần đây, lòng tin của chúng ta nơi khả năng bảo vệ của Đức Giê-hô-va sẽ bị thử thách. Khi Gót ở xứ Ma-gót, tức một liên minh các nước, tấn công dân Đức Chúa Trời, mạng sống của chúng ta có vẻ như bị lâm nguy. Chúng ta cần tin chắc là Đức Giê-hô-va có khả năng và sẽ giải cứu chúng ta. Đối với các nước, chúng ta giống như những con cừu không thể tự vệ và không có người bảo vệ (Ê-xê 38:10-12). Chúng ta sẽ không có vũ khí và cũng không được huấn luyện để tranh chiến. Các nước sẽ xem chúng ta là mục tiêu dễ tấn công. Họ sẽ không thấy điều mà chúng ta thấy bằng đôi mắt đức tin, đó là một đạo quân thiên sứ đóng trại xung quanh dân Đức Chúa Trời, sẵn sàng bảo vệ chúng ta. Dĩ nhiên, các nước không thể thấy điều đó vì họ không có đôi mắt đức tin. Họ sẽ vô cùng sửng sốt khi thấy đạo quân trên trời chiến đấu cho chúng ta!—Khải 19:11, 14, 15.

HÃY CHUẨN BỊ NGAY BÂY GIỜ CHO TƯƠNG LAI

14. Chúng ta có thể làm gì ngay bây giờ để chuẩn bị cho tương lai?

14 Chúng ta có thể làm gì ngay bây giờ để chuẩn bị cho tương lai? Trước hết, chúng ta cần có quan điểm đúng về của cải vật chất, ý thức là sẽ đến lúc chúng ta phải từ bỏ những điều mình có. Chúng ta cũng cần thỏa lòng và xem niềm vui lớn nhất mình có là mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Càng hiểu rõ về Đức Chúa Trời, chúng ta càng tin chắc ngài có khả năng bảo vệ mình khi Gót ở xứ Ma-gót tấn công.

15. Những trải nghiệm nào lúc còn trẻ đã giúp Đa-vít biết Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ làm ông thất vọng?

15 Hãy xem điều gì khác đã giúp Đa-vít và có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho những thử thách. Đa-vít nói: “Hãy nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay! Người nào náu thân nơi ngài hạnh phúc biết bao!” (Thi 34:8). Những lời ấy giải thích tại sao Đa-vít biết là ông có thể nương cậy nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va. Đa-vít nhiều lần nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, và ngài chưa bao giờ làm ông thất vọng. Khi còn trẻ, Đa-vít đối đầu với tên khổng lồ Gô-li-át người Phi-li-tia và ông nói với chiến binh dữ tợn ấy: “Hôm nay, Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta” (1 Sa 17:46). Sau này, khi Đa-vít phục vụ vua Sau-lơ, vua đã nhiều lần tìm cách giết ông. Nhưng “Đức Giê-hô-va ở với” Đa-vít (1 Sa 18:12). Vì từng cảm nghiệm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va trong quá khứ, Đa-vít biết ông có thể nương cậy nơi ngài khi đương đầu với những thử thách hiện tại.

16. Chúng ta có thể “nếm thử” sự tốt lành của Đức Giê-hô-va qua những cách thực tế nào?

16 Càng tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va ngay bây giờ, chúng ta càng tin chắc là ngài có khả năng giải cứu mình trong tương lai. Chúng ta cần có đức tin và sẵn lòng nương cậy Đức Giê-hô-va khi xin chủ cho nghỉ làm để tham dự hội nghị, hoặc xin điều chỉnh lịch làm việc để tham dự mọi buổi nhóm họp và đi thánh chức nhiều hơn. Giả sử chủ không cho phép, và chúng ta bị mất việc. Chúng ta có tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ lìa bỏ mình và ngài sẽ luôn cung cấp cho chúng ta những nhu cầu căn bản không? (Hê 13:5). Nhiều anh chị phụng sự trọn thời gian có trải nghiệm cho thấy Đức Giê-hô-va giúp họ vào lúc họ cần ngài nhất. Đức Giê-hô-va là đấng trung tín.

17. Câu Kinh Thánh cho năm 2022 là gì, và tại sao câu ấy rất thích hợp?

17 Có Đức Giê-hô-va ở bên, chúng ta không có lý do để sợ hãi những ngày phía trước. Cha trên trời sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta miễn là chúng ta đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. Để nhắc chúng ta nhớ là mình cần chuẩn bị ngay bây giờ cho những ngày khó khăn phía trước và tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ rơi mình, Hội đồng Lãnh đạo đã chọn Thi thiên 34:10 làm câu Kinh Thánh cho năm 2022: “Ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va chẳng thiếu điều chi tốt lành”.

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ

^ Câu Kinh Thánh cho năm 2022 được trích từ Thi thiên 34:10: “Ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va chẳng thiếu điều chi tốt lành”. Nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có rất ít của cải vật chất. Tại sao có thể nói họ “chẳng thiếu điều chi tốt lành”? Và việc hiểu ý nghĩa của câu này giúp chúng ta thế nào để chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn sắp đến?

^ Xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-9-2014.

^ Xem Tháp Canh ngày 1-5-1999, trg 19.

^ HÌNH ẢNH: Ngay cả khi trú ẩn trong hang để trốn vua Sau-lơ, Đa-vít vẫn biết ơn những điều Đức Giê-hô-va cung cấp.

^ HÌNH ẢNH: Sau khi dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập, Đức Giê-hô-va cung cấp cho họ ma-na để ăn và giữ cho quần áo của họ không bị sờn.