Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 3

Chúng ta học được gì từ nước mắt của Chúa Giê-su?

Chúng ta học được gì từ nước mắt của Chúa Giê-su?

“Chúa Giê-su khóc”.—GIĂNG 11:35.

BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”

GIỚI THIỆU *

1-3. Những vấn đề nào có thể khiến dân Đức Giê-hô-va rơi lệ?

 Lần gần đây nhất anh chị khóc là khi nào? Đôi khi chúng ta rơi nước mắt vì vui mừng. Nhưng thường thì chúng ta khóc vì đau lòng. Chẳng hạn, chúng ta khóc khi mất người thân yêu. Chị Lorilei sống ở Hoa Kỳ viết: “Sau khi con gái qua đời, có những lúc tôi đau lòng đến mức cảm thấy không điều gì có thể an ủi mình. Những lúc như thế, tôi thấy tan nát cõi lòng và không biết mình có thể sống nổi nữa không”. *

2 Có lẽ chúng ta khóc vì những lý do khác. Chị Hiromi, một tiên phong ở Nhật Bản, chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi cảm thấy nản lòng vì sự thờ ơ của những người mình gặp trong thánh chức. Có những lúc mắt tôi ngấn lệ khi xin Đức Giê-hô-va giúp mình gặp được người đang tìm kiếm chân lý”.

3 Anh chị có bao giờ cảm thấy như hai chị nói trên không? Nhiều người trong chúng ta cảm thấy như thế (1 Phi 5:9). Chúng ta muốn “vui mừng hầu việc Đức Giê-hô-va”, nhưng có thể chúng ta đang phụng sự ngài trong nước mắt vì đau buồn, nản lòng hoặc gặp một tình huống thử thách lòng trung thành của mình với ngài (Thi 6:6; 100:2). Làm thế nào để đương đầu khi chúng ta bị choáng ngợp bởi những cảm xúc ấy?

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Chúng ta có thể học từ gương của Chúa Giê-su. Đôi khi ngài cũng có những cảm xúc mạnh đến mức ngài khóc (Giăng 11:35; Lu 19:41; 22:44; Hê 5:7). Hãy cùng xem những dịp Chúa Giê-su khóc. Làm thế sẽ giúp chúng ta rút ra các bài học quan trọng. Chúng ta cũng sẽ xem mình có thể làm gì khi đương đầu với những thử thách khiến mình rơi lệ.

CHÚA GIÊ-SU KHÓC CHO BẠN CỦA NGÀI

Nâng đỡ những người đang đau buồn, như Chúa Giê-su đã làm (Xem đoạn 5-9) *

5. Chúng ta học được gì về Chúa Giê-su từ lời tường thuật nơi Giăng 11:32-36?

5 Vào mùa đông năm 32 CN, người bạn thân của Chúa Giê-su là La-xa-rơ bị bệnh và qua đời (Giăng 11:3, 14). La-xa-rơ có hai chị gái * là Ma-ri và Ma-thê; Chúa Giê-su yêu thương gia đình này rất nhiều. Hai người phụ nữ ấy vô cùng đau lòng khi em trai qua đời. Sau khi La-xa-rơ chết, Chúa Giê-su đến làng Bê-tha-ni, nơi Ma-ri và Ma-thê sống. Khi Ma-thê nghe là Chúa Giê-su đang đến, bà liền chạy ra để gặp ngài. Hãy hình dung cảm xúc nghẹn ngào của bà khi nói: “Thưa Chúa, nếu ngài có ở đây thì em tôi đã không chết” (Giăng 11:21). Sau đó, khi Chúa Giê-su thấy Ma-ri và những người khác đang khóc, ngài cũng khóc.—Đọc Giăng 11:32-36.

6. Tại sao Chúa Giê-su khóc vào dịp La-xa-rơ qua đời?

6 Tại sao Chúa Giê-su khóc vào dịp đó? Sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures) cho biết: “Cái chết của bạn ngài là La-xa-rơ và nỗi đau buồn của hai người chị gái của ông khiến Chúa Giê-su ‘vô cùng đau xót và khóc’”. * Có thể Chúa Giê-su đã nghĩ đến nỗi đau của La-xa-rơ khi ông bị bệnh và ngài hình dung cảm xúc của ông khi ông biết mình sắp chết. Chắc hẳn Chúa Giê-su cũng khóc khi thấy cái chết của em trai đã ảnh hưởng thế nào đến Ma-ri và Ma-thê. Nếu từng mất một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình, hẳn anh chị cũng có những cảm xúc tương tự. Hãy xem ba bài học mà anh chị có thể rút ra từ sự kiện này.

7. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va từ việc Chúa Giê-su khóc cho bạn của mình?

7 Đức Giê-hô-va hiểu cảm xúc của anh chị. Chúa Giê-su “có bản tính hoàn toàn giống với” Cha ngài (Hê 1:3). Khi Chúa Giê-su khóc, ngài phản ánh cảm xúc của Cha (Giăng 14:9). Nếu đang phải chịu đựng nỗi đau mất người thân, hãy tin chắc Đức Giê-hô-va không chỉ thấy nỗi đau của anh chị mà ngài còn thấu cảm với anh chị. Ngài muốn chữa lành tấm lòng tan vỡ của anh chị.—Thi 34:18; 147:3.

8. Tại sao chúng ta có thể tin chắc là Chúa Giê-su sẽ làm cho người thân yêu của chúng ta sống lại?

8 Chúa Giê-su muốn làm cho người thân yêu của anh chị sống lại. Ít lâu trước khi ngài khóc, Chúa Giê-su trấn an Ma-thê: “Em trai chị sẽ sống lại”. Ma-thê đã tin Chúa Giê-su (Giăng 11:23-27). Là tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, hẳn Ma-thê biết về những trường hợp được sống lại do nhà tiên tri Ê-li-gia và Ê-li-sê thực hiện nhiều thế kỷ trước (1 Vua 17:17-24; 2 Vua 4:32-37). Hẳn bà cũng nghe về những trường hợp được Chúa Giê-su làm cho sống lại (Lu 7:11-15; 8:41, 42, 49-56). Anh chị cũng có thể tin chắc là mình sẽ gặp lại người thân yêu đã qua đời. Việc Chúa Giê-su khóc khi ngài an ủi những người bạn đang đau buồn là bằng chứng cho thấy ngài mong mỏi làm người chết sống lại.

9. Như Chúa Giê-su, làm thế nào anh chị có thể nâng đỡ những người đang đau buồn? Hãy nêu ví dụ.

9 Anh chị có thể nâng đỡ những người đang đau buồn. Chúa Giê-su không chỉ khóc với Ma-thê và Ma-ri mà ngài còn lắng nghe và an ủi họ. Chúng ta cũng có thể làm thế cho những người đang đau buồn. Anh Dan, một trưởng lão sống ở Úc, nói: “Sau khi vợ tôi qua đời, tôi rất cần được trợ giúp. Một số cặp vợ chồng đã sẵn sàng dành thời gian dù ngày hay đêm để lắng nghe tôi. Họ để tôi giãi bày cảm xúc, và họ không ngại khi tôi khóc. Họ cũng trợ giúp một cách thực tế, như rửa xe, đi chợ hoặc nấu ăn khi tôi cảm thấy mình không thể làm những việc ấy. Họ nhiều lần cầu nguyện với tôi. Họ đã chứng tỏ là những người bạn thật và là anh em ‘sinh ra cho lúc khốn khổ’”.—Châm 17:17.

CHÚA GIÊ-SU KHÓC CHO NGƯỜI ĐỒNG LOẠI

10. Hãy miêu tả sự kiện nơi Lu-ca 19:36-40 và điều xảy ra sau đó.

10 Chúa Giê-su đến Giê-ru-sa-lem vào ngày 9 tháng Ni-san năm 33 CN. Khi ngài đến gần thành, một đám đông nhóm lại và người ta trải áo ngoài trên đường để cho thấy họ nhìn nhận ngài là Vua của họ. Đó hẳn là một dịp vui mừng. (Đọc Lu-ca 19:36-40). Vì thế, có lẽ các môn đồ ngạc nhiên về điều xảy ra sau đó. Kinh Thánh cho biết: “Khi [Chúa Giê-su] đến gần Giê-ru-sa-lem, ngài nhìn thành ấy và khóc”. Mắt ngấn lệ, Chúa Giê-su báo trước tương lai ảm đạm đang chờ đón cư dân thành Giê-ru-sa-lem.—Lu 19:41-44.

11. Tại sao Chúa Giê-su khóc cho dân thành Giê-ru-sa-lem?

11 Dù được chào đón nồng ấm, nhưng Chúa Giê-su đau lòng vì biết rằng phần lớn người Do Thái sẽ không hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Hậu quả là Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy diệt và những người Do Thái còn sống sót sẽ bị bắt đi lưu đày (Lu 21:20-24). Đáng buồn là đa số người ta chối bỏ Chúa Giê-su như ngài đã báo trước. Phần lớn người nơi anh chị sống phản ứng thế nào trước thông điệp Nước Trời? Nếu chỉ ít người hưởng ứng trước nỗ lực của anh chị, anh chị có thể học được gì từ việc Chúa Giê-su khóc vào dịp nói trên? Hãy xem ba bài học.

12. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va từ việc Chúa Giê-su khóc cho người đồng loại?

12 Đức Giê-hô-va quan tâm đến người ta. Việc Chúa Giê-su khóc nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến người ta. Ngài “chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Ngày nay, chúng ta cho thấy mình yêu thương người lân cận bằng cách kiên trì chia sẻ tin mừng và nỗ lực động đến lòng họ.—Mat 22:39. *

Điều chỉnh thời gian biểu rao giảng, như Chúa Giê-su đã làm (Xem đoạn 13, 14) *

13, 14. Chúa Giê-su thể hiện lòng trắc ẩn với người ta ra sao, và chúng ta có thể biểu lộ phẩm chất ấy như thế nào?

13 Chúa Giê-su siêng năng thi hành thánh chức. Ngài thể hiện tình yêu thương với người ta bằng cách tiếp tục dạy họ vào mọi dịp (Lu 19:47, 48). Điều gì thúc đẩy ngài làm thế? Chúa Giê-su có lòng trắc ẩn đối với họ. Có những lúc, nhiều người đến nghe Chúa Giê-su đến mức ngài và các môn đồ “không sao ăn uống được” (Mác 3:20). Khi một người muốn nói chuyện với Chúa Giê-su vào ban đêm, ngài đã sẵn sàng gặp họ vào lúc ấy (Giăng 3:1, 2). Phần lớn những người nghe Chúa Giê-su giảng đã không trở thành môn đồ ngài. Nhưng tất cả những ai nghe ngài đều đã được làm chứng cặn kẽ. Ngày nay chúng ta muốn cho mọi người cơ hội được nghe tin mừng (Công 10:42). Để làm thế, có lẽ chúng ta cần điều chỉnh cách tiếp cận người ta trong thánh chức.

14 Hãy sẵn sàng thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Nếu không linh động về thời gian làm thánh chức, có thể chúng ta sẽ không gặp được những người hưởng ứng tin mừng. Một chị tiên phong tên Matilda nói: “Vợ chồng chúng tôi cố gắng rao giảng cho người ta vào những thời điểm khác nhau. Vào sáng sớm, chúng tôi làm chứng ở khu thương mại. Vào buổi trưa khi nhiều người qua lại trên đường, chúng tôi dùng quầy di động. Vào chiều tối, chúng tôi thấy đó là thời điểm tốt để gặp người ta ở nhà”. Thay vì theo một thời gian biểu thuận tiện cho mình, chúng ta nên sẵn sàng điều chỉnh để rao giảng vào những thời điểm dễ gặp người ta hơn. Nếu làm thế, chúng ta có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ hài lòng.

CHÚA GIÊ-SU KHÓC VÌ DANH THÁNH CỦA CHA

Nài xin Đức Giê-hô-va khi bị căng thẳng, như Chúa Giê-su đã làm (Xem đoạn 15-17) *

15. Điều gì xảy ra vào đêm cuối cùng Chúa Giê-su sống trên đất, như được ghi nơi Lu-ca 22:39-44?

15 Vào khuya ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su đến vườn Ghết-sê-ma-nê. Ở đó, ngài dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va. (Đọc Lu-ca 22:39-44). Trong giờ phút căng thẳng ấy, Chúa Giê-su “đã cất tiếng lớn dâng những lời nài xin… đầy nước mắt” (Hê 5:7). Chúa Giê-su đã cầu xin điều gì trong đêm cuối cùng trước khi chết? Ngài đã xin sức mạnh để giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và thi hành ý muốn của Cha. Đức Giê-hô-va nghe những lời cầu nguyện tha thiết của Con ngài và phái một thiên sứ đến để thêm sức cho người Con ấy.

16. Tại sao Chúa Giê-su cảm thấy khổ tâm khi ngài cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê?

16 Hẳn Chúa Giê-su khóc khi cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê vì ngài cảm thấy khổ tâm khi nghĩ đến việc người ta sẽ xem ngài là kẻ phạm thượng. Ngài cũng ý thức về trọng trách đặt trên vai ngài, đó là biện minh cho danh của Cha. Nếu đang phải đương đầu với một tình huống thử thách lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, anh chị có thể học được gì từ việc Chúa Giê-su khóc trong dịp này? Hãy xem ba bài học.

17. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va từ việc ngài đáp lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giê-su?

17 Đức Giê-hô-va lắng nghe lời nài xin của anh chị. Đức Giê-hô-va đã lắng nghe lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giê-su. Tại sao? Vì mối quan tâm chính của Chúa Giê-su là giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và biện minh cho danh Cha. Nếu mối quan tâm chính của anh chị là giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và biện minh cho danh ngài, ngài sẽ đáp lời khi anh chị cầu xin sự giúp đỡ.—Thi 145:18, 19.

18. Tại sao có thể nói Chúa Giê-su là một người bạn biết cảm thông?

18 Chúa Giê-su cảm thông với anh chị. Những lúc buồn nản, chúng ta vui khi nhận được sự an ủi từ một người bạn biết cảm thông, đặc biệt là một người từng trải qua thử thách tương tự. Chúa Giê-su là người bạn như thế. Ngài biết cảm giác yếu đuối và cần sự trợ giúp là như thế nào. Ngài hiểu những hạn chế của chúng ta, và ngài sẽ lo sao để chúng ta nhận được sự trợ giúp “vào đúng lúc” (Hê 4:15, 16). Như Chúa Giê-su đã nhận sự trợ giúp từ một thiên sứ trong vườn Ghết-sê-ma-nê, chúng ta cũng nên sẵn sàng nhận sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, dù là qua ấn phẩm, video, bài giảng hoặc một cuộc viếng thăm khích lệ từ trưởng lão hay một người bạn thành thục.

19. Anh chị cần làm gì để được vững mạnh khi đương đầu với thử thách gây căng thẳng? Hãy nêu ví dụ.

19 Đức Giê-hô-va sẽ ban cho anh chị “sự bình an của Đức Chúa Trời”. Đức Giê-hô-va sẽ làm chúng ta vững mạnh bằng cách nào? Khi cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận được “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4:6, 7). Sự bình an mà Đức Giê-hô-va ban giúp chúng ta bình tĩnh và suy nghĩ sáng suốt. Đó là điều mà một chị tên Luz đã cảm nghiệm. Chị nói: “Tôi phải tranh đấu với nỗi cô đơn. Đôi khi cảm xúc ấy khiến tôi nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không yêu thương mình. Nhưng khi điều ấy xảy ra, tôi liền cho ngài biết mình cảm thấy thế nào. Lời cầu nguyện giúp tôi kiểm soát cảm xúc của mình”. Như kinh nghiệm của chị Luz, chúng ta có thể tìm được sự bình an qua lời cầu nguyện.

20. Chúng ta rút ra những bài học nào từ nước mắt của Chúa Giê-su?

20 Quả là những bài học an ủi và thực tế mà chúng ta học được từ nước mắt của Chúa Giê-su! Chúng ta được nhắc là hãy nâng đỡ những người bạn đang đau buồn và tin rằng Đức Giê-hô-va cùng Chúa Giê-su sẽ hỗ trợ khi chúng ta mất người thân. Chúng ta được thúc đẩy để rao giảng và dạy dỗ với lòng trắc ẩn vì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thể hiện phẩm chất tuyệt vời này. Chúng ta cũng được an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va và người Con yêu dấu của ngài hiểu cảm xúc của chúng ta, cảm thông với hạn chế của chúng ta và muốn giúp chúng ta chịu đựng. Mong sao chúng ta tiếp tục áp dụng những điều mình học được cho đến ngày Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa ấm lòng là “ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt [chúng ta]”!—Khải 21:4.

BÀI HÁT 120 Noi theo tính ôn hòa của Đấng Ki-tô

^ Có những lúc Chúa Giê-su có cảm xúc mạnh đến mức ngài khóc. Trong bài này, chúng ta sẽ xem ba dịp Chúa Giê-su khóc và những bài học mình học được.

^ Một số tên đã được thay đổi.

^ Xem chú thích nơi Giăng 11:2.

^ Xem Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures), Tập 2, trg 69.

^ Từ Hy Lạp được dịch là “người lân cận” nơi Ma-thi-ơ 22:39 không chỉ có nghĩa là những người sống ở gần, nhưng có thể nói đến bất cứ ai mà một người tiếp xúc.

^ HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su được thúc đẩy để an ủi Ma-ri và Ma-thê. Chúng ta cũng có thể làm thế cho những người bị mất người thân.

^ HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su sẵn sàng dạy Ni-cô-đem vào ban đêm. Chúng ta cũng nên học Kinh Thánh với người ta vào lúc thuận tiện cho họ.

^ HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su cầu xin sức mạnh để giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng cần làm thế khi đương đầu với thử thách.