Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 5

“Hãy tận dụng thì giờ”

“Hãy tận dụng thì giờ”

“Hãy giữ gìn cẩn thận cách ăn ở của anh em, chớ ăn ở như người dại dột nhưng như người khôn ngoan, hãy tận dụng thì giờ”.—Ê-PHÊ 5:15, 16.

BÀI HÁT 8 Đức Giê-hô-va là nơi trú náu của chúng ta

GIỚI THIỆU *

1. Chúng ta có thể dành thời gian với Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

 Chúng ta thích dành thời gian với những người mình yêu mến. Một cặp vợ chồng hạnh phúc thích có khoảng thời gian tĩnh lặng ở bên nhau. Người trẻ thì thích dành thời gian với những người bạn thân. Và tất cả chúng ta đều quý thời gian mình có với anh em đồng đạo. Nhưng trên hết, chúng ta thích dành thời gian với Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm thế bằng cách cầu nguyện, đọc Lời ngài và suy ngẫm về ý định cũng như những phẩm chất tuyệt vời của ngài. Thời gian chúng ta có với Đức Giê-hô-va thật quý giá biết bao!—Thi 139:17.

2. Chúng ta đối mặt với thách đố nào?

2 Dù thích dành thời gian với Đức Giê-hô-va nhưng chúng ta đối mặt với một thách đố. Đời sống bận rộn có thể khiến chúng ta khó dành thời gian cho các hoạt động thiêng liêng. Công việc ngoài đời, trách nhiệm gia đình và những hoạt động cần thiết khác có thể chiếm nhiều thời gian đến mức chúng ta cảm thấy mình không có thời gian để cầu nguyện, học hỏi hoặc suy ngẫm.

3. Một điều khác có thể chiếm lấy thời gian của chúng ta là gì?

3 Một điều khác tinh vi hơn có thể chiếm lấy thời gian của chúng ta. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể để cho những hoạt động mà bản thân nó không có gì sai cướp đi thời gian mà chúng ta có thể dùng để đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy xem xét vấn đề giải trí. Tất cả chúng ta đều nhận được lợi ích khi thỉnh thoảng dành ra thời gian để thư giãn. Nhưng ngay cả những hình thức giải trí lành mạnh cũng có thể chiếm nhiều thời gian đến mức mình chỉ còn ít thời gian cho các hoạt động thiêng liêng. Chúng ta cần đặt giải trí vào đúng chỗ.—Châm 25:27; 1 Ti 4:8.

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì?

4 Trong bài này, chúng ta sẽ xem tại sao mình cần đặt đúng thứ tự ưu tiên. Chúng ta cũng sẽ thảo luận làm thế nào để tận dụng thời gian mình có với Đức Giê-hô-va và chúng ta nhận được lợi ích nào khi làm thế.

HÃY LỰA CHỌN KHÔN NGOAN; ĐẶT ĐÚNG THỨ TỰ ƯU TIÊN

5. Việc xem xét lời khuyên nơi Ê-phê-sô 5:15-17 giúp một người trẻ như thế nào để chọn lối sống tốt nhất?

5 Chọn lối sống tốt nhất. Người trẻ thường băn khoăn đâu là cách tốt nhất để dùng đời sống của mình. Một mặt, các nhà tư vấn học đường và những thành viên trong gia đình không cùng đức tin có lẽ khuyến khích họ theo đuổi việc học lên cao để có sự nghiệp danh tiếng trong thế gian. Con đường đó rất có thể sẽ chiếm nhiều thời gian của họ. Mặt khác, cha mẹ và các anh chị trong hội thánh có lẽ khuyến khích người trẻ dùng đời sống mình để phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều gì sẽ giúp một người trẻ yêu mến Đức Giê-hô-va đưa ra lựa chọn tốt nhất? Đó là đọc và suy ngẫm Ê-phê-sô 5:15-17. (Đọc). Sau khi đọc những câu này, một người trẻ có thể tự hỏi: “‘Ý muốn của Đức Giê-hô-va’ là gì? Quyết định nào sẽ làm ngài vui lòng? Đường lối nào sẽ giúp mình tận dụng thì giờ?”. Hãy nhớ rằng ‘thời buổi này là xấu xa’ và thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan sắp đến hồi kết. Vì thế, điều khôn ngoan là dùng đời sống của mình theo cách làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va.

6. Ma-ri đã chọn làm gì, và tại sao đó là lựa chọn khôn ngoan?

6 Đặt đúng thứ tự ưu tiên. Đôi khi, việc tận dụng thì giờ bao hàm việc chọn giữa hai hoạt động mà bản thân nó không có gì sai. Điều này được thấy rõ vào dịp Chúa Giê-su thăm Ma-ri và Ma-thê. Vì rất vui mừng được tiếp đón Chúa Giê-su nên Ma-thê chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để thiết đãi ngài. Trong khi đó, em gái bà là Ma-ri tận dụng chuyến viếng thăm này để ngồi dưới chân Chúa Giê-su và nghe ngài dạy dỗ. Điều Ma-thê làm không có gì sai, nhưng Chúa Giê-su nói rằng Ma-ri đã “chọn phần tốt nhất” (Lu 10:38-42, chú thích). Với thời gian, có lẽ Ma-ri không nhớ những món ăn vào dịp đó, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng bà sẽ không bao giờ quên những gì bà học được từ Chúa Giê-su. Giống như Ma-ri rất quý khoảng thời gian ít ỏi bà có với Chúa Giê-su, chúng ta cũng rất quý thời gian mình có với Đức Giê-hô-va. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể tận dụng khoảng thời gian đó?

HÃY TẬN DỤNG THỜI GIAN ANH CHỊ CÓ VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

7. Tại sao chúng ta cần dành ra thời gian để cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm?

7 Nhận biết rằng việc cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm là một phần trong sự thờ phượng của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta trò chuyện với Cha trên trời, là đấng rất yêu thương mình (Thi 5:7). Khi học hỏi Kinh Thánh, chúng ta tiếp nhận “tri thức về Đức Chúa Trời”, là Nguồn của mọi sự khôn ngoan (Châm 2:1-5). Khi suy ngẫm, chúng ta nghĩ đến những phẩm chất thu hút của Đức Giê-hô-va cũng như ý định tuyệt diệu của ngài dành cho mọi tạo vật và vai trò của chúng ta trong ý định đó. Đây là cách tốt nhất để dùng thời gian của mình. Nhưng chúng ta có thể tận dụng khoảng thời gian đó như thế nào?

Anh chị có thể tìm nơi yên tĩnh để học hỏi cá nhân không? (Xem đoạn 8, 9)

8. Chúng ta rút ra bài học nào về cách Chúa Giê-su dùng thời gian của ngài trong hoang mạc?

8 Nếu được, hãy chọn một nơi yên tĩnh. Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Trước khi bắt đầu thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su ở trong hoang mạc 40 ngày (Lu 4:1, 2). Ở nơi yên tĩnh đó, Chúa Giê-su có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và suy ngẫm về ý định của Cha dành cho ngài. Hẳn điều đó đã chuẩn bị cho Chúa Giê-su để đương đầu với những thử thách phía trước. Anh chị học được gì từ gương của Chúa Giê-su? Nếu gia đình anh chị đông người thì không phải lúc nào cũng dễ để tìm được nơi yên tĩnh tại nhà. Trong trường hợp đó, anh chị có thể tìm một nơi thích hợp ở ngoài trời. Đó là điều mà chị Julie đã làm khi chị muốn dành thời gian với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Hai vợ chồng chị sống ở một căn hộ nhỏ tại Pháp và không dễ để tìm được thời gian ở một mình mà không bị quấy rầy. Chị Julie giải thích: “Thế nên, mỗi ngày tôi đều đi bộ ra công viên. Ở đó, tôi có không gian riêng, có thể tập trung và thoải mái trò chuyện với Đức Giê-hô-va”.

9. Dù rất bận rộn, làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài quý trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?

9 Chúa Giê-su có đời sống rất bận rộn. Trong thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức trên đất, nhiều lần có các đoàn dân đông đi theo ngài. Hết thảy họ đều muốn ngài dành thời gian cho họ. Vào một dịp, “cả thành đều tụ họp ngay trước cửa nhà” để gặp ngài. Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn sắp xếp thời gian để cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Trước khi mặt trời mọc, ngài tìm “nơi hẻo lánh” để có thời gian riêng với Cha.—Mác 1:32-35.

10, 11. Theo Ma-thi-ơ 26:40, 41, Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên quan trọng nào cho các môn đồ trong vườn Ghết-sê-ma-nê, nhưng điều gì xảy ra?

10 Vào đêm cuối cùng sống trên đất, khi thánh chức sắp kết thúc, một lần nữa Chúa Giê-su tìm nơi yên tĩnh để suy ngẫm và cầu nguyện. Ngài đã tìm được một nơi như thế trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Mat 26:36). Vào dịp đó, Chúa Giê-su cho các môn đồ lời khuyên quan trọng về việc cầu nguyện.

11 Hãy xem điều gì xảy ra. Khi họ đến vườn Ghết-sê-ma-nê, lúc đó đã rất khuya, có lẽ là quá nửa đêm. Chúa Giê-su bảo các sứ đồ ‘hãy thức canh’, rồi ngài đi ra chỗ khác để cầu nguyện (Mat 26:37-39). Nhưng khi ngài đang cầu nguyện thì các sứ đồ thiếp đi. Khi thấy họ ngủ, một lần nữa Chúa Giê-su thúc giục họ “hãy luôn thức canh và không ngừng cầu nguyện”. (Đọc Ma-thi-ơ 26:40, 41). Ngài hiểu rằng họ chịu nhiều áp lực và rất mệt mỏi. Chúa Giê-su cảm thông và nhìn nhận rằng ‘thể xác thì yếu đuối’. Chúa Giê-su đi cầu nguyện thêm hai lần nữa, và khi ngài trở lại thì thấy các sứ đồ vẫn đang ngủ thay vì cầu nguyện.—Mat 26:42-45.

Anh chị có thể dành thời gian để cầu nguyện lúc không quá mệt mỏi không? (Xem đoạn 12)

12. Chúng ta có thể làm gì nếu đôi khi cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi đến mức không muốn cầu nguyện?

12 Chọn đúng thời điểm. Đôi khi chúng ta cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi đến mức không muốn cầu nguyện. Nếu ở trong trường hợp đó, anh chị không phải là người duy nhất. Anh chị có thể làm gì? Một số người thường cầu nguyện vào cuối ngày thấy rằng điều hữu ích là cầu nguyện sớm hơn, lúc họ cảm thấy đỡ mệt. Số khác thì thấy tư thế cầu nguyện cũng giúp ích. Nhưng nói sao nếu anh chị cảm thấy lo lắng và nản lòng đến mức không muốn cầu nguyện? Hãy cho Đức Giê-hô-va biết cảm xúc của mình. Anh chị có thể tin chắc rằng Cha đầy lòng thương xót ở trên trời sẽ thấu hiểu.—Thi 139:4.

Anh chị có thể tránh hồi đáp tin nhắn và email trong buổi nhóm họp không? (Xem đoạn 13, 14)

13. Thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng thế nào đến thời gian chúng ta có với Đức Giê-hô-va?

13 Đừng để mình bị phân tâm khi học hỏi. Cầu nguyện không phải là cách duy nhất để củng cố tình bạn với Đức Giê-hô-va. Học hỏi Lời Đức Chúa Trời và tham dự nhóm họp có thể giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Chúa Trời. Có điều gì mà anh chị có thể làm để tận dụng thời gian khi học hỏi và nhóm họp không? Hãy tự hỏi: “Điều gì thường khiến mình phân tâm khi tham dự nhóm họp hoặc khi học hỏi?”. Đó có phải là những cuộc gọi, email hoặc tin nhắn trên điện thoại hay trên các thiết bị điện tử khác không? Ngày nay, hàng tỉ người dùng các công cụ hữu ích này. Một số nhà nghiên cứu nói rằng khi chúng ta cố gắng tập trung vào một điều thì chỉ riêng chiếc điện thoại gần đó cũng có thể khiến mình phân tâm. Một giáo sư về tâm lý học cho biết: “[Lúc đó] bạn sẽ không tập trung vào điều đang làm. Tâm trí bạn sẽ nghĩ đến điều khác”. Trước khi chương trình hội nghị bắt đầu, chúng ta thường được nhắc là điều chỉnh thiết bị điện tử ở chế độ không làm người khác phân tâm. Chúng ta có thể làm điều tương tự khi ở một mình, nhờ thế thiết bị điện tử không khiến chúng ta phân tâm và ảnh hưởng đến thời gian mình có với Đức Giê-hô-va.

14. Theo Phi-líp 4:6, 7, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tập trung bằng cách nào?

14 Xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị tập trung. Khi nhận thấy tâm trí mình bắt đầu vẩn vơ trong lúc học hỏi hoặc lúc tham dự nhóm họp, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị. Nếu anh chị đang căng thẳng, có lẽ không dễ gạt lo lắng sang một bên để tập trung vào những điều thiêng liêng, nhưng làm thế rất quan trọng. Hãy cầu xin sự bình an, là điều không chỉ bảo vệ lòng mà còn bảo vệ trí của anh chị.—Đọc Phi-líp 4:6, 7.

DÀNH THỜI GIAN VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MANG LẠI LỢI ÍCH

15. Một lợi ích của việc dành thời gian với Đức Giê-hô-va là gì?

15 Nếu dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe và nghĩ đến Đức Giê-hô-va, anh chị sẽ nhận được nhiều lợi ích. Như thế nào? Thứ nhất, anh chị sẽ đưa ra quyết định tốt hơn. Kinh Thánh đảm bảo rằng “ai bước đi với người khôn ngoan sẽ nên khôn ngoan” (Châm 13:20). Vì thế, khi dành thời gian với Nguồn của sự khôn ngoan là Đức Giê-hô-va, anh chị sẽ trở nên khôn ngoan hơn. Anh chị sẽ hiểu rõ hơn cách để làm ngài hài lòng và làm thế nào để tránh đưa ra những lựa chọn làm buồn lòng ngài.

16. Làm thế nào việc dành thời gian với Đức Giê-hô-va giúp chúng ta dạy dỗ hữu hiệu hơn?

16 Thứ hai, anh chị sẽ dạy dỗ hữu hiệu hơn. Khi học hỏi Kinh Thánh với một người, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là giúp học viên đến gần Đức Giê-hô-va. Càng trò chuyện với Cha trên trời, chúng ta sẽ càng yêu thương ngài và được trang bị tốt hơn để dạy học viên yêu mến ngài. Hãy suy nghĩ về gương của Chúa Giê-su. Ngài miêu tả về Cha bằng những từ yêu thương, nồng ấm, khiến các môn đồ trung thành không thể không yêu mến Đức Giê-hô-va.—Giăng 17:25, 26.

17. Tại sao việc cầu nguyện và học hỏi giúp chúng ta củng cố đức tin của mình?

17 Thứ ba, đức tin của anh chị sẽ mạnh hơn. Hãy xem điều gì xảy ra khi anh chị cầu xin Đức Chúa Trời ban sự hướng dẫn, an ủi hoặc giúp đỡ. Mỗi lần Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu nguyện như thế, đức tin của anh chị nơi ngài sẽ mạnh hơn (1 Giăng 5:15). Điều gì khác có thể giúp củng cố đức tin của anh chị? Đó là học hỏi cá nhân. Suy cho cùng, “đức tin có được qua điều đã nghe” (Rô 10:17). Tuy nhiên, để xây đắp đức tin mạnh, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ thu thập sự hiểu biết. Chúng ta cần làm điều gì khác?

18. Hãy nêu ví dụ cho thấy tại sao chúng ta cần suy ngẫm.

18 Chúng ta cần suy ngẫm về điều mình học. Hãy xem kinh nghiệm của người viết Thi thiên bài 77. Ông buồn nản vì nghĩ rằng mình và những người đồng hương Y-sơ-ra-ên đã mất ân huệ của Đức Giê-hô-va. Suy nghĩ đó khiến ông không sao chợp mắt (câu 2-8). Ông đã làm gì? Ông nói với Đức Giê-hô-va: “Con sẽ suy ngẫm mọi việc ngài làm, cũng sẽ ngẫm nghĩ các hành động ngài” (câu 12). Dĩ nhiên, người viết Thi thiên biết những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho dân ngài trong quá khứ, nhưng ông vẫn thắc mắc: “Đức Chúa Trời đã quên ban ơn sao? Ngài ngưng tỏ lòng thương xót vì giận dữ ư?” (câu 9). Người viết Thi thiên đã suy ngẫm về những việc làm của Đức Giê-hô-va và việc ngài thể hiện lòng thương xót và trắc ẩn trong quá khứ (câu 11). Kết quả là gì? Ông tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ dân ngài (câu 15). Tương tự, đức tin của anh chị sẽ vững mạnh hơn khi suy ngẫm về điều Đức Giê-hô-va đã làm cho dân ngài và cho cá nhân anh chị.

19. Chúng ta nhận được lợi ích nào khác khi dành thời gian với Đức Giê-hô-va?

19 Thứ tư và là điều quan trọng nhất, tình yêu thương của anh chị dành cho Đức Giê-hô-va sẽ ngày càng sâu đậm. Hơn bất cứ đức tính nào khác, tình yêu thương sẽ thúc đẩy anh chị vâng lời Đức Giê-hô-va, thực hiện những hy sinh để làm ngài hài lòng và chịu đựng mọi thử thách (Mat 22:37-39; 1 Cô 13:4, 7; 1 Giăng 5:3). Không gì quý giá hơn là tình bạn nồng ấm và mật thiết với Đức Giê-hô-va!—Thi 63:1-8.

20. Anh chị sẽ làm gì để tận dụng thời gian mình có với Đức Giê-hô-va?

20 Hãy nhớ rằng việc cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm là một phần của sự thờ phượng. Giống như Chúa Giê-su, hãy tìm nơi yên tĩnh để có thời gian với Đức Giê-hô-va. Hãy loại bỏ những điều gây phân tâm. Hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị tập trung khi tham gia các hoạt động thiêng liêng. Nếu anh chị tận dụng thì giờ ngay bây giờ, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho anh chị phần thưởng là sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới của ngài.—Mác 4:24.

BÀI HÁT 28 Để được làm bạn với Đức Giê-hô-va

^ Đức Giê-hô-va là Bạn tốt nhất của chúng ta. Chúng ta quý trọng tình bạn với ngài và muốn biết về ngài rõ hơn. Cần thời gian để biết rõ một người. Điều đó cũng đúng khi chúng ta muốn tiếp tục vun trồng tình bạn với Đức Giê-hô-va. Vì đời sống rất bận rộn, làm thế nào chúng ta có thể dành ra thời gian để đến gần Cha yêu thương trên trời, và chúng ta nhận được lợi ích nào khi làm thế?