Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 4

Đức Giê-hô-va ban phước khi chúng ta nỗ lực cử hành Lễ Tưởng Niệm

Đức Giê-hô-va ban phước khi chúng ta nỗ lực cử hành Lễ Tưởng Niệm

“Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”.—LU 22:19.

BÀI HÁT 19 Bữa Ăn Tối Của Chúa

GIỚI THIỆU a

1, 2. Tại sao chúng ta tham dự Lễ Tưởng Niệm mỗi năm?

 Gần 2.000 năm trước, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, mở đường cho chúng ta có sự sống vĩnh cửu. Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ tưởng nhớ hành động yêu thương của ngài bằng cách cử hành một buổi lễ đơn giản, gồm bánh và rượu.—1 Cô 11:23-26.

2 Chúng ta vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su vì yêu thương ngài rất nhiều (Giăng 14:15). Mỗi năm vào mùa Lễ Tưởng Niệm, chúng ta cho thấy mình biết ơn về điều ngài đã làm bằng cách dành thời gian cầu nguyện và suy ngẫm về ý nghĩa cái chết của ngài. Chúng ta cũng sẵn lòng gia tăng thánh chức, mời càng nhiều người càng tốt cùng chúng ta dự sự kiện đặc biệt này. Và dĩ nhiên, chúng ta quyết tâm không để bất cứ điều gì cản trở mình tham dự Lễ Tưởng Niệm.

3. Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem ba điều cho thấy dân Đức Giê-hô-va nỗ lực hết sức để tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su: (1) cử hành buổi lễ theo khuôn mẫu Chúa Giê-su đã thiết lập, (2) mời người khác đến dự Lễ Tưởng Niệm và (3) cử hành Lễ Tưởng Niệm bất kể hoàn cảnh khó khăn.

CỬ HÀNH THEO KHUÔN MẪU CHÚA GIÊ-SU ĐÃ THIẾT LẬP

4. Những sự thật nào được nêu bật mỗi năm tại Lễ Tưởng Niệm, và tại sao chúng ta không nên xem nhẹ những sự thật ấy? (Lu-ca 22:19, 20)

4 Mỗi năm tại Lễ Tưởng Niệm, chúng ta nghe một bài giảng dựa trên Kinh Thánh có câu trả lời rõ ràng cho một số câu hỏi. Chúng ta được biết tại sao nhân loại cần giá chuộc và làm thế nào cái chết của một người có thể chuộc tội cho nhiều người. Chúng ta được nhắc về ý nghĩa tượng trưng của bánh và rượu, và ai nên dùng các món biểu tượng ấy. (Đọc Lu-ca 22:19, 20). Chúng ta cũng suy ngẫm về các ân phước dành cho những người có hy vọng sống trên đất (Ê-sai 35:5, 6; 65:17, 21-23). Chúng ta không nên xem nhẹ những sự thật này. Hàng triệu người không hiểu những sự thật ấy và họ không biết sự hy sinh của Chúa Giê-su có giá trị như thế nào. Họ cũng không cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su theo khuôn mẫu ngài đã thiết lập. Tại sao?

5. Không lâu sau khi đa số các sứ đồ qua đời, người ta bắt đầu tưởng nhớ sự chết của Chúa Giê-su như thế nào?

5 Không lâu sau khi đa số các sứ đồ của Chúa Giê-su qua đời, các tín đồ giả hiệu đã len lỏi vào hội thánh (Mat 13:24-27, 37-39). Họ giảng dạy “những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ” (Công 20:29, 30). Một trong “những điều sai lệch” mà họ bắt đầu dạy dỗ là Chúa Giê-su không dâng thân thể “một lần đủ cả để gánh lấy tội lỗi của nhiều người”, như Kinh Thánh nói, mà ngài phải dâng thân thể hết lần này đến lần khác (Hê 9:27, 28). Ngày nay, nhiều người có lòng thành tin sự dạy dỗ sai lầm đó. Họ đều đặn đi lễ nhà thờ, đôi khi là mỗi ngày, để cử hành điều được gọi là “Thánh Lễ Mi-sa”. b Các đạo khác thuộc khối Ki-tô giáo thì không cử hành đều đặn như thế, nhưng đa số các tín đồ của họ chỉ hiểu mơ hồ về những điều mà sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại. Một số người có lẽ thắc mắc: “Sự hy sinh của Chúa Giê-su có thật sự mở đường để tôi được tha tội không?”. Tại sao họ thắc mắc như thế? Trong một số trường hợp, họ bị ảnh hưởng bởi những người cho rằng sự hy sinh của Chúa Giê-su không thể chuộc tội cho chúng ta. Các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su làm gì trước vấn đề này? 

6. Đến năm 1872, một nhóm học viên Kinh Thánh đã rút ra kết luận nào?

6 Vào cuối thế kỷ 19, một nhóm học viên Kinh Thánh do anh Charles Taze Russell dẫn đầu đã bắt tay vào việc nghiên cứu kỹ lưỡng Kinh Thánh. Họ muốn biết sự thật về giá trị sự hy sinh của Chúa Giê-su và cái chết của ngài nên được tưởng nhớ như thế nào. Đến năm 1872, họ rút ra kết luận dựa trên Kinh Thánh là Chúa Giê-su quả đã cung cấp giá chuộc cho toàn thể nhân loại. Họ không giữ sự hiểu biết đó cho riêng mình. Thay vì thế, họ cho người khác biết về sự thật ấy qua sách báo và tạp chí. Không lâu sau đó, noi gương các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, họ bắt đầu cử hành Lễ Tưởng Niệm chỉ một lần mỗi năm.

7. Chúng ta nhận được lợi ích nào từ sự nghiên cứu của các học viên Kinh Thánh thời ban đầu?

7 Ngày nay, chúng ta nhận được lợi ích từ sự nghiên cứu mà các tín đồ có lòng thành ấy đã thực hiện rất lâu về trước. Như thế nào? Đức Giê-hô-va đã giúp chúng ta hiểu sự thật về sự hy sinh của Chúa Giê-su và sự hy sinh đó mang lại điều gì (1 Giăng 2:1, 2). Chúng ta cũng được biết rằng Kinh Thánh đưa ra hai hy vọng cho những người làm hài lòng Đức Chúa Trời, đó là sự sống bất tử trên trời dành cho một số người và sự sống vĩnh cửu trên đất dành cho hàng triệu người khác. Chúng ta đến gần hơn với Đức Giê-hô-va khi suy ngẫm về tình yêu thương bao la mà ngài dành cho chúng ta và những lợi ích mình nhận được nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su (1 Phi 3:18; 1 Giăng 4:9). Vậy giống như những anh em trung thành trong quá khứ, chúng ta mời người khác cùng cử hành Lễ Tưởng Niệm theo khuôn mẫu Chúa Giê-su đã thiết lập.

MỜI NGƯỜI KHÁC DỰ LỄ TƯỞNG NIỆM

Anh chị có thể làm gì để tham gia trọn vẹn vào đợt rao giảng mời dự Lễ Tưởng Niệm? (Xem đoạn 8-10) e

8. Dân Đức Giê-hô-va đã làm gì để mời người khác dự Lễ Tưởng Niệm? (Xem hình).

8 Từ lâu, dân Đức Giê-hô-va đã mời người khác dự Lễ Tưởng Niệm. Vào năm 1881, các anh chị ở Hoa Kỳ được mời nhóm lại tại một nhà riêng ở Allegheny, Pennsylvania, để dự sự kiện đặc biệt đó. Về sau, mỗi hội thánh tự cử hành Lễ Tưởng Niệm. Vào tháng 3 năm 1940, các công bố được cho biết là có thể mời bất cứ ai tỏ ra chú ý trong khu vực. Năm 1960, lần đầu tiên Bê-tên cung cấp cho các hội thánh giấy mời bản in. Kể từ đó, hàng tỉ giấy mời Lễ Tưởng Niệm được phân phát. Tại sao chúng ta dành rất nhiều thời gian và công sức để mời người khác?

9, 10. Ai nhận được lợi ích khi chúng ta nỗ lực mời người khác dự Lễ Tưởng Niệm? (Giăng 3:16)  

9 Một lý do chúng ta mời người khác cùng cử hành Lễ Tưởng Niệm là vì muốn những người tham dự lần đầu được biết sự thật về những điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho tất cả chúng ta. (Đọc Giăng 3:16). Chúng ta hy vọng rằng những điều họ thấy và nghe tại Lễ Tưởng Niệm sẽ thôi thúc họ tìm hiểu thêm và trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Nhưng cũng có người khác nhận được lợi ích.

10 Chúng ta cũng mời những người ngưng hoạt động. Chúng ta làm thế để nhắc họ rằng Đức Chúa Trời vẫn yêu thương họ. Nhiều người hưởng ứng trước lời mời, và chúng ta vui mừng khi thấy họ đến dự. Tham dự Lễ Tưởng Niệm nhắc họ nhớ rằng việc phụng sự Đức Giê-hô-va trong quá khứ đã mang lại cho họ niềm vui như thế nào. Hãy xem kinh nghiệm của chị Monica. c Chị làm công bố trở lại trong đại dịch COVID-19. Sau khi dự Lễ Tưởng Niệm năm 2021, chị nói: “Lễ Tưởng Niệm này rất đặc biệt với tôi. Đó là lần đầu tiên trong 20 năm, tôi làm chứng cho người khác và mời họ đến dự Lễ Tưởng Niệm. Tôi hết lòng làm công việc này vì tôi rất biết ơn về những điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho tôi” (Thi 103:1-4). Dù người ta có hưởng ứng trước lời mời hay không, chúng ta nỗ lực hết sức để mời người khác dự Lễ Tưởng Niệm vì biết rằng Đức Giê-hô-va quý trọng nỗ lực của chúng ta.

11. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chúng ta thế nào khi nỗ lực mời người khác dự Lễ Tưởng Niệm? (Ha-gai 2:7)

11 Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào khi chúng ta nỗ lực mời người khác dự Lễ Tưởng Niệm. Vào năm 2021, bất kể những hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra, chúng ta đạt kỷ lục về số người dự Lễ Tưởng Niệm là 21.367.603 người. Con số này gấp gần hai lần rưỡi số Nhân Chứng Giê-hô-va trên thế giới! Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không chỉ quan tâm đến số người tham dự mà còn quan tâm đến mỗi cá nhân (Lu 15:7; 1 Ti 2:3, 4). Chúng ta tin chắc rằng khi mời người khác, Đức Giê-hô-va đang giúp chúng ta tìm những người có lòng thành.—Đọc Ha-gai 2:7.  

CỬ HÀNH LỄ TƯỞNG NIỆM BẤT KỂ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

Đức Giê-hô-va ban phước khi chúng ta nỗ lực để cử hành Lễ Tưởng Niệm (Xem đoạn 12) f

12. Điều gì có thể khiến chúng ta khó cử hành Lễ Tưởng Niệm? (Xem hình).

12 Chúa Giê-su báo trước rằng trong những ngày sau cùng, chúng ta sẽ đối mặt với đủ loại khó khăn, chẳng hạn sự chống đối từ gia đình, sự ngược đãi, chiến tranh, dịch bệnh và nhiều điều khác (Mat 10:36; Mác 13:9; Lu 21:10, 11). Đôi khi, những điều đó có thể khiến chúng ta khó cử hành Lễ Tưởng Niệm. Anh em của chúng ta đã làm gì để vượt qua những thử thách như thế, và Đức Giê-hô-va đã giúp họ ra sao?

13. Đức Giê-hô-va ban phước cho sự can đảm và lòng quyết tâm của anh Ivan như thế nào để cử hành Lễ Tưởng Niệm trong tù?

13 Bị cầm tù. Những anh em của chúng ta bị bỏ tù vì đức tin đã làm những gì có thể để cử hành Lễ Tưởng Niệm. Hãy xem kinh nghiệm của anh Ivan. Trong mùa Lễ Tưởng Niệm năm 2020, anh bị nhốt trong phòng giam 17 mét vuông, đôi khi có đến năm tù nhân. Dù ngồi tù, anh vẫn có thể lấy một số thứ để dùng làm các món biểu tượng cho Lễ Tưởng Niệm, và anh dự định sẽ làm bài giảng Lễ Tưởng Niệm cho một mình anh. Nhưng các tù nhân cùng phòng hút thuốc và chửi thề rất nhiều. Anh đã làm gì? Anh lịch sự đề nghị họ không hút thuốc và chửi thề trong chỉ một tiếng thôi. Anh Ivan ngạc nhiên khi họ đồng ý sẽ không hút thuốc hoặc chửi thề trong Lễ Tưởng Niệm. Anh Ivan cho biết: “Tôi đã đề nghị cho họ biết thêm về Lễ Tưởng Niệm”. Dù họ nói không muốn nghe về sự kiện đó, nhưng sau khi thấy và nghe những điều anh Ivan làm để cử hành Lễ Tưởng Niệm, họ đã hỏi anh thêm về buổi lễ.

14. Dân Đức Giê-hô-va đã nỗ lực thế nào để cử hành Lễ Tưởng Niệm bất kể đại dịch COVID-19?

14 Đại dịch COVID-19. Khi đại dịch này bùng phát, dân Đức Giê-hô-va không thể dự Lễ Tưởng Niệm trực tiếp. Nhưng điều đó không cản trở họ cử hành Lễ Tưởng Niệm. d Những hội thánh có Internet cử hành Lễ Tưởng Niệm qua cuộc họp video trực tuyến. Nhưng nói sao về hàng triệu anh chị không thể kết nối Internet? Tại một số nước, có các sắp đặt để phát bài giảng trên TV hoặc radio. Ngoài ra, các chi nhánh thu âm bài giảng Lễ Tưởng Niệm trong hơn 500 ngôn ngữ để những người ở vùng xa xôi cũng có thể cử hành buổi lễ. Những anh trung thành đã sắp xếp để mang phần thu âm này đến cho những người có nhu cầu.

15. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của học viên Kinh Thánh tên Sue?

15 Bị gia đình chống đối. Đối với một số người, thử thách lớn nhất để cử hành Lễ Tưởng Niệm là bị gia đình chống đối. Hãy xem trường hợp của học viên Kinh Thánh tên Sue. Vào năm 2021, một ngày trước Lễ Tưởng Niệm, chị Sue nói với người hướng dẫn là chị không thể dự buổi lễ vì bị gia đình chống đối. Người hướng dẫn đã đọc Lu-ca 22:44 và giải thích cho chị rằng khi đối mặt với khó khăn, chúng ta nên noi gương Chúa Giê-su bằng cách hướng đến Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và hoàn toàn tin cậy nơi ngài. Hôm sau, chị Sue chuẩn bị các món biểu tượng và xem chương trình Thờ phượng buổi sáng đặc biệt trên jw.org. Tối hôm ấy, khi ở một mình trong phòng, chị Sue đã kết nối bằng điện thoại để dự Lễ Tưởng Niệm. Sau đó, chị viết cho người hướng dẫn Kinh Thánh: “Hôm qua chị đã khích lệ em rất nhiều. Em đã làm mọi điều có thể để dự Lễ Tưởng Niệm, và Đức Giê-hô-va đã thật sự làm phần còn lại. Em không thể diễn tả hết niềm vui và lòng biết ơn của mình!”. Anh chị nghĩ Đức Giê-hô-va có thể trợ giúp nếu anh chị đối mặt với tình huống tương tự không?

16. Tại sao chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban phước khi chúng ta nỗ lực tham dự Lễ Tưởng Niệm? (Rô-ma 8:31, 32)

16 Đức Giê-hô-va rất quý trọng nỗ lực của chúng ta trong việc tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su. Chúng ta có thể tin chắc ngài sẽ ban phước khi chúng ta tỏ lòng biết ơn về những điều ngài đã làm cho mình. (Đọc Rô-ma 8:31, 32). Vậy, hãy quyết tâm để tham dự Lễ Tưởng Niệm năm nay và nỗ lực hết sức để tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thiêng liêng trong mùa Lễ Tưởng Niệm.

BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc

a Vào thứ Ba, ngày 4-4-2023, hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô. Nhiều người sẽ có mặt lần đầu tiên. Một số Nhân Chứng ngưng hoạt động sẽ tham dự lần đầu sau nhiều năm. Cũng có những người vượt qua trở ngại lớn để tham dự. Dù hoàn cảnh của mình là gì, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hài lòng khi anh chị nỗ lực để có mặt tại buổi lễ.

b Những người tham gia nghi lễ đó tin rằng trong buổi lễ này, bánh và rượu biến thành thân thể và huyết của Chúa Giê-su. Họ nghĩ là thân thể và huyết của Chúa Giê-su được dâng mỗi lần mà một người tham gia nghi lễ này.

c Một số tên đã được thay đổi.

d Cũng xem các bài có tựa “Lễ Tưởng Niệm năm 2021” trên jw.org.

e HÌNH ẢNH: Kể từ những năm 1960, giấy mời Lễ Tưởng Niệm được cải tiến, và hiện có trong cả bản in lẫn bản điện tử.

f HÌNH ẢNH: Cảnh diễn lại: Các anh em cử hành Lễ Tưởng Niệm trong thời kỳ bất ổn xã hội.