Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 2

“Hãy biến đổi tâm trí mình”

“Hãy biến đổi tâm trí mình”

“Hãy biến đổi tâm trí mình, hầu chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài”.—RÔ 12:2.

BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha

GIỚI THIỆU a

1, 2. Chúng ta cần tiếp tục làm gì sau khi báp-têm? Hãy giải thích.

 Anh chị dọn dẹp nhà cửa thường xuyên đến mức nào? Có lẽ trước khi chuyển vào, anh chị đã dọn sạch sẽ. Nhưng nói sao nếu sau đó anh chị không làm thế nữa? Hẳn bụi bẩn sẽ nhanh chóng làm dơ nhà của anh chị. Để giữ cho nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, anh chị cần thường xuyên dọn dẹp.

2 Chúng ta cũng cần tiếp tục nỗ lực để điều chỉnh lối suy nghĩ và nhân cách của mình. Dĩ nhiên, trước khi báp-têm, chúng ta đã nỗ lực thực hiện những thay đổi cần thiết để “tẩy sạch mình khỏi mọi sự ô uế về thể xác lẫn tinh thần” (2 Cô 7:1). Nhưng giờ đây chúng ta cần làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô là “tiếp tục đổi mới tinh thần” (Ê-phê 4:23). Tại sao chúng ta cần không ngừng nỗ lực? Vì “bụi bẩn” của thế gian này có thể nhanh chóng làm chúng ta không còn thanh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va. Để tránh điều đó và tiếp tục làm Đức Giê-hô-va vui lòng, chúng ta cần thường xuyên tra xét lối suy nghĩ, nhân cách và ước muốn của mình.

TIẾP TỤC “BIẾN ĐỔI TÂM TRÍ MÌNH”

3. “Biến đổi tâm trí” có nghĩa gì? (Rô-ma 12:2)

3 Chúng ta cần làm gì để biến đổi tâm trí, tức là thay đổi lối suy nghĩ của mình? (Đọc Rô-ma 12:2). “Biến đổi tâm trí” không chỉ bao hàm việc làm vài điều tốt trong đời sống. Thay vì vậy, chúng ta cần xem xét con người bề trong và thực hiện những thay đổi cần thiết để đời sống mình phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va nhiều nhất có thể. Chúng ta không chỉ làm điều này một lần, mà cần không ngừng làm thế.

Quyết định của anh chị về học vấn và nghề nghiệp có cho thấy anh chị đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu không? (Xem đoạn 4, 5) c

4. Làm thế nào chúng ta có thể tránh để cho lối suy nghĩ của mình bị rập khuôn theo thế gian?

4 Khi đạt được sự hoàn hảo, chúng ta sẽ luôn có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va trong mọi việc. Từ nay cho đến lúc đó, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu ấy. Hãy lưu ý nơi Rô-ma 12:2, Phao-lô liên kết việc biến đổi tâm trí với việc nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời. Thay vì để cho mình bị rập khuôn theo thế gian, trước tiên chúng ta cần tra xét bản thân. Chúng ta cần xem lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời, chứ không phải của thế gian, đang tác động đến mức nào tới mục tiêu và quyết định của mình.

5. Chúng ta có thể tra xét lối suy nghĩ của mình về sự gần kề của ngày Đức Giê-hô-va bằng cách nào? (Xem hình).

5 Hãy xem một ví dụ. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta “ghi nhớ sự hiện diện của ngày Đức Giê-hô-va” (2 Phi 3:12). Hãy tự hỏi: “Lối sống của mình có cho thấy mình biết sự kết thúc của thế gian rất gần kề không? Quyết định của mình về học vấn và việc làm có cho thấy việc phụng sự Đức Giê-hô-va là điều quan trọng nhất trong đời sống không? Mình có tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ chu cấp cho bản thân và gia đình, hay mình luôn lo lắng về vật chất?”. Hãy thử nghĩ Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi thấy chúng ta cố gắng sống phù hợp với ý muốn của ngài.—Mat 6:25-27, 33; Phi-líp 4:12, 13.

6. Chúng ta cần tiếp tục làm gì?

6 Chúng ta cần thường xuyên tra xét lối suy nghĩ của mình, rồi thực hiện bất cứ sự thay đổi cần thiết nào. Phao-lô nói với các tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Hãy luôn tra xét xem mình có đang ở trong đức tin không, và luôn chứng minh mình là loại người nào” (2 Cô 13:5). “Ở trong đức tin” bao hàm nhiều hơn là thỉnh thoảng tham dự nhóm họp hoặc tham gia thánh chức. Điều này cũng bao hàm suy nghĩ, ước muốn và động cơ của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục biến đổi tâm trí bằng cách đọc Lời Đức Chúa Trời, tập có cùng suy nghĩ với ngài, và rồi làm mọi điều cần thiết để sống phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va.—1 Cô 2:14-16.

“MẶC LẤY NHÂN CÁCH MỚI”

7. Theo Ê-phê-sô 4:31, 32, chúng ta cần làm gì khác, và tại sao điều này có thể là thách đố?

7 Đọc Ê-phê-sô 4:31, 32. Bên cạnh việc thay đổi lối suy nghĩ, chúng ta cần “mặc lấy nhân cách mới” (Ê-phê 4:24). Chúng ta cần nỗ lực để làm thế. Ngoài những điều khác, chúng ta cần cố gắng hết sức để từ bỏ những tính xấu như cay đắng hiểm độc, tức giận và thịnh nộ. Tại sao điều này có thể là thách đố? Vì một số tính xấu đã ăn sâu trong lòng một người. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói rằng một số người “hay nổi giận” và “dễ nổi nóng” (Châm 29:22). Rất có thể việc kiểm soát những tính xấu đã ăn sâu đòi hỏi chúng ta không ngừng nỗ lực ngay cả sau khi báp-têm, như kinh nghiệm sau cho thấy.

8, 9. Làm thế nào kinh nghiệm của anh Stephen cho thấy chúng ta cần tiếp tục lột bỏ nhân cách cũ?

8 Một anh tên Stephen thấy khó kiểm soát cơn giận của mình. Anh cho biết: “Ngay cả sau khi báp-têm, tôi vẫn phải phấn đấu kiềm chế tính khí của mình. Chẳng hạn, có lần khi đi truyền giáo từng nhà, tôi đuổi theo một tên trộm ăn cắp radio trong xe tôi. Lúc tôi sắp bắt được hắn, hắn vứt radio lại và chạy thoát. Khi tôi kể cho các anh chị đi chung về cách tôi lấy lại radio, một trưởng lão trong nhóm hỏi: ‘Stephen, anh sẽ làm gì nếu bắt được hắn?’. Câu hỏi ấy khiến tôi suy nghĩ và thôi thúc tôi tiếp tục biểu hiện tính hiếu hòa”. b

9 Như kinh nghiệm của anh Stephen cho thấy, một tính xấu có thể bất ngờ trỗi dậy, ngay cả sau khi chúng ta tưởng mình đã kiểm soát được. Nếu điều đó xảy đến với anh chị, đừng nản lòng và cho rằng mình là tín đồ tồi tệ. Chính sứ đồ Phao-lô cũng thừa nhận: “Khi tôi muốn làm điều đúng thì điều xấu ở cùng tôi” (Rô 7:21-23). Vì bất toàn nên mọi tín đồ đều phải tranh đấu với một số tính xấu tiếp tục trỗi dậy, giống như bụi bẩn làm dơ nhà của chúng ta. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để giữ mình thanh sạch. Bằng cách nào?

10. Chúng ta có thể chống lại những tính xấu bằng cách nào? (1 Giăng 5:14, 15)

10 Hãy cầu nguyện Đức Giê-hô-va về tính xấu nào đó mà anh chị cảm thấy khó thay đổi, tin chắc ngài sẽ nghe và giúp đỡ anh chị. (Đọc 1 Giăng 5:14, 15). Dù Đức Giê-hô-va sẽ không làm phép lạ để xóa bỏ tính ấy, nhưng ngài có thể thêm sức để giúp anh chị kháng cự nó (1 Phi 5:10). Ngoài ra, chúng ta cần hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách tránh những điều mà có thể khiến nhân cách cũ quay trở lại. Chẳng hạn, hãy thận trọng trước những phim, chương trình truyền hình hoặc những câu chuyện cổ xúy những tính mà anh chị đang muốn từ bỏ. Đừng để tâm trí nghĩ đến những ham muốn sai trái.—Phi-líp 4:8; Cô 3:2.

11. Chúng ta có thể làm gì để tiếp tục mặc lấy nhân cách mới?

11 Ngoài việc lột bỏ nhân cách cũ, điều quan trọng là chúng ta vun trồng nhân cách mới. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Hãy đặt mục tiêu noi gương Đức Giê-hô-va khi anh chị học về các phẩm chất của ngài (Ê-phê 5:1, 2). Chẳng hạn, khi đọc một lời tường thuật trong Kinh Thánh nêu bật sự tha thứ của Đức Giê-hô-va, hãy tự hỏi: “Mình có tha thứ cho người khác không?”. Khi đọc về lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va đối với người nghèo khổ, hãy tự hỏi: “Mình có lòng quan tâm như thế đối với những anh em đang gặp khó khăn không, và mình có thể hiện điều đó qua hành động không?”. Hãy tiếp tục biến đổi tâm trí bằng cách mặc lấy nhân cách mới, và kiên nhẫn với bản thân khi làm thế.

12. Kinh nghiệm của anh Stephen đã chứng thực quyền lực biến đổi của Kinh Thánh như thế nào?

12 Anh Stephen, được đề cập ở trên, nhận thấy dần dần anh đã có thể mặc lấy nhân cách mới. Anh nói: “Kể từ khi báp-têm, tôi đối mặt với nhiều tình huống, nếu như trước kia thì có lẽ tôi đã dùng vũ lực. Nhưng giờ đây, tôi giữ được bình tĩnh hoặc biết cách tránh xa những người cố tình khiêu khích tôi. Nhiều người, kể cả vợ tôi, thường khen vì tôi đã biết cách xử lý những tình huống ấy. Chính tôi còn ngạc nhiên về mình! Tôi không hề nghĩ mình có thể tự thay đổi nhân cách. Thay vì thế, tôi tin rằng những thay đổi này chứng thực quyền lực biến đổi của Kinh Thánh”.

TIẾP TỤC CHỐNG LẠI NHỮNG HAM MUỐN SAI TRÁI

13. Điều gì sẽ giúp chúng ta vun trồng ước muốn làm điều đúng? (Ga-la-ti 5:16)

13 Đọc Ga-la-ti 5:16. Để giúp chúng ta làm điều đúng, Đức Giê-hô-va rộng rãi ban thần khí thánh. Khi học hỏi Lời Đức Chúa Trời, chúng ta đang để thần khí tác động đến mình. Chúng ta cũng nhận được thần khí thánh khi tham dự nhóm họp. Tại các buổi nhóm họp, chúng ta có thể dành thời gian với những anh chị cũng đang nỗ lực để làm điều đúng giống như chúng ta, và điều đó khích lệ chúng ta (Hê 10:24, 25; 13:7). Ngoài ra, khi cầu nguyện tha thiết và nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để đối phó với những khuyết điểm của mình, ngài sẽ ban thần khí thánh để chúng ta có sức mạnh tiếp tục kháng cự. Có lẽ các hoạt động này không làm cho những ham muốn sai trái mất đi, nhưng sẽ giúp chúng ta kháng cự khuynh hướng chiều theo chúng. Như Ga-la-ti 5:16 nói, những ai bước theo thần khí sẽ ‘không làm theo ham muốn của xác thịt’.

14. Tại sao điều quan trọng là chúng ta tiếp tục vun trồng ước muốn làm điều đúng?

14 Một khi có nề nếp thiêng liêng lành mạnh, điều thiết yếu là chúng ta duy trì nề nếp đó và tiếp tục vun trồng ước muốn làm điều đúng. Tại sao? Vì có một kẻ thù không ngừng tấn công chúng ta, đó là sự cám dỗ làm điều sai trái. Ngay cả sau khi báp-têm, chúng ta có thể thấy mình vẫn bị cám dỗ làm điều mà mình nên tránh, bao gồm cờ bạc, lạm dụng rượu bia hoặc xem tài liệu khiêu dâm (Ê-phê 5:3, 4). Một anh trẻ thừa nhận: “Một trong những điều khó khăn nhất mà tôi phải tranh đấu là có cảm tình với người cùng phái. Tôi cứ nghĩ rồi nó sẽ qua đi, nhưng những cảm xúc đó vẫn đeo bám tôi”. Nếu anh chị có ham muốn sai trái mạnh mẽ thì điều gì có thể giúp anh chị?

Khi bị ham muốn sai trái cám dỗ, tình cảnh của anh chị không phải là vô vọng; người khác cũng đã tranh đấu và vượt qua thành công (Xem đoạn 15, 16)

15. Tại sao chúng ta được khích lệ khi biết những ham muốn sai trái của mình ‘không khác với mọi người’? (Xem hình).

15 Khi tranh đấu với một ham muốn sai trái mạnh mẽ, hãy nhớ rằng anh chị không đơn độc. Kinh Thánh nói: “Anh em không gặp cám dỗ nào khác với mọi người” (1 Cô 10:13a). Câu này được viết cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô, cả nam lẫn nữ. Một số người trước đây từng ngoại tình, đồng tính và say sưa (1 Cô 6:9-11). Anh chị nghĩ sau khi báp-têm, có phải họ không bao giờ có ham muốn sai trái không? Chắc chắn là không. Đúng là tất cả họ đều được xức dầu, nhưng họ vẫn bất toàn. Hẳn đôi khi họ phải tranh đấu với những ham muốn sai trái. Điều này khích lệ chúng ta. Tại sao? Vì điều đó cho thấy dù anh chị đang tranh đấu với ham muốn sai trái nào thì người khác cũng đã tranh đấu và thành công. Thật vậy, anh chị có thể “vững vàng trong đức tin, biết rằng cả đoàn thể anh em… cũng đang chịu những khổ sở giống như vậy”.—1 Phi 5:9.

16. Chúng ta nên tránh mối nguy hiểm nào, và tại sao?

16 Một mối nguy hiểm mà chúng ta cần tránh là nghĩ rằng không ai có thể hiểu thử thách mà mình đang đối mặt. Suy nghĩ theo cách đó có thể khiến chúng ta cho rằng tình cảnh của mình là vô vọng và mình không thể kháng cự ham muốn sai trái. Ngược lại, Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời là đấng trung tín, ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng sẽ mở lối thoát, hầu anh em có thể chịu đựng trong lúc bị cám dỗ” (1 Cô 10:13b). Vì thế, ngay cả khi một ham muốn sai trái trỗi lên mạnh mẽ, chúng ta có thể chịu đựng thành công. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể kháng cự và không chiều theo ham muốn đó.

17. Dù có lẽ không tránh được ham muốn sai trái, chúng ta có thể kiểm soát điều gì?

17 Hãy nhớ điều này: Là người bất toàn, chúng ta không tránh được ham muốn sai trái. Nhưng khi những ham muốn ấy trỗi dậy, chúng ta có thể lập tức kháng cự, như Giô-sép đã làm khi bỏ chạy khỏi vợ Phô-ti-pha (Sáng 39:12). Chúng ta không nhất thiết phải chiều theo ham muốn sai trái!

TIẾP TỤC NỖ LỰC

18, 19. Chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi nào trong khi nỗ lực biến đổi tâm trí mình?

18 Biến đổi tâm trí bao gồm việc tiếp tục nỗ lực để có lối suy nghĩ và hành động phù hợp với ý muốn Đức Giê-hô-va. Để làm được điều đó, hãy đều đặn tra xét bản thân và tự hỏi: “Hành động của mình có cho thấy mình nhận biết tính cấp bách của thời kỳ đang sống không? Mình có đang tiến bộ trong việc mặc lấy nhân cách mới không? Mình có để thần khí Đức Giê-hô-va hướng dẫn đời sống để có thể kháng cự khuynh hướng làm theo ham muốn xác thịt không?”.

19 Khi tự tra xét mình, hãy nhìn vào sự tiến bộ, chứ đừng mong đợi mình phải hoàn hảo. Nếu thấy mình cần cải thiện, anh chị đừng nản lòng. Thay vì thế, hãy làm theo lời khuyên nơi Phi-líp 3:16: “Chúng ta đã tiến bộ đến mức nào thì hãy tiếp tục theo bước tiến ấy một cách trật tự”. Khi anh chị làm thế, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho nỗ lực của anh chị trong việc tiếp tục biến đổi tâm trí mình.

BÀI HÁT 36 Hãy bảo vệ lòng mình

a Sứ đồ Phao-lô khuyến giục các anh em đồng đạo đừng để mình rập khuôn theo thế gian này. Chắc chắn đây là lời khuyên tốt cho chúng ta ngày nay. Chúng ta cần đảm bảo rằng thế gian này không ảnh hưởng đến mình. Để làm thế, chúng ta cần tiếp tục điều chỉnh lối suy nghĩ của mình mỗi khi nhận ra lối suy nghĩ ấy không phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong bài này, chúng ta sẽ xem mình có thể làm điều đó bằng cách nào.

b Xem bài “Đời tôi trước đây thật tồi tệ” trong Tháp Canh ngày 1-7-2015.

c HÌNH ẢNH: Một anh trẻ đang suy nghĩ nên theo đuổi việc học lên cao hay tham gia thánh chức trọn thời gian.