Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 1

Hãy tin chắc Lời Đức Chúa Trời là chân thật

Hãy tin chắc Lời Đức Chúa Trời là chân thật

CÂU KINH THÁNH CHO NĂM 2023: “Toàn bộ lời ngài là chân thật”.—THI 119:160.

BÀI HÁT 96 Cuốn sách của Đức Chúa Trời—Kho tàng vô giá

GIỚI THIỆU a

1. Tại sao nhiều người ngày nay không tin cậy Kinh Thánh?

 Nhiều người ngày nay không biết họ có thể tin ai. Họ không chắc những người mà họ kính trọng, như chính trị gia, các nhà khoa học và những doanh nhân, có thật sự quan tâm đến lợi ích tốt nhất của họ hay không. Hơn nữa, họ cũng không kính trọng hàng giáo phẩm thuộc khối Ki-tô giáo. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi họ nghi ngờ Kinh Thánh, là cuốn sách mà những nhà lãnh đạo tôn giáo này tự nhận làm theo.

2. Phù hợp với Thi thiên 119:160, chúng ta cần tin chắc điều gì?

2 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta tin chắc ngài là “Đức Chúa Trời chân thật” và ngài luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta (Thi 31:5; Ê-sai 48:17). Chúng ta biết mình có thể tin những điều mình đọc trong Kinh Thánh. Chúng ta tin rằng “toàn bộ lời [Đức Chúa Trời] là chân thật”. (Đọc Thi thiên 119:160). Chúng ta đồng ý với lời mà một học giả Kinh Thánh viết: “Những lời mà Đức Chúa Trời phán không bao giờ thất bại hoặc có sự dối trá, ngay cả một chút cũng không. Dân Đức Chúa Trời tin những lời ngài nói vì họ tin đấng đã phán những lời ấy”.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Làm thế nào để giúp người khác tin chắc nơi Lời Đức Chúa Trời như chúng ta? Hãy xem ba lý do mà chúng ta có thể tin cậy Kinh Thánh. Đó là tính chính xác của văn bản Kinh Thánh, sự ứng nghiệm của lời tiên tri và quyền lực của sách này trong việc thay đổi đời sống.

THÔNG ĐIỆP KINH THÁNH ĐƯỢC BẢO TỒN CHÍNH XÁC

4. Tại sao một số người nghi ngờ tính chính xác của Kinh Thánh?

4 Đức Giê-hô-va đã dùng khoảng 40 người trung thành để viết các sách Kinh Thánh. Tuy nhiên, không có bản chép tay gốc nào còn tồn tại đến thời chúng ta. Chúng ta chỉ có bản sao của bản sao. Điều này khiến một số người băn khoăn không biết những điều chúng ta đọc trong Kinh Thánh ngày nay có đúng với bản gốc hay không. Anh chị có bao giờ thắc mắc làm thế nào chúng ta có thể tin chắc Kinh Thánh được sao chép chính xác?

Những người sao chép chuyên nghiệp phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã nỗ lực hết sức để đảm bảo sao cho những bản chép tay của họ được chính xác (Xem đoạn 5)

5. Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được sao chép như thế nào? (Xem hình nơi trang bìa).

5 Để bảo tồn thông điệp được ngài soi dẫn, Đức Giê-hô-va đã bảo dân ngài sao chép thông điệp ấy. Ngài phán dặn các vua Y-sơ-ra-ên phải chép lại bản Luật pháp cho riêng mình, và ngài chỉ định những người Lê-vi dạy Luật pháp ấy cho dân chúng (Phục 17:18; 31:24-26; Nê 8:7). Sau khi người Do Thái bị lưu đày đến Ba-by-lôn, một nhóm người sao chép chuyên nghiệp đã bắt đầu chép nhiều bản của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (Ê-xơ-ra 7:6, các chú thích). Họ làm công việc này rất cẩn thận. Sau này, họ bắt đầu đếm không chỉ những từ mà ngay cả những ký tự để đảm bảo mọi chi tiết được sao chép chính xác. Dù vậy, do sự bất toàn của con người, một số bản sao vẫn có lỗi nhỏ. Tuy nhiên, vì có nhiều bản sao của một văn bản Kinh Thánh nên về sau những lỗi đó có thể được phát hiện ra. Bằng cách nào?

6. Những lỗi trong bản sao chép Kinh Thánh có thể được phát hiện bằng cách nào?

6 Các học giả thời hiện đại có một cách đáng tin cậy để phát hiện ra những lỗi trong việc sao chép Kinh Thánh. Hãy xem minh họa sau: Giả sử 100 người được chỉ định sao chép một trang văn bản, và có một người chép sai một chỗ. Một cách để phát hiện ra lỗi đó là so sánh bản của người ấy với tất cả những bản khác. Tương tự, qua việc so sánh nhiều bản Kinh Thánh chép tay, các học giả có thể phát hiện ra những chỗ mà người sao chép đã chép sai hoặc bỏ sót.

7. Điều gì cho thấy những người sao chép Kinh Thánh đã làm công việc này rất cẩn thận?

7 Những người sao chép Kinh Thánh đã nỗ lực hết sức để làm công việc này một cách chính xác. Hãy xem một ví dụ cho thấy điều đó. Bản chép tay trọn bộ cổ nhất của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ có niên đại từ năm 1008 hoặc năm 1009 CN. Bản này được gọi là Leningrad Codex. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, người ta tìm thấy nhiều bản chép tay và mảnh Kinh Thánh có trước bản Leningrad Codex khoảng 1.000 năm. Có lẽ nhiều người cho rằng sau khi những bản này được sao đi chép lại trong giai đoạn 1.000 năm thì văn bản của bản Leningrad Codex rất khác với nội dung của những bản chép tay cổ hơn. Nhưng không phải như thế. Khi so sánh những bản chép tay cổ hơn với bản Leningrad Codex, các học giả nhận thấy rằng dù có một số khác biệt nhỏ trong cách diễn đạt, nhưng ý nghĩa vẫn được bảo tồn chính xác.

8. Có điều gì đáng chú ý khi so sánh các bản sao của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp với các bản sao của những tác phẩm cổ xưa khác?

8 Các tín đồ thời ban đầu đã làm theo truyền thống của những người sao chép phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Họ cẩn thận sao chép 27 sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, là những bản mà họ dùng tại các buổi nhóm họp và trong công việc rao giảng. Sau khi so sánh những bản chép tay của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp còn tồn tại đến nay với những tác phẩm khác cùng thời, một học giả kết luận: “Nói chung, ngày nay có nhiều bản chép tay [phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp] hơn… và đầy đủ hơn”. Một sách nói về Tân ước (Anatomy of the New Testament) cho biết: “Chúng ta có thể tin chắc rằng những gì mình đọc trong một bản dịch hiện đại đáng tin cậy [của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp] về cơ bản truyền tải chính xác những điều mà các tác giả thời xưa viết”.

9. Ê-sai 40:8 cho biết gì về thông điệp Kinh Thánh?

9 Trong hàng trăm năm, nhiều người sao chép đã nỗ lực hết sức để sao chép Kinh Thánh cẩn thận, nhờ thế ngày nay chúng ta có bản Kinh Thánh chính xác để đọc và học hỏi. b Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã đảm bảo sao cho thông điệp của ngài dành cho nhân loại được bảo tồn chính xác. (Đọc Ê-sai 40:8). Dĩ nhiên, một số người có lẽ nói rằng chỉ riêng việc thông điệp Kinh Thánh được bảo tồn không chứng minh Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Vậy, hãy xem một số bằng chứng cho thấy Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời.

LỜI TIÊN TRI TRONG KINH THÁNH LÀ ĐÁNG TIN CẬY

Trái: C. Sappa/DeAgostini/Getty Images; phải: Image © Homo Cosmicos/Shutterstock

Lời tiên tri trong Kinh Thánh đã và đang được ứng nghiệm (Xem đoạn 10, 11) d

10. Hãy nêu ví dụ về một lời tiên tri đã được ứng nghiệm cho thấy những lời nơi 2 Phi-e-rơ 1:21 là đúng. (Xem các hình).

10 Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm, trong đó có một số lời tiên tri đã được viết trước hàng trăm năm. Lịch sử xác nhận những lời tiên tri ấy đã trở thành hiện thực. Chúng ta không ngạc nhiên về điều này vì biết Tác Giả của những lời tiên tri trong Kinh Thánh là Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Phi-e-rơ 1:21). Hãy nghĩ đến lời tiên tri về sự sụp đổ của thành Ba-by-lôn xưa. Vào thế kỷ thứ tám TCN, nhà tiên tri Ê-sai được soi dẫn để báo trước rằng thành Ba-by-lôn hùng mạnh sẽ bị chinh phục. Ông thậm chí cho biết tên người chinh phục là Si-ru và báo trước chi tiết về cách mà thành sẽ bị chiếm (Ê-sai 44:27–45:2). Ê-sai cũng tiên tri rằng cuối cùng Ba-by-lôn sẽ bị hủy diệt và hoàn toàn hoang vu (Ê-sai 13:19, 20). Đó là điều đã xảy ra. Ba-by-lôn rơi vào tay người Mê-đi và Ba Tư vào năm 539 TCN, và địa điểm của thành từng hùng mạnh ấy nay chỉ là đống hoang tàn.—Xem video Kinh Thánh báo trước về sự sụp đổ của Ba-by-lôn trong ấn bản điện tử của sách Vui sống mãi mãi!, bài 03 điểm 5.

11. Đa-ni-ên 2:41-43 đang được ứng nghiệm thế nào ngày nay?

11 Lời tiên tri trong Kinh Thánh không chỉ ứng nghiệm trong quá khứ, mà chúng ta còn thấy đang ứng nghiệm ngày nay. Chẳng hạn, hãy xem sự ứng nghiệm đáng chú ý của lời tiên tri Đa-ni-ên nói về cường quốc Anh Mỹ. (Đọc Đa-ni-ên 2:41-43). Lời tiên tri đó cho biết chính xác cường quốc đôi này sẽ “nửa mạnh” giống như sắt và “nửa yếu” giống như đất sét. Chúng ta thấy rõ điều đó. Anh và Mỹ đã cho thấy mình mạnh giống như sắt, đóng vai trò chính trong việc giành chiến thắng trong cả hai cuộc thế chiến và tiếp tục sở hữu lực lượng quân đội hùng mạnh. Tuy nhiên, cường quốc này bị suy yếu bởi công dân của họ, là những người có khuynh hướng nổi dậy để giành quyền qua các tổ chức công đoàn, phong trào dân quyền và phong trào giành độc lập. Một chuyên gia về chính trị thế giới gần đây cho biết: “Không có quốc gia dân chủ có nền công nghiệp tân tiến nào trên thế giới mà bị chia rẽ về chính trị, hay nói đúng hơn là rối loạn về chính trị, nhiều như Hoa Kỳ ngày nay”. Phần kia của cường quốc này là Anh đặc biệt bị chia rẽ trong những năm gần đây, vì có những quan điểm đối lập về việc nên có mối quan hệ nào với những nước thuộc Liên minh Châu Âu. Những sự chia rẽ đó khiến cho cường quốc Anh Mỹ hầu như không thể hành động quyết liệt.

12. Lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp chúng ta tin chắc điều gì?

12 Nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm, và điều này giúp chúng ta càng tin chắc những lời hứa của Đức Chúa Trời về tương lai sẽ thành hiện thực. Chúng ta có cùng cảm nghĩ với người viết Thi thiên. Ông đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Con mong mỏi ơn giải cứu của ngài, bởi con trông đợi lời ngài” (Thi 119:81). Qua những trang Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đã nhân từ ban cho chúng ta “một tương lai và một hy vọng” (Giê 29:11). Hy vọng của chúng ta phụ thuộc vào những lời hứa của Đức Giê-hô-va, chứ không phải nỗ lực của con người. Mong sao chúng ta tiếp tục xây dựng lòng tin cậy nơi Lời Đức Chúa Trời qua việc siêng năng học hỏi lời tiên tri trong Kinh Thánh.

LỜI KHUYÊN TRONG KINH THÁNH ĐANG GIÚP HÀNG TRIỆU NGƯỜI

13. Theo Thi thiên 119:66, 138, bằng chứng nào khác cho thấy Kinh Thánh là đáng tin cậy?

13 Hãy xem một bằng chứng khác cho thấy chúng ta có thể tin cậy Kinh Thánh, đó là kết quả của việc áp dụng lời khuyên trong sách này. (Đọc Thi thiên 119:66, 138). Chẳng hạn, nhiều cặp vợ chồng từng sắp ly dị nhưng giờ đây có hôn nhân hạnh phúc. Con cái của họ vui mừng khi được nuôi dạy trong gia đình đạo Đấng Ki-tô, một môi trường mà chúng cảm thấy an toàn và được yêu thương.—Ê-phê 5:22-29.

14. Hãy nêu ví dụ cho thấy việc áp dụng sự dạy dỗ trong Kinh Thánh có thể thay đổi một người.

14 Nhờ áp dụng lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh, ngay cả những tội phạm nguy hiểm cũng hoàn toàn thay đổi. Hãy xem trường hợp của một tù nhân tên Jack. c Anh ấy là một tội phạm hung bạo và được biết đến là một trong những tử tù nguy hiểm nhất. Nhưng ngày nọ, anh Jack tham dự một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Sự tử tế của những anh điều khiển đã tác động sâu sắc đến anh, và anh cũng bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Khi anh áp dụng sự dạy dỗ trong Kinh Thánh vào đời sống, hạnh kiểm và ngay cả tính cách của anh bắt đầu thay đổi tốt hơn. Với thời gian, anh hội đủ điều kiện làm công bố và báp-têm. Anh sốt sắng rao giảng cho những tù nhân khác về Nước Trời và giúp ít nhất bốn người trong số đó học chân lý. Đến ngày bị xử tử, anh đã là một người hoàn toàn khác. Một trong những luật sư của anh ấy nói: “Anh Jack bây giờ không phải là người mà tôi biết 20 năm về trước. Những sự dạy dỗ của Nhân Chứng Giê-hô-va đã thay đổi đời sống của anh ấy”. Dù bản án vẫn được thi hành, nhưng gương của anh cho thấy chúng ta có thể tin cậy Lời Đức Chúa Trời và Lời ấy có quyền lực thay đổi người ta hoàn toàn.—Ê-sai 11:6-9.

Lời khuyên trong Kinh Thánh đã thay đổi đời sống của nhiều người có gốc gác và hoàn cảnh khác nhau (Xem đoạn 15) e

15. Việc áp dụng sự dạy dỗ trong Kinh Thánh khiến dân Đức Giê-hô-va khác biệt như thế nào? (Xem hình).

15 Nhờ áp dụng sự dạy dỗ trong Kinh Thánh, dân Đức Giê-hô-va được hợp nhất (Giăng 13:35; 1 Cô 1:10). Sự bình an và hợp nhất của chúng ta đặc biệt đáng chú ý khi so sánh với tình trạng chia rẽ về chính trị, chủng tộc và xã hội trên thế giới. Khi thấy sự hợp nhất trong vòng dân của Đức Giê-hô-va, một người trẻ tên Jean đã được tác động sâu sắc. Anh lớn lên tại một nước ở châu Phi. Khi nội chiến xảy ra, anh nhập ngũ nhưng sau đó bỏ trốn sang nước láng giềng. Tại đây anh gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh nói: “Tôi học được rằng những người theo tôn giáo thật thì không dính líu đến chính trị và không bị chia rẽ. Trái lại, họ yêu thương lẫn nhau”. Anh nói tiếp: “Tôi từng cống hiến đời mình để bảo vệ tổ quốc. Nhưng khi học chân lý, tôi được thúc đẩy dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va”. Anh Jean đã hoàn toàn thay đổi. Thay vì chiến đấu chống lại những người có gốc gác khác với mình, giờ đây anh chia sẻ thông điệp bình an trong Kinh Thánh cho tất cả những người mà anh gặp. Thật vậy, lời khuyên trong Kinh Thánh rất hữu ích cho người thuộc nhiều gốc gác và hoàn cảnh khác nhau. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy chúng ta có thể tin cậy Lời Đức Chúa Trời. 

HÃY TIẾP TỤC TIN CẬY NƠI LỜI CHÂN THẬT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

16. Tại sao việc củng cố lòng tin cậy nơi Lời Đức Chúa Trời là điều thiết yếu?

16 Thế gian ngày càng tồi tệ nên lòng tin cậy của chúng ta nơi chân lý sẽ bị thử thách. Có lẽ người ta cố khiến chúng ta nghi ngờ về tính chân thật của Kinh Thánh hoặc việc Đức Giê-hô-va có bổ nhiệm đầy tớ trung tín để hướng dẫn dân ngài ngày nay hay không. Nhưng nếu tin chắc Lời Đức Giê-hô-va luôn đúng, chúng ta có thể kháng cự những đòn tấn công nhằm phá đổ đức tin của mình. Chúng ta sẽ “quyết vâng theo các điều lệ [của Đức Giê-hô-va] mọi lúc, cho đến cuối cùng” (Thi 119:112). Chúng ta sẽ “không ngượng ngùng” nói cho người khác về chân lý và khuyến khích họ sống theo chân lý (Thi 119:46). Chúng ta cũng có thể chịu đựng được những hoàn cảnh khó khăn nhất, bao gồm sự ngược đãi, “với lòng kiên nhẫn và vui mừng”.—Cô 1:11; Thi 119:143, 157.

17. Câu Kinh Thánh cho năm nay nhắc chúng ta nhớ điều gì?

17 Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã tiết lộ chân lý cho chúng ta. Chân lý đó giúp chúng ta vững vàng và có mục đích trong đời sống cũng như cung cấp sự chỉ dẫn rõ ràng trong một thế giới ngày càng hỗn loạn và đầy hoang mang. Nhờ có chân lý, chúng ta có hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn dưới sự cai trị của Nước Trời. Mong sao câu Kinh Thánh cho năm 2023 giúp chúng ta luôn tin chắc rằng toàn bộ Lời Đức Chúa Trời là chân thật.—Thi 119:160.

BÀI HÁT 94 Biết ơn Đức Chúa Trời vì đã ban Lời ngài

a Một câu Kinh Thánh làm vững mạnh đức tin đã được chọn cho năm 2023: “Toàn bộ lời ngài là chân thật” (Thi 119:160). Chắc chắn anh chị đồng ý với câu đó. Nhưng nhiều người không tin Kinh Thánh là chân thật và có sự hướng dẫn đáng tin cậy. Trong bài này, chúng ta sẽ xem ba bằng chứng mà mình có thể dùng để thuyết phục những người có lòng thành rằng họ có thể tin cậy Kinh Thánh và lời khuyên trong đó.

b Để biết thêm thông tin về việc Kinh Thánh được bảo tồn, hãy truy cập jw.org và gõ “Lịch sử và Kinh Thánh” trên khung tìm kiếm.

c Một số tên đã được thay đổi.

d HÌNH ẢNH: Như Đức Chúa Trời đã tiên tri, thành Ba-by-lôn hùng mạnh cổ xưa cuối cùng chỉ là đống hoang tàn.

e HÌNH ẢNH: Cảnh diễn lại: Thay vì đấu tranh chống lại người ta, một anh trẻ nhờ học Kinh Thánh mà biết cách sống hòa thuận và giúp người khác làm thế.