Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 5

‘Tình yêu thương của Đấng Ki-tô thôi thúc chúng ta’

‘Tình yêu thương của Đấng Ki-tô thôi thúc chúng ta’

‘Tình yêu thương của Đấng Ki-tô thôi thúc chúng ta để những người sống thì không sống cho chính mình nữa’.—2 CÔ 5:14, 15.

BÀI HÁT 13 Đấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta

GIỚI THIỆU a

1, 2. (a) Có lẽ chúng ta có cảm xúc nào khi suy ngẫm về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su? (b) Bài này sẽ thảo luận điều gì?

 Khi mất người thân yêu, chúng ta nhớ họ rất nhiều! Lúc đầu, có lẽ chúng ta thấy rất đau lòng khi nghĩ về những ngày cuối đời của người ấy, đặc biệt nếu người ấy phải chịu đau đớn trước khi qua đời. Nhưng với thời gian, chúng ta có lại niềm vui phần nào khi nghĩ về một điều mà người ấy đã dạy, nói hay làm để khích lệ hoặc khiến mình cười.

2 Tương tự, chúng ta thấy buồn khi đọc về sự đau đớn và cái chết mà Chúa Giê-su đã trải qua. Đặc biệt vào mùa Lễ Tưởng Niệm, chúng ta muốn dành thời gian để suy nghĩ về giá trị sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su (1 Cô 11:24, 25). Tuy nhiên, chúng ta vui khi nghĩ về mọi điều ngài đã nói và làm trong thời gian sống trên đất. Chúng ta cũng được khích lệ khi nghĩ đến những điều mà ngài đang làm và sẽ làm cho chúng ta trong tương lai. Suy ngẫm về điều này và tình yêu thương của ngài dành cho chúng ta có thể thôi thúc mình tỏ lòng biết ơn qua những cách thực tế, như chúng ta sẽ xem trong bài này.

LÒNG BIẾT ƠN THÔI THÚC CHÚNG TA ĐI THEO CHÚA GIÊ-SU

3. Chúng ta có những lý do nào để biết ơn về giá chuộc?

3 Chúng ta biết ơn khi nghĩ về đời sống và cái chết của Chúa Giê-su. Trong suốt thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su dạy người ta về những ân phước mà Nước Trời sẽ mang lại. Chúng ta quý trọng sâu xa những sự thật ấy. Chúng ta biết ơn về giá chuộc vì nhờ giá chuộc, chúng ta mới có thể có tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Những ai thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su cũng có hy vọng sống mãi mãi và được gặp lại người thân đã qua đời (Giăng 5:28, 29; Rô 6:23). Chúng ta không xứng đáng để nhận những ân phước này, cũng không bao giờ có thể báo đáp Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su về những điều mà hai đấng ấy đã làm cho mình (Rô 5:8, 20, 21). Nhưng chúng ta có thể cho hai đấng ấy thấy mình có lòng biết ơn sâu xa. Như thế nào?

Làm thế nào việc suy ngẫm về gương của Ma-ri Ma-đơ-len thôi thúc anh chị tỏ lòng biết ơn? (Xem đoạn 4, 5)

4. Ma-ri Ma-đơ-len thể hiện lòng biết ơn như thế nào về điều Chúa Giê-su đã làm cho bà? (Xem hình).

4 Hãy xem trường hợp của một phụ nữ Do Thái tên Ma-ri Ma-đơ-len. Bà rất khốn khổ khi bị bảy quỷ hành hạ. Hẳn bà cảm thấy tình cảnh của mình không có lối thoát. Vậy hãy hình dung bà biết ơn đến mức nào khi Chúa Giê-su giải thoát bà khỏi ảnh hưởng của các quỷ! Lòng biết ơn đã thôi thúc bà trở thành môn đồ của ngài cũng như dùng thời gian, sức lực và của cải để hỗ trợ ngài trong thánh chức (Lu 8:1-3). Dù rất biết ơn về điều Chúa Giê-su đã làm cho mình, nhưng có lẽ Ma-ri chưa biết rằng ngài sẽ còn làm cho bà nhiều hơn thế nữa. Ngài sẽ hy sinh mạng sống vì nhân loại ‘để ai thể hiện đức tin nơi ngài’ có thể hưởng sự sống vĩnh cửu (Giăng 3:16). Dù vậy, Ma-ri cho thấy bà biết ơn Chúa Giê-su bằng cách trung thành gắn bó với ngài. Trong lúc Chúa Giê-su chịu đau đớn trên cây khổ hình, Ma-ri đứng gần đó để hỗ trợ, an ủi ngài và người khác (Giăng 19:25). Sau khi Chúa Giê-su chết, Ma-ri và hai người phụ nữ khác mang hương liệu đến mộ để xức lên thi thể ngài (Mác 16:1, 2). Lòng trung thành của Ma-ri được ban thưởng dồi dào. Bà có niềm vui là được gặp lại và nói chuyện với Chúa Giê-su sau khi ngài được sống lại, một đặc ân mà đa số các môn đồ không có.—Giăng 20:11-18.

5. Làm thế nào để tỏ lòng biết ơn về mọi điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta?

5 Chúng ta cũng có thể tỏ lòng biết ơn về mọi điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho mình bằng cách dùng thời gian, sức lực và tiền của để đẩy mạnh công việc Nước Trời. Chẳng hạn, chúng ta có thể trợ giúp việc xây cất và bảo trì những tòa nhà dành cho sự thờ phượng thanh sạch.

TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ CHÚA GIÊ-SU THÔI THÚC CHÚNG TA YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC

6. Tại sao chúng ta có thể nói rằng giá chuộc là món quà dành cho cá nhân mình?

6 Khi nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương mình đến mức nào, chúng ta được thôi thúc để yêu thương hai đấng ấy (1 Giăng 4:10, 19). Chúng ta càng yêu thương hai đấng ấy khi nhận ra Chúa Giê-su chết cho cá nhân mình. Sứ đồ Phao-lô nhìn nhận điều này và bày tỏ lòng biết ơn khi viết cho các tín đồ ở Ga-la-ti: “Con Đức Chúa Trời… yêu thương tôi và phó chính mình vì tôi” (Ga 2:20). Dựa trên giá chuộc, Đức Giê-hô-va kéo anh chị đến để làm bạn với ngài (Giăng 6:44). Chẳng phải anh chị ấm lòng khi biết Đức Giê-hô-va nhìn điểm tốt nơi mình và đã trả giá cao nhất để anh chị có thể được xem là bạn của ngài sao? Chẳng phải điều này củng cố tình yêu thương của anh chị dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sao? Vậy chúng ta nên tự hỏi: “Tình yêu thương đó nên thôi thúc mình làm gì?”.

Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta chia sẻ thông điệp Nước Trời với mọi loại người (Xem đoạn 7)

7. Như được thấy trong hình, làm thế nào chúng ta cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su? (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15; 6:1, 2)

7 Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta yêu thương người khác. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15; 6:1, 2). Một cách để thể hiện tình yêu thương là sốt sắng tham gia công việc rao giảng. Chúng ta chia sẻ với tất cả mọi người mình gặp. Chúng ta không phân biệt đối xử với người khác, bất kể chủng tộc, tình trạng kinh tế hoặc học vấn của họ. Khi làm thế, chúng ta đang hành động phù hợp với ý định của Đức Giê-hô-va là “mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về chân lý”.—1 Ti 2:4.

8. Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo?

8 Chúng ta cũng cho thấy mình yêu thương Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su bằng cách thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo (1 Giăng 4:21). Chúng ta quan tâm và trợ giúp anh em khi họ gặp khó khăn thử thách. Chúng ta an ủi khi họ mất người thân, đến thăm khi họ bị bệnh và cố gắng khích lệ khi họ nản lòng (2 Cô 1:3-7; 1 Tê 5:11, 14). Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho họ vì biết rằng “lời cầu nguyện tha thiết của người công chính có hiệu lực mạnh mẽ”.—Gia 5:16.

9. Một cách khác để thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo là gì?

9 Chúng ta cũng thể hiện tình yêu thương với anh em bằng cách nỗ lực giữ hòa thuận với họ. Chúng ta cố gắng bắt chước gương của Đức Giê-hô-va trong việc tha thứ. Nếu Đức Giê-hô-va sẵn lòng để Con ngài chết cho tội lỗi của chúng ta, chẳng phải chúng ta cũng nên sẵn lòng tha thứ cho anh em khi họ phạm lỗi với mình sao? Chúng ta không muốn giống như đầy tớ gian ác trong một ngụ ngôn của Chúa Giê-su. Dù được chủ xóa món nợ khổng lồ nhưng đầy tớ ấy đã không chịu xóa món nợ nhỏ hơn nhiều cho người bạn cùng làm đầy tớ (Mat 18:23-35). Nếu có sự hiểu lầm với ai đó trong hội thánh, anh chị có thể chủ động làm hòa trước khi tham dự Lễ Tưởng Niệm không? (Mat 5:23, 24). Khi làm thế, anh chị cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sâu đậm.

10, 11. Làm thế nào các trưởng lão cho thấy họ yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su? (1 Phi-e-rơ 5:1, 2)

10 Làm thế nào các trưởng lão cho thấy họ yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su? Một cách quan trọng là chăm sóc chiên của Chúa Giê-su. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:1, 2). Chúa Giê-su cho sứ đồ Phi-e-rơ thấy rõ điều này. Sau khi chối bỏ Chúa Giê-su ba lần, hẳn Phi-e-rơ rất muốn chứng tỏ là ông yêu thương ngài. Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ: “Si-môn con của Giăng, anh có yêu thương tôi không?”. Chúng ta có thể tin chắc rằng Phi-e-rơ sẽ làm bất cứ điều gì để chứng tỏ ông yêu thương Chủ của mình. Chúa Giê-su bảo Phi-e-rơ: “Hãy chăn những con chiên bé bỏng của tôi” (Giăng 21:15-17). Trong suốt quãng đời còn lại, Phi-e-rơ đã dịu dàng chăm sóc chiên của Chúa Giê-su, và điều này chứng tỏ ông yêu thương ngài.

11 Hỡi các trưởng lão, trong mùa Lễ Tưởng Niệm, làm thế nào các anh cho thấy những lời Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ quan trọng đối với mình? Các anh có thể cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sâu đậm bằng cách đều đặn chăn chiên và đặc biệt nỗ lực giúp những người ngưng hoạt động trở về với Đức Giê-hô-va (Ê-xê 34:11, 12). Các anh cũng có thể quan tâm đến học viên Kinh Thánh và những người chú ý khác tới tham dự Lễ Tưởng Niệm. Chúng ta muốn làm mọi điều có thể để họ cảm thấy được chào đón.

TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO CHÚA GIÊ-SU THÔI THÚC CHÚNG TA CAN ĐẢM

12. Tại sao việc suy ngẫm những lời Chúa Giê-su nói vào đêm trước khi chết giúp chúng ta can đảm? (Giăng 16:32, 33)

12 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Anh em sẽ gặp hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy can đảm lên! Tôi đã thắng thế gian”. (Đọc Giăng 16:32, 33). Điều gì đã giúp Chúa Giê-su can đảm đối mặt với những kẻ thù và giữ trung thành cho đến chết? Ngài nương cậy Đức Giê-hô-va. Vì biết các môn đồ sẽ đối mặt với thử thách tương tự nên Chúa Giê-su đã xin Đức Giê-hô-va gìn giữ họ (Giăng 17:11). Tại sao điều này giúp chúng ta can đảm? Vì Đức Giê-hô-va mạnh hơn bất cứ kẻ thù nào của chúng ta (1 Giăng 4:4). Không điều gì khuất khỏi tầm mắt ngài. Chúng ta tin chắc rằng nếu nương cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ và có lòng can đảm.

13. Giô-sép người A-ri-ma-thê đã thể hiện lòng can đảm như thế nào?

13 Hãy xem trường hợp của Giô-sép người A-ri-ma-thê. Ông được kính trọng trong xã hội Do Thái và là thành viên của Tòa Tối Cao. Nhưng trong thời gian Chúa Giê-su làm thánh chức, Giô-sép đã không thể hiện lòng can đảm. Giăng nói rằng ông ấy là “một môn đồ của Chúa Giê-su nhưng giữ kín vì sợ người Do Thái” (Giăng 19:38). Dù Giô-sép quan tâm đến thông điệp Nước Trời, nhưng ông giấu người khác về việc ông có đức tin nơi Chúa Giê-su. Rất có thể ông lo sợ bị mất địa vị cao trọng trong cộng đồng. Dù lý do là gì đi nữa, Kinh Thánh cho biết sau khi Chúa Giê-su chết, Giô-sép “đã can đảm đến gặp Phi-lát để xin thi thể Chúa Giê-su” (Mác 15:42, 43). Ông không còn giữ kín việc mình là môn đồ của Chúa Giê-su nữa.

14. Anh chị nên làm gì nếu đang phải tranh đấu với nỗi sợ loài người?

14 Anh chị có bao giờ sợ loài người giống như Giô-sép không? Tại trường học hoặc chỗ làm, đôi khi anh chị có cảm thấy ngại cho người khác biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va không? Anh chị có đang trì hoãn việc làm công bố hoặc báp-têm vì lo không biết người khác sẽ nghĩ gì về mình không? Đừng để những cảm xúc như thế cản trở anh chị làm điều mình biết là đúng. Hãy cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va. Hãy xin ngài ban cho anh chị lòng can đảm để làm theo ý muốn ngài. Khi thấy cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình, anh chị sẽ mạnh mẽ và can đảm hơn.—Ê-sai 41:10, 13.

NIỀM VUI THÔI THÚC CHÚNG TA KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15. Sau khi Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ, niềm vui của họ đã thôi thúc họ làm gì? (Lu-ca 24:52, 53)

15 Các môn đồ đã rất buồn khi Chúa Giê-su chết. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Họ không chỉ mất người bạn yêu dấu mà còn cảm thấy mất niềm hy vọng của mình (Lu 24:17-21). Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su hiện ra với họ, ngài dành thời gian để giúp họ hiểu vai trò của ngài trong việc làm ứng nghiệm các lời tiên tri Kinh Thánh. Ngài cũng giao cho họ một công việc quan trọng (Lu 24:26, 27, 45-48). Đến lúc Chúa Giê-su trở về trời 40 ngày sau đó, nỗi buồn của các môn đồ không còn nữa mà chuyển thành niềm vui khôn xiết. Họ rất vui vì biết Chủ của họ hiện đang sống và sẵn sàng giúp họ thi hành sứ mạng được giao. Niềm vui của họ đã thôi thúc họ không ngừng ngợi khen Đức Giê-hô-va.—Đọc Lu-ca 24:52, 53; Công 5:42.

16. Chúng ta có thể bắt chước các môn đồ của Chúa Giê-su như thế nào?

16 Chúng ta có thể bắt chước các môn đồ của Chúa Giê-su như thế nào? Chúng ta có thể tìm được niềm vui trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va không chỉ trong mùa Lễ Tưởng Niệm mà còn trong suốt cả năm. Điều này đòi hỏi chúng ta đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. Chẳng hạn, nhiều anh chị đã điều chỉnh lịch làm việc để đều đặn tham gia thánh chức, tham dự nhóm họp và có buổi thờ phượng của gia đình. Một số anh chị quyết định không mua những thứ mà người khác xem là cần thiết để họ có thể phụng sự hữu hiệu hơn trong hội thánh hoặc chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn. Dù việc tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va đòi hỏi sự chịu đựng, nhưng ngài hứa sẽ ban phước dồi dào nếu chúng ta đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu.—Châm 10:22; Mat 6:32, 33.

Trong mùa Lễ Tưởng Niệm, hãy dành thời gian suy ngẫm về những điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho cá nhân anh chị (Xem đoạn 17)

17. Anh chị quyết tâm làm gì trong mùa Lễ Tưởng Niệm này? (Xem hình).

17 Chúng ta trông mong dự Lễ Tưởng Niệm vào thứ Ba, ngày 4 tháng 4. Tuy nhiên, đừng đợi đến ngày đó mới suy ngẫm về đời sống và cái chết của Chúa Giê-su cũng như tình yêu thương mà ngài và Đức Giê-hô-va đã thể hiện với chúng ta. Hãy tận dụng mọi cơ hội trong suốt mùa Lễ Tưởng Niệm để làm thế. Chẳng hạn, hãy dành thời gian để đọc và suy ngẫm về những sự kiện trong biểu đồ “Tuần lễ cuối của cuộc đời Chúa Giê-su” nơi Phụ lục B12 của Bản dịch Thế Giới Mới. Khi đọc về đời sống của Chúa Giê-su, hãy tìm những câu Kinh Thánh giúp anh chị củng cố lòng biết ơn, tình yêu thương, sự can đảm và niềm vui. Rồi hãy nghĩ đến những cách để tỏ lòng biết ơn chân thành. Hãy tin chắc Chúa Giê-su quý trọng mọi điều anh chị làm để tưởng nhớ đến ngài trong mùa Lễ Tưởng Niệm này.—Khải 2:19.

BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”

a Trong mùa Lễ Tưởng Niệm, chúng ta được khuyến khích suy ngẫm về đời sống và cái chết của Chúa Giê-su cũng như tình yêu thương mà ngài và Cha trên trời đã thể hiện đối với chúng ta. Khi làm thế, chúng ta được thúc đẩy để hành động. Bài này sẽ thảo luận những cách thực tế để tỏ lòng biết ơn về giá chuộc và cho thấy chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Chúng ta cũng sẽ xem xét những điều có thể thúc đẩy mình yêu thương anh em đồng đạo, thể hiện lòng can đảm và có niềm vui trong việc phụng sự.