Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 4

BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc

Giá chuộc dạy chúng ta điều gì?

Giá chuộc dạy chúng ta điều gì?

“Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua điều này”.—1 GIĂNG 4:9.

TRỌNG TÂM

Những điều chúng ta học được về các đức tính thu hút của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su qua giá chuộc.

1. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi tham dự Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su hằng năm?

 Hẳn anh chị đồng ý rằng giá chuộc là món quà vô giá! (2 Cô 9:15). Nhờ Chúa Giê-su hy sinh mạng sống, anh chị có thể có tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va. Anh chị cũng có triển vọng nhận được sự sống vĩnh cửu. Thế nên, thật thích hợp để thể hiện lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va vì ngài đã yêu thương cung cấp giá chuộc! (Rô 5:8). Để giúp chúng ta tiếp tục có lòng biết ơn và không bao giờ xem nhẹ giá chuộc, Chúa Giê-su đã thiết lập một buổi lễ được cử hành hằng năm là Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của ngài.—Lu 22:​19, 20.

2. Bài này sẽ thảo luận điều gì?

2 Năm nay, Lễ Tưởng Niệm được cử hành vào thứ Bảy, ngày 12 tháng 4 năm 2025. Chắc hẳn tất cả chúng ta đều sẽ sắp xếp để tham dự. Chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu dành thời gian trong mùa Lễ Tưởng Niệm để suy ngẫm về những điều mà Đức Giê-hô-va và Con ngài đã làm cho mình. Bài này sẽ thảo luận giá chuộc dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va và Con ngài. Trong bài sau, chúng ta sẽ xem mình nhận được lợi ích nào từ giá chuộc và cách thể hiện lòng biết ơn về món quà này.

GIÁ CHUỘC DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ VỀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

3. Làm thế nào cái chết của chỉ một người có thể cứu chuộc hàng triệu người? (Cũng xem hình).

3 Giá chuộc dạy chúng ta về công lý của Đức Giê-hô-va (Phục 32:4). Như thế nào? Hãy thử nghĩ: Vì A-đam bất tuân nên chúng ta bị di truyền tội lỗi từ ông và phải chết (Rô 5:12). Để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt cho Chúa Giê-su cung cấp giá chuộc. Nhưng làm thế nào sự hy sinh của chỉ một người hoàn hảo có thể cứu chuộc hàng triệu người? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Bởi sự không vâng lời của một người [A-đam] mà nhiều người trở thành kẻ tội lỗi, cũng thế, bởi sự vâng lời của một người [Chúa Giê-su] mà nhiều người sẽ trở nên công chính” (Rô 5:19; 1 Ti 2:6). Nói cách khác, một người hoàn hảo không vâng lời đã khiến chúng ta trở thành nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Thế nên, chỉ cần một người hoàn hảo biết vâng lời để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ đó.

Vì một người mà chúng ta trở thành nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Tương xứng với điều đó, nhờ một người mà chúng ta được giải thoát (Xem đoạn 3)


4. Tại sao Đức Giê-hô-va không chọn cách đơn giản là cho phép những con cháu biết vâng lời của A-đam sống mãi mãi?

4 Chúa Giê-su có thật sự cần phải chết để cứu chúng ta không? Chẳng phải Đức Giê-hô-va chỉ cần cho phép những con cháu biết vâng lời của A-đam sống mãi mãi là được sao? Cách đó có vẻ nhân từ và hợp lý theo quan điểm của con người bất toàn, nhưng không phù hợp với công lý hoàn hảo của Đức Giê-hô-va. Vì công lý của ngài, Đức Giê-hô-va không thể nào lờ đi hành động bất tuân trắng trợn của A-đam.

5. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ luôn làm điều đúng?

5 Giả sử thay vì cung cấp giá chuộc, Đức Giê-hô-va gạt công lý sang một bên bằng cách cho phép những con cháu bất toàn của A-đam sống mãi mãi. Nếu như vậy thì sao? Người ta có thể thắc mắc liệu Đức Chúa Trời sẽ lờ đi công lý của ngài trong những vấn đề khác hay không, chẳng hạn như không thực hiện một số lời hứa của ngài. Nhưng chúng ta không cần phải lo là ngài sẽ làm thế. Việc Đức Giê-hô-va thực thi công lý dù phải trả giá rất cao, tức hy sinh chính Con yêu dấu của ngài, đảm bảo rằng ngài sẽ luôn làm điều đúng.

6. Làm thế nào giá chuộc cho thấy tình yêu thương của Đức Giê-hô-va? (1 Giăng 4:​9, 10)

6 Dù giá chuộc giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va luôn hành động theo công lý, nhưng cũng đặc biệt giúp chúng ta hiểu ngài yêu thương mình sâu đậm đến mức nào (Giăng 3:16; đọc 1 Giăng 4:​9, 10). Sự dạy dỗ về giá chuộc cho thấy rằng Đức Giê-hô-va muốn chúng ta không chỉ sống mãi mãi mà còn được thuộc về gia đình của ngài. Hãy thử nghĩ: Khi A-đam phạm tội, Đức Giê-hô-va đuổi ông ra khỏi gia đình gồm những người thờ phượng ngài. Hậu quả là tất cả chúng ta khi sinh ra không được thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời. Nhưng dựa trên giá chuộc, Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi của chúng ta, và cuối cùng sẽ cho tất cả những ai thể hiện đức tin và biết vâng lời được vào gia đình ngài. Thậm chí ngay bây giờ, chúng ta có thể có mối quan hệ nồng ấm với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Đức Giê-hô-va quả rất yêu thương chúng ta!—Rô 5:​10, 11.

7. Làm thế nào việc Chúa Giê-su chịu khổ giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va rất yêu thương mình?

7 Chúng ta có thể hiểu rõ hơn Đức Giê-hô-va yêu thương mình đến mức nào nếu xem xét giá mà ngài phải trả để cung cấp giá chuộc. Sa-tan cho rằng không tôi tớ nào của Đức Chúa Trời sẽ giữ trung thành với ngài khi gặp khó khăn. Để chứng minh lời cáo buộc đó là dối trá, Đức Giê-hô-va cho phép Chúa Giê-su chịu khổ trước khi chết (Gióp 2:​1-5; 1 Phi 2:21). Đức Giê-hô-va nhìn thấy Chúa Giê-su bị các nhà lãnh đạo tôn giáo chế nhạo, bị quân lính đánh đập dã man bằng roi dây và bị đóng đinh trên cây cột. Rồi ngài nhìn thấy Con yêu dấu chết một cách đau đớn (Mat 27:​28-31, 39). Đức Giê-hô-va có quyền năng để chấm dứt những chuyện ấy. Chẳng hạn, khi kẻ thù nói: “Nếu [Đức Chúa Trời] thương hắn thì để ngài cứu”, Đức Giê-hô-va đã có thể làm điều đó (Mat 27:​42, 43). Tuy nhiên, nếu ngài can thiệp, giá chuộc sẽ không được trả và chúng ta sẽ không có hy vọng. Vì thế, Đức Giê-hô-va để cho Con ngài chịu khổ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

8. Đức Giê-hô-va có đau lòng khi thấy Con ngài chịu khổ không? Hãy giải thích. (Cũng xem hình).

8 Chúng ta không nên nghĩ rằng vì là đấng toàn năng, Đức Chúa Trời không có cảm xúc. Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh ngài với khả năng có cảm xúc, thế nên điều hợp lý là Đức Giê-hô-va có cảm xúc. Kinh Thánh miêu tả ngài cảm thấy “đau lòng” và “đau buồn” (Thi 78:​40, 41). Hãy xem trường hợp của Áp-ra-ham và Y-sác. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho Áp-ra-ham dâng con độc nhất của mình làm lễ vật (Sáng 22:​9-12; Hê 11:​17-19). Chúng ta có thể hình dung Áp-ra-ham đau lòng và lo lắng thế nào khi sắp giết Y-sác. Hẳn Đức Giê-hô-va đau lòng hơn biết bao khi thấy Con ngài bị những kẻ không tin kính tra tấn tàn nhẫn cho đến chết!—Xem video Hãy noi theo đức tin của họ—Áp-ra-ham, Phần 2 trên jw.org.

Đức Giê-hô-va rất đau lòng khi thấy Con ngài chịu khổ (Xem đoạn 8)


9. Rô-ma 8:​32, 38, 39 giúp anh chị hiểu điều gì về tình yêu thương sâu đậm mà Đức Giê-hô-va dành cho mỗi chúng ta?

9 Giá chuộc dạy chúng ta rằng không ai yêu thương chúng ta nhiều như Đức Giê-hô-va, ngay cả người thân hoặc bạn bè yêu quý chúng ta nhất. (Đọc Rô-ma 8:​32, 38, 39). Ngài yêu thương chúng ta nhiều hơn chính chúng ta. Anh chị có muốn sống mãi mãi không? Đức Giê-hô-va muốn điều đó cho anh chị nhiều hơn nữa. Anh chị có muốn được Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi không? Đức Giê-hô-va còn muốn nhiều hơn nữa. Tất cả những gì ngài đòi hỏi là chúng ta chấp nhận món quà quý giá của ngài bằng cách thể hiện đức tin và vâng lời. Giá chuộc quả là biểu hiện cao cả của tình yêu thương của Đức Chúa Trời! Và trong thế giới mới, chúng ta sẽ học nhiều hơn nữa về tình yêu thương của ngài.—Truyền 3:11.

GIÁ CHUỘC DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ VỀ CHÚA GIÊ-SU?

10. (a) Điều gì khiến Chúa Giê-su đặc biệt đau buồn về cái chết của ngài? (b) Chúa Giê-su biện minh cho danh của Đức Giê-hô-va bằng cách nào? (Cũng xem khung “ Lòng trọn thành của Chúa Giê-su biện minh cho danh Đức Giê-hô-va”).

10 Chúa Giê-su rất quan tâm đến danh tiếng của Cha ngài (Giăng 14:31). Chúa Giê-su đau buồn vì việc ngài bị cáo buộc tội phạm thượng và xúi giục nổi loạn có thể làm ô danh Cha ngài. Thế nên, ngài cầu nguyện: “Lạy Cha của con, nếu có thể được, xin Cha lấy chén này đi” (Mat 26:39). Qua việc giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va cho đến chết, Chúa Giê-su biện minh cho danh của Cha ngài.

11. Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương sâu đậm đối với người ta như thế nào? (Giăng 13:1)

11 Giá chuộc cũng dạy chúng ta rằng Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến người ta, nhất là các môn đồ (Châm 8:31; đọc Giăng 13:1). Chẳng hạn, Chúa Giê-su biết ngài phải thực hiện một số điều rất khó khăn ở trên đất, đặc biệt là trải qua cái chết đau đớn. Dù vậy, Chúa Giê-su không thực hiện nhiệm vụ một cách chiếu lệ. Thay vì thế, ngài hết lòng trong công việc rao giảng, dạy dỗ và phục vụ người khác. Thậm chí vào ngày ngài chết, Chúa Giê-su dành thời gian để rửa chân cho các sứ đồ và nói những lời từ biệt để an ủi và hướng dẫn họ (Giăng 13:​12-15). Sau đó, dù bị đau đớn trên cây khổ hình, Chúa Giê-su đã giúp tên tội phạm đang hấp hối có hy vọng và sắp xếp cho mẹ ngài được chăm sóc (Lu 23:​42, 43; Giăng 19:​26, 27). Thật thế, tình yêu thương sâu đậm của Chúa Giê-su được thể hiện không chỉ qua cái chết của ngài mà còn qua lối sống của ngài trên đất.

12. Chúa Giê-su tiếp tục làm những điều gì cho chúng ta?

12 Dù Chúa Giê-su chết “một lần đủ cả” nhưng ngài vẫn đang thực hiện nhiều điều cho chúng ta (Rô 6:10). Những điều gì? Ngài tiếp tục dành thời gian và nỗ lực để giúp chúng ta nhận được lợi ích từ giá chuộc. Hãy xem ngài đang bận rộn làm gì. Ngài đang làm Vua, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và đầu của hội thánh (1 Cô 15:25; Ê-phê 5:23; Hê 2:17). Ngài phụ trách việc thu nhóm những người được xức dầu và đám đông lớn, là công việc sẽ được hoàn tất trước khi hoạn nạn lớn kết thúc a (Mat 25:32; Mác 13:27). Ngài cũng lo sao cho những môn đồ trung thành được no đủ về thiêng liêng trong những ngày cuối cùng này (Mat 24:45). Và trong Triều Đại Một Ngàn Năm, ngài sẽ tiếp tục làm việc vì chúng ta. Thật vậy, Đức Giê-hô-va ban Con ngài không chỉ để chết cho chúng ta mà còn để làm nhiều điều hơn thế!

HÃY TIẾP TỤC HỌC HỎI

13. Việc suy ngẫm có thể giúp anh chị thế nào để tiếp tục học về tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dành cho chúng ta?

13 Anh chị có thể tiếp tục học về tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dành cho chúng ta bằng cách suy ngẫm những gì mà hai đấng ấy đã làm cho mình. Có lẽ trong mùa Lễ Tưởng Niệm năm nay, anh chị có thể đọc kỹ một hoặc nhiều sách Phúc âm. Đừng cố đọc nhiều chương mỗi lần. Thay vì thế, hãy đọc chậm lại và tìm ra thêm lý do để yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Cũng hãy chia sẻ những gì mình học với người khác.

14. Theo Thi thiên 119:97 và chú thích, việc nghiên cứu có thể giúp chúng ta như thế nào để tiếp tục học về giá chuộc và những sự dạy dỗ khác? (Cũng xem hình).

14 Nếu đã ở trong chân lý nhiều năm, anh chị có thể thắc mắc liệu có tìm được điểm gì mới về các đề tài quen thuộc hay không, chẳng hạn về công lý của Đức Chúa Trời, tình yêu thương của ngài và giá chuộc. Sự thật là chúng ta sẽ luôn có những điều mới để học về những đề tài đó và các đề tài khác. Vậy anh chị có thể làm gì? Hãy tận dụng tối đa nguồn thông tin dồi dào trong ấn phẩm của chúng ta. Khi đọc một đoạn Kinh Thánh mà anh chị không hiểu rõ, hãy nghiên cứu. Rồi thỉnh thoảng trong ngày, hãy suy ngẫm về điểm anh chị đã tìm thấy và những gì mà điểm đó cho biết về Đức Giê-hô-va, Con ngài và tình yêu thương mà hai đấng ấy dành cho anh chị.—Đọc Thi thiên 119:97 và chú thích.

Ngay cả nếu đã ở trong chân lý nhiều năm, chúng ta có thể gia tăng lòng quý trọng đối với giá chuộc (Xem đoạn 14)


15. Tại sao chúng ta nên tiếp tục tìm các viên ngọc thiêng liêng trong Kinh Thánh?

15 Đừng nản lòng nếu anh chị không tìm được điểm gì mới hoặc thú vị mỗi lần dành thời gian để đọc hay nghiên cứu. Theo nghĩa nào đó, anh chị giống như người đãi vàng. Những người đãi vàng phải kiên nhẫn dành nhiều giờ hoặc nhiều ngày mới tìm được một chút vàng. Dù vậy, họ vẫn kiên trì vì ngay cả một mảnh vàng nhỏ cũng quý giá đối với họ. Mỗi viên ngọc thiêng liêng trong Kinh Thánh còn quý giá hơn biết bao! (Thi 119:127; Châm 8:10). Thế nên, hãy kiên nhẫn và theo sát chương trình đọc Kinh Thánh của anh chị.—Thi 1:2.

16. Chúng ta có thể noi theo Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su qua những cách nào?

16 Khi học hỏi, hãy tìm cách để áp dụng những điều anh chị học được. Chẳng hạn, hãy noi theo công lý của Đức Giê-hô-va bằng cách đối xử công bằng với người khác. Hãy noi theo tình yêu thương của Chúa Giê-su dành cho Cha ngài và người khác bằng cách sẵn sàng chịu khổ vì danh Đức Giê-hô-va và giúp đỡ anh em đồng đạo dù phải bỏ ra nhiều công sức. Ngoài ra, hãy noi theo Chúa Giê-su bằng cách làm chứng cho người khác để họ cũng có cơ hội chấp nhận món quà vô giá của Đức Giê-hô-va.

17. Bài tới sẽ xem xét điều gì?

17 Càng hiểu rõ và biết ơn về giá chuộc, chúng ta sẽ càng yêu thương Đức Giê-hô-va và Con ngài. Khi đó, hai đấng ấy sẽ yêu thương chúng ta nhiều hơn (Giăng 14:21; Gia 4:8). Vì thế, hãy tận dụng những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va để tiếp tục học về giá chuộc. Bài tới sẽ xem xét một số lợi ích mà chúng ta nhận được từ giá chuộc và cách để cho thấy chúng ta biết ơn về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va.

BÀI HÁT 107 Gương mẫu yêu thương của Đức Chúa Trời

a Việc thu nhóm “vật trên trời” mà Phao-lô nhắc tới nơi Ê-phê-sô 1:10 khác với việc thu nhóm “những người được chọn” mà Chúa Giê-su nhắc tới nơi Ma-thi-ơ 24:31 và Mác 13:27. Phao-lô đang nói đến thời điểm Đức Giê-hô-va chọn những người sẽ cùng cai trị với Chúa Giê-su qua việc xức dầu cho họ bằng thần khí thánh. Chúa Giê-su đang nói đến thời điểm những người được xức dầu còn sót lại trên đất được thu nhóm lên trời trong hoạn nạn lớn.