Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

1918—Một trăm năm trước

1918—Một trăm năm trước

Tháp Canh ngày 1-1-1918 mở đầu bằng những lời sau: “Năm 1918 sẽ như thế nào?”. Cuộc Đại Chiến vẫn đang diễn ra khốc liệt tại châu Âu, nhưng các sự kiện xảy ra vào đầu năm đó dường như báo trước những điều tốt lành sẽ đến với các Học viên Kinh Thánh và cả thế giới nói chung.

THẾ GIỚI HÔ HÀO HÒA BÌNH

Ngày 8-1-1918, tổng thống Woodrow Wilson đã trình bày một bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu này, ông đưa ra 14 điểm mà ông cho là thiết yếu để có “công bằng và hòa bình ổn định”. Ông đề nghị các nước thương lượng công khai, cắt giảm vũ khí và thiết lập một “hiệp hội các nước” nhằm mang lại lợi ích cho “những quốc gia lớn và nhỏ”. “Mười bốn điểm” trong bài này về sau được dùng để thành lập Hội Quốc Liên và đàm phán Hòa ước Versailles, là hòa ước chấm dứt cuộc Đại Chiến.

NHỮNG KẺ CHỐNG ĐỐI BỊ ĐÁNH BẠI

Bất kể tình hình hỗn loạn xảy ra trong năm vừa qua, * tổ chức của Học viên Kinh Thánh dường như sắp có được sự bình an. Điều này được thấy qua những sự kiện diễn ra tại buổi họp thường niên của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society).

Buổi họp ấy diễn ra vào ngày 5-1-1918. Tại buổi họp, một số người nổi bật mà trước đó được yêu cầu rời khỏi Bê-tên cũng có mặt. Họ tìm cách để nắm quyền kiểm soát trong tổ chức. Anh Richard Barber, một giám thị lưu động trung thành, đã dâng lời cầu nguyện mở đầu buổi họp. Sau báo cáo về các hoạt động của năm trước là cuộc bầu cử hằng năm. Anh Barber đề cử anh Joseph Rutherford và sáu anh khác. Rồi một luật sư thuộc phe những người chống đối đề cử bảy người khác, trong đó có những người được yêu cầu rời khỏi Bê-tên. Họ đã bị đánh bại. Với số phiếu bầu cử chiếm ưu thế từ các cổ đông, anh Rutherford và sáu anh trung thành khác đã trở thành giám đốc.

Nhiều anh có mặt tại buổi họp đó nói rằng “đây là buổi họp được ban phước nhiều nhất mà họ từng tham dự”. Nhưng niềm vui của các anh không kéo dài bao lâu.

SÁCH SỰ MẦU NHIỆM ĐÃ NÊN TRỌN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO ĐẾN NGƯỜI TA?

Trong vài tháng, Học viên Kinh Thánh đã phân phát sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn (The Finished Mystery). Những độc giả có lòng thành hưởng ứng tích cực trước các sự thật Kinh Thánh được đề cập trong sách đó.

Anh Crist, một giám thị lưu động ở Canada, kể rằng có một cặp vợ chồng đọc sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn và chấp nhận chân lý chỉ trong năm tuần! Anh Crist cho biết: “Cả hai vợ chồng đó đều sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va và đang tiến bộ rất tốt”.

Trường hợp khác là một người đàn ông tình cờ có được cuốn sách này và lập tức chia sẻ với bạn bè. Thông điệp trong đó đã “rơi” vào lòng ông. Ông kể lại: ‘Tôi đang đi bộ trên đường thì bị một cái gì đó như viên gạch rơi trúng vai. Nhưng hóa ra đó là cuốn sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn. Tôi mang về và đọc từ đầu đến cuối... Về sau tôi biết được một người truyền giáo đã ném cuốn sách qua cửa sổ trong cơn tức giận... Tôi tin chắc qua hành động này, người truyền giáo ấy đã giúp nhiều người biết đến tin mừng hơn bất cứ hành động nào mà ông làm trong đời... Nhờ cơn tức giận của ông, giờ đây chúng tôi ngợi khen Đức Chúa Trời’.

Không chỉ có người truyền giáo ấy phản ứng như thế. Ngày 12-2-1918, chính quyền Canada cấm phân phát sách này vì cho rằng nội dung trong đó xúi giục phản động và chống chiến tranh. Không lâu sau, chính quyền Hoa Kỳ cũng ban lệnh cấm tương tự. Các nhà chức trách đã lục soát Bê-tên và các văn phòng ở New York, Pennsylvania và California để tìm bằng chứng cáo buộc các anh dẫn đầu trong tổ chức. Ngày 14-3-1918, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ban lệnh cấm sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn. Họ cho rằng việc phát hành và phân phát ấn phẩm ấy cản trở chiến tranh, và điều này vi phạm Luật chống gián điệp.

BỊ BỎ TÙ!

Ngày 7-5-1918, Bộ Tư pháp ra lệnh bắt anh Giovanni DeCecca, anh George Fisher, anh Alexander Macmillan, anh Robert Martin, anh Frederick Robison, anh Joseph Rutherford, anh William Van Amburgh và anh Clayton Woodworth. Các anh bị cáo buộc là phạm pháp và cố tình gây ra sự bất phục tùng, bất trung và sự chối bỏ các nghĩa vụ quân sự và hải quân của Hoa Kỳ. Phiên tòa xét xử bắt đầu vào ngày 5-6-1918, nhưng gần như chắc chắn các anh sẽ bị buộc tội. Tại sao?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ buộc tội các anh vi phạm Luật chống gián điệp, là luật mà Bộ trưởng này xem như một “vũ khí hữu hiệu chống lại sự tuyên truyền”. Ngày 16-5-1918, Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ việc bổ sung vào luật này điều khoản liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho những người xuất bản các tài liệu “phản ánh đúng sự thật, với động cơ tốt và mục tiêu chính đáng”. Sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn là một trong những chủ đề chính mà họ tranh luận. Báo cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói như sau về sách đó: “Đây là một trong những tài liệu tuyên truyền nguy hiểm nhất... Cuốn Sự mầu nhiệm đã nên trọn khiến cho các binh lính làm mất uy tín của chính phủ và khuyến khích người ta từ chối nhập ngũ”.

Ngày 20-6-1918, bồi thẩm đoàn kết luận rằng tám anh của chúng ta có tội. Hôm sau, thẩm phán tuyên án. Ông nói: “Lời tuyên truyền về tôn giáo mà những người này gieo rắc... còn nguy hiểm hơn cả một sư đoàn của Đức... Họ cần phải bị nghiêm trị”. Hai tuần sau, tám anh của chúng ta bị đưa đến Nhà tù Liên bang ở Atlanta, Georgia và phải chịu án tù từ 10 đến 20 năm.

CÔNG VIỆC RAO GIẢNG VẪN TIẾP DIỄN

Trong giai đoạn ấy, Học viên Kinh Thánh đối mặt với sự chống đối dữ dội. Cục Điều tra Liên bang (FBI) điều tra các hoạt động của Học viên Kinh Thánh và đưa ra hàng ngàn tài liệu để cáo buộc họ. Những tài liệu này cho thấy anh em của chúng ta không thoái lui nhưng vẫn tiếp tục rao giảng.

Trong lá thư gửi cho FBI, giám đốc bưu điện ở Orlando, Florida viết: “[Học viên Kinh Thánh] đi đến từng nhà trong thị trấn để truyền giáo và họ làm thế chủ yếu vào ban đêm... Họ cứ tiếp tục làm, không chịu ngưng”.

Một đại tá thuộc Bộ Chiến tranh viết báo cáo cho Cục Điều tra để phản ánh về hoạt động của anh Frederick Franz, người sau này là thành viên Hội đồng Lãnh đạo. Ông đại tá viết: “Ông Franz... rất bận rộn bán sách và ông ta đã bán hàng ngàn sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn”.

Anh Charles Fekel, người sau này cũng là thành viên Hội đồng Lãnh đạo, chịu nhiều sự ngược đãi. Chính quyền bắt anh vì đã phân phát sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn và theo dõi việc trao đổi thư từ của anh. Anh bị bỏ tù ở Baltimore, Maryland và bị giam trong một tháng với tội danh là “kẻ thù người Áo”. Khi can đảm làm chứng cho những thẩm tra viên, anh nhớ lại lời của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 9:16: “Khốn cho tôi nếu không công bố tin mừng!”. *

Ngoài việc sốt sắng rao giảng, Học viên Kinh Thánh còn viết đơn, rồi chuyền từ nơi này đến nơi khác để xin chữ ký đề nghị trả tự do cho các anh đang bị tù ở Atlanta. Chị Anna Gardner kể lại: “Chúng tôi luôn có điều gì đó để làm. Khi các anh ngồi tù, công việc của chúng tôi là xin chữ ký người ta. Chúng tôi đi đến từng nhà và cuối cùng có được hàng ngàn chữ ký! Chúng tôi nói với người ta rằng các anh ấy là tín đồ chân chính và họ bị bỏ tù bất công”.

CÁC HỘI NGHỊ

Trong giai đoạn khó khăn ấy, các hội nghị vẫn thường xuyên được tổ chức để giúp anh em củng cố về thiêng liêng. Tháp Canh cho biết: “Hơn 40 hội nghị... đã được tổ chức trong năm qua... Những người tham dự đều nhận xét rất tốt về các hội nghị này. Trước kia, các hội nghị được tổ chức vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, nhưng giờ đây mỗi tháng trong năm đều có hội nghị”.

Những người có lòng thành vẫn hưởng ứng tin mừng. Tại một hội nghị ở Cleveland, Ohio, có khoảng 1.200 người tham dự và 42 người báp-têm, trong đó có một em trai. Em là người “rất yêu mến Đức Chúa Trời và phụng sự sốt sắng đến nỗi những người lớn tuổi hơn cũng phải hổ thẹn”.

TƯƠNG LAI SẼ RA SAO?

Năm 1918 sắp khép lại, Học viên Kinh Thánh không biết tương lai sẽ ra sao. Một số tòa nhà ở Brooklyn được bán và trụ sở trung ương được chuyển về Pittsburgh, Pennsylvania. Trong khi những anh dẫn đầu đang ngồi tù, một buổi họp thường niên khác của các cổ đông sẽ được tổ chức vào ngày 4-1-1919.

Các anh trong tổ chức vẫn tiếp tục công việc của mình. Họ tin chắc vào kết quả đến mức đã chọn câu Kinh Thánh cho năm 1919 là: “Không vũ khí nào chế ra để hại ngươi sẽ hữu hiệu” (Ê-sai 54:17). Họ sẵn sàng cho một tình thế đảo ngược mà sẽ củng cố đức tin và thêm sức cho họ để thực hiện công việc lớn lao ở phía trước.

^ đ. 6 Xem bài “Một trăm năm trước—1917” trong Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 2017, trg 172-176 (Anh ngữ).

^ đ. 22 Xem kinh nghiệm của anh Charles Fekel trong bài “Kiên trì làm công việc tốt lành mang lại niềm vui” trong Tháp Canh ngày 1-3-1969 (Anh ngữ).