Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dạy chân lý

Dạy chân lý

“Lạy Đức Giê-hô-va,... toàn bộ lời ngài là chân thật”.THI 119:159, 160.

BÀI HÁT: 29, 53

1, 2. (a) Chúa Giê-su xem công việc nào là trọng tâm của đời sống, và tại sao? (b) Chúng ta phải làm gì để thành công khi “cùng làm việc với Đức Chúa Trời”?

Chúa Giê-su Ki-tô là thợ mộc và là người phục vụ cho tin mừng (Mác 6:3; Rô 15:8). Ngài thành thạo trong cả hai lĩnh vực này. Là thợ mộc, ngài học cách dùng các dụng cụ trong nghề để biến gỗ thành những đồ dùng hữu ích. Là người dạy dỗ tin mừng, Chúa Giê-su khéo léo sử dụng kiến thức sâu sắc về Kinh Thánh để giúp dân thường hiểu được những sự thật, tức chân lý, trong Lời Đức Chúa Trời (Mat 7:28; Lu 24:32, 45). Khi 30 tuổi, Chúa Giê-su ngưng làm thợ mộc vì ngài biết việc dạy dỗ tin mừng quan trọng hơn. Ngài nói rằng việc rao truyền tin mừng về Nước Trời là một trong những lý do ngài được Đức Chúa Trời phái xuống trái đất (Mat 20:28; Lu 3:23; 4:43). Chúa Giê-su xem thánh chức là trọng tâm của đời sống, và ngài muốn người khác cùng tham gia trong công việc này.—Mat 9:35-38.

2 Có lẽ chúng ta không phải là thợ mộc, nhưng chúng ta là những người phục vụ cho tin mừng. Công việc này quan trọng đến mức Đức Chúa Trời tham gia cùng chúng ta. Thật vậy, chúng ta được gọi là “người cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9; 2 Cô 6:4). Chúng ta biết rằng “toàn bộ lời [Đức Giê-hô-va] là chân thật” (Thi 119:159, 160). Vì thế, chúng ta phải chắc chắn là mình “dùng lời của chân lý một cách đúng đắn”. (Đọc 2 Ti-mô-thê 2:15). Với mục tiêu đó, chúng ta muốn tiếp tục cải thiện kỹ năng dùng Kinh Thánh, là công cụ chính để dạy sự thật về Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và Nước Trời. Để giúp chúng ta thành công trong thánh chức, tổ chức của Đức Giê-hô-va đã chọn những công cụ cơ bản khác, và chúng ta cần tập sử dụng thành thạo. Những công cụ này có trong Hộp dụng cụ dạy dỗ.

3. Chúng ta cần tập trung vào điều gì trong thời gian còn lại của thế gian này, và theo Công vụ 13:48, chúng ta nên tìm kiếm những ai?

3 Có lẽ anh chị thắc mắc tại sao hộp này được gọi là Hộp dụng cụ dạy dỗ mà không phải là Hộp dụng cụ rao giảng. “Rao giảng” có nghĩa là rao truyền một thông điệp. Nhưng “dạy dỗ” có nghĩa là truyền tải thông điệp đó sao cho động đến lòng và trí của người nghe để họ hành động phù hợp với những gì mình học. Trong thời gian còn lại của thế gian này, chúng ta cần tập trung vào việc bắt đầu các cuộc học hỏi Kinh Thánh và dạy chân lý cho người khác. Điều đó có nghĩa là chúng ta cố gắng tìm kiếm những ai “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu” và giúp họ tin Chúa.—Đọc Công vụ 13:44-48.

4. Điều gì giúp chúng ta biết ai là người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu”?

4 Làm thế nào để biết ai là người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu”? Như vào thế kỷ thứ nhất, cách duy nhất để tìm những người này là đi làm chứng. Vì thế, chúng ta cần theo sát chỉ dẫn của Chúa Giê-su: “Khi vào thành nào hay làng nào, hãy tìm người xứng đáng” (Mat 10:11). Chúng ta không mong đợi những người không thành thật, cao ngạo và không có nhu cầu tâm linh sẽ hưởng ứng tin mừng. Chúng ta tìm kiếm những người thành thật, khiêm nhường và đói khát về thiêng liêng. Việc tìm kiếm này có thể được ví với những điều Chúa Giê-su làm khi còn là thợ mộc. Có lẽ ngài đã đi tìm loại gỗ thích hợp để làm ra bàn ghế, cửa, ách và những vật dụng khác. Khi tìm được loại gỗ phù hợp, ngài lấy hộp dụng cụ ra và dùng kỹ năng để tạo các sản phẩm. Chúng ta cũng cần làm điều tương tự khi nỗ lực đào tạo những người có lòng trở thành môn đồ.—Mat 28:19, 20.

5. Chúng ta cần biết gì về những công cụ trong Hộp dụng cụ dạy dỗ? Hãy minh họa. (Xem hình nơi đầu bài).

5 Như bất cứ hộp dụng cụ nào, mỗi dụng cụ trong hộp đều có mục đích cụ thể. Chẳng hạn, hãy nghĩ về những dụng cụ mà Chúa Giê-su đã dùng khi làm mộc. * Ngài cần dụng cụ để đo, đánh dấu, cắt, khoan và tạo hình, cũng như đo độ thẳng và đóng các miếng gỗ lại với nhau. Tương tự, mỗi công cụ trong Hộp dụng cụ dạy dỗ đều có mục đích cụ thể. Vậy hãy xem hộp dụng cụ của chúng ta có gì và làm thế nào để dùng những công cụ này cách hiệu quả.

CÔNG CỤ ĐỂ GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TA

6, 7. (a) Anh chị đã dùng thẻ giới thiệu như thế nào? (b) Giấy mời dự buổi nhóm họp của hội thánh có hai mục đích nào?

6 Thẻ giới thiệu. Công cụ này tuy nhỏ nhưng rất hữu hiệu để giới thiệu về chúng ta và hướng người khác đến trang web của tổ chức. Khi vào trang web, họ có thể đọc thêm thông tin về chúng ta và ngay cả yêu cầu tìm hiểu Kinh Thánh. Đến nay, có hơn 400.000 yêu cầu tìm hiểu Kinh Thánh được gửi qua jw.org, và mỗi ngày có thêm hàng trăm yêu cầu! Anh chị có thể mang theo một vài thẻ để tận dụng cơ hội làm chứng khi tham gia các hoạt động thường ngày.

7 Giấy mời. Giấy mời dự buổi nhóm họp của hội thánh có hai mục đích. Trên giấy mời viết: “Kính mời quý vị tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va”. Rồi giấy mời đưa ra hai lựa chọn là tìm hiểu Kinh Thánh “tại các buổi họp công cộng” hoặc “với sự giúp đỡ của một người”. Do đó, công cụ này không chỉ cho biết chúng ta là ai mà còn mời những người “ý thức về nhu cầu tâm linh” tìm hiểu Kinh Thánh với chúng ta (Mat 5:3). Dĩ nhiên, mọi người đều được chào đón đến các buổi nhóm họp dù họ có đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh hay không. Nếu tham dự buổi nhóm họp, họ cũng sẽ có cơ hội nghe những sự dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh.

8. Tại sao việc mời người khác đến dự ít nhất một buổi nhóm họp là điều quan trọng? Hãy nêu ví dụ.

8 Điều quan trọng là chúng ta tiếp tục mời người khác đến dự ít nhất một buổi nhóm họp. Tại sao? Vì họ sẽ thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa môi trường giàu có về thiêng liêng tại các buổi nhóm và tình trạng thiêng liêng tồi tệ của Ba-by-lôn Lớn (Ê-sai 65:13). Một cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ là anh Ray và chị Linda đã nhận ra điều này. Họ tin có Đức Chúa Trời và muốn tìm hiểu nhiều hơn về ngài. Vì thế, họ quyết định đi đến tất cả các nhà thờ trong thành phố và xem nhà thờ nào có đủ hai điều kiện để họ có thể kết hợp. Thứ nhất, họ phải học được điều gì đó trong buổi lễ, và thứ hai là những người đi nhà thờ ấy phải ăn mặc thích hợp với những người nhận mình đại diện cho Đức Chúa Trời. Sau vài năm đi đến hết các nhà thờ, họ cảm thấy vô cùng thất vọng. Họ không học được gì, và những người đi nhà thờ thì có ngoại diện không thích hợp. Sau khi bước ra khỏi nhà thờ cuối cùng trong danh sách, chị Linda đi đến chỗ làm và anh Ray trở về nhà. Trên đường đi, anh lái xe ngang qua một Phòng Nước Trời. Anh nghĩ: “Sao mình không vào thử để xem ở đó có gì?”. Tất nhiên, anh đã có trải nghiệm tuyệt vời nhất! Mọi người tại Phòng Nước Trời rất nồng ấm, thân thiện và có ngoại diện chỉnh tề. Anh Ray ngồi ở hàng ghế đầu và rất thích những gì mình học được! Điều này nhắc chúng ta nhớ đến lời sứ đồ Phao-lô nói về những người lần đầu đến buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô và tuyên bố: “Quả thật, Đức Chúa Trời ở giữa anh em” (1 Cô 14:23-25). Sau đó, anh Ray tham dự các buổi nhóm họp vào mỗi chủ nhật, rồi anh đến các buổi họp giữa tuần. Chị Linda cũng bắt đầu tham dự. Họ cùng tìm hiểu Kinh Thánh và báp-têm khi hơn 70 tuổi.

CÔNG CỤ ĐỂ BẮT CHUYỆN

9, 10. (a) Tại sao các tờ chuyên đề dễ sử dụng? (b) Hãy giải thích cách dùng tờ chuyên đề Nước Đức Chúa Trời là gì?.

9 Tờ chuyên đề. Chúng ta có tám tờ chuyên đề dễ sử dụng và hữu hiệu để bắt chuyện. Từ khi ra mắt vào năm 2013, các tờ chuyên đề ấy đã được in khoảng năm tỉ bản! Điều đáng chú ý là một khi anh chị biết cách dùng một trong những tờ chuyên đề này thì anh chị cũng sẽ biết cách dùng các tờ còn lại, vì tất cả được thiết kế giống nhau. Làm thế nào anh chị có thể dùng tờ chuyên đề để bắt chuyện với người khác?

10 Có thể anh chị muốn dùng tờ chuyên đề Nước Đức Chúa Trời là gì?. Hãy cho chủ nhà xem câu hỏi ở bìa trước và hỏi: “Ông/Bà có bao giờ thắc mắc Nước Đức Chúa Trời là gì không? Theo ông/bà, đó là...?”. Rồi hỏi người đó chọn câu nào trong ba câu trả lời được gợi ý. Không cần nói người đó trả lời đúng hay sai, anh chị hãy mở đến phần “Kinh Thánh nói gì?” ở bìa trong và chia sẻ câu Đa-ni-ên 2:44 và Ê-sai 9:6. Nếu được, hãy tiếp tục cuộc thảo luận. Cuối cùng, hãy hướng người ấy đến câu hỏi ở bìa sau, nằm dưới mục “Hãy thử nghĩ”: “Đời sống sẽ ra sao dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời?”. Nhờ thế, anh chị có thể đặt nền tảng cho lần viếng thăm kế tiếp. Khi thăm lại, anh chị có thể giới thiệu bài 7 của sách mỏng Tin mừng từ Đức Chúa Trời!, là một trong những công cụ giúp chúng ta bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh.

CÔNG CỤ ĐỂ GỢI SỰ CHÚ Ý

11. Tạp chí của chúng ta được biên soạn với mục đích gì, và chúng ta cần biết gì về những tạp chí này?

11 Tạp chí. Tháp Canh Tỉnh Thức! là những tạp chí được xuất bản rộng rãi nhất và dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới! Vì người từ nhiều nước đọc những tạp chí này nên các bài được biên soạn để thu hút người ở khắp mọi nơi. Chúng ta nên dùng các tạp chí này để hướng người ta chú ý đến điều thật sự quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, chúng ta cần biết đối tượng độc giả của mỗi loại tạp chí để sử dụng một cách hiệu quả.

12. (a) Tỉnh Thức! được biên soạn cho ai, và có mục tiêu là gì? (b) Hãy chia sẻ kinh nghiệm anh chị dùng tạp chí này trong thời gian gần đây.

12 Tỉnh Thức! được biên soạn cho những người có lẽ biết rất ít hoặc chưa biết về Kinh Thánh. Có thể họ không biết về những sự dạy dỗ của Đấng Ki-tô, không thật sự tin vào tôn giáo hoặc không biết về giá trị thực tiễn của Kinh Thánh. Một mục tiêu của Tỉnh Thức! là thuyết phục người đọc tin rằng Đức Chúa Trời hiện hữu (Rô 1:20; Hê 11:6). Tạp chí này cũng giúp họ tin chắc Kinh Thánh ‘thật là lời Đức Chúa Trời’ (1 Tê 2:13). Ba số Tỉnh Thức! của năm 2018 có chủ đề: “Con đường hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc—12 bí quyết” và “Vượt qua nỗi đau mất người thân”.

13. (a) Tháp Canh ấn bản công cộng được biên soạn cho ai? (b) Hãy chia sẻ kinh nghiệm anh chị dùng tạp chí này trong thời gian gần đây.

13 Tháp Canh ấn bản công cộng có mục tiêu là giải thích sự dạy dỗ trong Kinh Thánh cho những người kính trọng Đức Chúa Trời và Lời ngài ở mức độ nào đó. Dù có lẽ biết về Kinh Thánh, nhưng họ không hiểu chính xác về những sự dạy dỗ trong đó (Rô 10:2; 1 Ti 2:3, 4). Ba số Tháp Canh của năm 2018 trả lời các câu hỏi: “Kinh Thánh có còn hợp thời không?”, “Tương lai nào chờ đón bạn?” và “Trời có mắt không?”.

CÔNG CỤ ĐỂ THÔI THÚC NGƯỜI KHÁC

14. (a) Mục đích của bốn video trong Hộp dụng cụ dạy dỗ là gì? (b) Hãy chia sẻ kinh nghiệm anh chị dùng những video này.

14 Video. Vào thời Chúa Giê-su, thợ mộc chỉ dùng những dụng cụ cầm tay. Tuy nhiên ngày nay, thợ mộc có các dụng cụ hiện đại như máy cưa, khoan điện, máy mài, súng bắn đinh v.v. Tương tự, ngoài những ấn phẩm bản in, giờ đây chúng ta có các video sống động để mời người khác xem. Bốn trong số các video này có trong Hộp dụng cụ dạy dỗ: Tại sao tìm hiểu Kinh Thánh?, Buổi tìm hiểu Kinh Thánh diễn ra như thế nào?, Điều gì diễn ra tại Phòng Nước Trời?Nhân Chứng Giê-hô-va—Chúng tôi là ai?. Những video dài gần hai phút sẽ hữu ích cho lần gặp đầu tiên. Còn những video dài hơn thì có thể dùng khi thăm lại và với người có thời gian. Những công cụ tuyệt vời này có thể thôi thúc người khác tìm hiểu Kinh Thánh và tham dự nhóm họp.

15. Người ta được tác động thế nào khi xem các video trong ngôn ngữ của họ? Hãy nêu ví dụ.

15 Hãy xem ví dụ sau: Một chị Nhân Chứng đã gặp một phụ nữ từng sống ở Micronesia và nói tiếng Yap. Chị cho bà ấy xem video Tại sao tìm hiểu Kinh Thánh? trong ngôn ngữ của bà. Khi video được bật lên, người phụ nữ ấy nói: “Đây là ngôn ngữ của tôi. Không thể tin được! Nghe giọng là biết người đọc đến từ hòn đảo mà tôi sống. Anh ấy nói ngôn ngữ của tôi!”. Sau đó, bà nói sẽ đọc và xem tất cả tài liệu có trong ngôn ngữ của mình trên jw.org. (So sánh Công vụ 2:8, 11). Ví dụ khác là một chị Nhân Chứng ở Hoa Kỳ đã gửi đường liên kết của video trên cho người cháu trai đang sống ở nước khác. Cậu ấy xem và gửi thư lại cho chị: “Cháu đặc biệt ấn tượng với đoạn nói về thế gian ngày nay đang nằm dưới quyền của kẻ ác. Cháu đã gửi yêu cầu tìm hiểu Kinh Thánh”. Điều này rất đáng chú ý vì cậu ấy đang sống ở một nước mà công việc của chúng ta bị hạn chế.

CÔNG CỤ ĐỂ DẠY CHÂN LÝ

16. Hãy giải thích mục đích của sách mỏng: (a) Lắng nghe Đức Chúa Trời để sống mãi mãi. (b) Tin mừng từ Đức Chúa Trời!. (c) Ngày nay ai đang làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va?.

16 Sách mỏng. Làm thế nào để dạy chân lý cho những người có khả năng đọc hạn chế hoặc những người không có ấn phẩm trong ngôn ngữ của họ? Chúng ta có công cụ thích hợp là sách mỏng Lắng nghe Đức Chúa Trời để sống mãi mãi. * Để bắt đầu cuộc học hỏi, chúng ta có công cụ tuyệt vời là sách mỏng Tin mừng từ Đức Chúa Trời!. Anh chị có thể cho một người xem 14 câu hỏi ở bìa sau và mời người ấy chọn câu hỏi mà mình quan tâm nhất. Rồi anh chị có thể dùng bài đó để bắt đầu cuộc học hỏi. Anh chị đã thử dùng cách này khi thăm lại chưa? Ngày nay ai đang làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va? là sách mỏng thứ ba trong hộp dụng cụ. Sách này được biên soạn để hướng học viên Kinh Thánh đến tổ chức. Để biết cách sử dụng sách mỏng này trong mỗi buổi học, xin xem Lối sống và thánh chức—Chương trình nhóm họp tháng 3 năm 2017.

17. (a) Mục đích của mỗi sách học hỏi Kinh Thánh là gì? (b) Ngay cả sau khi báp-têm, một người vẫn cần phải làm gì, và tại sao?

17 Sách. Sau khi bắt đầu cuộc học hỏi bằng sách mỏng, anh chị có thể chuyển qua sách Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì? bất cứ khi nào. Sách này sẽ giúp học viên hiểu rõ hơn về những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh. Sau khi học xong sách này và nếu học viên tiến bộ về thiêng liêng, hãy tiếp tục học sách Hãy luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sách này giúp học viên biết cách áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống hằng ngày. Hãy nhớ rằng ngay cả sau khi báp-têm, một người vẫn cần học tiếp cho đến khi hoàn tất cả hai sách ấy. Điều này sẽ giúp họ có nền tảng vững chắc trong chân lý.—Đọc Cô-lô-se 2:6, 7.

18. (a) Những lời nơi 1 Ti-mô-thê 4:16 khuyến khích chúng ta làm gì khi dạy chân lý, và điều này mang lại kết quả nào? (b) Chúng ta nên có mục tiêu nào khi dùng Hộp dụng cụ dạy dỗ?

18 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta được giao phó “thông điệp về chân lý của tin mừng”, điều có thể dẫn người ta đến sự sống vĩnh cửu (Cô 1:5; đọc 1 Ti-mô-thê 4:16). Để đạt mục tiêu đó, chúng ta được trang bị Hộp dụng cụ dạy dỗ với những công cụ cần thiết. (Xem khung “ Hộp dụng cụ dạy dỗ”). Chúng ta muốn cố gắng sử dụng thành thạo các công cụ này. Mỗi người công bố có thể chọn dùng ấn phẩm nào trong hộp dụng cụ và thời điểm mình sẽ dùng. Nhưng mục tiêu của chúng ta không phải là phân phát ấn phẩm, hoặc để lại ấn phẩm cho người không chú ý đến tin mừng. Mục tiêu của chúng ta là đào tạo những người thành thật, khiêm nhường, đói khát về thiêng liêng trở thành môn đồ của Chúa Giê-su, tức những người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu”.—Công 13:48; Mat 28:19, 20.

^ đ. 5 Xem bài “Thợ mộc” và khung “Thùng dụng cụ của thợ mộc” trong Tháp Canh ngày 1-8-2010.

^ đ. 16 Nếu một người không biết đọc, anh chị có thể cho người ấy theo dõi sách mỏng Lắng nghe Đức Chúa Trời. Sách này phần lớn là hình ảnh.