Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tin cậy Đấng Lãnh Đạo—Đấng Ki-tô

Hãy tin cậy Đấng Lãnh Đạo—Đấng Ki-tô

“Anh em chỉ có một Đấng Lãnh Đạo là Đấng Ki-tô”.—MAT 23:10.

BÀI HÁT: 16, 14

1, 2. Giô-suê đối mặt với thử thách nào sau khi Môi-se qua đời?

Những lời của Đức Giê-hô-va vẫn vang vọng bên tai Giô-suê: “Tôi tớ của ta là Môi-se đã chết. Bây giờ, hãy đứng dậy, con và toàn thể dân này hãy băng qua sông Giô-đanh và đi vào xứ mà ta sẽ ban cho họ” (Giô-suê 1:1, 2). Quả là sự thay đổi bất ngờ đối với Giô-suê, người hầu việc của Môi-se trong gần 40 năm qua!

2 Môi-se đã lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên trong thời gian rất dài. Vì thế, hẳn Giô-suê băn khoăn không biết dân Đức Chúa Trời sẽ hưởng ứng thế nào trước sự lãnh đạo của ông (Phục 34:8, 10-12). Một sách tham khảo Kinh Thánh nói như sau về Giô-suê 1:1, 2: “Trong cả thời xưa lẫn thời nay, giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo là một trong những thời kỳ bất ổn và đe dọa lớn nhất đến an ninh quốc gia”.

3, 4. Làm thế nào chúng ta biết lòng tin cậy của Giô-suê không đặt sai chỗ, và có lẽ chúng ta thắc mắc điều gì?

3 Hẳn Giô-suê có những lý do chính đáng để lo lắng. Nhưng ông đã tin cậy Đức Giê-hô-va và nhanh chóng làm theo chỉ dẫn của ngài (Giô-suê 1:9-11). Lòng tin cậy của ông không đặt sai chỗ. Như lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy, Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên qua một thiên sứ đại diện. Thiên sứ này rất có thể là Ngôi Lời, tức Con đầu lòng của Đức Chúa Trời.—Xuất 23:20-23; Giăng 1:1.

4 Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên đã thích ứng với những thay đổi khi có người lãnh đạo mới là Giô-suê. Chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ có những thay đổi lớn mang tính lịch sử. Có lẽ chúng ta thắc mắc: “Tổ chức Đức Chúa Trời đang tiến rất nhanh về phía trước, vậy chúng ta có lý do chính đáng để tin cậy Đấng Lãnh Đạo là Chúa Giê-su không?”. (Đọc Ma-thi-ơ 23:10). Để trả lời câu hỏi này, hãy xem cách Đức Giê-hô-va cung cấp sự lãnh đạo đáng tin cậy cho dân ngài trong quá khứ khi có những thay đổi.

DẪN DÂN ĐỨC CHÚA TRỜI VÀO XỨ CA-NA-AN

5. Giô-suê có cuộc gặp bất ngờ nào khi ông ở gần thành Giê-ri-cô? (Xem hình nơi đầu bài).

5 Không lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh, Giô-suê có một cuộc gặp bất ngờ. Khi ở gần thành Giê-ri-cô, ông thấy một người nam cầm thanh gươm trần. Vì không biết đó là ai nên Giô-suê hỏi: “Ông thuộc phe chúng tôi hay phe kẻ thù?”. Giô-suê rất ngạc nhiên khi người ấy tiết lộ rằng ông chính là “tướng đạo quân của Đức Giê-hô-va”, người sẵn sàng bảo vệ dân ngài. (Đọc Giô-suê 5:13-15). Một số câu Kinh Thánh khác cho biết Đức Giê-hô-va nói trực tiếp với Giô-suê nhưng hẳn ngài nói qua thiên sứ đại diện, như ngài thường làm trong quá khứ.—Xuất 3:2-4; Giô-suê 4:1, 15; 5:2, 9; Công 7:38; Ga 3:19.

6-8. (a) Theo quan điểm của con người, tại sao một số chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va có vẻ khác thường? (b) Điều gì cho thấy những chỉ dẫn đó thật khôn ngoan và đúng lúc? (Cũng xem chú thích).

6 Qua thiên sứ, Giô-suê nhận được chỉ dẫn rõ ràng về cách chinh phục thành Giê-ri-cô. Lúc đầu, một số chỉ dẫn nghe có vẻ khác thường. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va lệnh cho tất cả những người nam phải chịu cắt bì. Điều này có nghĩa là họ sẽ đau đớn trong vài ngày và không thể đánh trận. Liệu đây có phải là thời điểm tốt nhất để cắt bì cho những người nam không?—Sáng 34:24, 25; Giô-suê 5:2, 8.

7 Có lẽ những người lính này thắc mắc làm thế nào họ có thể bảo vệ gia đình nếu kẻ thù tấn công trại của họ. Nhưng có điều bất ngờ xảy ra! Thay vì tấn công Y-sơ-ra-ên, dân thành Giê-ri-cô trở nên sợ hãi. Kinh Thánh cho biết: “Cổng thành Giê-ri-cô bị đóng chặt vì cớ dân Y-sơ-ra-ên” (Giô-suê 6:1). Chẳng phải lòng tin cậy của họ nơi sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời được củng cố qua sự kiện bất ngờ ấy sao?

8 Ngoài ra, dân Y-sơ-ra-ên được lệnh không tấn công thành Giê-ri-cô, mà hành quân xung quanh thành mỗi ngày một lần và làm thế trong sáu ngày, rồi đến ngày thứ bảy thì đi xung quanh thành bảy lần. Một số người lính có lẽ đã nghĩ: “Thật lãng phí thời gian và công sức!”. Nhưng Đức Giê-hô-va, Đấng Lãnh Đạo vô hình của dân Y-sơ-ra-ên, biết rõ những gì ngài đang làm. Chiến thuật này không những củng cố đức tin của dân Y-sơ-ra-ên mà còn giúp họ tránh chạm trán với đội quân hùng mạnh của thành Giê-ri-cô.—Giô-suê 6:2-5; Hê 11:30. *

9. Tại sao chúng ta nên làm theo những chỉ dẫn đến từ tổ chức Đức Chúa Trời? Hãy nêu ví dụ.

9 Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này? Có lẽ đôi khi chúng ta không hiểu hết những lý do tổ chức thực hiện điều nào đó theo cách mới. Chẳng hạn, có thể lúc đầu chúng ta thắc mắc tại sao lại dùng thiết bị điện tử trong việc học hỏi cá nhân, tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức. Nhưng giờ đây hẳn chúng ta nhận ra lợi ích của việc dùng các thiết bị ấy nếu có thể. Khi thấy sự thay đổi như thế mang lại kết quả, chúng ta được củng cố đức tin và ngày càng hợp nhất với anh em.

SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẤNG KI-TÔ VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT

10. Ai đứng đằng sau buổi họp quan trọng của hội đồng lãnh đạo được tổ chức ở Giê-ru-sa-lem?

10 Khoảng 13 năm sau khi Cọt-nây trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, một số tín đồ Do Thái vẫn cổ vũ việc cắt bì (Công 15:1, 2). Khi sự bất đồng xảy ra ở An-ti-ốt, các anh em ở đó sắp xếp cho Phao-lô lên hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem để trình bày vấn đề. Nhưng ai đứng đằng sau chỉ dẫn này? Phao-lô giải thích: “Do được mạc khải mà tôi đi lên đó”. Rõ ràng, Đấng Ki-tô đã hướng dẫn hội đồng lãnh đạo để giải quyết vấn đề cắt bì.—Ga 2:1-3.

Sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô được thấy rõ vào thế kỷ thứ nhất (Xem đoạn 10, 11)

11. (a) Liên quan đến việc cắt bì, một số tín đồ Do Thái vẫn tin điều gì? (b) Làm thế nào Phao-lô cho thấy ông khiêm nhường ủng hộ các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem? (Cũng xem chú thích).

11 Dưới sự hướng dẫn của Đấng Ki-tô, hội đồng lãnh đạo cho thấy rõ những tín đồ không phải gốc Do Thái không cần cắt bì (Công 15:19, 20). Nhưng nhiều năm sau đó, nhiều tín đồ Do Thái vẫn cắt bì cho con trai của họ. Khi các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem nghe đồn là Phao-lô không làm theo Luật pháp Môi-se, họ yêu cầu ông làm một số điều cho thấy ông vẫn tôn trọng Luật pháp * (Công 21:20-26). Họ bảo ông dẫn theo bốn người nam lên đền thờ để người ta thấy rằng Phao-lô vẫn “tuân giữ Luật pháp”. Phao-lô đã có thể cho rằng làm theo lời các trưởng lão là thiếu khôn ngoan hoặc vấn đề là các tín đồ Do Thái thiếu hiểu biết về việc cắt bì. Nhưng ông đã không làm thế. Phao-lô hiểu rằng các trưởng lão muốn đẩy mạnh sự hợp nhất trong vòng anh em, nên ông khiêm nhường làm theo đề nghị của họ. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta thắc mắc: “Tại sao Chúa Giê-su để cho vấn đề này tồn tại lâu đến thế dù Luật pháp Môi-se đã được xóa bỏ khi ngài chết?”.—Cô 2:13, 14.

12. Có lẽ vì lý do gì mà Đấng Ki-tô chờ thêm thời gian trước khi giải quyết vấn đề cắt bì?

12 Đối với một số người thì cần thời gian để thích ứng với sự hiểu biết được điều chỉnh. Các tín đồ Do Thái thời ban đầu cũng cần thêm thời gian để thay đổi quan điểm của mình (Giăng 16:12). Từ trước đến nay, họ tin rằng việc cắt bì là dấu hiệu cho thấy họ có mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời (Sáng 17:9-12). Số khác thì sợ bị ngược đãi nên không muốn khác biệt với cộng đồng người Do Thái (Ga 6:12). Nhưng với thời gian, Đấng Ki-tô cung cấp thêm chỉ dẫn qua những lá thư của Phao-lô.—Rô 2:28, 29; Ga 3:23-25.

ĐẤNG KI-TÔ VẪN ĐANG LÃNH ĐẠO HỘI THÁNH

13. Điều gì có thể giúp chúng ta quý trọng sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô ngày nay?

13 Khi không hiểu rõ sự thay đổi nào đó trong tổ chức, chúng ta hãy suy ngẫm về cách Đấng Ki-tô lãnh đạo dân Đức Chúa Trời trong quá khứ. Dù vào thời Giô-suê hay vào thế kỷ thứ nhất, Đấng Ki-tô luôn đưa ra những chỉ dẫn khôn ngoan để bảo vệ dân Đức Chúa Trời với tư cách tập thể, củng cố đức tin của họ và giúp họ gìn giữ sự hợp nhất.—Hê 13:8.

14-16. Những chỉ dẫn đến từ “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cho thấy Đấng Ki-tô quan tâm đến lợi ích thiêng liêng của chúng ta như thế nào?

14 Lòng quan tâm của Chúa Giê-su dành cho chúng ta được thấy rõ qua việc ngài ban “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để cung cấp chỉ dẫn đúng lúc (Mat 24:45). Anh Marc có bốn người con cho biết: “Sa-tan cố làm suy yếu các hội thánh bằng cách tấn công những gia đình. Sắp đặt về buổi thờ phượng của gia đình cho thấy một thông điệp rõ ràng dành cho người chủ gia đình, đó là hãy bảo vệ gia đình mình!”.

15 Khi thấy cách Đấng Ki-tô hướng dẫn ngày nay, chúng ta sẽ hiểu rằng ngài quan tâm sâu xa đến sự tiến bộ về thiêng liêng của mỗi người. Anh Patrick, một trưởng lão, cho biết: “Lúc đầu, một số anh chị cảm thấy nản lòng khi có sắp đặt nhóm lại thành các nhóm nhỏ để rao giảng vào cuối tuần. Nhưng qua sắp đặt này, chúng ta thấy rõ Chúa Giê-su quan tâm đến mỗi người trong hội thánh. Những anh chị có tính nhút nhát hoặc không đi thánh chức được nhiều nay cảm thấy hữu ích và được quý trọng hơn. Kết quả là họ ngày càng lớn mạnh về thiêng liêng”.

16 Ngoài việc quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng của chúng ta, Đấng Ki-tô còn giúp chúng ta chú tâm vào công việc quan trọng nhất đang được thực hiện trên đất ngày nay. (Đọc Mác 13:10). Một trưởng lão mới là anh André luôn cố gắng làm theo những sự thay đổi đến từ tổ chức Đức Chúa Trời. Anh cho biết: “Việc giảm bớt nhân lực trong các chi nhánh nhắc chúng ta nhớ rằng mình đang sống trong thời kỳ cấp bách và cần tập trung sức lực vào công việc rao giảng”.

TRUNG THÀNH LÀM THEO CHỈ DẪN CỦA ĐẤNG KI-TÔ

17, 18. Tại sao chúng ta muốn suy ngẫm về lợi ích mình nhận được từ những điều chỉnh gần đây?

17 Sự chỉ dẫn nhận được từ Vua chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô sẽ giúp chúng ta ngay bây giờ và trong tương lai. Vì thế, hãy chú tâm vào lợi ích mình nhận được từ những điều chỉnh gần đây. Có lẽ anh chị sẽ được khích lệ khi thảo luận về lợi ích của những điều chỉnh liên quan đến các buổi nhóm họp hoặc thánh chức trong buổi thờ phượng của gia đình.

Anh chị có đang giúp gia đình và người khác theo kịp tổ chức Đức Giê-hô-va không? (Xem đoạn 17, 18)

18 Nếu hiểu tinh thần nằm sau những chỉ dẫn của tổ chức Đức Giê-hô-va và lợi ích mình nhận được, hẳn chúng ta sẽ vui mừng làm theo chỉ dẫn đó. Chắc chắn chúng ta hiểu rằng việc giảm bớt số lượng tạp chí in ấn giúp tiết kiệm chi phí và việc dùng công nghệ mới giúp đẩy mạnh công việc Nước Trời trên khắp thế giới. Ghi nhớ điều này, có lẽ chúng ta muốn dùng những ấn phẩm dưới dạng điện tử, video và các phần thu âm nhiều hơn nếu được. Đây là một cách chúng ta ủng hộ Đấng Ki-tô, đấng muốn chúng ta dùng nguồn tài chính của tổ chức cách khôn ngoan.

19. Tại sao chúng ta nên ủng hộ chỉ dẫn của Đấng Ki-tô?

19 Khi hết lòng ủng hộ chỉ dẫn của Đấng Ki-tô, chúng ta củng cố đức tin của người khác và góp phần vào sự hợp nhất. Suy ngẫm về việc cắt giảm các thành viên Bê-tên trên khắp thế giới, anh André nhận xét: “Tinh thần tích cực mà các anh chị từng là thành viên Bê-tên thể hiện trước những sự thay đổi giúp tôi càng tôn trọng họ và củng cố lòng tin cậy nơi sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô. Các anh chị ấy theo kịp cỗ xe của Đức Giê-hô-va bằng cách tìm niềm vui trong bất cứ nhiệm sở nào được giao”.

BẰNG ĐÔI MẮT ĐỨC TIN, HÃY TIN CẬY ĐẤNG LÃNH ĐẠO CỦA CHÚNG TA

20, 21. (a) Tại sao chúng ta có thể tin cậy Đấng Ki-tô, Đấng Lãnh Đạo của chúng ta? (b) Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào trong bài kế tiếp?

20 Không lâu nữa, Đấng Lãnh Đạo của chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô sẽ “hoàn thành cuộc chinh phục của mình” và “sẽ làm việc đáng khiếp đáng sợ” (Khải 6:2; Thi 45:4). Nhưng ngay bây giờ, ngài đang chuẩn bị cho dân Đức Chúa Trời để họ sống trong thế giới mới và làm các công việc lý thú, đó là dạy những người được sống lại cũng như góp phần làm cho trái đất trở thành địa đàng.

21 Vua được bổ nhiệm của chúng ta sẽ dẫn chúng ta vào thế giới mới, miễn là chúng ta hoàn toàn tin cậy ngài dù có bất cứ thay đổi nào. (Đọc Thi thiên 46:1-3). Đôi lúc chúng ta cảm thấy khó đối mặt với sự thay đổi, nhất là khi có những điều bất ngờ xảy đến trong đời sống. Vậy làm thế nào chúng ta có thể giữ bình an nội tâm và tin cậy tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài kế tiếp.

^ đ. 8 Các nhà khảo cổ học tìm thấy một lượng lớn ngũ cốc trong đống đổ nát của thành Giê-ri-cô. Điều này cho thấy thành này bị vây hãm trong thời gian ngắn và sản vật trong thành vẫn còn. Dân Y-sơ-ra-ên không được phép lấy chiến lợi phẩm trong thành Giê-ri-cô, nên việc họ xâm chiếm vùng đất ấy vào lúc đó thật đúng thời điểm, vì đó là mùa thu hoạch và có dư dật thực phẩm ngoài đồng.—Giô-suê 5:10-12.

^ đ. 11 Xem khung “Phao-lô khiêm nhường đối phó với thử thách” trong Tháp Canh ngày 15-3-2003, trg 24.