1919—Một trăm năm trước
Đến năm 1919, cuộc Đại Chiến (sau này được biết đến là Thế Chiến I) kéo dài hơn bốn năm đã kết thúc. Vào cuối năm 1918, các nước ngừng tham chiến, và Hội nghị hòa bình Paris khai mạc vào ngày 18-1-1919. Một trong những thành công mà hội nghị này mang lại là Hòa ước Versailles được ký vào ngày 28-6-1919. Hòa ước này chấm dứt cuộc chiến giữa các nước Đồng Minh với Đức.
Hòa ước Versailles cũng thành lập một tổ chức mới gọi là Hội Quốc Liên. Mục đích của tổ chức này là “đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thiết lập nền hòa bình, an ninh thế giới”. Nhiều tôn giáo thuộc khối Ki-tô giáo ủng hộ Hội Quốc Liên. Hội đồng Liên bang các Giáo hội tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hội Quốc Liên là “biểu tượng chính trị của Nước Thiên Chúa ở trên đất”. Hội đồng này đã ủng hộ tổ chức ấy bằng cách cử đại biểu đến dự Hội nghị hòa bình Paris. Một trong những đại biểu đó đã nói rằng hội nghị này “mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới”.
Đúng là kỷ nguyên mới đã mở ra, nhưng không liên quan đến hội nghị hòa bình của con người. Vào năm 1919, một kỷ nguyên mới trong việc rao giảng đã bắt đầu khi Đức Giê-hô-va thêm sức để dân ngài rao giảng cho nhiều người hơn bao giờ hết. Nhưng trước tiên, tổ chức cần thực hiện một số thay đổi đáng chú ý.
MỘT QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN
Cuộc bầu cử hằng năm của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society) được lên kế hoạch diễn ra vào thứ bảy, ngày 4-1-1919. Vào thời điểm đó, anh Joseph Rutherford, người dẫn đầu trong vòng dân Đức Giê-hô-va, bị bỏ tù bất công tại Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, cùng với bảy anh khác. Câu hỏi được đặt ra là: “Có nên giữ nguyên các anh ở trong tù làm viên chức không? Hay nên thay thế?”.
Trong chốn lao tù, anh Rutherford lo lắng cho tương lai của tổ chức. Anh biết một số anh em nghĩ là tốt nhất nên chọn chủ tịch mới. Vì thế, anh đã viết một lá thư đề cử anh Evander Coward làm chủ tịch. Anh Rutherford miêu tả anh Coward là người “điềm tĩnh”, “khôn ngoan” và “trung thành với Chúa”. Tuy nhiên, nhiều anh em lại muốn hoãn cuộc bầu cử này sáu tháng. Nhóm pháp lý từng bào chữa cho các anh bị tù đã đồng ý với đề nghị này. Bầu không khí trở nên căng thẳng khi tranh luận về những gì cần làm.
Anh Macmillan, người cũng ngồi tù, nhớ lại là sau ngày bầu cử, anh Rutherford gõ vào vách tường phòng giam của anh và nói: “Đưa tay anh ra”. Rồi anh Rutherford đưa cho anh Macmillan một bức điện tín. Trong đó chỉ có vài chữ và anh Macmillan hiểu ngay ý nghĩa của nó. Bức điện có ghi: “RUTHERFORD WISE VAN BARBER ANDERSON BULLY VÀ SPILL CHỦ TỊCH BA ĐẦU VIÊN CHỨC YÊU TẤT CẢ”. Thông điệp này có nghĩa là tất cả các giám đốc đều được tái cử; anh Joseph Rutherford và anh William Van Amburg giữ nguyên là viên chức. Vì thế, anh Rutherford sẽ tiếp tục làm chủ tịch.
ĐƯỢC TRẢ TỰ DO!
Trong khi tám anh ngồi tù, các Học viên Kinh Thánh trung thành đã viết đơn và thu thập chữ ký để đề nghị trả tự do cho các anh. Những anh chị can đảm này thu thập được hơn 700.000 chữ ký. Vào thứ tư, ngày 26-3-1919, anh Rutherford và những anh khác được trả tự do, trước khi anh em chúng ta đệ đơn.
Khi nói chuyện với nhóm anh chị chào đón anh trở về, anh Rutherford nói: “Tôi tin chắc trải nghiệm này chuẩn bị chúng ta cho thời kỳ khó khăn hơn... Cuộc chiến của anh chị có ý nghĩa nhiều hơn là nhằm mục đích giúp chúng tôi được ra tù. Đó không phải là vấn đề chính... Cuộc chiến anh chị thực hiện là để làm chứng cho chân lý, và những anh chị làm công việc này nhận được ân phước tuyệt vời”.
Những điều diễn ra xung quanh vụ xét xử anh em chúng ta cho thấy có lẽ Đức Giê-hô-va đang hướng dẫn vấn đề. Ngày 14-5-1919, tòa kháng án phán quyết: “Các bị cáo trong vụ án này không được xét xử công bằng... như họ đáng được, và vì lý do đó mà phán quyết được đảo ngược”. Trước đó, các anh của chúng ta đã bị kết án phạm tội nghiêm trọng, nếu tòa kháng án không đảo ngược phán quyết thì các anh này sẽ có tiền án dù được tha hay giảm tội. Đồng thời, tòa kháng án cũng không cáo buộc các anh tội nào khác. Thế nên, Thẩm Phán Rutherford vẫn hội đủ điều kiện pháp lý để bênh vực cho dân của Đức Giê-hô-va trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, và anh đã làm thế nhiều lần sau khi được trả tự do.
QUYẾT TÂM RAO GIẢNG
Anh Macmillan nhớ lại: “Chúng tôi sẽ không khoanh tay ngồi đợi Chúa mang mình về trời. Chúng tôi nhận ra là phải làm điều gì đó để biết rõ ý muốn của Chúa”.
Nhưng các anh ở trụ sở không tiếp tục công việc mà họ từng làm trong nhiều năm. Tại sao? Vì trong thời gian họ ở tù, các trục máy in đều bị phá hủy. Điều này khiến các anh nản lòng, và một số anh nghĩ có lẽ công việc rao giảng đã kết thúc.
Còn có ai hưởng ứng thông điệp Nước Trời mà Học viên Kinh Thánh rao giảng không? Để có câu trả lời, anh Rutherford quyết định trình bày một bài giảng. Tất cả công chúng được mời đến nghe bài giảng ấy. Anh Macmillan nói: “Nếu không có ai đến buổi họp đó thì có nghĩa là chúng ta đã làm xong việc”.
Vì thế vào chủ nhật, ngày 4-5-1919, dù bị bệnh nặng nhưng anh Rutherford vẫn trình bày bài giảng ở Los Angeles, California, với tựa đề: “Hy vọng cho nhân loại đang đau buồn”. Có khoảng 3.500 người đến tham dự, và hàng trăm người phải trở về vì không đủ chỗ. Ngày hôm sau, có thêm 1.500 người đến. Các anh của chúng ta đã có câu trả lời, đó là vẫn còn nhiều người chú ý!
Những điều các anh làm sau đó đã ảnh hưởng lớn tới công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va đến tận ngày nay.
SẴN SÀNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI
Tháp Canh ngày 1-8-1919 thông báo là vào đầu tháng 9 sẽ có một hội nghị được tổ chức ở Cedar Point, Ohio. Anh Clarence Beaty, một Học viên Kinh Thánh trẻ đến từ Missouri, nhớ lại: “Ai cũng được thúc đẩy để tham dự hội nghị đó”. Có hơn 6.000 người đến dự hội nghị; ngoài sự mong đợi của họ.
Điều vui mừng khác là vào dịp này có hơn 200 người báp-têm ở hồ Erie gần đó.Ngày 5-9-1919, ngày thứ năm của hội nghị, trong bài giảng “Lời ngỏ cho các đồng sự”, anh Rutherford ra mắt tạp chí mới, gọi là Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age). * Tạp chí này “đề cập đến những vấn đề thời sự, đưa ra sự giải thích dựa trên Kinh Thánh cho biết tại sao những biến cố này diễn ra”.
Tất cả các Học viên Kinh Thánh được khuyến khích dạn dĩ rao giảng bằng ấn phẩm mới. Trong lá thư chỉ dẫn về cách tổ chức công việc này có ghi: “Mỗi tín đồ đã báp-têm nên xem việc phụng sự Đức Giê-hô-va là đặc ân và nên nắm bắt cơ hội để góp phần vào cuộc làm chứng rộng lớn này”. Rất nhiều người đã hưởng ứng lời mời rao giảng! Tính đến tháng 12, đã có hơn 50.000 phiếu đặt tạp chí dài hạn.
Đến cuối năm 1919, dân Đức Giê-hô-va được tổ chức lại và được thêm sức. Không những thế, nhiều lời tiên tri quan trọng về ngày sau cùng được ứng nghiệm. Cuộc thử thách và tinh luyện dân Đức Chúa Trời, như được báo trước nơi Ma-la-chi 3:1-4, đã hoàn tất. Dân Đức Giê-hô-va được thoát khỏi sự giam cầm theo nghĩa bóng của “Ba-by-lôn Lớn”, và Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” * (Khải 18:2, 4; Mat 24:45). Giờ đây Học viên Kinh Thánh đã sẵn sàng để thực hiện công việc mà Đức Giê-hô-va muốn họ làm.
^ đ. 22 Tạp chí Thời Đại Hoàng Kim được đổi tên thành An Ủi (Consolation) vào năm 1937 và Tỉnh Thức! vào năm 1946.