Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 43

Dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc

Dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc

Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc”.NA 1:2.

BÀI HÁT 51 Chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời!

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta thờ phượng một cách chuyên độc?

Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta thờ phượng một cách chuyên độc, vì ngài là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống (Khải 4:11). Tuy nhiên, chúng ta đối mặt với một thử thách. Dù yêu mến và tôn kính Đức Giê-hô-va nhưng chúng ta có thể xem trọng những điều khác đến mức không còn dành cho ngài lòng sùng kính chuyên độc nữa. Điều này có thể xảy ra như thế nào? Trước hết, hãy xem việc dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc có nghĩa gì.

2. Theo Xuất Ai Cập 34:14, chúng ta sẽ không làm gì nếu dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc?

2 Trong Kinh Thánh, lòng sùng kính với Đức Chúa Trời có liên hệ chặt chẽ với việc yêu thương ngài sâu đậm. Khi dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc, chúng ta chỉ thờ phượng một mình ngài mà thôi. Chúng ta không để bất cứ ai hay điều gì chiếm chỗ của Đức Giê-hô-va trong lòng mình.—Đọc Xuất Ai Cập 34:14.

3. Tại sao lòng sùng kính của chúng ta với Đức Giê-hô-va không phải là không có cơ sở?

3 Lòng sùng kính của chúng ta với Đức Giê-hô-va không phải là không có cơ sở. Tại sao? Vì lòng sùng kính ấy dựa trên những sự thật quý giá mà chúng ta học được về ngài. Chúng ta quý trọng những phẩm chất tốt đẹp của ngài. Chúng ta biết và có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về những điều ngài yêu và ghét. Chúng ta hiểu và ủng hộ ý định của ngài dành cho nhân loại, và cảm thấy vinh dự khi được làm bạn ngài (Thi 25:14). Mỗi điều học được về Đấng Tạo Hóa giúp chúng ta đến gần ngài hơn.—Gia 4:8.

4. (a) Ác Quỷ dùng điều gì để khiến chúng ta không còn dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Ác Quỷ đang kiểm soát thế gian này. Hắn dùng thế gian để lợi dụng những ước muốn tự nhiên và khuynh hướng xác thịt của con người (Ê-phê 2:1-3; 1 Giăng 5:19). Ác Quỷ muốn chúng ta yêu những thứ khác để rồi không còn dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc. Hãy xem hai cách hữu hiệu mà hắn dùng để làm điều này. Thứ nhất, Ác Quỷ cám dỗ chúng ta theo đuổi của cải vật chất, và thứ hai, hắn cố tác động để chúng ta có những lựa chọn thiếu khôn ngoan trong việc giải trí.

ĐỀ PHÒNG TINH THẦN HAM MÊ VẬT CHẤT

5. Tại sao chúng ta phải đề phòng tinh thần ham mê vật chất?

5 Mong muốn tự nhiên của chúng ta là có đủ cơm ăn, áo mặc và chỗ ở tươm tất. Tuy nhiên, chúng ta phải đề phòng tinh thần ham mê vật chất. Ngày nay, nhiều người ham tiền và yêu những thứ mà tiền mua được (2 Ti 3:2). Chúa Giê-su biết các môn đồ có thể bị cám dỗ bởi tinh thần này. Ngài nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh thường chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi Tiền Của” (Mat 6:24). Nếu một người đang thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng lại dành quá nhiều thời gian và công sức để có được của cải vật chất, thì theo nghĩa nào đó, người ấy đang cố làm tôi hai chủ. Người ấy sẽ không thể dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc.

Quan điểm của người Lao-đi-xê về bản thân... quan điểm của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về họ (Xem đoạn 6)

6. Qua những lời Chúa Giê-su nói với hội thánh Lao-đi-xê, chúng ta có thể rút ra bài học nào?

6 Gần cuối thế kỷ thứ nhất CN, các thành viên trong hội thánh Lao-đi-xê đã khoe rằng họ “giàu có, tích lũy được nhiều của cải và chẳng cần gì cả”. Nhưng trước mắt Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, họ “khốn khổ, đáng thương hại, nghèo nàn, mù lòa và trần truồng”. Chúa Giê-su cho họ lời khuyên không phải vì họ giàu có, mà vì họ đã để lòng ham mê vật chất gây tổn hại đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va (Khải 3:14-17). Nếu nhận thấy mình đang nuôi dưỡng ước muốn theo đuổi của cải vật chất, chúng ta phải nhanh chóng hành động để điều chỉnh lối suy nghĩ (1 Ti 6:7, 8). Nếu không thì lòng chúng ta sẽ không còn trọn vẹn, và Đức Giê-hô-va sẽ không chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta. Đức Giê-hô-va “đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc” (Phục 4:24). Điều gì có thể khiến chúng ta đánh mất quan điểm thăng bằng về của cải vật chất?

7-9. Anh chị rút ra bài học nào từ kinh nghiệm của anh David?

7 Hãy xem kinh nghiệm của anh David, một trưởng lão tận tụy ở Hoa Kỳ. Anh cho biết trước kia mình luôn cống hiến hết lòng cho công việc tại sở làm. Anh được thăng tiến và thậm chí, ở trong nước, anh được xem là một trong những nhân viên xuất sắc nhất thuộc lĩnh vực anh đang làm. Anh David chia sẻ: “Lúc đó, tôi nghĩ những thành quả đạt được là nhờ Đức Giê-hô-va ban phước”. Nhưng điều anh nghĩ có đúng không?

8 Anh bắt đầu nhận ra công việc ngoài đời đang ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Anh cho biết: “Khi dự nhóm họp và tham gia thánh chức, đầu óc tôi cứ nghĩ đến công việc. Lúc ấy, dù thu nhập rất khá, nhưng tôi ngày càng cảm thấy căng thẳng. Hôn nhân thì cũng gặp trục trặc”.

9 Anh nhận thấy mình cần xem xét lại thứ tự ưu tiên. Anh nói: “Tôi quyết tâm điều chỉnh”. Anh sắp xếp lại lịch làm việc và nói chuyện với giám đốc về vấn đề này. Kết quả là gì? Anh bị sa thải! Nhưng anh phản ứng thế nào? Anh kể: “Ngay ngày hôm sau, tôi xin làm tiên phong phụ trợ liên tục”. Để có tiền trang trải đời sống, vợ chồng anh đã làm công việc lau dọn. Một thời gian sau, anh làm tiên phong đều đều, rồi vợ anh cũng trở thành tiên phong. Cặp vợ chồng này đã chọn làm công việc mà nhiều người trong thế gian xem thường, nhưng đối với họ, tính chất công việc không phải là vấn đề quan trọng nhất. Dù thu nhập của anh chị ấy giảm xuống còn một phần mười so với trước đây, nhưng mỗi tháng họ vẫn trang trải được các chi phí trong đời sống. Họ muốn đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu và cảm nghiệm được rõ bàn tay chăm sóc của ngài khi ưu tiên cho quyền lợi Nước Trời.—Mat 6:31-33.

10. Chúng ta có thể bảo vệ lòng bằng cách nào?

10 Dù có nhiều hay ít của cải vật chất, chúng ta cần bảo vệ lòng mình. Bằng cách nào? Hãy tránh tinh thần ham mê vật chất. Đừng để công việc ngoài đời trở thành điều quan trọng hơn việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Làm thế nào để biết mình có đang đặt công việc hoặc của cải vật chất lên hàng đầu hay không? Hãy tự hỏi: “Mình có thường nghĩ đến công việc khi tham dự nhóm họp hay khi đi rao giảng không? Mình có luôn lo sợ rằng sau này sẽ không có tiền để đảm bảo cho cuộc sống không? Tiền bạc và vật chất có khiến hôn nhân của mình gặp vấn đề? Mình có sẵn sàng làm những việc mà người khác xem là thấp kém để có nhiều thời gian hơn phụng sự Đức Giê-hô-va không?” (1 Ti 6:9-12). Khi xem xét các câu hỏi này, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta và sẽ thực hiện lời hứa sau với những người có lòng sùng kính với ngài: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con”. Đó là lý do mà sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy giữ lối sống không ham tiền”.—Hê 13:5, 6.

KHÔN NGOAN TRONG VIỆC GIẢI TRÍ

11. Việc giải trí có thể tác động đến một người như thế nào?

11 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta yêu thích cuộc sống và việc giải trí có thể giúp chúng ta cảm thấy như thế. Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Không có gì tốt hơn cho một người là ăn uống và tìm niềm vui trong việc khó nhọc của mình” (Truyền 2:24). Tuy nhiên, nhiều loại giải trí trong thế gian này có thể ảnh hưởng tai hại đến chúng ta. Những loại giải trí ấy hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức, khuyến khích người ta chấp nhận, thậm chí yêu thích, những điều mà Lời Đức Chúa Trời lên án.

Ai đang “chế biến” chương trình giải trí cho anh chị? (Xem đoạn 11-14) *

12. Theo 1 Cô-rinh-tô 10:21, 22, tại sao chúng ta cần cẩn thận lựa chọn loại giải trí?

12 Chúng ta muốn dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc, vì thế chúng ta không thể vừa ăn tại “bàn của Đức Giê-hô-va” lại vừa ăn tại “bàn của các quỷ”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:21, 22). Việc dùng bữa chung với một người thường là dấu hiệu của tình bạn. Nếu chúng ta chọn loại giải trí cổ vũ sự hung bạo, ma thuật, gian dâm hoặc thái độ và ham muốn xác thịt khác, thì chẳng khác nào đang ăn cùng với kẻ thù của Đức Chúa Trời và ăn những thứ mà chúng chế biến. Khi làm thế, chúng ta không chỉ gây hại cho chính mình mà còn làm xói mòn tình bạn với Đức Giê-hô-va.

13, 14. Như những điều được nói nơi Gia-cơ 1:14, 15, tại sao chúng ta phải cẩn thận lựa chọn loại giải trí? Hãy minh họa.

13 Hãy xem việc giải trí giống với việc ăn uống như thế nào. Khi ăn, chúng ta có thể kiểm soát được những thứ mình đưa vào miệng. Nhưng sau khi nuốt thức ăn, quá trình tiêu hóa tự động diễn ra, và những chất trong thức ăn sẽ được cơ thể hấp thu. Nếu ăn đồ bổ dưỡng thì cơ thể chúng ta sẽ khỏe mạnh, còn nếu ăn đồ không tốt thì sẽ dễ mắc bệnh. Ảnh hưởng này có thể không được thấy rõ sau một đêm, nhưng với thời gian, chúng ta sẽ nhận ra.

14 Tương tự thế, khi giải trí, chúng ta có thể chọn những điều được đưa vào tâm trí mình. Nhưng sau đó, quá trình ảnh hưởng đến lòng và trí sẽ diễn ra một cách tự động. Việc giải trí lành mạnh có thể giúp chúng ta được tươi tỉnh, nhưng việc giải trí không lành mạnh sẽ gây hại cho chúng ta. (Đọc Gia-cơ 1:14, 15). Những ảnh hưởng của việc giải trí không lành mạnh có thể không được thấy rõ trong một sớm một chiều, nhưng chúng ta sẽ nhận ra sau một thời gian. Vì thế, Kinh Thánh cảnh báo chúng ta: “Đừng để bị lừa dối: Đức Chúa Trời không để bị khinh thường đâu. Vì ai gieo gì sẽ gặt nấy; người gieo theo xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự mục nát” (Ga 6:7, 8). Việc tránh tất cả những loại giải trí cổ vũ điều Đức Giê-hô-va ghét thật quan trọng biết bao!—Thi 97:10.

15. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà nào?

15 Nhiều người trong vòng dân của Đức Giê-hô-va rất thích xem Kênh truyền thông JW, là kênh truyền hình trực tuyến của Nhân Chứng. Một chị tên là Marilyn cho biết: “Kênh truyền thông đã giúp tôi lạc quan hơn. Tôi không phải chọn lọc nội dung. Khi cảm thấy cô đơn hoặc nản lòng, tôi nghe một bài giảng khích lệ hoặc xem chương trình Thờ phượng buổi sáng. Nhờ thế, tôi đến gần Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài hơn. Kênh truyền thông đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi”. Anh chị có đang nhận lợi ích trọn vẹn từ món quà này của Đức Giê-hô-va không? Ngoài chương trình mới hằng tháng, Kênh truyền thông cũng có nhiều video, phần thu âm và những bài hát rất hay.

16, 17. Tại sao chúng ta cần kiểm soát thời lượng giải trí, và chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

16 Chúng ta không những phải cẩn thận chọn lọc loại giải trí mà còn phải kiểm soát thời lượng giải trí. Nếu không, có lẽ chúng ta chỉ chăm chăm vào việc giải trí và lơ là việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhiều người thấy khó kiểm soát thời lượng giải trí. Một chị 18 tuổi là Abigail chia sẻ: “Xem ti-vi giúp tôi cảm thấy thư giãn sau một ngày bận rộn. Nhưng nếu không để ý thì tôi có thể ngồi hàng giờ trước màn hình”. Một anh trẻ tuổi là Samuel cho biết: “Tôi nhận ra mình xem hết video này đến video khác trên mạng. Lúc đầu, tôi chỉ định xem một video ngắn thôi, nhưng không ngờ tôi cứ xem miết ba đến bốn tiếng đồng hồ”.

17 Làm thế nào để kiểm soát thời lượng giải trí? Bước đầu tiên là tính xem anh chị dành bao nhiêu thời gian cho việc này. Sao không thử theo dõi thời lượng giải trí trong một tuần? Hãy viết trên lịch xem mình dành bao nhiêu giờ để xem ti-vi, lướt mạng và chơi điện tử. Nếu thấy mình dành quá nhiều thời gian để giải trí, hãy cố gắng lập một thời gian biểu. Hãy phân bổ thời gian để làm những việc quan trọng trước, rồi mới sắp xếp thời gian cho việc giải trí. Sau đó, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị theo sát thời gian biểu này. Khi làm thế, anh chị sẽ có đủ thời gian và sức lực để học Kinh Thánh cá nhân, duy trì buổi thờ phượng của gia đình, tham dự nhóm họp, đi rao giảng và dạy dỗ về Đức Giê-hô-va. Nếu đặt việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu, anh chị cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong lúc giải trí.

LUÔN DÀNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÒNG SÙNG KÍNH CHUYÊN ĐỘC

18, 19. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc?

18 Sau khi được soi dẫn để viết về sự kết thúc của thế gian và thế giới mới sắp đến, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: “Hỡi anh em yêu dấu, vì anh em đang chờ đợi những điều ấy nên hãy gắng hết sức để cuối cùng được ngài xét thấy là không tì, không vết và có sự hòa thuận” (2 Phi 3:14). Khi làm theo lời khuyên này và cố gắng hết sức để giữ thanh sạch cả về mặt đạo đức lẫn thiêng liêng, chúng ta cho thấy mình dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc.

19 Sa-tan và thế gian của hắn sẽ tiếp tục cám dỗ để khiến chúng ta đặt những điều khác trong đời sống lên hàng đầu thay vì Đức Giê-hô-va (Lu 4:13). Nhưng dù gặp khó khăn, thử thách nào đi nữa, chúng ta sẽ không để bất cứ ai hay điều gì chiếm chỗ của Đức Giê-hô-va trong lòng chúng ta. Chúng ta quyết tâm dành cho Đức Giê-hô-va điều mà chỉ mình ngài xứng đáng nhận, đó là lòng sùng kính chuyên độc!

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi

^ đ. 5 Chúng ta quý trọng đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng ta có đang thờ phượng một mình ngài không? Những quyết định mà chúng ta đưa ra sẽ cho thấy câu trả lời. Hãy xem xét hai khía cạnh trong đời sống giúp chúng ta biết mình có thật sự dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc không.

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Chúng ta không muốn ăn thực phẩm mất vệ sinh được nấu trong một căn bếp dơ bẩn. Thế thì, tại sao chúng ta lại muốn xem những chương trình giải trí có nội dung hung bạo, ma thuật hoặc vô luân?