Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người ta cần được nghe lời cảnh báo, vì “cơn bão” của Đức Chúa Trời đang đến gần!

Sự phán xét của Đức Chúa Trời—Ngài có luôn cho đủ thời gian để hành động?

Sự phán xét của Đức Chúa Trời—Ngài có luôn cho đủ thời gian để hành động?

Một chuyên viên dự báo thời tiết kiểm tra hình ảnh ra-đa và thấy có cơn bão nguy hiểm sắp đổ bộ vào một khu vực đông dân. Vì quan tâm đến sự an nguy của người ta, người ấy cố gắng làm mọi điều có thể để cảnh báo họ trước khi quá trễ.

Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng đang cảnh báo dân cư trên đất về một “cơn bão” dữ dội hơn bất cứ cơn bão nào mà họ từng nghe trên bản tin thời tiết. Ngài làm thế bằng cách nào? Và tại sao chúng ta có thể tin chắc là ngài cho người ta đủ thời gian để hành động? Để trả lời, hãy cùng xem một số lời cảnh báo mà Đức Giê-hô-va từng đưa ra trong quá khứ.

NHỮNG LỜI CẢNH BÁO ĐẾN TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI

Vào thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đưa ra lời cảnh báo về “những cơn bão”, tức sự phán xét, mà ngài sẽ giáng trên những ai cố tình chống lại mệnh lệnh của ngài (Châm 10:25; Giê 30:23). Trong mỗi trường hợp, ngài đều cảnh báo những người bất phục tùng và cho biết họ phải thay đổi những gì để làm hài lòng ngài (2 Vua 17:12-15; Nê 9:29, 30). Để khuyến khích người ta chọn theo đường đúng, ngài thường dùng các tôi tớ trung thành trên đất để rao truyền sự phán xét và giúp người ta hiểu được tầm quan trọng của việc nhanh chóng hành động.—A-mốt 3:7.

Nô-ê là một trong những người mà Đức Chúa Trời dùng để thông báo về sự phán xét của ngài. Trong nhiều năm, ông can đảm cảnh báo những người vào thời của ông, là những người gian dâm và hung bạo, về trận Đại Hồng Thủy sắp xảy ra (Sáng 6:9-13, 17). Ông cũng cho biết họ cần làm gì để được cứu; ông cảnh báo người ta nhiều đến mức ông được gọi là “người rao giảng sự công chính”.—2 Phi 2:5.

Bất kể mọi nỗ lực của Nô-ê, người trong thế gian gian ác thời đó lờ đi thông điệp từ Đức Chúa Trời. Họ cho thấy mình thiếu đức tin một cách trầm trọng. Hậu quả là trận Đại Hồng Thủy “đến cuốn trôi hết thảy họ” (Mat 24:39; Hê 11:7). Khi sự hủy diệt gần kề, họ không có cớ để nói rằng Đức Chúa Trời không cảnh báo họ.

Vào những thời điểm khác, Đức Giê-hô-va cảnh báo người ta một khoảng thời gian ngắn trước khi “cơn bão” sự phán xét bắt đầu. Dù vậy, ngài vẫn đảm bảo là người ta có đủ thời gian để hành động. Chẳng hạn, ngài đưa ra những lời cảnh báo trước khi giáng Mười Tai Vạ trên Ai Cập thời xưa. Một ví dụ là Đức Giê-hô-va phái Môi-se và A-rôn đến cảnh báo Pha-ra-ôn và tôi tớ của ông về tai vạ thứ bảy là một trận mưa đá thảm khốc. Trận mưa đá sẽ xảy ra vào ngày kế tiếp, vậy họ có đủ thời gian để tìm nơi ẩn náu và thoát khỏi cơn bão không? Kinh Thánh cho biết: “Trong vòng tôi tớ của Pha-ra-ôn, những người kính sợ lời Đức Giê-hô-va đều nhanh chóng đem các đầy tớ cùng súc vật vào nhà, nhưng những kẻ không để tâm đến lời Đức Giê-hô-va thì để đầy tớ và súc vật ở ngoài đồng” (Xuất 9:18-21). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va cho họ đủ thời gian, nhờ đó những ai nhanh chóng hành động thì được thoát khỏi hậu quả tồi tệ nhất của tai vạ ấy.

Pha-ra-ôn và tôi tớ của ông cũng được cảnh báo trước khi tai vạ thứ mười xảy đến. Tuy nhiên, họ đã dại dột bác bỏ lời cảnh báo ấy (Xuất 4:22, 23). Hậu quả là họ phải chứng kiến con đầu lòng của mình chết. Thật bi thảm! (Xuất 11:4-10; 12:29). Người ta có đủ thời gian để hưởng ứng lời cảnh báo ấy trước khi quá trễ không? Có! Môi-se ngay lập tức cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên về tai vạ thứ mười và hướng dẫn họ cách để cứu gia đình mình (Xuất 12:21-28). Có bao nhiêu người hưởng ứng trước lời cảnh báo ấy? Theo một số ước tính, có khoảng ba triệu người, trong đó có người Y-sơ-ra-ên và “rất đông người ngoại quốc”, tức những người không phải dân Y-sơ-ra-ên, kể cả người Ai Cập, được thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời và rời Ai Cập.—Xuất 12:38, chú thích.

Như những ví dụ trên cho thấy, Đức Giê-hô-va luôn đảm bảo rằng người ta có đủ thời gian để hưởng ứng lời cảnh báo của ngài (Phục 32:4). Điều gì thúc đẩy Đức Chúa Trời làm thế? Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích rằng Đức Giê-hô-va “chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Đúng thế, Đức Chúa Trời quan tâm đến người ta. Ngài muốn họ ăn năn và làm theo lời khuyên của ngài trước khi sự phán xét ập đến.—Ê-sai 48:17, 18; Rô 2:4.

HƯỞNG ỨNG TRƯỚC LỜI CẢNH BÁO NGÀY NAY

Ngày nay, tất cả mọi người cũng cần hưởng ứng trước lời cảnh báo cấp bách đang được rao truyền khắp đất. Khi Chúa Giê-su ở trên đất, ngài cảnh báo rằng thế gian này cuối cùng sẽ bị hủy diệt trong “hoạn nạn lớn” (Mat 24:21). Chúa Giê-su cung cấp một lời tiên tri chi tiết về những điều mà các môn đồ sẽ chứng kiến và trải qua khi thời điểm ấy đến gần. Chúa Giê-su miêu tả những biến cố quan trọng trên toàn cầu mà chúng ta đang thấy ngày nay.—Mat 24:3-12; Lu 21:10-13.

Phù hợp với lời tiên tri ấy, Đức Giê-hô-va đang khuyến giục mọi người phục tùng sự cai trị yêu thương của ngài. Ngài mong muốn những người biết vâng lời sẽ được hưởng đời sống tốt hơn ngay bây giờ và những ân phước trong thế giới mới công chính (2 Phi 3:13). Để giúp người ta đặt đức tin nơi những lời hứa ấy, Đức Giê-hô-va đã cung cấp một thông điệp cứu mạng, là ‘tin mừng về Nước Trời’ mà Chúa Giê-su đã báo trước là “sẽ được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân” (Mat 24:14). Đức Chúa Trời tổ chức các tôi tớ chân chính của ngài để “làm chứng”, hay rao truyền về thông điệp ấy trong khoảng 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đức Giê-hô-va muốn càng nhiều người càng tốt được nghe về lời cảnh báo và thoát khỏi “cơn bão” sự phán xét công chính của ngài.—Xô 1:14, 15; 2:2, 3.

Thế nên, câu hỏi quan trọng không phải là Đức Giê-hô-va có luôn cho người ta đủ thời gian để hành động trước lời cảnh báo của ngài hay không. Bằng chứng cho thấy là ngài luôn cho người ta đủ thời gian. Thay vì thế, câu hỏi quan trọng là: Người ta sẽ hưởng ứng lời cảnh báo của Đức Chúa Trời trong khi còn thời gian không? Mong sao với tư cách là người rao truyền thông điệp của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tiếp tục giúp càng nhiều người càng tốt để sống sót qua sự hủy diệt của thế gian này.