Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 42

Anh chị sẽ trở thành bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va muốn không?

Anh chị sẽ trở thành bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va muốn không?

“Đức Chúa Trời thêm sinh lực cho anh em và ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để hành động”.—PHI-LÍP 2:13.

BÀI HÁT 104 Thần khí—Món quà từ Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va có thể làm gì để hoàn thành ý định của ngài?

Đức Giê-hô-va có thể trở thành mọi vai trò cần thiết để hoàn thành ý định của ngài. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va trở thành Đấng Dạy Dỗ, Đấng An Ủi, Đấng Truyền Giảng Tin Mừng, và đây chỉ là một vài trong nhiều vai trò mà ngài chọn trở thành (Ê-sai 48:17; 2 Cô 7:6; Ga 3:8). Dù vậy, ngài thường dùng con người để thực hiện ý định của ngài (Mat 24:14; 28:19, 20; 2 Cô 1:3, 4). Đức Giê-hô-va cũng có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để trở thành bất cứ điều gì hầu thực thi ý định của ngài. Đây là ý nghĩa của danh Đức Giê-hô-va và là cách hiểu của một số học giả.

2. (a) Có lẽ điều gì khiến một người nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không dùng họ? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Tất cả chúng ta đều muốn được hữu dụng trong tay Đức Giê-hô-va, nhưng có lẽ một số người không nghĩ rằng Đức Giê-hô-va đang dùng họ. Tại sao? Vì họ cảm thấy bị giới hạn về tuổi tác, hoàn cảnh hoặc khả năng. Tuy nhiên, số khác có lẽ hài lòng với những gì họ đang làm và cho là không cần làm thêm gì nữa. Bài này sẽ thảo luận cách Đức Giê-hô-va có thể trang bị cho bất cứ ai trong chúng ta để thực hiện ý định của ngài. Rồi chúng ta sẽ xem những lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi tớ ngài, cả nam lẫn nữ, ước muốn và sức mạnh để hành động. Cuối cùng, hãy xem làm thế nào chúng ta có thể để Đức Giê-hô-va dùng.

CÁCH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRANG BỊ CHO CHÚNG TA

3. Như lời hứa nơi Phi-líp 2:13, làm thế nào Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta ước muốn để hành động?

3 Đọc Phi-líp 2:13. * Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta ước muốn để hành động. Ngài làm thế bằng cách nào? Có lẽ chúng ta nhận ra hội thánh có nhu cầu cụ thể nào đó. Hoặc khi nghe các trưởng lão đọc lá thư từ văn phòng chi nhánh cho biết có một nơi cần sự giúp đỡ. Vì thế, có lẽ chúng ta tự hỏi: “Mình có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu này?”. Hoặc khi được giao một nhiệm vụ khó, chúng ta thắc mắc liệu mình có thể chu toàn nhiệm vụ ấy không. Hay sau khi đọc một đoạn Kinh Thánh, có lẽ chúng ta nghĩ: “Mình có thể dùng đoạn này thế nào để giúp người khác?”. Sự thật là Đức Giê-hô-va không ép chúng ta làm bất cứ điều gì. Nhưng khi thấy chúng ta nghĩ về những điều mình có thể làm, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta có thêm ước muốn để thực hiện điều đó.

4. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta sức mạnh để hành động?

4 Đức Giê-hô-va cũng có thể ban cho chúng ta sức mạnh để hành động (Ê-sai 40:29). Ngài có thể ban thần khí thánh giúp chúng ta phát huy những khả năng vốn có (Xuất 35:30-35). Qua tổ chức của ngài, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta cách để thực hiện những nhiệm vụ được giao. Khi không biết cách thi hành một nhiệm vụ nào đó, hãy xin sự giúp đỡ. Ngoài ra, bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể xin Cha trên trời ban cho mình “sức lực hơn mức bình thường” (2 Cô 4:7; Lu 11:13). Kinh Thánh chứa đựng nhiều ví dụ cho thấy Đức Giê-hô-va trang bị cho tôi tớ của ngài, cả nam lẫn nữ, qua việc ban cho họ ước muốn và sức mạnh để hành động. Khi xem những lời tường thuật này, hãy nghĩ về cách Đức Giê-hô-va có thể dùng anh chị để làm những điều tương tự.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÚP NGƯỜI NAM TRỞ THÀNH VAI TRÒ CẦN THIẾT

5. Chúng ta rút ra bài học nào liên quan đến thời điểm Đức Giê-hô-va dùng Môi-se để giải cứu dân ngài?

5 Đức Giê-hô-va giúp Môi-se trở thành người giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng ngài đã dùng ông vào thời điểm nào? Có phải là lúc Môi-se cảm thấy sẵn sàng sau khi ông “được dạy tất cả sự khôn ngoan của người Ai Cập”? (Công 7:22-25). Không, Đức Giê-hô-va chỉ dùng Môi-se sau khi ngài uốn nắn ông trở thành một người khiêm nhường và ôn hòa (Công 7:30, 34-36). Ngài ban cho Môi-se sự can đảm để đứng trước nhà cai trị quyền lực nhất Ai Cập (Xuất 9:13-19). Chúng ta rút ra bài học nào liên quan đến thời điểm và cách Đức Giê-hô-va dùng Môi-se? Đức Giê-hô-va dùng những ai thể hiện các phẩm chất tin kính và nương cậy nơi sức của ngài.—Phi-líp 4:13.

6. Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va dùng Bát-xi-lai để giúp đỡ vua Đa-vít?

6 Nhiều thế kỷ sau, Đức Giê-hô-va dùng Bát-xi-lai để giúp đỡ vua Đa-vít. Có lần Đa-vít và những người theo ông cảm thấy “rất đói khát và mệt mỏi” khi chạy trốn khỏi Áp-sa-lôm, con trai ông. Một người đàn ông lớn tuổi là Bát-xi-lai cùng những người khác đã liều mạng để giúp đỡ Đa-vít và người của vua. Bát-xi-lai không cho rằng vì tuổi cao nên ông không còn hữu dụng trong tay Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, ông rộng rãi cung cấp những gì mình có để giúp đỡ tôi tớ của Đức Chúa Trời (2 Sa 17:27-29). Chúng ta học được gì? Bất kể tuổi tác, Đức Giê-hô-va có thể dùng chúng ta để giúp đỡ anh em đang thiếu thốn nhu cầu cơ bản, dù tại địa phương hay những nơi khác (Châm 3:27, 28; 19:17). Ngay cả khi không thể trực tiếp chăm sóc họ, chúng ta có thể đóng góp cho công việc toàn cầu để cứu trợ anh em tại những nơi cần sự giúp đỡ.—2 Cô 8:14, 15; 9:11.

7. Đức Giê-hô-va đã dùng Si-mê-ôn như thế nào, và tại sao điều này khích lệ chúng ta?

7 Đức Giê-hô-va hứa với Si-mê-ôn, người đàn ông lớn tuổi trung thành tại Giê-ru-sa-lem, là trước khi qua đời ông sẽ được thấy Đấng Mê-si. Lời hứa ấy hẳn rất khích lệ đối với Si-mê-ôn, vì ông đã chờ đợi Đấng Mê-si nhiều năm. Đức tin và sự chịu đựng của ông đã được ban thưởng. Ngày nọ, nhờ “được thần khí hướng dẫn” nên ông đã đến đền thờ. Tại đó, Si-mê-ôn thấy con trẻ Giê-su, và Đức Giê-hô-va đã dùng ông để nói tiên tri về con trẻ ấy, người sẽ trở thành Đấng Ki-tô (Lu 2:25-35). Rất có thể Si-mê-ôn không sống đến lúc Chúa Giê-su thi hành thánh chức trên đất, nhưng ông rất biết ơn về đặc ân mình có; và điều tuyệt vời nhất đang chờ đón ông trong tương lai! Trong thế giới mới, người đàn ông trung thành ấy sẽ được thấy sự cai trị của Chúa Giê-su mang lại vô vàn ân phước cho mọi dân trên đất (Sáng 22:18). Chúng ta cũng muốn biết ơn Đức Giê-hô-va về bất cứ đặc ân phụng sự nào ngài ban cho mình.

8. Đức Giê-hô-va có thể dùng chúng ta như cách ngài dùng Ba-na-ba như thế nào?

8 Vào thế kỷ thứ nhất CN, một người rộng rãi tên Giô-sép đã sẵn sàng để Đức Giê-hô-va dùng (Công 4:36, 37). Rất có thể Giô-sép là người hữu hiệu trong việc an ủi người khác, nên các sứ đồ gọi ông là Ba-na-ba, nghĩa là “con trai của sự an ủi”. Chẳng hạn, sau khi Sau-lơ trở thành người tin đạo, nhiều anh em ngần ngại đến gần ông vì ông từng bắt bớ các hội thánh. Tuy nhiên, Ba-na-ba đã đến an ủi và giúp Sau-lơ; hẳn Sau-lơ rất biết ơn điều này (Công 9:21, 26-28). Về sau, các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem nhận thấy anh em tại những nơi xa như An-ti-ốt thuộc xứ Sy-ri cần được khích lệ. Họ đã phái ai? Ba-na-ba! Đó là một quyết định rất hợp lý. Kinh Thánh cho biết Ba-na-ba đã “khích lệ mọi người quyết tâm luôn theo Chúa” (Công 11:22-24). Ngày nay Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp chúng ta trở thành “con trai của sự an ủi” cho anh em đồng đạo. Chẳng hạn, ngài có thể dùng chúng ta để an ủi những ai mất người thân. Hoặc ngài thúc đẩy chúng ta đến thăm hay gọi điện khích lệ những anh chị đang bị bệnh hoặc nản lòng. Anh chị sẽ để Đức Giê-hô-va dùng mình như ngài đã dùng Ba-na-ba không?—1 Tê 5:14.

9. Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va giúp anh Vasily trở thành người chăn chiên hữu hiệu?

9 Đức Giê-hô-va giúp một anh tên Vasily trở thành người chăn chiên hữu hiệu. Khi được bổ nhiệm làm trưởng lão ở tuổi 26, anh Vasily lo lắng rằng mình không đủ khả năng để giúp hội thánh về thiêng liêng, đặc biệt là những anh chị đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, anh nhận được sự huấn luyện từ các trưởng lão giàu kinh nghiệm và từ Trường thánh chức Nước Trời. Anh Vasily cũng nỗ lực để tiến bộ. Chẳng hạn, anh lập danh sách các mục tiêu ngắn hạn. Mỗi lần đạt được một điều, anh thấy tự tin hơn. Anh cho biết: “Điều từng khiến tôi lo lắng giờ đây mang lại cho tôi nhiều niềm vui. Khi Đức Giê-hô-va giúp tôi tìm đúng câu Kinh Thánh để an ủi một anh chị trong hội thánh, tôi cảm thấy rất thỏa nguyện”. Nếu các anh sẵn sàng để Đức Giê-hô-va dùng như anh Vasily, ngài có thể ban cho các anh khả năng để đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong hội thánh.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÚP NGƯỜI NỮ TRỞ THÀNH VAI TRÒ CẦN THIẾT

10. A-bi-ga-in đã làm gì, và chúng ta học được gì từ gương của bà?

10 Đa-vít và những người theo ông đang chạy trốn vua Sau-lơ, và họ cần sự giúp đỡ. Người của Đa-vít đã xin một người Y-sơ-ra-ên giàu có tên là Na-banh chút thức ăn. Họ nghĩ là họ có thể thoải mái xin vì đã bảo vệ bầy gia súc của Na-banh trong hoang mạc. Nhưng Na-banh ích kỷ và không cho họ bất cứ thứ gì. Đa-vít nổi giận và muốn giết Na-banh cùng hết thảy người nam trong nhà ông (1 Sa 25:3-13, 22). Tuy nhiên, người vợ xinh đẹp và khôn khéo của Na-banh là A-bi-ga-in can đảm đến gặp Đa-vít. Bà quỳ dưới chân Đa-vít và nài xin ông đừng vì muốn trả thù mà phạm tội đổ máu. Bà khéo léo khuyên Đa-vít hãy để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va. Những hành động và lời lẽ khiêm nhường của A-bi-ga-in động đến lòng Đa-vít. Ông nhận ra rằng chính Đức Giê-hô-va đã phái bà đến (1 Sa 25:23-28, 32-34). A-bi-ga-in đã vun trồng những phẩm chất giúp bà hữu dụng trong tay Đức Giê-hô-va. Tương tự, nếu vun trồng sự khôn khéo thì các nữ tín đồ có thể được Đức Giê-hô-va dùng để làm vững mạnh gia đình và anh chị trong hội thánh.—Châm 24:3; Tít 2:3-5.

11. Các con gái của Sa-lum đã làm gì, và những ai đang noi gương họ ngày nay?

11 Nhiều thế kỷ sau, các con gái của Sa-lum đã được Đức Giê-hô-va dùng để cùng những người khác sửa chữa tường thành Giê-ru-sa-lem (Nê 2:20; 3:12). Dù cha họ là quan, nhưng các con gái của Sa-lum đã sẵn sàng làm công việc khó nhọc và nguy hiểm ấy (Nê 4:15-18). Quả là sự tương phản với những người nam cao trọng ở Thê-cô-a! Họ “không chịu hạ mình xuống để tham gia công việc” (Nê 3:5). Hãy hình dung các con gái của Sa-lum vui mừng thế nào khi dự án hoàn tất chỉ trong 52 ngày! (Nê 6:15). Ngày nay, những chị tình nguyện rất vui khi được tham gia vào một khía cạnh đặc biệt là xây cất và bảo trì các tòa nhà được dâng cho Đức Giê-hô-va. Kỹ năng, lòng nhiệt huyết và sự trung thành của các chị đóng vai trò thiết yếu trong công việc này.

12. Đức Giê-hô-va có thể dùng chúng ta như cách ngài dùng Ta-bi-tha như thế nào?

12 Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy Ta-bi-tha làm ‘nhiều việc tốt và bố thí cho người nghèo’, đặc biệt là cho những góa phụ (Công 9:36). Bà là người rất rộng rãi và tử tế, vì thế nhiều người đã than khóc khi bà qua đời. Nhưng khi sứ đồ Phi-e-rơ làm cho bà sống lại thì họ vui mừng khôn xiết (Công 9:39-41). Chúng ta học được gì từ Ta-bi-tha? Dù trẻ hay lớn tuổi, nam hay nữ, tất cả chúng ta có thể làm những điều thực tế để giúp đỡ anh em đồng đạo.—Hê 13:16.

13. Đức Giê-hô-va đã dùng một chị có tính nhút nhát như thế nào, và chị đã chia sẻ điều gì?

13 Một chị có tính nhút nhát tên Ruth muốn trở thành giáo sĩ. Khi còn trẻ, chị thích đi thật nhanh từ nhà này sang nhà kia phân phát những tờ chuyên đề. Chị nói: “Tôi rất thích công việc này”. Nhưng việc trực tiếp đến nhà người ta để nói về Nước Trời là thử thách đối với chị. Dù nhút nhát, chị Ruth đã làm tiên phong đều đều khi 18 tuổi. Vào năm 1946, chị tham dự Trường Ga-la-át và sau đó phụng sự tại Hawaii và Nhật Bản. Đức Giê-hô-va đã dùng chị một cách hữu hiệu để chia sẻ tin mừng tại những vùng đất ấy. Sau gần 80 năm làm thánh chức, chị Ruth chia sẻ: “Đức Giê-hô-va là đấng đã giúp tôi vững mạnh. Ngài đã giúp tôi khắc phục tính nhút nhát. Tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể dùng bất cứ người nào đặt lòng tin cậy nơi ngài”.

HÃY SẴN SÀNG ĐỂ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DÙNG

14. Theo Cô-lô-se 1:29, chúng ta cần làm gì nếu muốn được Đức Giê-hô-va dùng?

14 Trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va đã dùng các tôi tớ ngài để thực hiện nhiều vai trò khác nhau. Ngài sẽ giúp anh chị trở thành những vai trò nào? Điều này phần lớn phụ thuộc vào việc anh chị nỗ lực đến mức nào. (Đọc Cô-lô-se 1:29). Nếu sẵn sàng đặt mình trong tay Đức Giê-hô-va, ngài có thể giúp anh chị trở thành người truyền giáo sốt sắng, người dạy dỗ hữu hiệu, người an ủi khéo léo, người làm việc tài giỏi, người bạn đáng tin cậy hoặc bất cứ vai trò nào cần thiết để hoàn thành ý muốn của ngài.

15. Theo 1 Ti-mô-thê 4:12, 15, các anh trẻ ngày nay nên nài xin Đức Giê-hô-va giúp họ làm gì?

15 Nói sao về những anh trẻ sắp đến tuổi trưởng thành? Hội thánh rất cần những anh tràn đầy năng lượng để đảm nhận trách nhiệm với tư cách là phụ tá. Nhiều hội thánh có số trưởng lão nhiều hơn số phụ tá. Các anh trẻ có thể vun trồng ước muốn gánh vác thêm trách nhiệm trong hội thánh không? Đôi khi một số anh nói: “Tôi hài lòng khi là một người công bố bình thường”. Nếu có cùng suy nghĩ ấy, hãy nài xin Đức Giê-hô-va giúp anh vun trồng ước muốn làm phụ tá và xin ngài ban sức mạnh để phụng sự ngài hết khả năng của mình (Truyền 12:1). Hội thánh cần sự trợ giúp của anh!—Đọc 1 Ti-mô-thê 4:12, 15.

16. Chúng ta nên xin Đức Giê-hô-va điều gì, và tại sao?

16 Đức Giê-hô-va có thể giúp anh chị trở thành bất cứ điều gì ngài muốn để hoàn thành ý định của ngài. Vì thế, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho anh chị ước muốn và sau đó là sức mạnh cần thiết để làm công việc ngài giao. Dù trẻ hay lớn tuổi, hãy dùng thời gian, năng lực và những điều quý giá khác để tôn vinh Đức Giê-hô-va ngay bây giờ (Truyền 9:10). Đừng bao giờ để nỗi lo lắng hay cảm giác thiếu khả năng khiến anh chị bỏ lỡ cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va hết mình. Quả là đặc ân khi được góp một phần nhỏ để mang lại sự vinh hiển cho đấng xứng đáng là Cha yêu thương của chúng ta!

BÀI HÁT 127 Tôi xem mình thuộc loại người nào

^ đ. 5 Anh chị có cảm thấy mình không thể làm nhiều cho Đức Giê-hô-va như mình muốn? Hay anh chị thắc mắc liệu mình có còn hữu dụng trong tay ngài không? Hay anh chị nghĩ là mình không cần làm nhiều hơn để phụng sự ngài? Bài này sẽ xem xét làm thế nào Đức Giê-hô-va ban cho anh chị ước muốn lẫn sức mạnh để trở thành bất cứ điều gì cần thiết hầu thực hiện ý định của ngài.

^ đ. 3 Dù Phao-lô viết lá thư này cho các tín đồ sống vào thế kỷ thứ nhất, nhưng những lời trong đó áp dụng cho tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va.