BÀI HỌC 42
Làm sao để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm?—Phần 2
“Hãy luôn để ý chính mình con cùng sự dạy dỗ của con”.—1 TI 4:16.
BÀI HÁT 77 Ánh sáng trong thế gian tăm tối
GIỚI THIỆU *
1. Làm sao chúng ta biết đào tạo môn đồ là một công việc cứu mạng?
Đào tạo môn đồ là một công việc cứu mạng! Làm sao chúng ta biết điều này? Khi Chúa Giê-su đưa ra mệnh lệnh nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20, ngài nói: ‘Hãy đi đào tạo môn đồ, làm phép báp-têm cho họ’. Việc chịu phép báp-têm quan trọng như thế nào? Đây là một đòi hỏi để nhận được sự cứu rỗi. Ứng viên báp-têm phải tin rằng sự cứu rỗi chỉ có được nhờ Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống làm giá chuộc và được sống lại. Đó là lý do sứ đồ Phi-e-rơ nói với anh em đồng đạo: “Phép báp-têm [đang] cứu anh em... bởi sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô” (1 Phi 3:21). Vì thế, khi một môn đồ mới chịu phép báp-têm, người ấy có triển vọng được cứu rỗi.
2. Theo 2 Ti-mô-thê 4:1, 2, chúng ta cần làm gì để dạy dỗ hữu hiệu?
2 Để đào tạo môn đồ, chúng ta cần trau dồi “nghệ thuật giảng dạy”. (Đọc 2 Ti-mô-thê 4:1, 2). Tại sao? Vì Chúa Giê-su lệnh cho chúng ta: ‘Hãy đi đào tạo môn đồ, dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em’. Sứ đồ Phao-lô nói hãy “kiên trì” trong công việc này, ‘vì làm như vậy thì sẽ cứu được chính mình và những người lắng nghe mình’. Thế nên, không lạ gì khi Phao-lô khuyên: ‘Hãy luôn để ý sự dạy dỗ của mình’ (1 Ti 4:16). Vì sự dạy dỗ liên kết chặt chẽ với việc đào tạo môn đồ nên chúng ta muốn dạy dỗ một cách tốt nhất.
3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?
3 Chúng ta đang đều đặn điều khiển hàng triệu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Nhưng như được nói trong bài trước, chúng ta muốn biết cách giúp càng nhiều người hơn trong số đó trở thành môn đồ đã báp-têm của Chúa Giê-su. Trong bài này, chúng ta sẽ xem thêm năm điều mà mỗi người dạy cần làm để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm.
ĐỂ KINH THÁNH DẠY DỖ
4. Tại sao người dạy nên tự chủ khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh? (Cũng xem chú thích).
4 Chúng ta yêu thích những gì mình dạy trong Lời Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta có khuynh hướng nói nhiều về những điều mình thích. Nhưng dù điều khiển Phần học Tháp Canh, Phần học Kinh Thánh của hội thánh hay cuộc học hỏi, người điều khiển không nên nói quá nhiều. Hãy để Kinh Thánh dạy dỗ. Điều này đòi hỏi người dạy cần tự chủ và không cố giải thích mọi điều mình biết về một đoạn hoặc một đề tài nào đó trong Kinh Thánh * (Giăng 16:12). Hãy nghĩ đến sự hiểu biết Kinh Thánh anh chị có hiện nay so với sự hiểu biết lúc mới báp-têm. Rất có thể lúc đó, anh chị chỉ hiểu những giáo lý căn bản (Hê 6:1). Cần nhiều năm để anh chị thu thập được kiến thức như bây giờ, vì thế đừng cố dạy học viên mọi điều cùng một lúc.
5. (a) Phù hợp với 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13, chúng ta muốn học viên hiểu gì về những điều họ học? (b) Làm thế nào để khuyến khích học viên bày tỏ quan điểm về điều người ấy đang học?
5 Chúng ta muốn học viên hiểu rằng những gì người ấy đang học là đến từ Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Chúng ta làm điều này bằng cách nào? Hãy khuyến khích học viên bày tỏ quan điểm về những điều mình đang học. Thay vì luôn giải thích câu Kinh Thánh cho học viên, hãy mời họ giải thích một vài câu. Giúp học viên thấy Lời Đức Chúa Trời mang lại lợi ích thế nào cho cá nhân họ. Hãy đặt câu hỏi gợi ý và thăm dò quan điểm để học viên nói lên suy nghĩ và cảm xúc về câu Kinh Thánh họ đọc (Lu 10:25-28). Chẳng hạn, hãy hỏi một số câu như: “Câu Kinh Thánh này giúp anh chị thấy được đức tính nào của Đức Giê-hô-va?”, “Anh chị nhận được lợi ích ra sao từ sự thật Kinh Thánh này?”, “Anh chị cảm thấy thế nào về điều mình vừa học?” (Châm 20:5). Điều quan trọng nhất không phải là học viên thu thập được bao nhiêu kiến thức, mà là người ấy yêu mến và áp dụng những gì mình học đến mức nào.
6. Tại sao việc mời một người có kinh nghiệm dạy dỗ cùng tham dự học hỏi là điều hữu ích?
6 Anh chị có bao giờ mời một công bố có kinh nghiệm dạy dỗ cùng tham dự học hỏi không? Nếu có, anh chị có thể hỏi ý kiến của người ấy về cách mình điều khiển và hỏi họ xem anh chị có đang để Kinh Thánh dạy dỗ không. Anh chị cần khiêm nhường nếu muốn cải thiện kỹ năng dạy dỗ. (So sánh Công vụ 18:24-26). Sau đó, hãy hỏi người công bố ấy xem họ có thấy học viên hiểu những sự thật trong Kinh Thánh không. Anh chị cũng có thể nhờ người công bố ấy điều khiển học hỏi nếu mình phải đi vắng một hoặc nhiều tuần. Điều đó sẽ giúp cuộc học hỏi diễn ra đều đặn và học viên sẽ thấy tầm quan trọng của việc học hỏi. Chúng ta không bao giờ muốn nghĩ rằng đây là học hỏi của mình nên không ai khác được điều khiển. Suy cho cùng, anh chị muốn điều tốt nhất cho học viên để người ấy có thể tiếp tục tiến bộ trong việc tìm hiểu chân lý.
DẠY VỚI LÒNG NHIỆT TÌNH VÀ NIỀM TIN CHẮC
7. Điều gì có thể giúp học viên thích thú hơn với những điều mình đang học?
7 Học viên cần thấy được lòng nhiệt tình và niềm tin chắc của anh chị về những sự thật trong Kinh Thánh (1 Tê 1:5). Rất có thể điều đó sẽ giúp học viên thích thú hơn với những điều mình đang học. Nếu thích hợp, hãy kể cho học viên nghe việc sống theo nguyên tắc Kinh Thánh đã giúp cá nhân anh chị như thế nào. Rồi họ sẽ nhận ra rằng sự hướng dẫn trong Kinh Thánh rất thiết thực và cũng có thể mang lại lợi ích cho chính họ.
8. Anh chị có thể làm gì khác để giúp học viên, và tại sao anh chị muốn làm thế?
8 Trong khi học hỏi, hãy kể cho học viên kinh nghiệm có thật của những người từng đương đầu với thử thách giống họ và đã vượt qua được. Anh chị có thể đi cùng một người trong hội thánh có những trải nghiệm có lẽ giúp ích cho học viên. Hoặc anh chị có thể tìm được những kinh nghiệm khích lệ trên jw.org trong loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống”. * Những bài và video như thế có thể giúp học viên thấy việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống là điều khôn ngoan.
9. Làm thế nào để khuyến khích học viên chia sẻ những gì họ học với gia đình và bạn bè?
9 Nếu học viên đã lập gia đình, người hôn phối của họ có đang học Kinh Thánh không? Nếu không, hãy mời người ấy cùng tham dự cuộc học hỏi. Khuyến khích học viên chia sẻ những gì họ học với gia đình và bạn bè (Giăng 1:40-45). Anh chị có thể làm điều này bằng cách hỏi: “Anh chị sẽ giải thích sự thật này cho gia đình như thế nào?” hoặc “Anh chị sẽ dùng câu Kinh Thánh nào để chứng minh điểm này với bạn bè?”. Khi làm thế, anh chị đang huấn luyện học viên trở thành người dạy dỗ. Rồi khi hội đủ điều kiện, người ấy có thể tham gia thánh chức với tư cách là người công bố chưa báp-têm. Anh chị cũng có thể hỏi xem học viên có biết ai khác muốn tìm hiểu Kinh Thánh không. Nếu có, hãy nhanh chóng liên lạc với người ấy và mời họ học Kinh Thánh. Hãy cho người ấy xem video Buổi tìm hiểu Kinh Thánh diễn ra như thế nào?. *
KHUYẾN KHÍCH HỌC VIÊN KẾT BẠN TRONG HỘI THÁNH
10. Theo 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8, làm thế nào người dạy có thể noi gương Phao-lô?
10 Người dạy nên tỏ lòng quan tâm chân thành đến học viên. Hãy xem họ như anh chị em thiêng liêng tương lai. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Hẳn không dễ để học viên từ bỏ bạn bè ngoài thế gian và thực hiện những thay đổi cần thiết để phụng sự Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta cần giúp họ tìm được bạn thật trong hội thánh. Hãy là bạn của học viên bằng cách dành thời gian với họ không chỉ khi học Kinh Thánh mà còn trong những dịp khác. Anh chị có thể gọi điện, nhắn tin hoặc đến thăm họ vào những ngày khác trong tuần, điều đó cho thấy anh chị thật sự quan tâm đến họ.
11. Chúng ta muốn học viên tìm được điều gì trong hội thánh, và tại sao?
11 Có câu ngạn ngữ nói rằng: “Cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Chúng ta cũng có thể nói: “Cần cả hội thánh để đào tạo một môn đồ”. Vì thế, những người dạy hữu hiệu thường giới thiệu học viên với các anh chị trong hội thánh có thể ảnh hưởng tốt đến học viên. Khi ấy, học viên sẽ vui thích kết hợp với dân Đức Chúa Trời và được họ hỗ trợ về mặt thiêng liêng lẫn cảm xúc. Chúng ta muốn mỗi học viên cảm thấy họ thuộc về hội thánh và là một phần trong gia đình thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta cũng muốn họ được thu hút đến với đoàn thể anh em nồng ấm và yêu thương. Nhờ đó, sẽ dễ hơn để học viên ngưng kết hợp với những người không giúp họ yêu mến Đức Giê-hô-va (Châm 13:20). Nếu bị bạn cũ từ bỏ, học viên biết mình có thể tìm được bạn thật trong tổ chức của Đức Chúa Trời.—Mác 10:29, 30; 1 Phi 4:4.
NHẤN MẠNH MỤC TIÊU DÂNG MÌNH VÀ BÁP-TÊM
12. Tại sao chúng ta nên nói với học viên về việc dâng mình và báp-têm?
12 Đừng ngại nói với học viên về việc dâng mình và báp-têm. Suy cho cùng, mục tiêu của chúng ta khi điều khiển
học hỏi là giúp một người trở thành môn đồ đã báp-têm. Nếu đã học đều đặn trong vài tháng và đặc biệt là nếu đã bắt đầu tham dự nhóm họp, học viên cần hiểu rằng mục tiêu của việc học hỏi Kinh Thánh là để giúp người ấy phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là Nhân Chứng của ngài.13. Học viên cần làm những bước nào để tiến bộ đến bước báp-têm?
13 Một học viên có lòng thành có thể tiến tới mục tiêu báp-têm bằng cách thực hiện từng bước. Trước hết, học viên cần tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, yêu thương và đặt đức tin nơi ngài (Giăng 3:16; 17:3). Rồi người ấy vun đắp mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và bắt đầu gắn bó với hội thánh (Hê 10:24, 25; Gia 4:8). Theo thời gian, họ sẽ từ bỏ những việc làm sai trái và ăn năn tội lỗi (Công 3:19). Niềm tin của họ cũng thôi thúc họ chia sẻ chân lý với người khác (2 Cô 4:13). Rồi họ dâng mình cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng điều ấy qua phép báp-têm (1 Phi 3:21; 4:2). Đó quả là ngày vui mừng với tất cả mọi người! Mỗi khi học viên thực hiện được một bước, hãy chân thành khen và khuyến khích người ấy tiếp tục tiến bộ.
THƯỜNG XUYÊN ĐÁNH GIÁ SỰ TIẾN BỘ CỦA HỌC VIÊN
14. Làm thế nào người dạy có thể đánh giá sự tiến bộ của học viên?
14 Chúng ta cần kiên nhẫn khi giúp học viên tiến bộ đến bước dâng mình và báp-têm. Nhưng một lúc nào đó, chúng ta cần biết học viên có ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va hay không. Anh chị có nhận thấy học viên đang cố gắng vâng theo các mệnh lệnh của Chúa Giê-su không? Hay người ấy chỉ muốn thu thập kiến thức về Kinh Thánh?
15. Những dấu hiệu nào giúp người dạy nhận ra học viên có đang tiến bộ hay không?
15 Thường xuyên đánh giá xem học viên có tiến bộ không. Chẳng hạn, người ấy có bày tỏ cảm xúc về Đức Giê-hô-va không? Người ấy có cầu nguyện với ngài không? (Thi 116:1, 2). Người ấy có thích đọc Kinh Thánh không? (Thi 119:97). Người ấy có tham dự nhóm họp thường xuyên không? (Thi 22:22). Người ấy có thực hiện những thay đổi cần thiết trong đời sống không? (Thi 119:112). Người ấy có bắt đầu chia sẻ những gì mình học với gia đình và bạn bè không? (Thi 9:1). Và quan trọng nhất là người ấy có muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va không? (Thi 40:8). Nếu học viên không cho thấy sự tiến bộ trong bất cứ khía cạnh nào vừa nêu, hãy khéo léo tìm ra lý do và thảo luận vấn đề với người ấy một cách tử tế nhưng thẳng thắn. *
16. Điều gì cho thấy chúng ta nên ngưng học hỏi với một người?
16 Chúng ta cần thường xuyên đánh giá xem có nên tiếp tục học với một người hay không. Hãy tự hỏi: “Người ấy có chuẩn bị cho buổi học không? Người ấy có muốn tham dự nhóm họp không? Người ấy có từ bỏ thói quen xấu không? Người ấy có muốn từ bỏ tôn giáo sai lầm không?”. Nếu câu trả lời là không thì việc tiếp tục học hỏi với người ấy sẽ giống như việc anh chị cố gắng dạy một người biết cách bơi nhưng người ấy lại không muốn bị ướt! Nếu học viên không thật sự quý trọng những gì họ học và không sẵn sàng thay đổi, thì hẳn cuộc học hỏi ấy sẽ không đi đến đâu.
17. Theo 1 Ti-mô-thê 4:16, người dạy Kinh Thánh cần làm gì?
17 Chúng ta xem trọng trách nhiệm đào tạo môn đồ và muốn giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm. Vì thế, chúng ta sẽ để Kinh Thánh dạy dỗ, cũng như dạy với lòng nhiệt tình và niềm tin chắc. Chúng ta khuyến khích học viên kết bạn trong hội thánh. Chúng ta cũng muốn nhấn mạnh mục tiêu dâng mình và báp-têm, đồng thời thường xuyên đánh giá sự tiến bộ của học viên. (Xin xem khung “ Những điều người dạy cần làm để giúp học viên tiến đến báp-têm”). Thật vui mừng khi được tham gia công việc cứu mạng này! Mong sao chúng ta quyết tâm và nỗ lực hết sức để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm.
BÀI HÁT 79 Xin Cha giúp chiên vững vàng
^ đ. 5 Khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh, chúng ta có đặc ân giúp người khác biết Đức Giê-hô-va muốn họ suy nghĩ và hành động như thế nào. Bài này sẽ cho biết thêm cách để cải thiện kỹ năng dạy dỗ.
^ đ. 4 Xin xem bài “Hãy tránh những cạm bẫy sau đây khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh” trong Chương trình Lối sống và thánh chức tháng 9 năm 2016.
^ đ. 8 Vào mục VỀ CHÚNG TÔI > KINH NGHIỆM.
^ đ. 9 Trong JW Library®, vào mục VIDEO/AUDIO > BUỔI HỌP VÀ THÁNH CHỨC > NHỮNG CÔNG CỤ CHO THÁNH CHỨC.
^ đ. 15 Xin xem bài “Báp-têm vì yêu thương và biết ơn Đức Giê-hô-va” và bài “Bạn đã sẵn sàng báp-têm chưa?” trong Tháp Canh tháng 3 năm 2020.
^ đ. 77 HÌNH ẢNH: Sau cuộc học hỏi Kinh Thánh, một chị có kinh nghiệm giúp chị điều khiển để không nói quá nhiều trong cuộc học hỏi.
^ đ. 79 HÌNH ẢNH: Trong cuộc học hỏi, học viên học cách trở thành người vợ tốt hơn. Sau đó, người ấy chia sẻ với chồng những gì mình học được.
^ đ. 81 HÌNH ẢNH: Học viên cùng chồng vui vẻ kết hợp với các anh chị tại nhà của một chị mà người ấy gặp tại Phòng Nước Trời.