Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dân Y-sơ-ra-ên thời xưa tham gia chiến tranh—Tại sao chúng ta thì không?

Dân Y-sơ-ra-ên thời xưa tham gia chiến tranh—Tại sao chúng ta thì không?

“Nếu bất cứ ai trong bọn bay không chịu chiến đấu chống lại Pháp hay Anh Quốc thì tất cả bọn bay phải chết!”. Một sĩ quan Quốc Xã đã hét lớn như vậy với một nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va trong Thế Chiến II. Cho dù có những lính Quốc Xã được trang bị vũ trang đứng gần đó, nhưng không anh em nào thỏa hiệp. Thật can đảm! Trường hợp này nêu bật quan điểm của tất cả các Nhân Chứng Giê-hô-va: Chúng ta từ chối tham gia chiến tranh của thế gian này. Ngay cả khi mạng sống bị đe dọa, chúng ta không đứng về phe nào trong những cuộc xung đột của thế gian.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người tự nhận mình là tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều đồng ý. Nhiều người tin rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô được phép và nên bảo vệ đất nước. Họ có thể lý luận: “Dân Y-sơ-ra-ên thời xưa là dân của Đức Chúa Trời và họ tham gia chiến tranh, thì tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời nay lại không làm thế?”. Anh chị sẽ trả lời ra sao? Anh chị có thể giải thích rằng trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên thời xưa rất khác với dân của Đức Chúa Trời ngày nay. Hãy xem năm điểm khác biệt.

1. TẤT CẢ DÂN ĐỨC CHÚA TRỜI THỜI XƯA THUỘC VỀ MỘT NƯỚC

Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va đã nhóm dân ngài lại thành một nước, đó là Y-sơ-ra-ên. Ngài gọi dân Y-sơ-ra-ên là ‘sản nghiệp quý báu giữa mọi dân’ (Xuất 19:5). Đức Chúa Trời cũng ban cho họ một vùng đất cụ thể. Vì thế, khi ngài ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên tranh chiến với các nước khác, họ không chiến đấu hay giết hại những người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va. *

Ngày nay, những người thờ phượng chân chính đến từ “mọi nước, mọi chi phái, mọi dân và mọi thứ tiếng” (Khải 7:9). Nếu dân Đức Chúa Trời tham gia chiến tranh, họ có thể chiến đấu chống lại và thậm chí giết hại anh em đồng đạo.

2. ĐỨC GIÊ-HÔ-VA RA LỆNH CHO DÂN Y-SƠ-RA-ÊN CHIẾN ĐẤU

Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va quyết định khi nào và tại sao dân Y-sơ-ra-ên cần tham gia chiến tranh. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên phải thi hành sự phán xét của ngài trên dân Ca-na-an, là những kẻ có tiếng là thờ phượng các quỷ, có những hành vi vô luân đồi bại và dâng con tế thần. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho dân ngài phải loại bỏ ảnh hưởng gian ác đó ra khỏi xứ mà ngài hứa ban cho họ (Lê 18:24, 25). Sau khi dân Y-sơ-ra-ên định cư tại Đất Hứa, đôi lúc Đức Chúa Trời cho phép họ chiến đấu để bảo vệ đất nước khỏi những kẻ thù áp bức họ (2 Sa 5:17-25). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bao giờ cho phép dân Y-sơ-ra-ên tự quyết định khi nào sẽ chiến đấu. Khi họ làm thế thì thường dẫn đến hậu quả thảm khốc.—Dân 14:41-45; 2 Sử 35:20-24.

Ngày nay, Đức Giê-hô-va không cho phép con người tham gia chiến tranh. Các quốc gia chiến đấu nhằm đẩy mạnh quyền lợi của họ thay vì làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Họ có thể chiến đấu để mở rộng lãnh thổ, phát triển kinh tế hoặc vì lý do chính trị hay tư tưởng. Nhưng nói sao về những người cho rằng họ chiến đấu nhân danh Đức Chúa Trời để bảo vệ sự thờ phượng của họ hay để tiêu diệt kẻ thù của Đức Chúa Trời? Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ những người thờ phượng chân chính và hủy diệt những kẻ thù của ngài tại một trận chiến trong tương lai, đó là trận chiến Ha-ma-ghê-đôn (Khải 16:14, 16). Trong trận chiến đó, đạo quân của Đức Chúa Trời chỉ bao gồm lực lượng trên trời, chứ không bao gồm tôi tớ ngài trên đất.—Khải 19:11-15.

3. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN THA MẠNG CHO NHỮNG AI THỂ HIỆN ĐỨC TIN

Ra-háp và gia đình cô được tha mạng trong trận chiến của Đức Giê-hô-va với thành Giê-ri-cô. Những người thể hiện đức tin có được tha mạng như thế trong các cuộc chiến thời hiện đại không?

Trong quá khứ, quân đội Y-sơ-ra-ên thường tỏ lòng thương xót với những ai thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời và chỉ xử tử những ai mà Đức Giê-hô-va phán xét là đáng bị hủy diệt. Hãy xem hai ví dụ. Dù Đức Giê-hô-va ra lệnh hủy diệt thành Giê-ri-cô, nhưng Ra-háp và gia đình được tha mạng vì đức tin của cô (Giô-suê 2:9-16; 6:16, 17). Sau này, cả thành Ga-ba-ôn được tha mạng vì người Ga-ba-ôn cho thấy họ kính sợ Đức Chúa Trời.—Giô-suê 9:3-9, 17-19.

Ngày nay, các nước tham chiến không tha mạng cho những ai thể hiện đức tin. Và đôi lúc, những người dân vô tội bị giết trong các cuộc xung đột giữa các nước.

4. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN PHẢI TUÂN THEO LUẬT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỀ CHIẾN TRANH

Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va đòi hỏi quân lính Y-sơ-ra-ên phải chiến đấu theo chỉ dẫn của ngài. Chẳng hạn, đôi lúc Đức Chúa Trời yêu cầu họ đưa ra “các điều khoản hòa bình” với một thành thù nghịch (Phục 20:10). Đức Giê-hô-va cũng đòi hỏi những người lính Y-sơ-ra-ên giữ mình và trại quân được thanh sạch về mặt thể chất lẫn đạo đức (Phục 23:9-14). Trong khi quân đội của các nước xung quanh thường hãm hiếp phụ nữ của những vùng mà họ chinh phục, Đức Giê-hô-va cấm dân Y-sơ-ra-ên làm vậy. Thực tế, họ chỉ được cưới một người nữ bị bắt một tháng sau khi chinh phục thành.—Phục 21:10-13.

Ngày nay, đa số các quốc gia đã ký những hiệp ước quốc tế có quy định về chiến tranh. Dù những hiệp ước này có mục đích là để bảo vệ người dân, nhưng điều đáng buồn là các luật này thường bị vi phạm.

5. ĐỨC CHÚA TRỜI CHIẾN ĐẤU CHO DÂN NGÀI

Đức Chúa Trời đã chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên tại thành Giê-ri-cô. Ngài có chiến đấu cho bất cứ nước nào ngày nay không?

Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhiều lần ngài đã làm phép lạ để giúp họ chiến thắng. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã giúp dân Y-sơ-ra-ên đánh bại thành Giê-ri-cô như thế nào? Theo chỉ dẫn của ngài, khi dân Y-sơ-ra-ên “la lên một tiếng xung trận thật lớn thì tường thành đổ sập”, nhờ thế họ dễ dàng chiếm được thành hơn (Giô-suê 6:20). Và họ đã chiến thắng trong một trận chiến với dân A-mô-rít như thế nào? “Đức Giê-hô-va giáng trên chúng một trận mưa đá với những hòn rất lớn… Số người chết do trận mưa đá nhiều hơn số người chết bởi gươm của dân Y-sơ-ra-ên”.—Giô-suê 10:6-11.

Ngày nay, Đức Giê-hô-va không chiến đấu cho bất cứ quốc gia nào ở trên đất. Nước của ngài, có vua là Chúa Giê-su, “không thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36). Trái lại, Sa-tan mới là kẻ có quyền trên tất cả các chính phủ của loài người. Những cuộc chiến kinh hoàng trên thế giới phản ánh tinh thần gian ác của hắn.—Lu 4:5, 6; 1 Giăng 5:19.

TÍN ĐỒ CHÂN CHÍNH LÀ NGƯỜI TẠO SỰ HÒA THUẬN

Như chúng ta đã thấy, trường hợp của chúng ta ngày nay rất khác với dân Y-sơ-ra-ên thời xưa. Tuy nhiên, những sự khác biệt ấy không phải là lý do duy nhất mà chúng ta không tham gia chiến tranh. Có những lý do khác. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời báo trước rằng trong những ngày sau cùng, những ai được ngài dạy dỗ sẽ “chẳng tập luyện chinh chiến nữa”, huống chi là tham gia chiến tranh (Ê-sai 2:2-4). Ngoài ra, Chúa Giê-su nói rằng môn đồ của ngài sẽ “không thuộc về thế gian”. Họ sẽ không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột của thế gian.—Giăng 15:19.

Chúa Giê-su cũng khuyến giục các môn đồ làm nhiều hơn thế. Ngài dạy họ tránh những thái độ dẫn đến sự oán giận, giận dữ và chiến tranh (Mat 5:21, 22). Hơn nữa, ngài dạy các môn đồ trở thành “người tạo sự hòa thuận” và yêu kẻ thù của họ.—Mat 5:9, 44.

Còn về phương diện cá nhân thì sao? Hẳn chúng ta không muốn chiến đấu trong bất kỳ cuộc chiến nào. Nhưng liệu trong lòng chúng ta có bất cứ dấu vết nào của sự thù địch mà có thể gây ra xung đột hay chia rẽ trong hội thánh không? Hãy tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những cảm xúc như thế.—Gia 4:1, 11.

Thay vì tham gia vào những cuộc xung đột của các nước, chúng ta đẩy mạnh sự hòa thuận và tình yêu thương giữa anh em (Giăng 13:34, 35). Mong sao chúng ta quyết tâm giữ trung lập trong khi trông mong ngày mà Đức Giê-hô-va sẽ loại bỏ chiến tranh cho đến mãi mãi.—Thi 46:9.

^ Đôi khi các chi phái Y-sơ-ra-ên chiến đấu chống lại nhau, dù những cuộc nội chiến này không làm hài lòng Đức Giê-hô-va (1 Vua 12:24). Nhưng có những lúc ngài chấp nhận những cuộc chiến ấy bởi vì một số chi phái đã bất trung hoặc phạm tội nghiêm trọng.—Quan 20:3-35; 2 Sử 13:3-18; 25:14-22; 28:1-8.