BÀI HỌC 43
Sự khôn ngoan thật đang hô lớn
“Sự khôn ngoan thật hô lớn giữa phố phường, cất tiếng không ngừng nơi quảng trường”.—CHÂM 1:20.
BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha
GIỚI THIỆU *
1. Nhiều người ngày nay phản ứng thế nào trước lời kêu gọi của sự khôn ngoan? (Châm ngôn 1:20, 21)
Tại nhiều nước, chúng ta thường thấy những người công bố Nước Trời đứng ở các con đường đông đúc và vui vẻ mời người ta nhận ấn phẩm. Đã bao giờ anh chị tham gia hình thức làm chứng thú vị này chưa? Nếu có, hẳn anh chị nghĩ đến hình ảnh trong sách Châm ngôn, đó là sự khôn ngoan đang hô lớn ở nơi công cộng để người ta có thể nghe được lời khuyên. (Đọc Châm ngôn 1:20, 21). Kinh Thánh và những ấn phẩm của chúng ta chứa đựng “sự khôn ngoan thật”, tức sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Đây chính là thông tin mà người ta cần để bắt đầu bước đi trên con đường dẫn đến sự sống. Chúng ta rất vui khi một người nhận ấn phẩm của chúng ta. Nhưng không phải ai cũng làm thế. Một số người không muốn biết Kinh Thánh nói gì. Số khác cười nhạo chúng ta. Họ nghĩ rằng Kinh Thánh đã lỗi thời. Cũng có người chỉ trích sự dạy dỗ của Kinh Thánh về đạo đức, cho rằng những người làm theo sự dạy dỗ đó là hà khắc và hay xét đoán. Dù vậy, Đức Giê-hô-va vẫn yêu thương cho mọi người cơ hội để nhận sự khôn ngoan thật. Qua những cách nào?
2. Chúng ta có thể tìm sự khôn ngoan thật ở nơi đâu, nhưng đa số người ta chọn làm gì?
2 Một cách Đức Giê-hô-va cho mọi người cơ hội nghe sự khôn ngoan thật là qua Lời ngài, tức Kinh Thánh. Hầu hết mọi người đều có thể có sách này. Nói sao về những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh? Nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va, những ấn phẩm này hiện có trong hơn 1.000 ngôn ngữ. Những người lắng nghe, tức đọc và áp dụng điều họ học, sẽ nhận được lợi ích. Tuy nhiên, đa số người ta chọn lờ đi tiếng của sự khôn ngoan thật. Khi đứng trước các quyết định, họ thích dựa vào bản thân hoặc nghe người đồng loại. Thậm chí họ xem thường chúng ta vì chúng ta chọn làm theo điều Kinh Thánh nói. Bài này sẽ xem xét tại sao người ta phản ứng như thế. Nhưng trước hết, hãy xem làm thế nào để có sự khôn ngoan đến từ Đức Giê-hô-va.
TRI THỨC VỀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DẪN ĐẾN SỰ KHÔN NGOAN
3. Sự khôn ngoan thật bao hàm điều gì?
3 Sự khôn ngoan có thể nói đến khả năng vận dụng kiến thức để đưa ra những quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, sự khôn ngoan thật bao hàm nhiều hơn thế. Kinh Thánh nói: “Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu của sự khôn ngoan, tri thức về Đấng Chí Thánh mới là sự hiểu biết” (Châm 9:10). Vì thế, khi đứng trước một vấn đề quan trọng, chúng ta nên đưa ra quyết định dựa trên quan điểm của Đức Giê-hô-va, tức “tri thức về Đấng Chí Thánh”. Chúng ta có thể làm thế bằng cách xem xét Kinh Thánh và những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Khi làm như vậy, chúng ta cho thấy mình có sự khôn ngoan thật.—Châm 2:5-7.
4. Tại sao Đức Giê-hô-va là đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan thật?
4 Đức Giê-hô-va là đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan thật (Rô 16:27). Tại sao ngài là Nguồn của sự khôn ngoan? Thứ nhất, là Đấng Tạo Hóa, ngài hiểu tường tận nhất về các tạo vật của ngài (Thi 104:24). Thứ hai, mọi hành động của Đức Giê-hô-va đều cho thấy sự khôn ngoan (Rô 11:33). Thứ ba, lời khuyên khôn ngoan của Đức Giê-hô-va luôn mang lại lợi ích cho những ai áp dụng (Châm 2:10-12). Nếu muốn có sự khôn ngoan thật, chúng ta phải chấp nhận những sự thật cơ bản này và để những sự thật ấy chi phối các quyết định và hành động của mình.
5. Hậu quả là gì khi người ta không nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự khôn ngoan thật?
5 Nhiều người mà chúng ta gặp trong thánh chức thừa nhận rằng thiên nhiên có những thiết kế rất tuyệt vời. Dù vậy, họ phủ nhận có một Đấng Tạo Hóa và quy mọi thứ cho sự tiến hóa. Số khác thì nói mình tin có Đức Chúa Trời, nhưng họ xem tiêu chuẩn Kinh Thánh là lỗi thời và chọn đi theo đường lối của riêng mình. Kết quả là gì? Thế giới có tốt đẹp hơn khi người ta dựa vào sự khôn ngoan của bản thân thay vì sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không? Họ có tìm thấy hạnh phúc thật hay hy vọng vững chắc cho tương lai không? Những điều chúng ta quan sát xung quanh giúp chúng ta tin chắc sự thật sau: “Không có sự khôn ngoan, sự thông sáng hay sự cố vấn nào [khi] chống lại Đức Giê-hô-va” (Châm 21:30). Điều này thôi thúc chúng ta hướng đến Đức Giê-hô-va để có sự khôn ngoan thật! Đáng buồn là đa số người ta không làm thế. Tại sao?
TẠI SAO NGƯỜI TA BÁC BỎ SỰ KHÔN NGOAN THẬT?
6. Theo Châm ngôn 1:22-25, những người nào bịt tai trước lời kêu gọi của sự khôn ngoan thật?
6 Nhiều người bịt tai khi sự khôn ngoan thật “hô lớn giữa phố phường”. Theo Kinh Thánh, có ba nhóm người bác bỏ sự khôn ngoan, đó là “kẻ thiếu kinh nghiệm”, “kẻ chế giễu” và “kẻ dại dột”. (Đọc Châm ngôn 1:22-25). Hãy xem tại sao những người đó bác bỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, và cũng xem làm thế nào để tránh trở nên giống như họ.
7. Tại sao một số người chọn tiếp tục là “kẻ thiếu kinh nghiệm”?
7 “Kẻ thiếu kinh nghiệm” là những người ngây ngô, cả tin hoặc dễ bị lừa (Châm 14:15, chú thích). Chúng ta thường gặp những người như thế trong thánh chức. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến hàng triệu người bị các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo lừa gạt. Một số bị sốc khi nhận ra những nhà lãnh đạo đó nói dối họ. Nhưng những người được nói nơi Châm ngôn 1:22 chọn tiếp tục là người thiếu kinh nghiệm vì họ thích như thế (Giê 5:31). Họ thích làm theo ý riêng và không muốn học những điều Kinh Thánh dạy hoặc làm theo tiêu chuẩn trong đó. Nhiều người có quan điểm giống như một phụ nữ sùng đạo ở Quebec, Canada. Bà nói với một Nhân Chứng đến thăm bà: “Nếu linh mục làm chúng tôi lầm lạc thì đó là lỗi của ông ấy, không phải lỗi của chúng tôi!”. Chắc chắn chúng ta không muốn bắt chước những người cố tình ở trong tình trạng ngây ngô.—Châm 1:32; 27:12.
8. Điều gì sẽ giúp chúng ta có được kinh nghiệm hữu ích?
8 Kinh Thánh có lý do chính đáng khi khuyến khích chúng ta không nên tiếp tục thiếu kinh nghiệm mà hãy ‘trở nên như người trưởng thành về sự hiểu biết’ (1 Cô 14:20). Chúng ta có được kinh nghiệm hữu ích qua việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống. Dần dần, chúng ta sẽ thấy những nguyên tắc này giúp mình như thế nào để tránh những vấn đề và đưa ra các quyết định khôn ngoan. Chúng ta nên xem mình tiến bộ ra sao trong khía cạnh này. Nếu đã học hỏi Kinh Thánh và tham dự nhóm họp được một thời gian, chúng ta nên tự hỏi tại sao mình vẫn chưa dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Nếu đã báp-têm, chúng ta có đang tiến bộ trong việc rao giảng và dạy dỗ tin mừng không? Các quyết định của chúng ta có cho thấy mình đang áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh không? Chúng ta có thể hiện những phẩm chất tin kính khi đối xử với người khác không? Nếu thấy mình cần cải thiện, hãy chú tâm vào những lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va, là những lời “giúp người chưa từng trải nên khôn ngoan”.—Thi 19:7.
9. “Kẻ chế giễu” cho thấy họ bác bỏ sự khôn ngoan qua những cách nào?
9 Nhóm thứ hai lờ đi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là “kẻ chế giễu”. Thỉnh thoảng chúng ta gặp những người như thế khi đi rao giảng. Họ thích chê bai người khác (Thi 123:4). Kinh Thánh cảnh báo rằng trong những ngày sau cùng, có nhiều kẻ chế giễu (2 Phi 3:3, 4). Giống như các con rể tương lai của người công chính Lót, một số người ngày nay không màng đến những lời cảnh báo của Đức Chúa Trời (Sáng 19:14). Nhiều người cười nhạo những ai sống theo nguyên tắc Kinh Thánh. Họ làm thế vì muốn chiều theo “các ham muốn tội lỗi” (Giu 7, 17, 18). Lời miêu tả của Kinh Thánh về những kẻ chế giễu thật phù hợp với kẻ bội đạo và những người khác chối bỏ Đức Giê-hô-va!
10. Như được nói nơi Thi thiên 1:1, làm thế nào để tránh đường lối của kẻ chế giễu?
10 Làm thế nào để tránh đi theo đường lối của kẻ chế giễu? Một cách là tránh kết hợp với những người có tinh thần chỉ trích. (Đọc Thi thiên 1:1). Điều này có nghĩa là chúng ta không nghe hoặc đọc bất cứ điều gì từ kẻ bội đạo. Chúng ta ý thức rằng nếu không cẩn thận, mình có thể dễ nảy sinh tinh thần chỉ trích và bắt đầu nghi ngờ Đức Giê-hô-va cũng như chỉ dẫn mình nhận được qua tổ chức của ngài. Để tránh đường lối đó, chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có thường phàn nàn khi nhận chỉ dẫn hoặc sự giải thích mới không? Mình có khuynh hướng bắt lỗi những anh dẫn đầu không?”. Khi chúng ta nhanh chóng sửa đổi những khuynh hướng đó, Đức Giê-hô-va sẽ hài lòng về chúng ta.—Châm 3:34, 35.
11. “Kẻ dại dột” có quan điểm nào về tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va?
11 Nhóm thứ ba bác bỏ sự khôn ngoan là “kẻ dại dột”. Họ dại dột vì không chịu sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Họ làm điều đúng trong mắt mình (Châm 12:15). Những người đó chối bỏ Đức Giê-hô-va, Nguồn của sự khôn ngoan (Thi 53:1). Khi chúng ta gặp họ trong thánh chức, họ thường chỉ trích gay gắt vì chúng ta tôn trọng các tiêu chuẩn Kinh Thánh. Nhưng họ không có gì tốt hơn để thay thế cho những tiêu chuẩn ấy. Kinh Thánh nói: “Sự khôn ngoan thật thì quá cao cho kẻ dại; tại nơi cổng thành, hắn chẳng thể mở miệng ra” (Châm 24:7). Những kẻ dại dột không có bất cứ lời khôn ngoan nào để chia sẻ. Vì thế, không lạ gì khi Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta “tránh xa kẻ dại dột”!—Châm 14:7.
12. Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh đi theo đường lối của kẻ dại dột?
12 Khác với những người ghét lời khuyên của Đức Chúa Trời, chúng ta vun trồng lòng yêu mến đối với đường lối của ngài, trong đó có các tiêu chuẩn đạo đức. Chúng ta có thể củng cố lòng yêu mến đó bằng cách so sánh kết quả của việc vâng lời với việc không vâng lời. Hãy xem những vấn đề mà người ta tự gây ra cho mình vì dại dột bác bỏ lời khuyên khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Rồi hãy xem đời sống của anh chị tốt hơn thế nào nhờ vâng lời Đức Chúa Trời.—Thi 32:8, 10.
13. Đức Giê-hô-va có ép buộc chúng ta làm theo lời khuyên khôn ngoan của ngài không?
13 Đức Giê-hô-va sẵn sàng ban sự khôn ngoan cho mọi người, nhưng ngài không ép buộc bất cứ ai phải nhận sự khôn ngoan ấy. Tuy nhiên, ngài cho biết hậu quả của việc không lắng nghe sự khôn ngoan (Châm 1:29-32). Những người chọn không vâng lời Đức Giê-hô-va sẽ “gánh chịu hậu quả của đường lối mình”. Với thời gian, lối sống của họ chỉ dẫn đến căng thẳng, vấn đề rắc rối và cuối cùng là sự hủy diệt. Trái lại, những người lắng nghe và áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thì nhận được lời hứa sau: “Người lắng nghe ta sẽ được sống an ổn, được bình yên không khiếp sợ thảm họa”.—Châm 1:33.
SỰ KHÔN NGOAN THẬT MANG LẠI LỢI ÍCH
14, 15. Chúng ta học được gì từ Châm ngôn 4:23?
14 Khi áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta luôn nhận được lợi ích. Như vừa thảo luận, Đức Giê-hô-va cho mọi người cơ hội nhận lời khuyên khôn ngoan của ngài. Chẳng hạn, qua sách Châm ngôn, ngài cung cấp lời khuyên bất hủ giúp chúng ta cải thiện đời sống. Hãy xem bốn ví dụ về lời khuyên khôn ngoan ấy.
15 Bảo vệ lòng mình. Kinh Thánh nói: “Hãy bảo vệ lòng hơn mọi thứ khác, vì từ đó ra các nguồn sự sống” (Châm 4:23). Hãy nghĩ đến điều mình cần làm để bảo vệ trái tim. Chúng ta cần ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh những thói quen có hại. Chúng ta làm điều tương tự để bảo vệ lòng. Hằng ngày, chúng ta hấp thu Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta chuẩn bị, tham dự và bình luận tại các buổi nhóm họp. Chúng ta tích cực hoạt động qua việc đều đặn và sốt sắng tham gia thánh chức. Chúng ta cũng không để mình phát triển những thói quen có hại bằng cách tránh bất cứ điều gì làm bại hoại lối suy nghĩ của mình, chẳng hạn như hình thức giải trí vô luân và bạn bè xấu.
16. Tại sao Châm ngôn 23:4, 5 rất thực tế ngày nay?
16 Thỏa lòng với những gì mình có. Kinh Thánh khuyên: “Đừng vắt kiệt sức tích lũy của cải… Con mới vừa đưa mắt nhìn, nó chẳng còn đó, bởi nó quả sẽ mọc cánh, bay lên trời như đại bàng” (Châm 23:4, 5). Của cải vật chất không đảm bảo là sẽ lâu bền. Dù vậy, nhiều người giàu cũng như người nghèo ngày nay chỉ lo việc kiếm tiền. Điều đó thường khiến họ làm những việc gây hại đến danh tiếng, mối quan hệ, thậm chí là sức khỏe của họ (Châm 28:20; 1 Ti 6:9, 10). Trái lại, sự khôn ngoan giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về tiền bạc. Quan điểm ấy bảo vệ chúng ta khỏi sự tham lam cũng như giúp mình thỏa lòng và hạnh phúc.—Truyền 7:12.
17. Làm thế nào để có “lưỡi người khôn ngoan” như được nói nơi Châm ngôn 12:18?
17 Suy nghĩ trước khi nói. Nếu không cẩn thận, lời nói của chúng ta có thể gây hậu quả tai hại. Kinh Thánh cho biết: “Lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm, nhưng lưỡi người khôn ngoan là phương thuốc chữa lành” (Châm 12:18). Chúng ta gìn giữ sự hòa thuận khi tránh ngồi lê đôi mách về khuyết điểm của người khác (Châm 20:19). Để lời nói của mình có tác dụng chữa lành thay vì gây tổn thương, chúng ta cần lấp đầy lòng mình bằng sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời (Lu 6:45). Khi chúng ta suy ngẫm những điều Kinh Thánh dạy, lời nói của chúng ta có thể giống như một “suối” của sự khôn ngoan, làm người khác tươi tỉnh.—Châm 18:4.
18. Làm thế nào việc áp dụng Châm ngôn 24:6 giúp chúng ta thành công trong thánh chức?
18 Làm theo chỉ dẫn. Kinh Thánh đưa ra lời khuyên thực tế sau để có thành công: “Con phải nhờ sự hướng dẫn khôn ngoan mà đánh trận; nhờ nhiều cố vấn, có được sự thành công” (Châm 24:6, chú thích). Hãy xem làm thế nào áp dụng nguyên tắc này giúp chúng ta thành công trong việc rao giảng và dạy dỗ. Thay vì thi hành thánh chức theo cách của riêng mình, chúng ta cố gắng làm theo những gợi ý mình nhận được. Chúng ta nhận sự hướng dẫn khôn ngoan tại các buổi nhóm họp. Nơi đây, chúng ta được huấn luyện qua những bài giảng và các lời trình bày dựa trên Kinh Thánh của các “cố vấn” giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp những công cụ hữu ích như ấn phẩm và video để giúp người ta hiểu Kinh Thánh. Anh chị có đang dùng những công cụ này một cách hữu hiệu không?
19. Anh chị cảm thấy thế nào về sự khôn ngoan mà Đức Giê-hô-va cung cấp? (Châm ngôn 3:13-18)
19 Đọc Châm ngôn 3:13-18. Chúng ta thật biết ơn về những lời khuyên khôn ngoan trong Lời Đức Chúa Trời! Chúng ta sẽ ra sao nếu không có những lời khuyên ấy? Trong bài này, chúng ta đã xem một số ví dụ về sự khôn ngoan thực tế được tìm thấy trong sách Châm ngôn. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va cung cấp rất nhiều lời khuyên khôn ngoan trong cả cuốn Kinh Thánh. Hãy quyết tâm áp dụng lời khuyên của ngài vào mọi khía cạnh của đời sống. Quan điểm của thế gian về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không quan trọng với chúng ta. Chúng ta tin chắc rằng “ai giữ chặt [sự khôn ngoan] được xem là hạnh phúc”.
BÀI HÁT 36 Hãy bảo vệ lòng mình
^ Sự khôn ngoan mà Đức Giê-hô-va ban vượt xa bất cứ điều gì đến từ thế gian. Trong bài này, chúng ta sẽ xem một hình ảnh thú vị trong sách Châm ngôn, đó là sự khôn ngoan hô lớn giữa quảng trường. Chúng ta sẽ thảo luận làm thế nào để có sự khôn ngoan thật, tại sao một số người bịt tai trước sự khôn ngoan, và chúng ta nhận được lợi ích nào khi hưởng ứng lời kêu gọi của sự khôn ngoan.