Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Sảnh của đền thờ Sa-lô-môn cao bao nhiêu?

Sảnh là lối ra vào Gian Thánh của đền thờ. Theo những ấn bản Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới trước năm 2023, “sảnh phía trước có chiều dài là 20 cu-bít, tương đương với chiều rộng của nhà, và chiều cao là 120 cu-bít” (2 Sử 3:4). Những bản dịch khác cũng nói rằng sảnh cao “120 cu-bít”, tức giống như một cái tháp cao 53 mét!

Tuy nhiên, Bản dịch Thế Giới Mới ấn bản năm 2023 nói về sảnh của đền thờ Sa-lô-môn như sau: “Chiều cao là 20 cu-bít”, tức cao khoảng 9 mét. a Hãy xem một số lý do có sự thay đổi này.

Chiều cao của sảnh không được nhắc đến nơi 1 Các vua 6:3. Trong câu này, người viết là Giê-rê-mi cho biết chiều dài và chiều sâu của sảnh, nhưng không cho biết chiều cao. Trong chương tiếp theo, ông miêu tả rất chi tiết về những đặc điểm nổi bật khác của đền thờ, bao gồm cái bể đúc bằng kim loại, mười cỗ xe và hai cây trụ bằng đồng bên ngoài sảnh (1 Vua 7:​15-37). Nếu sảnh thật sự hơn 50 mét và cao hơn hẳn những phần khác của đền thờ thì tại sao Giê-rê-mi lại không nhắc đến chiều cao này? Ngay cả nhiều thế kỷ sau đó, các sử gia Do Thái cũng nói rằng sảnh không cao hơn những phần khác của đền thờ Sa-lô-môn.

Các học giả cho rằng tường của đền thờ khó mà đỡ được sảnh cao 120 cu-bít. Những công trình cao được xây bằng đá và gạch thời xưa, chẳng hạn như các cổng đền thờ ở Ai Cập, thì có đáy rộng và hẹp dần khi lên đỉnh. Nhưng đền thờ Sa-lô-môn thì khác. Theo các học giả, tường của đền thờ không dày hơn 6 cu-bít, tức 2,7 mét. Vì thế, sử gia về kiến trúc là ông Theodor Busink kết luận: “Dựa trên độ dày tường [của lối ra vào đền thờ], sảnh không thể [cao] 120 cu-bít”.

Nội dung của 2 Sử ký 3:4 có thể bị sao chép sai. Dù một số bản chép tay cổ xưa ghi “120” trong câu này nhưng những bản có thẩm quyền khác, như Codex Alexandrinus vào thế kỷ thứ năm và Codex Ambrosianus vào thế kỷ thứ sáu, ghi “20 cu-bít”. Tại sao một người sao chép có thể ghi nhầm là “120”? Những từ Hê-bơ-rơ được dịch là “trăm” và “cu-bít” thì nhìn giống nhau. Vì thế, người sao chép có thể đã viết từ “trăm” thay vì “cu-bít”.

Dĩ nhiên, dù cố gắng hiểu những chi tiết này và miêu tả chính xác đền thờ Sa-lô-môn, chúng ta đặc biệt tập trung vào việc đền thờ ấy là hình bóng của điều gì, đó là đền thờ thiêng liêng vĩ đại. Thật biết ơn khi Đức Giê-hô-va mời mọi tôi tớ đến thờ phượng ngài trong đền thờ thiêng liêng này!—Hê 9:​11-14; Khải 3:12; 7:​9-17.

a Một chú thích nói rõ rằng “một số bản chép tay cổ xưa ghi là ‘120’, còn những bản chép tay khác và một số bản dịch ghi là ‘20 cu-bít’”.