Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Ai là những Nhà Hảo Tâm mà Chúa Giê-su nhắc đến vào đêm trước khi ngài chết, và tại sao họ được gọi bằng danh hiệu này?

Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su khuyên các sứ đồ không nên tìm kiếm địa vị trong vòng anh em đồng đức tin. Ngài nói với họ: “Vua chúa trong các dân thống trị dân mình, còn những người có quyền hành trên dân chúng thì được gọi là Nhà Hảo Tâm. Nhưng anh em chớ như vậy”.—Lu 22:25, 26.

Ai là những Nhà Hảo Tâm mà Chúa Giê-su nhắc đến? Những lời khắc, đồng tiền và các tài liệu cho thấy xã hội người Hy Lạp và La Mã có truyền thống vinh danh những người nổi tiếng và các nhà lãnh đạo với danh hiệu là Euergetes, hay Nhà Hảo Tâm. Họ được nhận danh hiệu này vì đã làm những việc mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Một số vua cũng mang danh hiệu Nhà Hảo Tâm. Trong đó có những nhà lãnh đạo Ai Cập được biết đến là Ptolemy III Euergetes (khoảng 247-222 TCN) và Ptolemy VIII Euergetes II (khoảng 147-117 TCN). Nhà lãnh đạo La Mã là Giu-lơ Sê-sa (48-44 TCN) và Au-gút-tơ (31 TCN–14 CN) cũng mang danh hiệu này giống như Hê-rốt Đại đế, vua của xứ Giu-đê. Trong trường hợp của Hê-rốt, có lẽ ông được tôn vinh danh này vì đã nhập khẩu lúa mì để cứu đói dân chúng và cấp phát quần áo cho những người có nhu cầu.

Một học giả Kinh Thánh người Đức là ông Adolf Deissmann cho biết danh hiệu Nhà Hảo Tâm được dùng rất phổ biến. Ông nói: “Không khó để tìm thấy hơn một trăm trường hợp [dùng danh hiệu này] từ những lời khắc và chỉ mất rất ít thời gian để làm thế”.

Vậy ý của Chúa Giê-su là gì khi nói với các môn đồ: “Nhưng anh em chớ như vậy”? Phải chăng Chúa Giê-su khuyên các môn đồ không nên có tinh thần giúp đỡ cộng đồng, không cần quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh? Hoàn toàn không. Hẳn điều Chúa Giê-su quan tâm là động lực đằng sau những hành động rộng rãi.

Vào thời Chúa Giê-su, những người giàu có thường muốn đạt được danh tiếng bằng cách tài trợ cho các màn biểu diễn và cuộc thi đấu trong đấu trường, xây công viên, đền thờ và hỗ trợ các hoạt động khác. Tuy nhiên, họ làm thế với mục đích là được tán dương, có sự nổi tiếng hoặc được nhiều người bầu cử. Một tài liệu tham khảo cho biết: “Dù cũng có những người rộng rãi thật sự, nhưng việc tài trợ thường là vì lợi ích chính trị”. Chúa Giê-su khuyên các môn đồ nên tránh thái độ ích kỷ và tham vọng như thế.

Vài năm sau đó, sứ đồ Phao-lô cũng nhấn mạnh cùng một sự thật quan trọng về việc có động cơ đúng khi ban tặng. Ông viết cho các anh em ở Cô-rinh-tô: “Mỗi người hãy làm theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hay bị ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu thương người vui lòng ban tặng”.—2 Cô 9:7.