Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Con quyết bước đi theo chân lý ngài”

“Con quyết bước đi theo chân lý ngài”

“Đức Giê-hô-va ôi, xin chỉ dẫn đường lối ngài cho con. Con quyết bước đi theo chân lý ngài”.THI 86:11.

BÀI HÁT: 31, 72

1-3. (a) Chúng ta nên có cảm xúc nào về chân lý? Hãy minh họa. (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

Ngày nay, việc trả lại một món hàng sau khi mua là điều phổ biến. Theo ước tính thì tại một số nước, người mua trả lại gần 9% những thứ đã mua từ cửa tiệm. Tỉ lệ hàng hóa mua trực tuyến bị trả lại có thể hơn 30%. Có lẽ người mua thấy những món hàng này bị lỗi hoặc không như mong đợi. Do đó, họ quyết định đổi lại hoặc xin hoàn tiền.

2 Đôi khi chúng ta muốn trả lại món hàng nào đó, nhưng chúng ta không bao giờ muốn trả lại, hoặc “bán”, sự “hiểu biết chính xác về chân lý” mà mình đã “mua”. (Đọc Châm ngôn 23:23; 1 Ti 2:4). Như đã xem trong bài trước, chúng ta có được chân lý qua việc dành nhiều thời gian để học hỏi. Ngoài ra, để mua chân lý, có lẽ chúng ta cũng từ bỏ công việc có lương cao, chấp nhận một số mối quan hệ bị thay đổi, điều chỉnh lối suy nghĩ và hạnh kiểm, hoặc từ bỏ phong tục và truyền thống trái với Kinh Thánh. Tuy nhiên, cái giá chúng ta đã trả thật ra rất nhỏ so với những ân phước mình nhận được.

3 Khi nghĩ về chân lý, tức những sự thật trong Kinh Thánh, chúng ta có cùng cảm xúc với người mà Chúa Giê-su miêu tả trong một minh họa. Để cho thấy sự thật về Nước Trời quý giá đến mức nào đối với những người tìm được, Chúa Giê-su kể về một lái buôn đi tìm ngọc trai quý. Khi tìm được một viên ngọc quý giá, ông “liền đi bán hết” những gì mình có và mua nó (Mat 13:45, 46). Tương tự, sự thật về Nước Trời và tất cả những sự thật quý giá khác mà chúng ta tìm được trong Lời Đức Chúa Trời có giá trị đến mức chúng ta sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để có được những sự thật này. Nếu quý trọng chân lý, chúng ta sẽ không bao giờ muốn “bán đi”. Nhưng đáng buồn là một số tôi tớ của Đức Chúa Trời đã đánh mất lòng quý trọng đối với chân lý mà họ có được, thậm chí họ đã “bán đi” chân lý. Mong rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra với chúng ta! Để cho thấy mình hết lòng quý trọng và không bao giờ “bán đi” chân lý, chúng ta cần làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là “tiếp tục bước theo chân lý”. (Đọc 3 Giăng 2-4). Việc bước theo chân lý bao hàm đặt chân lý lên hàng đầu và có lối sống phù hợp với chân lý. Giờ đây, hãy xem xét những câu hỏi sau: Tại sao và làm thế nào một số người “bán đi” chân lý? Bằng cách nào chúng ta có thể tránh phạm sai lầm đáng buồn đó? Làm thế nào để củng cố lòng quyết tâm “tiếp tục bước theo chân lý”?

TẠI SAO VÀ LÀM THẾ NÀO MỘT SỐ NGƯỜI “BÁN ĐI” CHÂN LÝ?

4. Vào thế kỷ thứ nhất, tại sao một số người đã “bán đi” chân lý?

4 Vào thế kỷ thứ nhất, một số người lúc đầu hưởng ứng những dạy dỗ của Chúa Giê-su đã không còn bước theo chân lý. Chẳng hạn, sau khi một đám đông lớn được Chúa Giê-su cung cấp thức ăn bằng phép lạ, họ đi theo ngài qua bên kia biển Ga-li-lê. Tại đó, Chúa Giê-su nói một điều khiến họ bị sốc: “Nếu không ăn thịt và uống huyết của Con Người thì không có sự sống trong anh em”. Thay vì xin Chúa Giê-su giải thích, họ đã vấp ngã bởi những lời này và nói: “Lời này thật chướng tai, ai nghe cho được?”. Vì thế, “nhiều môn đồ ngài đã quay lại cuộc sống trước kia, không đi theo ngài nữa”.—Giăng 6:53-66.

5, 6. (a) Tại sao một số người ngày nay không nắm giữ chân lý? (b) Một người dần rời xa chân lý như thế nào?

5 Đáng buồn là ngày nay, một số người đã không nắm giữ chân lý. Một số vấp ngã trước những sự hiểu biết Kinh Thánh được điều chỉnh hoặc vì lời nói hay hành động nào đó của một anh có trách nhiệm. Số khác thì bực tức khi được khuyên dựa trên Kinh Thánh hoặc có mâu thuẫn với anh em đồng đạo. Còn một số khác đứng về phía kẻ bội đạo và kẻ chống đối, là những kẻ xuyên tạc niềm tin của chúng ta. Hậu quả là một số người cố tình rời xa Đức Giê-hô-va và hội thánh (Hê 3:12-14). Thật tốt hơn biết bao nếu họ giữ vững đức tin và tin cậy Chúa Giê-su, như sứ đồ Phi-e-rơ đã làm! Khi Chúa Giê-su hỏi các sứ đồ có muốn bỏ đi không, Phi-e-rơ lập tức trả lời: “Thưa Chúa, chúng tôi sẽ theo ai? Chúa có những lời mang lại sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 6:67-69.

6 Số khác rời xa chân lý dần dần, và có lẽ họ cũng không nhận ra điều đó. Một người dần rời xa chân lý có thể ví như con thuyền dần trôi xa bờ. Kinh Thánh miêu tả sự thay đổi như thế là “trôi giạt” (Hê 2:1). Khác với những người cố tình rời xa chân lý, người trôi giạt không cố ý làm thế. Nhưng họ để mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va dần trở nên yếu đi, và với thời gian, họ có thể đánh mất mối quan hệ ấy. Làm thế nào để tránh rơi vào tình trạng đáng buồn này?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH “BÁN ĐI” CHÂN LÝ?

7. Điều gì giúp chúng ta tránh “bán đi” chân lý?

7 Để bước theo chân lý, chúng ta phải chấp nhận và vâng theo mọi điều Đức Giê-hô-va phán. Chúng ta phải đặt chân lý lên hàng đầu và sống phù hợp với các nguyên tắc Kinh Thánh. Trong lời cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, vua Đa-vít nói: “Con quyết bước đi theo chân lý ngài” (Thi 86:11). Đa-vít có lòng quyết tâm tiếp tục bước theo chân lý, và chúng ta cũng muốn quyết tâm làm thế. Nếu không, có thể chúng ta sẽ nuối tiếc về những gì mình đã trả để có được chân lý và muốn lấy lại phần nào đó. Chúng ta cần phải cẩn thận nắm giữ toàn bộ chân lý. Chúng ta biết rằng mình không thể chọn chấp nhận một số sự thật nào đó mà lại bỏ qua những sự thật khác. Suy cho cùng, chúng ta phải bước theo “toàn bộ chân lý” (Giăng 16:13). Thế nên, hãy xem xét năm điều mà có lẽ chúng ta đã trả để mua được chân lý. Qua đó, chúng ta sẽ củng cố lòng quyết tâm không lấy lại bất cứ điều gì mình đã hy sinh để bước theo chân lý.—Mat 6:19.

8. Làm thế nào việc dùng thời gian một cách thiếu khôn ngoan có thể khiến một tín đồ có nguy cơ trôi giạt khỏi chân lý? Hãy nêu ví dụ.

8 Thời gian. Để tránh trôi giạt khỏi chân lý, chúng ta phải dùng thời gian một cách khôn ngoan. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể dành quá nhiều thời gian cho sở thích riêng, giải trí, lướt Internet hoặc xem ti-vi. Dù bản thân những điều này không có gì sai, nhưng thời gian chúng ta dành cho chúng có thể lấn át thời gian dành cho việc học hỏi cá nhân và những hoạt động thiêng liêng khác. Hãy xem trường hợp của một chị tín đồ tên Emma. * Từ khi còn nhỏ, chị Emma rất thích ngựa. Chị cưỡi ngựa bất cứ lúc nào có thể. Nhưng rồi chị cảm thấy mình dành quá nhiều thời gian cho sở thích này, nên chị đã thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Chị cũng được khích lệ qua kinh nghiệm của chị Cory Wells, một chị trước đây từng là người biểu diễn cưỡi ngựa. * Giờ đây, chị Emma dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động thiêng liêng cũng như cho anh em đồng đạo. Chị cảm thấy gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va và có sự bình an vì biết mình đang dùng thời gian một cách khôn ngoan.

9. Làm thế nào việc tìm kiếm của cải vật chất có thể khiến một số người gạt các hoạt động thiêng liêng sang một bên?

9 Của cải vật chất. Nếu muốn tiếp tục bước theo chân lý, chúng ta phải đặt của cải vật chất vào đúng chỗ. Khi mới học chân lý, chúng ta nhận ra rằng những mục tiêu thiêng liêng quan trọng hơn của cải vật chất. Chúng ta sẵn sàng hy sinh vật chất để bước theo chân lý. Nhưng với thời gian, có thể chúng ta thấy nhiều người có các thiết bị điện tử mới nhất hoặc hưởng thụ những thứ khác mà tiền mua được. Chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy mình bị thiệt thòi và mất mát. Khi không còn thỏa lòng với những gì mình có, chúng ta có thể gạt các hoạt động thiêng liêng sang một bên để tìm kiếm của cải vật chất. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến trường hợp của Đê-ma. Ông yêu thế gian đến mức từ bỏ đặc ân phụng sự cùng sứ đồ Phao-lô (2 Ti 4:10). Tại sao Đê-ma rời bỏ Phao-lô? Kinh Thánh không cho biết, nhưng có lẽ ông đã yêu của cải vật chất hơn những điều thiêng liêng, hoặc ông không còn muốn theo đuổi đời sống hy sinh để phụng sự cùng với Phao-lô. Chắc chắn chúng ta không muốn để lòng ham mê của cải vật chất trỗi dậy và lấn át lòng yêu mến của chúng ta dành cho chân lý.

10. Để tiếp tục bước theo chân lý, chúng ta phải kháng cự áp lực nào?

10 Mối quan hệ với người khác. Để tiếp tục bước theo chân lý, chúng ta không nên nhượng bộ trước áp lực của người khác. Khi mới học Kinh Thánh, mối quan hệ của chúng ta với những người không phải là Nhân Chứng thay đổi. Một số người chấp nhận điều này nhưng không thích; số khác thì chống đối (1 Phi 4:4). Dù cố gắng có mối quan hệ tốt với gia đình và đối xử tử tế với họ, chúng ta không nên thỏa hiệp niềm tin để làm hài lòng họ. Chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng giữ hòa thuận với các thành viên gia đình. Nhưng theo 1 Cô-rinh-tô 15:33, chúng ta chỉ kết thân với những người yêu mến Đức Giê-hô-va.

11. Làm thế nào để tránh những thực hành trái với Kinh Thánh?

11 Lối suy nghĩ và hạnh kiểm không tin kính. Tất cả những người bước theo chân lý đều phải thánh sạch (Ê-sai 35:8; đọc 1 Phi-e-rơ 1:14-16). Khi bắt đầu theo chân lý, ai trong chúng ta cũng phải điều chỉnh để sống phù hợp với tiêu chuẩn công chính của Kinh Thánh. Một số người phải thực hiện những thay đổi đáng kể. Dù trong trường hợp nào đi nữa, chúng ta không bao giờ muốn đánh đổi lối sống thánh sạch với sự bại hoại của thế gian. Vậy làm thế nào để tránh chiều theo cám dỗ phạm tội vô luân? Hãy suy ngẫm về giá cao mà Đức Giê-hô-va đã trả để chúng ta trở nên thánh sạch, đó là huyết báu của Con ngài, Chúa Giê-su Ki-tô (1 Phi 1:18, 19). Để giữ vị thế trong sạch trước mắt Đức Giê-hô-va, chúng ta cần luôn ghi nhớ về giá trị sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su.

12, 13. (a) Tại sao việc có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về các ngày lễ là điều quan trọng? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì tiếp theo?

12 Phong tục và truyền thống trái với Kinh Thánh. Có lẽ người thân trong gia đình, đồng nghiệp và bạn học muốn chúng ta tham gia vào những ngày lễ của thế gian. Làm thế nào để kháng cự áp lực tham gia các phong tục và những ngày lễ không tôn vinh Đức Giê-hô-va? Đó là ghi nhớ quan điểm của ngài về những phong tục này. Chúng ta có thể nhận lợi ích khi nghiên cứu các bài trong ấn phẩm nói về nguồn gốc của các ngày lễ. Khi suy ngẫm về lý do không tham gia những ngày lễ ấy, chúng ta tin chắc mình đang bước theo đường lối “đẹp lòng Chúa” (Ê-phê 5:10). Việc tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và Lời ngài sẽ giúp chúng ta không “run sợ trước con người”.—Châm 29:25.

13 Bước theo chân lý là một quá trình liên tục. Chúng ta hy vọng sẽ bước theo đường lối này cho đến mãi mãi. Làm thế nào để củng cố lòng quyết tâm tiếp tục bước theo chân lý? Hãy xem xét ba cách.

CỦNG CỐ LÒNG QUYẾT TÂM BƯỚC THEO CHÂN LÝ

14. (a) Làm thế nào việc tiếp tục mua chân lý sẽ giúp chúng ta củng cố lòng quyết tâm không bao giờ bán chân lý? (b) Tại sao chúng ta cần sự khôn ngoan, sửa dạy và hiểu biết?

14 Thứ nhất, hãy tiếp tục học và suy ngẫm về những sự thật quý giá trong Lời Đức Chúa Trời. Thật vậy, hãy mua chân lý bằng cách đều đặn dành thời gian để hấp thu những sự thật quý giá ấy. Nhờ đó, anh chị sẽ càng quý trọng chân lý và củng cố lòng quyết tâm không bao giờ bán đi. Ngoài việc mua chân lý, Châm ngôn 23:23 nói rằng chúng ta cũng nên mua “sự khôn ngoan, sửa dạy và hiểu biết”. Có kiến thức thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải áp dụng chân lý vào đời sống. Khi có sự hiểu biết, chúng ta nhận ra mọi lời của Đức Giê-hô-va đều hòa hợp với nhau. Sự khôn ngoan thúc đẩy chúng ta làm theo những gì mình học. Đôi khi, chân lý sẽ sửa dạy chúng ta bằng cách giúp mình nhận ra những khía cạnh cần thay đổi. Mong sao chúng ta luôn hưởng ứng trước sự sửa dạy như thế, là điều quý hơn bạc rất nhiều.—Châm 8:10.

15. Thắt lưng chân lý bảo vệ chúng ta như thế nào?

15 Thứ hai, hãy quyết tâm sống phù hợp với chân lý mỗi ngày. Kinh Thánh ví chân lý với dây thắt lưng của người lính (Ê-phê 6:14). Vào thời Kinh Thánh, người lính đeo thắt lưng để được bảo vệ khi ra chiến trường. Nhưng để được thắt lưng bảo vệ, người lính phải thắt nó thật chặt. Một chiếc thắt lưng lỏng lẻo sẽ không giúp ích được gì. Thắt lưng chân lý bảo vệ chúng ta như thế nào? Nếu chúng ta quấn chặt chân lý quanh mình như chiếc thắt lưng, chân lý sẽ bảo vệ chúng ta trước những lập luận sai trái và giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan. Khi chúng ta đương đầu với cám dỗ hoặc thử thách, chân lý sẽ giúp chúng ta củng cố lòng quyết tâm làm điều đúng. Như một người lính không bao giờ ra trận mà không đeo thắt lưng, chúng ta cũng quyết tâm không bao giờ nới lỏng hoặc tháo bỏ thắt lưng chân lý. Thay vì thế, chúng ta nỗ lực giữ chiếc thắt lưng này được thắt chặt bằng cách sống phù hợp với chân lý. Chiếc thắt lưng của người lính còn có chức năng khác là để giắt gươm. Hãy xem hình ảnh này liên quan thế nào đến cách tiếp theo giúp chúng ta củng cố lòng quyết tâm tiếp tục bước theo chân lý.

16. Làm thế nào việc chia sẻ chân lý với người khác giúp chúng ta củng cố lòng quyết tâm tiếp tục bước theo chân lý?

16 Thứ ba, hãy hết lòng tham gia vào công việc dạy dỗ chân lý Kinh Thánh cho người khác. Bằng cách này, anh chị sẽ giữ chặt gươm thiêng liêng của mình, tức “lời Đức Chúa Trời” (Ê-phê 6:17). Tất cả chúng ta đều có thể cải thiện kỹ năng dạy dỗ qua việc “dùng lời của chân lý một cách đúng đắn” (2 Ti 2:15). Khi dùng Kinh Thánh để giúp người khác mua chân lý và bác bỏ điều sai trái, chúng ta khắc ghi những lời của Đức Giê-hô-va vào lòng và trí mình. Nhờ đó, chúng ta củng cố lòng quyết tâm tiếp tục bước theo chân lý.

17. Tại sao chân lý rất quý giá đối với anh chị?

17 Chân lý là món quà tuyệt vời đến từ Đức Giê-hô-va. Nhờ món quà này, chúng ta có được điều quý giá nhất là mối quan hệ mật thiết với Cha trên trời. Đức Giê-hô-va đã dạy chúng ta nhiều điều, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu! Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho chúng ta tương lai vĩnh cửu để gia tăng sự hiểu biết về chân lý mà chúng ta đã mua. Thế nên, hãy quý trọng chân lý như một viên ngọc quý giá. Hãy tiếp tục “mua chân lý và đừng bao giờ bán đi”. Rồi như Đa-vít, anh chị sẽ thực hiện được lời hứa này với Đức Giê-hô-va: “Con quyết bước đi theo chân lý ngài”.—Thi 86:11.

^ đ. 8 Tên đã được thay đổi.

^ đ. 8 Vào trang Kênh truyền thông JW, tìm mục PHỎNG VẤN VÀ KINH NGHIỆM > SỰ THẬT THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG.