Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy mua chân lý và đừng bao giờ bán đi”

“Hãy mua chân lý và đừng bao giờ bán đi”

“Hãy mua chân lý và đừng bao giờ bán đi, cả sự khôn ngoan, sửa dạy và hiểu biết nữa”.CHÂM 23:23.

BÀI HÁT: 94, 96

1, 2. (a) Điều quý giá nhất đối với chúng ta là gì? (b) Chúng ta quý trọng những sự thật nào, và tại sao? (Xem hình nơi đầu bài).

Điều gì quý giá nhất đối với anh chị? Anh chị có bao giờ muốn đổi điều đó với điều ít giá trị hơn không? Đối với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, câu trả lời cho hai câu hỏi này rất đơn giản. Điều quý giá nhất mà mỗi chúng ta có là mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, và chúng ta không muốn đánh đổi với bất cứ điều gì. Chúng ta cũng quý trọng chân lý, tức những sự thật trong Kinh Thánh, vì điều này giúp chúng ta vun trồng mối quan hệ với Cha trên trời.—Cô 1:9, 10.

2 Hãy nghĩ về những điều mà Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại dạy chúng ta qua Lời ngài là Kinh Thánh. Ngài tiết lộ sự thật về tầm quan trọng của danh ngài và những đức tính thu hút của ngài. Ngài cũng cho biết ngài yêu thương chúng ta đến mức đã ban Con một là Chúa Giê-su làm giá chuộc cho nhân loại. Đức Giê-hô-va cũng cho chúng ta biết về Nước của Đấng Mê-si. Ngài ban cho những tín đồ được xức dầu hy vọng lên trời và “chiên khác” hy vọng sống trong địa đàng (Giăng 10:16). Ngài dạy chúng ta nên có lối sống như thế nào. Chúng ta rất quý trọng những sự thật này vì nhờ đó chúng ta có thể đến gần với Đấng Tạo Hóa và có đời sống đầy ý nghĩa.

3. “Mua chân lý” không có nghĩa là gì?

3 Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời rộng rãi. Ngài rộng rãi đến mức ban cho chúng ta món quà là sự sống của người Con yêu quý. Ngài sẵn lòng ban điều tốt lành cho những ai tìm kiếm chân lý. Chắc chắn Đức Chúa Trời không đòi hỏi chúng ta trả tiền để có được chân lý. Khi một người tên là Si-môn hứa cho sứ đồ Phi-e-rơ tiền để được quyền ban thần khí thánh, Phi-e-rơ quở trách ông: “Nguyện bạc của anh tiêu tan với anh, vì anh nghĩ nhờ tiền mà có được món quà của Đức Chúa Trời” (Công 8:18-20). Vậy thì “mua chân lý” có nghĩa gì?

“MUA” CHÂN LÝ CÓ NGHĨA GÌ?

4. Trong bài này, chúng ta sẽ học điều gì về chân lý?

4 Đọc Châm ngôn 23:23. Chúng ta cần nỗ lực để tìm được chân lý Kinh Thánh. Chúng ta phải sẵn lòng hy sinh bất cứ điều gì để có chân lý. Như người viết Châm ngôn cho thấy, một khi “mua”, hoặc có được chân lý, chúng ta phải cẩn thận để không “bán”, hoặc đánh mất chân lý. Vậy hãy xem việc “mua” chân lý có nghĩa gì và chúng ta phải trả điều gì để có được chân lý. Qua đó, chúng ta sẽ càng quý trọng chân lý và củng cố quyết tâm không bao giờ “bán đi” chân lý. Chúng ta sẽ nhận ra chân lý là điều quý giá hơn bất cứ điều gì khác.

5, 6. (a) Làm thế nào chúng ta có thể mua chân lý mà không cần tiền? Hãy minh họa. (b) Chân lý mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

5 Ngay cả những thứ miễn phí cũng có cái giá nào đó phải trả. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “mua” nơi Châm ngôn 23:23 cũng có thể mang nghĩa là “có được”. Cả hai từ này hàm ý việc một người cần nỗ lực hoặc đổi điều gì đó để lấy một thứ có giá trị. Chúng ta có thể minh họa việc mua chân lý như sau: Hãy hình dung một siêu thị có chương trình tặng bánh miễn phí. Nhưng bánh này có tự nhiên xuất hiện trên bàn của chúng ta không? Chắc chắn không. Chúng ta phải đến siêu thị để lấy. Đúng là bánh được cho miễn phí nhưng chúng ta phải bỏ thời gian và công sức để tới siêu thị. Tương tự, chúng ta không cần tiền để mua chân lý nhưng chúng ta phải nỗ lực để có được điều đó.

6 Đọc Ê-sai 55:1-3. Những lời của Đức Giê-hô-va do Ê-sai ghi lại giúp chúng ta hiểu thêm việc mua chân lý có nghĩa gì. Trong đoạn Kinh Thánh này, Đức Giê-hô-va ví lời của ngài với nước, sữa và rượu nho. Giống như nước giúp một người thỏa mãn cơn khát, chân lý cũng làm chúng ta tươi tỉnh. Như sữa làm chúng ta khỏe mạnh và giúp trẻ em phát triển, lời của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta lớn mạnh về thiêng liêng. Hơn nữa, lời của Đức Giê-hô-va cũng được ví như rượu. Theo nghĩa nào? Trong Kinh Thánh, rượu được liên kết với sự phấn khởi, hớn hở (Thi 104:15). Vì thế, khi bảo chúng ta “mua rượu nho”, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng việc làm theo chỉ dẫn của ngài sẽ mang lại hạnh phúc (Thi 19:8). Quả là hình ảnh thích hợp để minh họa về những lợi ích một người nhận được khi học và áp dụng lời Đức Chúa Trời! Chúng ta có thể ví sự nỗ lực với giá mà mình phải trả. Vậy hãy xem năm điều mà có lẽ chúng ta phải trả để mua chân lý.

ANH CHỊ ĐÃ TỪ BỎ NHỮNG GÌ ĐỂ MUA CHÂN LÝ?

7, 8. (a) Tại sao chúng ta phải dành thời gian để mua chân lý? (b) Một chị đã sẵn sàng hy sinh những gì để mua chân lý, và kết quả là gì?

7 Thời gian. Đây là giá mà mọi người phải trả để mua được chân lý. Một người cần dành thời gian để nghe thông điệp Nước Trời, đọc Kinh Thánh và ấn phẩm, tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va cũng như chuẩn bị bài và tham dự các buổi nhóm họp. Chúng ta phải “mua”, hoặc lấy thời gian từ một số hoạt động kém quan trọng hơn. (Đọc Ê-phê-sô 5:15, 16 và chú thích). Chúng ta cần dành bao nhiêu thời gian để có sự hiểu biết chính xác về những dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh? Điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Thực tế, chúng ta có vô số điều để học về sự khôn ngoan, đường lối và công việc của Đức Giê-hô-va (Rô 11:33). Số đầu tiên của tạp chí Tháp Canh ví những sự thật với “bông hoa nhỏ bé đơn sơ”. Tạp chí này cũng nói: “Đừng hài lòng với một bông hoa sự thật. Nếu một sự thật thôi là đủ thì Đức Chúa Trời đã không ban cho những sự thật khác. Hãy tiếp tục thu lượm, tìm kiếm thêm”. Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: “Bó hoa sự thật của mình lớn đến mức nào?”. Ngay cả khi có thời gian vô tận, chúng ta vẫn luôn học được những điều mới về Đức Giê-hô-va. Ngày nay, điều quan trọng là chúng ta dùng thời gian một cách khôn ngoan để mua được càng nhiều sự thật càng tốt. Hãy xem kinh nghiệm của một chị khao khát chân lý.

8 Một chị người Nhật Bản tên là Mariko * đến thành phố New York, Hoa Kỳ, để du học. Lúc đó, chị đang theo một phong trào tôn giáo được thành lập ở Nhật Bản vào cuối thập niên 1950. Ngày nọ, một chị tiên phong gặp chị Mariko khi đi rao giảng từng nhà. Rồi chị Mariko bắt đầu tìm hiểu chân lý. Chị yêu thích những điều mình học đến mức xin học hai lần một tuần. Dù có lịch học ở trường bận rộn và phải làm việc bán thời gian nhưng ngay từ đầu chị Mariko đã tham dự các buổi nhóm họp. Chị cũng từ bỏ một số hoạt động giải trí để có thời gian học chân lý. Nhờ những hy sinh đó, chị tiến bộ rất nhanh, và chưa đầy một năm, chị đã báp-têm. Sáu tháng sau, vào năm 2006, chị bắt đầu làm tiên phong, và hiện vẫn đang phụng sự trọn thời gian.

9, 10. (a) Việc mua chân lý ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về của cải vật chất? (b) Một chị đã từ bỏ điều gì, và chị cảm thấy thế nào khi quyết định làm thế?

9 Của cải vật chất. Để mua chân lý, có lẽ chúng ta phải từ bỏ một sự nghiệp hoặc công việc có lương cao. Chẳng hạn, khi hai người đánh cá là Phi-e-rơ và Anh-rê được Chúa Giê-su mời “trở thành những tay đánh lưới người”, họ liền bỏ nghề đánh cá (Mat 4:18-20). Điều này không có nghĩa là khi học chân lý, một người phải từ bỏ công việc của mình. Họ có những bổn phận mà Kinh Thánh đòi hỏi (1 Ti 5:8). Tuy nhiên khi học chân lý, một người thường phải thay đổi quan điểm về của cải vật chất và điều chỉnh thứ tự ưu tiên. Chúa Giê-su cho thấy rõ điều này khi nói: “Đừng tích trữ của báu ở trên đất nữa... nhưng hãy tích trữ của báu ở trên trời” (Mat 6:19, 20). Hãy xem một kinh nghiệm.

10 Chị Maria thích chơi gôn từ khi còn nhỏ. Trong thời gian học trung học, chị tiếp tục phát triển kỹ năng của mình. Chị chơi giỏi đến mức nhận được học bổng của một trường đại học. Môn thể thao này là cả cuộc sống của chị, và chị có mục tiêu trở thành người chơi gôn chuyên nghiệp và kiếm thật nhiều tiền. Rồi chị Maria bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Chị yêu thích những sự thật mà mình học và rất vui khi thấy chân lý biến đổi đời sống mình. Chị cho biết: “Càng thay đổi thái độ và lối sống để phù hợp với tiêu chuẩn Kinh Thánh, tôi càng hạnh phúc hơn”. Chị Maria nhận ra sẽ rất khó để vừa theo đuổi mục tiêu thiêng liêng vừa theo đuổi của cải vật chất (Mat 6:24). Chị đã quyết định mua chân lý bằng cách từ bỏ mục tiêu trở thành người chơi gôn chuyên nghiệp cũng như những cơ hội làm giàu và nổi tiếng. Kết quả là ngày nay chị đang phụng sự với tư cách tiên phong. Chị cho biết: “Chưa bao giờ tôi có đời sống hạnh phúc và ý nghĩa như bây giờ”.

11. Khi chúng ta mua chân lý, một số mối quan hệ của mình có thể bị ảnh hưởng ra sao?

11 Mối quan hệ với người khác. Khi chúng ta chọn sống theo chân lý, mối quan hệ của chúng ta với bạn bè và người thân có thể thay đổi. Tại sao? Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu lý do khi ngài cầu nguyện cho các môn đồ: “Xin Cha dùng chân lý khiến họ nên thánh, lời Cha là chân lý” (Giăng 17:17; chú thích). Cụm từ “khiến họ nên thánh” cũng có nghĩa là “biệt riêng họ ra”. Khi chấp nhận chân lý, chúng ta tách biệt với thế gian vì chúng ta không còn rập khuôn theo thế gian. Người khác thay đổi cái nhìn về chúng ta vì giờ đây chúng ta sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh. Dù chúng ta không muốn gây sự chia rẽ, nhưng một số bạn bè và người thân trong gia đình có thể xa lánh, thậm chí chống đối niềm tin mới của chúng ta. Điều này không khiến chúng ta ngạc nhiên. Chúa Giê-su nói: “Thật vậy, kẻ thù sẽ là người nhà mình” (Mat 10:36). Ngài cũng đảm bảo rằng phần thưởng cho những ai mua chân lý sẽ vượt xa bất cứ giá nào mà một người phải trả.—Đọc Mác 10:28-30.

12. Một anh đã hy sinh những gì để mua được chân lý?

12 Một doanh nhân người Do Thái tên là Aaron từ nhỏ được dạy rằng không được phép phát âm danh Đức Chúa Trời. Nhưng anh Aaron rất muốn biết sự thật về ngài. Ngày nọ, một Nhân Chứng cho anh thấy là khi thêm nguyên âm vào bốn phụ âm của danh Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ thì danh này có thể được phát âm là “Giê-hô-va”. Anh rất hào hứng và đi tới nhà hội để chia sẻ khám phá tuyệt vời này với các ráp-bi. Họ phản ứng hoàn toàn khác với những gì anh Aaron mong đợi. Thay vì vui mừng khi biết sự thật về danh Đức Chúa Trời, họ lại nhổ vào anh và đuổi anh ra khỏi nhà hội. Mối quan hệ của anh với gia đình cũng trở nên căng thẳng. Dù vậy, anh vẫn tiếp tục mua chân lý. Anh trở thành một Nhân Chứng và sốt sắng phụng sự trong suốt quãng đời còn lại. Giống như anh Aaron, để bước theo chân lý, chúng ta sẵn sàng chấp nhận bất cứ sự thay đổi nào liên quan đến địa vị xã hội hay những mối quan hệ trong gia đình.

13, 14. Một người cần thay đổi lối suy nghĩ và hạnh kiểm như thế nào để mua chân lý? Hãy nêu ví dụ.

13 Lối suy nghĩ và hạnh kiểm không tin kính. Để chấp nhận chân lý và sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, chúng ta phải sẵn sàng thay đổi lối suy nghĩ và hạnh kiểm. Phi-e-rơ viết: “Là con cái biết vâng lời, anh em đừng để bị rập khuôn theo những ham muốn mình từng có khi còn thiếu hiểu biết, nhưng hãy nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình” (1 Phi 1:14, 15). Tại thành Cô-rinh-tô xưa, nhiều người có lối sống bại hoại. Để mua được chân lý, họ phải thực hiện những thay đổi lớn trong đời sống (1 Cô 6:9-11). Tương tự, nhiều người ngày nay đã từ bỏ hạnh kiểm xấu để có thể mua chân lý. Phi-e-rơ miêu tả về điều này khi viết: “Khoảng thời gian qua đã đủ cho anh em làm theo ý muốn của thế gian, khi lối sống anh em đầy những hành vi trâng tráo, đam mê vô độ, uống rượu quá độ, truy hoan trác táng, chè chén say sưa, thờ thần tượng đáng gớm ghiếc”.—1 Phi 4:3.

14 Trong nhiều năm, anh Devynn và chị Jasmine là những người nghiện rượu. Dù anh Devynn là một kế toán giỏi nhưng anh không giữ được việc vì thói say xỉn. Còn chị Jasmine có tiếng là người nóng tính và hung bạo. Ngày nọ, khi đang say xỉn ở ngoài đường, chị Jasmine gặp hai Nhân Chứng. Hai giáo sĩ này đã đề nghị đến nhà chị Jasmine để giúp chị tìm hiểu Kinh Thánh. Tuần sau, khi hai Nhân Chứng đến thì thấy anh Devynn và chị Jasmine đang say rượu. Họ không nghĩ là các giáo sĩ sẽ đến. Lần tới, khi các giáo sĩ đến thì hoàn toàn khác. Anh Devynn và chị Jasmine rất háo hức học Kinh Thánh, và họ nhanh chóng áp dụng những gì mình học. Chưa đầy ba tháng sau, họ quyết định bỏ rượu và hợp pháp hóa hôn nhân. Nhiều người trong làng của họ nhận ra những thay đổi này và được thôi thúc để tìm hiểu Kinh Thánh.

15. Một trong những cái giá khó trả nhất để mua được chân lý là gì, và tại sao?

15 Phong tục và truyền thống trái với Kinh Thánh. Từ bỏ phong tục và truyền thống trái với Kinh Thánh có thể là một trong những cái giá khó trả nhất để mua được chân lý. Dù một số người có lẽ thấy dễ từ bỏ những truyền thống này, nhưng số khác cảm thấy rất khó vì bị áp lực từ gia đình, đồng nghiệp và bạn bè. Người ta nói chung rất xem trọng một số phong tục, chẳng hạn như việc tôn thờ người thân đã qua đời (Phục 14:1). Làm thế nào chúng ta làm hài lòng Đức Chúa Trời? Gương can đảm của người khác có thể giúp chúng ta thực hiện thay đổi cần thiết. Hãy xem một số tín đồ ở Ê-phê-sô vào thế kỷ thứ nhất đã hành động can đảm thế nào.

16. Một số người ở Ê-phê-sô đã làm gì để mua chân lý?

16 Ê-phê-sô nổi tiếng là thành thực hành phép thuật. Những người từng tham gia vào thực hành này đã làm gì để tránh xa các việc làm trái với Kinh Thánh và mua chân lý? Kinh Thánh cho biết: “Có khá đông người từng thực hành phép thuật đã đem sách vở của mình đến đốt trước mặt mọi người. Người ta tính giá trị của số sách đó là 50.000 miếng bạc. Vậy, lời Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển và thắng lợi” (Công 19:19, 20). Những người mới tin đạo này đã từ bỏ những thứ quý giá, và họ nhận được các ân phước vô giá.

17. (a) Giá chúng ta phải trả để mua được chân lý có thể bao hàm những gì? (b) Những câu hỏi nào sẽ được xem xét trong bài tới?

17 Anh chị đã trả những gì để mua được chân lý? Tất cả chúng ta đều dành thời gian để thu lượm những bông hoa sự thật. Có những anh chị mua chân lý bằng cách hy sinh lợi ích vật chất và chấp nhận một số mối quan hệ sẽ thay đổi. Nhiều anh chị phải thay đổi lối suy nghĩ và hạnh kiểm, cũng như từ bỏ phong tục và truyền thống trái với Kinh Thánh. Dù phải hy sinh điều gì đi nữa, chúng ta tin chắc chân lý là điều quý hơn bất cứ giá nào mà một người phải trả. Nhờ chân lý, chúng ta có được điều quý giá nhất là mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Khi suy ngẫm về những ân phước nhận được, chúng ta thấy khó hình dung là một người sẽ “bán đi” chân lý. Làm sao điều này lại có thể xảy ra, và làm thế nào để tránh phạm phải sai lầm nghiêm trọng ấy? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này trong bài kế tiếp.

^ đ. 8 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.