Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 48

“Hãy hoàn tất những gì anh em đã khởi sự làm”

“Hãy hoàn tất những gì anh em đã khởi sự làm”

“Hãy hoàn tất những gì anh em đã khởi sự làm”.—2 CÔ 8:11.

BÀI HÁT 35 “Nhận biết những điều quan trọng hơn”

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va cho chúng ta quyền làm gì?

Đức Giê-hô-va cho chúng ta quyền lựa chọn lối sống cho mình. Ngài dạy chúng ta cách để có những quyết định khôn ngoan. Khi chúng ta đưa ra quyết định làm ngài hài lòng, ngài sẽ giúp chúng ta thành công (Thi 119:173). Vì thế, khi áp dụng sự khôn ngoan trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có những quyết định khôn ngoan hơn.—Hê 5:14.

2. Có lẽ chúng ta phải đối mặt với thử thách nào sau khi đưa ra quyết định?

2 Tuy nhiên, ngay cả khi đã đưa ra quyết định khôn ngoan, có lẽ chúng ta thấy khó để hoàn tất điều mình đã khởi sự. Hãy xem vài ví dụ: Một anh trẻ quyết định sẽ đọc toàn bộ Kinh Thánh. Anh đọc rất đều đặn trong vài tuần nhưng lại ngưng vì lý do nào đó. Một chị quyết định sẽ làm tiên phong đều đều nhưng rồi chị tiếp tục trì hoãn. Một hội đồng trưởng lão nhất trí đưa ra quyết định sẽ thăm chiên nhiều hơn trong hội thánh, nhưng nhiều tháng sau họ vẫn chưa thực hiện kế hoạch đó. Mỗi tình huống mỗi khác, nhưng tất cả đều có một điểm chung là quyết định được đưa ra nhưng chưa hoàn tất. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Cô-rinh-tô đối mặt với thử thách tương tự. Hãy xem chúng ta học được gì từ họ.

3. Các tín đồ ở Cô-rinh-tô đưa ra quyết định nào, nhưng điều gì đã xảy ra?

3 Vào khoảng năm 55 CN, các tín đồ ở Cô-rinh-tô đưa ra một quyết định quan trọng. Họ được biết anh em ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê lâm vào cảnh khó khăn, nghèo đói, và những hội thánh khác đang quyên góp tiền để giúp đỡ anh em ở đó. Vì có lòng nhân từ và rộng rãi, các tín đồ ở Cô-rinh-tô nhất trí đóng góp để ủng hộ anh em. Họ hỏi sứ đồ Phao-lô cách để giúp đỡ. Phao-lô đã gửi chỉ dẫn cho hội thánh và bổ nhiệm Tít hỗ trợ việc quyên góp (1 Cô 16:1; 2 Cô 8:6). Nhưng vài tháng sau, Phao-lô được biết anh em ở Cô-rinh-tô chưa thực hiện điều họ đã nói. Dường như họ chưa chuẩn bị xong quà đóng góp để gửi đến Giê-ru-sa-lem cùng với quà của những hội thánh khác.—2 Cô 9:4, 5.

4. Như được nói nơi 2 Cô-rinh-tô 8:7, 10, 11, Phao-lô khuyến khích các tín đồ ở Cô-rinh-tô làm gì?

4 Các tín đồ ở Cô-rinh-tô đã đưa ra quyết định đúng; Phao-lô khen họ vì có đức tin nổi bật và ước muốn thể hiện lòng rộng rãi. Nhưng ông cũng phải khuyến khích họ hoàn tất công việc mà họ đã khởi sự. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 8:7, 10, 11). Kinh nghiệm của họ cho thấy ngay cả những tín đồ trung thành có lẽ cũng thấy khó để thực hiện một quyết định đúng mà mình đã đưa ra.

5. Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

5 Giống như các tín đồ ở Cô-rinh-tô, có lẽ chúng ta cũng thấy khó để thực hiện các quyết định của mình. Tại sao? Là người bất toàn, chúng ta thường có khuynh hướng chần chừ, lưỡng lự. Hoặc những chuyện bất ngờ xảy đến có thể khiến chúng ta khó làm điều mình đã quyết định (Truyền 9:11; Rô 7:18). Chúng ta phải làm gì nếu thấy mình cần xem lại và điều chỉnh quyết định nào đó? Và làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo mình sẽ hoàn tất điều đã khởi sự?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH KHÔN NGOAN?

6. Tại sao đôi khi chúng ta cần điều chỉnh một quyết định nào đó?

6 Có một số quyết định quan trọng mà chúng ta không bao giờ muốn thay đổi. Chẳng hạn, chúng ta muốn giữ vững quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và quyết tâm chung thủy với người hôn phối (Mat 16:24; 19:6). Tuy nhiên, có những quyết định khác có lẽ cần được điều chỉnh. Tại sao? Vì hoàn cảnh thay đổi. Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra quyết định tốt nhất?

7. Chúng ta nên cầu xin điều gì, và tại sao?

7 Cầu xin sự khôn ngoan. Đức Giê-hô-va soi dẫn Gia-cơ viết: “Nếu ai trong anh em thiếu sự khôn ngoan thì hãy tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời, vì ngài rộng rãi ban cho mọi người” (Gia 1:5). Tất cả chúng ta đều “thiếu sự khôn ngoan” trong một vài khía cạnh. Vì thế hãy nương cậy Đức Giê-hô-va khi đưa ra quyết định và khi cần xem lại quyết định đó. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị lựa chọn khôn ngoan.

8. Chúng ta nên tra cứu những gì trước khi đưa ra quyết định?

8 Tra cứu kỹ lưỡng. Hãy xem xét Lời Đức Chúa Trời, đọc ấn phẩm của tổ chức và nói chuyện với những người đáng tin cậy (Châm 20:18). Việc tra cứu như thế là điều thiết yếu trước khi quyết định thay đổi công việc, chuyển chỗ ở hoặc chọn một nền giáo dục thích hợp để chăm lo cho bản thân và giúp mình thi hành thánh chức.

9. Chúng ta sẽ nhận được lợi ích nào nếu trung thực với chính mình?

9 Xem xét động cơ. Động cơ của chúng ta là điều quan trọng với Đức Giê-hô-va (Châm 16:2). Ngài muốn chúng ta trung thực trong mọi việc. Thế nên khi đưa ra quyết định, chúng ta cũng muốn xem xét động cơ và trung thực với chính mình cũng như với người khác. Nếu không xem xét bản thân một cách trung thực, có thể chúng ta sẽ khó thực hiện trọn vẹn điều mình đã quyết định. Chẳng hạn, một anh trẻ quyết định trở thành tiên phong đều đều. Nhưng sau một thời gian, anh thấy khó để đạt đủ số giờ quy định, và anh cũng không tìm thấy nhiều niềm vui trong thánh chức. Có lẽ anh từng nghĩ động cơ chính thúc đẩy mình làm tiên phong là vì muốn Đức Giê-hô-va vui lòng. Nhưng phải chăng động cơ thật sự của anh là muốn làm hài lòng cha mẹ hoặc người mà anh cảm phục?

10. Điều cần thiết để thực hiện những thay đổi là gì?

10 Hãy xem trường hợp của một học viên Kinh Thánh quyết định bỏ thuốc lá. Lúc đầu anh ấy bỏ được thuốc lá trong một hoặc hai tuần dù không dễ, nhưng rồi anh hút thuốc trở lại. Tuy nhiên, cuối cùng anh đã thành công! Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và ước muốn làm ngài hài lòng đã giúp anh bỏ được tật xấu này.—Cô 1:10; 3:23.

11. Tại sao anh chị cần đặt mục tiêu cụ thể?

11 Đặt mục tiêu cụ thể. Càng đặt mục tiêu cụ thể, anh chị càng dễ hoàn tất điều mình đã khởi sự. Chẳng hạn, anh chị quyết định đọc Kinh Thánh đều đặn hơn. Nhưng nếu anh chị không có một thời gian biểu rõ ràng thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. * Hoặc các trưởng lão trong hội thánh quyết định thăm chiên thường xuyên hơn, nhưng sau một thời gian các anh vẫn chưa thực hiện quyết định đó. Để thực hiện thành công quyết định ấy, các anh có thể hỏi những câu như: “Chúng ta có lập danh sách những anh chị đặc biệt nhận được lợi ích từ việc thăm chiên không? Chúng ta có sắp xếp thời gian cụ thể để thăm họ không?”.

12. Có lẽ chúng ta cần làm điều gì, và tại sao?

12 Có quan điểm thực tế. Không ai trong chúng ta có đủ thời gian, năng lực và của cải để làm mọi điều mình muốn. Vì thế, hãy thực tế và phải lẽ. Nếu cần, có lẽ chúng ta phải thay đổi quyết định mà mình nhận ra là không đủ khả năng để thực hiện (Truyền 3:6). Giả sử sau khi xem lại quyết định, anh chị điều chỉnh và thấy mình có thể thực hiện được quyết định ấy. Giờ đây hãy xem năm điều có thể giúp anh chị hoàn tất điều mình đã khởi sự.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH?

13. Làm thế nào anh chị có thể có sức mạnh cần thiết để thực hiện quyết định nào đó?

13 Cầu xin sức mạnh để hành động. Đức Chúa Trời có thể ban cho anh chị “sức mạnh để hành động” và thực hiện quyết định của mình (Phi-líp 2:13). Vì vậy, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh để giúp anh chị có sức mạnh cần thiết. Nếu cảm thấy lời cầu nguyện chưa được đáp lại, hãy tiếp tục cầu nguyện. Chúa Giê-su nói: “Cứ xin thì sẽ được [thần khí thánh]”.—Lu 11:9, 13.

14. Nguyên tắc nơi Châm ngôn 21:5 giúp anh chị như thế nào trong việc thực hiện một quyết định?

14 Lên kế hoạch. (Đọc Châm ngôn 21:5). Để hoàn tất bất cứ dự án nào, anh chị cần lên kế hoạch và theo sát kế hoạch ấy. Tương tự, khi đưa ra một quyết định, hãy liệt kê những việc cụ thể anh chị cần làm để thực hiện quyết định ấy. Chia việc lớn thành từng việc nhỏ sẽ giúp anh chị kiểm soát tiến độ dễ dàng hơn. Phao-lô khuyến khích các tín đồ ở Cô-rinh-tô dành riêng một số tiền “vào ngày đầu tuần” để đóng góp thay vì đợi đến khi ông tới (1 Cô 16:2). Chia việc lớn thành từng việc nhỏ cũng có thể giúp anh chị không bị choáng ngợp.

15. Sau khi ghi ra kế hoạch, chúng ta cần làm gì?

15 Ghi ra kế hoạch rõ ràng có thể giúp anh chị dễ thực hiện điều mình đã quyết định (1 Cô 14:40). Chẳng hạn, các hội đồng trưởng lão được hướng dẫn là chỉ định một trưởng lão ghi lại những quyết định của hội đồng, gồm người thực hiện và thời hạn hoàn thành. Việc làm theo hướng dẫn này sẽ giúp các trưởng lão dễ thực hiện các quyết định hơn (1 Cô 9:26). Anh chị cũng có thể làm điều tương tự cho những việc cá nhân. Chẳng hạn, anh chị có thể lên danh sách những việc cần làm thường ngày và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những công việc đó. Điều này không chỉ giúp anh chị hoàn tất việc mình đã khởi sự mà còn làm được nhiều việc trong thời gian ngắn hơn.

16. Điều thiết yếu để thực hiện quyết định là gì, và Rô-ma 12:11 ủng hộ cho điểm này như thế nào?

16 Nỗ lực hết mình. Cần nỗ lực để làm theo kế hoạch và hoàn tất những gì mình đã khởi sự. (Đọc Rô-ma 12:11). Phao-lô khuyên Ti-mô-thê hãy “chuyên tâm” và “kiên trì” để trở thành người dạy dỗ hữu hiệu hơn. Lời khuyên này cũng áp dụng cho các mục tiêu thiêng liêng khác.—1 Ti 4:13, 16.

17. Chúng ta có thể áp dụng Ê-phê-sô 5:15, 16 như thế nào khi thực hiện một quyết định?

17 Dùng thời gian một cách khôn ngoan. (Đọc Ê-phê-sô 5:15, 16). Hãy chọn thời điểm để thực hiện quyết định và quyết tâm theo sát. Đừng đợi đến một thời điểm lý tưởng; rất có thể điều đó sẽ không bao giờ xảy ra (Truyền 11:4). Hãy cẩn thận không để những việc kém quan trọng chiếm lấy thời gian và năng lực mình cần cho những việc quan trọng hơn (Phi-líp 1:10). Nếu có thể, hãy chọn thời điểm mà anh chị ít bị gián đoạn. Hãy cho người khác biết anh chị cần tập trung. Nếu được, hãy tắt điện thoại, kiểm tra e-mail hoặc lên mạng xã hội vào lúc khác. *

18, 19. Điều gì có thể giúp anh chị không bỏ cuộc khi thực hiện quyết định dù gặp những trở ngại?

18 Chú tâm vào kết quả. Kết quả của một quyết định được ví như đích đến của một cuộc hành trình. Nếu thật sự muốn đi đến đích, anh chị sẽ tiếp tục hành trình ngay cả khi có một con đường bị chặn và phải thay đổi lộ trình. Tương tự, nếu chú tâm vào kết quả mà một quyết định mang lại, chúng ta sẽ không dễ bỏ cuộc khi gặp trở ngại hoặc phải đi đường vòng.—Ga 6:9.

19 Đưa ra quyết định khôn ngoan là điều khó, và thực hiện quyết định đó có thể là thách đố. Nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, anh chị có thể có được sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để hoàn tất những gì mình đã khởi sự.

BÀI HÁT 65 Hãy tấn tới!

^ đ. 5 Anh chị có hối tiếc về một số quyết định của mình không? Hoặc có khi nào anh chị thấy khó đưa ra quyết định khôn ngoan và thực hiện quyết định đó không? Bài này sẽ giúp anh chị đối phó với những thử thách ấy và hoàn tất điều mình đã khởi sự.

^ đ. 11 Để lên kế hoạch cho việc đọc Kinh Thánh cá nhân, hãy vào phần “Chương trình đọc Kinh Thánh” có trên jw.org®.

^ đ. 17 Xin xem bài “Làm sao tận dụng thời gian cách khôn ngoan?” trong Tỉnh Thức! tháng 2 năm 2014, trg 6.