Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 45

Làm thế nào để giúp người khác giữ các mệnh lệnh của Đấng Ki-tô?

Làm thế nào để giúp người khác giữ các mệnh lệnh của Đấng Ki-tô?

‘Hãy đi đào tạo môn đồ và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em’.—MAT 28:19, 20.

BÀI HÁT 89 Nghe và giữ Lời Chúa sẽ được ban phước

GIỚI THIỆU *

1. Theo Ma-thi-ơ 28:18-20, Chúa Giê-su đưa ra mệnh lệnh nào?

Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ đang nhóm lại tại Ga-li-lê. Ngài có một điều quan trọng muốn nói với họ. Đó là gì? Những lời của ngài được ghi nơi Ma-thi-ơ 28:18-20.—Đọc.

2. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Mệnh lệnh đào tạo môn đồ cũng áp dụng cho mỗi tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay. Vì thế, hãy cùng xem xét ba câu hỏi liên quan đến nhiệm vụ Chúa Giê-su giao cho chúng ta. Thứ nhất, ngoài việc dạy các môn đồ mới về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời, chúng ta cần làm gì khác? Thứ hai, làm thế nào tất cả công bố trong hội thánh có thể góp phần vào sự tiến bộ của các học viên Kinh Thánh? Thứ ba, làm sao để giúp các tín đồ ngưng hoạt động tham gia trở lại vào việc đào tạo môn đồ?

DẠY HỌ GIỮ LỜI CHÚA GIÊ-SU

3. Chỉ dẫn của Chúa Giê-su bao gồm chi tiết quan trọng nào?

3 Chỉ dẫn của Chúa Giê-su rất rõ ràng, đó là chúng ta phải dạy người ta những điều ngài đã truyền. Nhưng chúng ta không nên bỏ qua một chi tiết quan trọng. Chúa Giê-su không nói: “Dạy họ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em”. Thay vì thế, ngài nói: “Dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em”. Để áp dụng chỉ dẫn cụ thể này khi dạy học viên Kinh Thánh, chúng ta không chỉ cần dạy họ mà còn cần hướng dẫn họ (Công 8:31). Tại sao?

4. Giữ một mệnh lệnh có nghĩa gì? Hãy minh họa.

4 “Giữ” một mệnh lệnh nghĩa là làm theo mệnh lệnh ấy. Để minh họa về cách dạy một người giữ, hoặc làm theo, những điều Chúa Giê-su đã truyền, hãy xem trường hợp của người dạy lái xe. Làm thế nào người dạy lái xe có thể dạy học viên biết cách giữ luật giao thông? Có lẽ trước tiên người ấy cần dạy lý thuyết cho học viên. Nhưng để dạy học viên biết cách làm theo luật, người dạy cần làm một bước khác. Người ấy cần đi chung với học viên, hướng dẫn khi họ lái xe trên đường và tập áp dụng những gì đã học. Bài học là gì?

5. (a) Theo Giăng 14:15 và 1 Giăng 2:3, chúng ta cần dạy học viên làm gì? (b) Làm thế nào để giúp học viên biết cách áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong Kinh Thánh?

5 Khi học Kinh Thánh với người khác, chúng ta dạy họ về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Nhưng điều đó chưa đủ. Chúng ta cần dạy học viên cách áp dụng những điều họ học vào đời sống hằng ngày. (Đọc Giăng 14:15; 1 Giăng 2:3). Qua gương mẫu, chúng ta có thể giúp học viên biết cách áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong Kinh Thánh tại trường học, sở làm hoặc khi giải trí. Chúng ta có thể kể kinh nghiệm của bản thân cho thấy việc áp dụng chỉ dẫn trong Kinh Thánh đã giúp mình quyết định khôn ngoan hoặc tránh được những nguy hại. Khi cầu nguyện chung với học viên, hãy xin Đức Giê-hô-va ban thần khí hướng dẫn họ.—Giăng 16:13.

6. Dạy người khác giữ các mệnh lệnh của Chúa Giê-su bao hàm điều gì?

6 Dạy người khác giữ các mệnh lệnh của Chúa Giê-su bao hàm điều gì? Chúng ta cần giúp học viên vun trồng ước muốn đào tạo môn đồ. Một số học viên cảm thấy sợ tham gia công việc rao giảng. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn giúp họ hiểu rõ hơn về những sự thật Kinh Thánh để họ có đức tin mạnh mẽ, được động đến lòng và được thôi thúc hành động. Chúng ta có thể làm gì để giúp học viên vun trồng ước muốn chia sẻ tin mừng với người khác?

7. Làm thế nào để giúp học viên vun trồng ước muốn chia sẻ tin mừng với người khác?

7 Chúng ta có thể hỏi học viên những câu như: “Việc chấp nhận thông điệp Nước Trời đã giúp đời sống của anh chị tốt hơn như thế nào? Anh chị nghĩ người khác có cần nghe thông điệp này không? Anh chị có thể làm gì để giúp họ?” (Châm 3:27; Mat 9:37, 38). Cho học viên xem những tờ chuyên đề trong Hộp dụng cụ dạy dỗ và để người ấy chọn những tờ mà họ nghĩ sẽ thu hút người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Đưa cho học viên những tờ chuyên đề mà người ấy chọn. Thực tập với học viên để giúp người ấy biết cách khéo léo mời nhận tờ chuyên đề. Dĩ nhiên, sau khi học viên được chấp thuận làm người công bố chưa báp-têm, chúng ta muốn cùng đi rao giảng với họ để hướng dẫn họ.—Truyền 4:9, 10; Lu 6:40.

HỘI THÁNH CÓ THỂ GIÚP HỌC VIÊN TIẾN BỘ

8. Tại sao giúp học viên vun đắp tình yêu thương sâu đậm dành cho Đức Chúa Trời và người lân cận là điều quan trọng? (Cũng xem khung “ Giúp học viên ngày càng yêu thương Đức Chúa Trời”).

8 Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su bảo chúng ta dạy người khác “giữ mọi điều” mà ngài đã truyền. Hẳn điều đó bao gồm hai điều răn quan trọng nhất là yêu thương Đức Chúa Trời và yêu người lân cận; cả hai điều răn này có liên hệ chặt chẽ với việc rao giảng và đào tạo môn đồ (Mat 22:37-39). Như thế nào? Động lực chính thôi thúc chúng ta tham gia công việc rao giảng là tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và người lân cận. Điều dễ hiểu là một số học viên cảm thấy sợ khi nghĩ đến việc rao giảng. Nhưng chúng ta có thể trấn an họ rằng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, họ sẽ dần vượt qua nỗi sợ con người (Thi 18:1-3; Châm 29:25). Khung trong bài này sẽ cho biết những điều chúng ta có thể làm để giúp học viên ngày càng yêu thương Đức Chúa Trời. Ngoài ra, hội thánh cũng có thể giúp học viên tiến bộ trong việc thể hiện tình yêu thương.

9. Theo minh họa trong đoạn, người học lái xe có thể học được các bài học quý giá qua cách nào?

9 Hãy nhớ lại minh họa về người học lái xe. Khi lái xe trên đường và có người dạy ngồi bên cạnh, học viên có thể học qua cách lắng nghe người dạy và quan sát những người lái xe cẩn thận. Chẳng hạn, người dạy sẽ chỉ cho học viên thấy một tài xế đang tử tế nhường đường cho xe khác muốn đi trước, hoặc một tài xế lịch sự giảm đèn pha để tránh gây chói mắt cho lái xe khác. Những gương ấy dạy học viên các bài học quý giá khi lái xe.

10. Điều gì sẽ giúp học viên tiến bộ về thiêng liêng?

10 Tương tự, một học viên Kinh Thánh mới bắt đầu đi trên con đường dẫn đến sự sống không chỉ học từ người dạy mà còn từ gương của các tôi tớ trung thành khác. Để tiến bộ về thiêng liêng, học viên cần tham dự các buổi nhóm họp. Tại sao? Vì sự dạy dỗ tại buổi nhóm họp sẽ giúp họ hiểu nhiều hơn về Kinh Thánh, củng cố đức tin cũng như tình yêu thương với Đức Chúa Trời (Công 15:30-32). Ngoài ra, tại buổi nhóm họp, người dạy có thể giới thiệu học viên với các anh chị có điểm chung với họ. Học viên cũng có thể thấy những gương tốt về tình yêu thương được thể hiện qua hành động. Hãy xem một số tình huống.

11. Học viên có thể thấy những gương nào trong hội thánh, và điều đó ảnh hưởng ra sao đến họ?

11 Một học viên Kinh Thánh là mẹ đơn thân thấy một chị tín đồ cũng có hoàn cảnh giống mình và cảm động khi thấy chị ấy nỗ lực đến Phòng Nước Trời cùng với các con nhỏ. Một học viên khác đang tranh đấu để bỏ thuốc lá làm quen với một anh từng gặp thử thách tương tự nhưng đã vượt qua. Anh công bố ấy cho học viên biết làm thế nào tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã thôi thúc anh vâng theo các điều răn của ngài (2 Cô 7:1; Phi-líp 4:13). Sau khi kể kinh nghiệm của mình, anh công bố trấn an học viên: “Anh cũng có thể bỏ được”, điều đó giúp học viên cảm thấy tự tin hơn. Một em gái đang học Kinh Thánh để ý thấy một chị trẻ rất hạnh phúc khi làm Nhân Chứng. Điều này khiến học viên muốn biết tại sao chị ấy dường như lúc nào cũng vui vẻ.

12. Tại sao có thể nói rằng mỗi anh chị trong hội thánh đều có vai trò trong việc giúp các học viên Kinh Thánh?

12 Khi làm quen với nhiều anh chị trung thành khác nhau, học viên sẽ học được từ gương của họ và hiểu việc giữ mệnh lệnh yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận có nghĩa gì (Giăng 13:35; 1 Ti 4:12). Hơn nữa, như đã được đề cập, học viên có thể học từ các anh chị đang phải đương đầu với khó khăn giống mình. Gương của các anh chị ấy giúp học viên nhận ra rằng việc thực hiện thay đổi cần thiết để trở thành môn đồ Đấng Ki-tô là điều nằm trong tầm tay của mình (Phục 30:11). Mỗi anh chị trong hội thánh có thể góp phần vào sự tiến bộ của học viên theo nhiều cách khác nhau (Mat 5:16). Anh chị làm gì để khích lệ các học viên đang tham dự nhóm họp?

GIÚP NGƯỜI NGƯNG HOẠT ĐỘNG RAO GIẢNG TRỞ LẠI

13, 14. Chúa Giê-su đối xử thế nào với các sứ đồ bị ngã lòng?

13 Chúng ta muốn giúp các anh chị ngưng hoạt động tham gia trở lại vào việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Cách Chúa Giê-su đối xử với các sứ đồ bị ngã lòng cho biết chúng ta có thể làm gì ngày nay.

14 Ngay trước khi Chúa Giê-su chịu chết, tất cả các sứ đồ “đều bỏ ngài mà chạy trốn” (Mác 14:50; Giăng 16:32). Chúa Giê-su đã đối xử thế nào với các sứ đồ khi họ nhất thời ngã lòng? Không lâu sau khi được sống lại, ngài bảo một số môn đồ: “Đừng sợ! Hãy đi báo tin cho anh em tôi [rằng tôi đã được sống lại]” (Mat 28:10a). Chúa Giê-su không từ bỏ các sứ đồ. Dù họ từng bỏ ngài, ngài vẫn gọi họ là “anh em tôi”. Giống như Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su có lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ.—2 Vua 13:23.

15. Chúng ta cảm thấy thế nào về những anh chị đã ngừng tham gia thánh chức?

15 Cũng vậy, chúng ta quan tâm sâu xa đến những anh chị đã ngừng tham gia thánh chức. Họ là anh em của chúng ta, và chúng ta yêu thương họ! Chúng ta vẫn nhớ đến công việc họ đã làm cho Đức Giê-hô-va trong quá khứ, một số trong đó có lẽ đã phụng sự hàng thập kỷ (Hê 6:10). Chúng ta rất nhớ họ! (Lu 15:4-7). Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm đến họ qua những cách nào?

16. Chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm đến những anh chị ngưng hoạt động bằng cách nào?

16 Nồng ấm mời họ dự nhóm họp. Một cách Chúa Giê-su khích lệ các sứ đồ bị ngã lòng là mời họ đến dự một buổi họp (Mat 28:10b; 1 Cô 15:6). Ngày nay, chúng ta cũng có thể khuyến khích những người ngưng hoạt động tham dự nhóm họp. Có lẽ chúng ta cần mời họ nhiều lần trước khi họ hưởng ứng. Chắc chắn, Chúa Giê-su rất vui khi các môn đồ hưởng ứng lời mời của ngài.—So sánh Ma-thi-ơ 28:16 và Lu-ca 15:6.

17. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi một anh chị ngưng hoạt động tham dự nhóm họp?

17 Nhiệt tình chào đón họ. Chúa Giê-su chủ động chào đón và bắt chuyện với các môn đồ, điều này khiến họ cảm thấy thoải mái (Mat 28:18). Chúng ta nên phản ứng thế nào khi một người ngưng hoạt động đến Phòng Nước Trời? Hãy chủ động chào đón họ một cách nồng ấm. Lúc đầu, có lẽ chúng ta lo lắng không biết phải nói gì. Nhưng để họ không cảm thấy ngại, chúng ta có thể đơn giản cho họ biết mình rất vui khi gặp lại họ.

18. Làm thế nào chúng ta có thể trấn an những người công bố ngưng hoạt động?

18 Chân thành trấn an họ. Hẳn các môn đồ của Chúa Giê-su cảm thấy choáng ngợp khi nhận sứ mạng rao giảng ra khắp đất. Chúa Giê-su trấn an họ rằng: “Tôi sẽ luôn ở cùng anh em” (Mat 28:20). Lời trấn an của ngài có giúp các môn đồ không? Có. Không lâu sau đó, họ bận rộn “dạy dỗ và rao truyền tin mừng” (Công 5:42). Những người ngưng hoạt động cũng cần được trấn an. Có lẽ họ cảm thấy choáng ngợp khi nghĩ đến việc rao giảng trở lại. Hãy trấn an họ rằng họ sẽ không phải rao giảng một mình. Khi họ sẵn sàng, chúng ta có thể cùng tham gia thánh chức với họ. Chắc chắn, họ sẽ quý trọng sự hỗ trợ của chúng ta khi bắt đầu rao giảng trở lại. Khi chúng ta xem những người ngưng hoạt động là anh em của mình và đối xử yêu thương với họ, rất có thể họ sẽ hoạt động trở lại, và điều này mang lại niềm vui cho cả hội thánh.

QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC ĐƯỢC GIAO

19. Chúng ta có ước muốn chân thành nào, và tại sao?

19 Chúng ta nên tiếp tục đào tạo môn đồ cho đến khi nào? Cho đến khi thế gian này kết thúc (Mat 28:20; xin xem “Kỳ cuối cùng của thế gian này” trong Bảng chú giải thuật ngữ). Chúng ta sẽ hoàn thành được sứ mạng Chúa Giê-su giao không? Chúng ta quyết tâm làm thế! Chúng ta sẵn lòng dành thời gian, sức lực và tiền của hầu tìm những người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu” (Công 13:48). Khi làm thế, chúng ta đang noi gương Chúa Giê-su. Ngài nói: “Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn của đấng sai tôi đến và hoàn thành công việc ngài giao” (Giăng 4:34; 17:4). Chúng ta cũng có ước muốn chân thành là hoàn thành công việc được giao (Giăng 20:21). Chúng ta muốn người khác, gồm những người ngưng hoạt động, bền chí làm công việc này với mình.—Mat 24:13.

20. Theo Phi-líp 4:13, tại sao chúng ta có thể thi hành công việc Chúa Giê-su giao?

20 Đúng là không dễ để thi hành sứ mạng Chúa Giê-su giao. Nhưng chúng ta không làm công việc này một mình. Chúa Giê-su hứa rằng ngài sẽ ở cùng chúng ta. Khi đào tạo môn đồ, chúng ta đang “cùng làm việc với Đức Chúa Trời” và “với Đấng Ki-tô” (1 Cô 3:9; 2 Cô 2:17). Với sự trợ giúp của hai đấng ấy, chúng ta có thể thi hành công việc được giao. Quả là một đặc ân và niềm vui khi được thi hành nhiệm vụ này và giúp người khác cũng làm thế!—Đọc Phi-líp 4:13.

BÀI HÁT 79 Xin Cha giúp chiên vững vàng

^ đ. 5 Chúa Giê-su bảo những người theo ngài hãy đào tạo môn đồ và dạy họ giữ mọi điều mà ngài đã truyền. Bài này sẽ xem làm thế nào chúng ta có thể vâng theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su. Một phần thông tin trong bài dựa trên một bài đã được đăng trong Tháp Canh ngày 1-7-2004, trang 14-19.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Một chị điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh giải thích những điều học viên cần làm để ngày càng yêu thương Đức Chúa Trời. Sau đó, học viên áp dụng ba gợi ý nhận được từ người dạy.