Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 46

Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vui mừng chịu đựng

Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vui mừng chịu đựng

“Đức Giê-hô-va vẫn kiên nhẫn chờ đợi để ban ơn cho anh em, ngài sẽ trỗi dậy để tỏ lòng thương xót”.—Ê-SAI 30:18.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

GIỚI THIỆU a

1, 2. (a) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào? (b) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va rất muốn giúp đỡ chúng ta?

 Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta đương đầu với những khó khăn trong đời sống và có niềm vui trong việc phụng sự. Ngài làm thế qua những cách nào? Và làm thế nào để nhận lợi ích trọn vẹn từ sự giúp đỡ mà Đức Giê-hô-va cung cấp? Những câu hỏi ấy sẽ được giải đáp trong bài này. Nhưng trước hết, hãy xem một câu hỏi liên quan: “Đức Giê-hô-va có thật sự muốn giúp chúng ta không?”.

2 Trong lá thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, Phao-lô dùng một cụm từ có thể giúp chúng ta biết câu trả lời. Ông viết: “Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ chẳng sợ hãi gì. Loài người làm chi tôi được?” (Hê 13:6). Các tài liệu tham khảo Kinh Thánh cho biết cụm từ “đấng giúp đỡ”, như được dùng trong câu này, nói đến một người chạy tới giúp đỡ người đang kêu cứu. Hãy hình dung Đức Giê-hô-va nhanh chóng đến giải cứu người đang gặp khốn khổ. Hẳn anh chị đồng ý rằng cách miêu tả này nêu bật việc Đức Giê-hô-va rất muốn trở thành Đấng Giúp Đỡ của chúng ta. Có Đức Giê-hô-va đứng về phía mình, chúng ta có thể chịu đựng thử thách mà vẫn giữ được niềm vui.

3. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vui mừng chịu đựng thử thách qua ba cách nào?

3 Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vui mừng chịu đựng thử thách qua một số cách nào? Để biết câu trả lời, hãy xem sách Ê-sai. Tại sao? Vì nhiều lời tiên tri mà Ê-sai được soi dẫn để viết áp dụng cho tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay. Hơn nữa, Ê-sai thường miêu tả Đức Giê-hô-va bằng những từ mà chúng ta thấy dễ hiểu. Hãy xem một ví dụ nơi Ê-sai chương 30. Bằng những từ ngữ gợi lên hình ảnh sống động trong trí, Ê-sai miêu tả cách Đức Giê-hô-va giúp dân ngài qua việc (1) chăm chú lắng nghe và đáp lời cầu nguyện của chúng ta, (2) cung cấp sự hướng dẫn cho chúng ta và (3) ban phước cho chúng ta ngay bây giờ và trong tương lai. Hãy xem xét kỹ hơn về ba cách này.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LẮNG NGHE CHÚNG TA

4. (a) Đức Giê-hô-va miêu tả người Do Thái vào thời Ê-sai như thế nào, và cuối cùng ngài để cho điều gì xảy ra? (b) Đức Giê-hô-va ban hy vọng nào cho những người trung thành? (Ê-sai 30:18, 19)

4 Trong lời mở đầu của Ê-sai chương 30, Đức Giê-hô-va miêu tả người Do Thái là “con cái ương ngạnh”, những kẻ “tội chồng thêm tội”. Ngài nói tiếp: “Chúng là dân phản nghịch,… không sẵn lòng nghe luật pháp Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 30:1, 9). Vì dân chúng không chịu nghe nên Ê-sai tiên tri rằng Đức Giê-hô-va sẽ để cho họ gánh chịu thảm họa (Ê-sai 30:5, 17; Giê 25:8-11). Và đúng như vậy, họ bị người Ba-by-lôn bắt đi lưu đày. Tuy nhiên, vẫn có một số người Do Thái trung thành, và Ê-sai có một thông điệp hy vọng dành cho họ. Ông nói với họ rằng vào một ngày Đức Giê-hô-va sẽ lại ban ơn cho họ. (Đọc Ê-sai 30:18, 19). Và đó chính là điều đã xảy ra. Đức Giê-hô-va đã giải phóng họ khỏi cảnh lưu đày. Nhưng họ không được giải cứu ngay lập tức. Câu “Đức Giê-hô-va vẫn kiên nhẫn chờ đợi để ban ơn cho anh em” cho thấy sẽ có một thời gian trôi qua trước khi những người trung thành được giải cứu. Thật vậy, người Y-sơ-ra-ên đã bị lưu đày 70 năm ở Ba-by-lôn trước khi một số người được phép trở về Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 10:21; Giê 29:10). Một khi họ trở về quê nhà, những giọt nước mắt đau buồn trong cảnh phu tù được thay thế bằng những giọt nước mắt vui mừng.

5. Ê-sai 30:19 bảo đảm với chúng ta điều gì?

5 Ngày nay, chúng ta được an ủi qua những lời này: “Khi nghe tiếng anh em kêu cứu, ngài chắc chắn sẽ ban ơn” (Ê-sai 30:19). Ê-sai bảo đảm với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm chú lắng nghe khi chúng ta kêu cầu ngài và nhanh chóng đáp lại lời nài xin của chúng ta. Ê-sai nói thêm: “Vừa nghe tiếng anh em, ngài liền đáp lời”. Những lời trấn an này nhắc chúng ta nhớ rằng Cha trên trời rất muốn giúp đỡ những ai cầu xin ngài. Biết điều đó giúp chúng ta chịu đựng mà vẫn giữ được niềm vui.

6. Làm thế nào những lời của Ê-sai cho thấy Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của mỗi tôi tớ ngài?

6 Câu Ê-sai 30:19 cho chúng ta sự bảo đảm nào khác về lời cầu nguyện của mình? Đức Giê-hô-va để ý đến lời cầu nguyện của mỗi chúng ta. Tại sao có thể nói như thế? Phần đầu của Ê-sai chương 30 dùng đại từ “các ngươi” vì Đức Giê-hô-va đang nói với dân ngài với tư cách là một nhóm. Tuy nhiên, trong nguyên ngữ, đại từ “anh em” ở câu 19 được dùng ở dạng số ít, cho thấy thông điệp ấy dành cho từng cá nhân. Ê-sai viết: “Anh em [dạng số ít] sẽ không hề khóc nữa”; ‘ngài chắc chắn sẽ ban ơn cho anh em [dạng số ít]’; ‘ngài đáp lời anh em [dạng số ít]’. Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va không nói với một người con đang nản lòng: “Con phải mạnh mẽ như anh hoặc chị mình”. Thay vì thế, ngài quý trọng từng cá nhân và để ý đến lời cầu nguyện của mỗi người.—Thi 116:1; Ê-sai 57:15.

Ý của Ê-sai là gì khi nói: “Đừng để [Đức Giê-hô-va] nghỉ ngơi”? (Xem đoạn 7)

7. Ê-sai và Chúa Giê-su nhấn mạnh thế nào về việc cần kiên trì cầu nguyện?

7 Khi chúng ta cầu nguyện Đức Chúa Trời về một vấn đề mà mình lo lắng, có thể điều đầu tiên ngài làm là ban sức mạnh để giúp chúng ta đương đầu. Nếu thử thách không chấm dứt sớm như mong đợi, có lẽ chúng ta cần cầu xin Đức Giê-hô-va nhiều lần để có sức chịu đựng. Ngài mời chúng ta làm thế. Điều này được thấy qua những lời của Ê-sai: “Đừng để [Đức Giê-hô-va] nghỉ ngơi” (Ê-sai 62:7). Điều đó có nghĩa gì? Chúng ta cần kiên trì cầu nguyện đến mức như thể không để Đức Giê-hô-va nghỉ ngơi. Lời của Ê-sai nhắc chúng ta nhớ đến những minh họa của Chúa Giê-su về việc cầu nguyện nơi Lu-ca 11:8-10, 13. Trong những câu này, Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta cầu nguyện một cách “dai dẳng”, hay kiên trì, và “cứ xin” được ban thần khí. Chúng ta cũng có thể nài xin Đức Giê-hô-va ban sự hướng dẫn mình cần để đưa ra quyết định khôn ngoan.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HƯỚNG DẪN CHÚNG TA

8. Vào thời xưa, những lời nơi Ê-sai 30:20, 21 được ứng nghiệm như thế nào?

8 Đọc Ê-sai 30:20, 21. Khi quân Ba-by-lôn bao vây Giê-ru-sa-lem trong một năm rưỡi, việc dân chúng bị khốn khổ trở nên bình thường như bánh và nước, tức như cơm bữa. Nhưng theo câu 20 và 21, Đức Giê-hô-va hứa với người Do Thái là nếu họ ăn năn và thay đổi hạnh kiểm, ngài sẽ giải cứu họ. Ê-sai gọi Đức Giê-hô-va là “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại” của họ và hứa với dân chúng rằng ngài sẽ dạy họ cách thờ phượng mà ngài chấp nhận. Những lời này được ứng nghiệm khi người Do Thái được giải phóng khỏi cảnh lưu đày. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của họ, và dưới sự hướng dẫn của ngài, dân chúng thành công trong việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Ngày nay, quả là ân phước khi chúng ta có Đức Giê-hô-va là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của mình!

9. Một cách mà chúng ta nhận được sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va ngày nay là gì?

9 Ê-sai tiếp tục dùng hình ảnh và ví chúng ta như học trò được Đức Giê-hô-va dạy dỗ qua hai cách. Ê-sai cho biết cách thứ nhất khi nói: “Chính mắt anh em sẽ thấy Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của mình”. Trong minh họa này, Đấng Dạy Dỗ được miêu tả là đang đứng trước các học trò. Chúng ta có đặc ân khi được ngài dạy dỗ ngày nay. Đức Giê-hô-va dạy dỗ chúng ta bằng cách nào? Ngài làm thế qua tổ chức của ngài. Chúng ta thật biết ơn khi nhận được sự hướng dẫn rõ ràng từ tổ chức! Sự dạy dỗ tại các buổi nhóm họp, hội nghị cũng như qua các ấn phẩm, kênh truyền thông và nhiều cách khác giúp chúng ta chịu đựng những lúc khó khăn mà vẫn giữ được niềm vui.

10. Chúng ta nghe “lời nói phía sau” theo nghĩa nào?

10 Ê-sai cho biết cách thứ hai mà Đức Giê-hô-va dạy dỗ chúng ta khi nói: “Chính tai anh em sẽ nghe có lời nói phía sau”. Ở đây, nhà tiên tri ví Đức Giê-hô-va như một thầy giáo ân cần đang đi phía sau học trò, chỉ đường và hướng dẫn cho học trò của mình. Ngày nay, chúng ta nghe tiếng Đức Chúa Trời ở phía sau mình. Như thế nào? Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh rất lâu về trước, hay ở “phía sau” chúng ta. Vì thế, khi đọc Kinh Thánh, như thể chúng ta nghe tiếng Đức Chúa Trời ở phía sau mình.—Ê-sai 51:4.

11. Để vui mừng chịu đựng, chúng ta cần thực hiện hai điều nào, và tại sao?

11 Làm thế nào để nhận lợi ích trọn vẹn từ sự hướng dẫn mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua tổ chức và Lời ngài? Hãy để ý Ê-sai nói đến hai điều. Thứ nhất: “Đây là đường”. Thứ hai: “Hãy đi theo” (Ê-sai 30:21). Chỉ biết “đường” thôi thì chưa đủ, chúng ta cũng cần “đi theo”. Qua Lời của Đức Chúa Trời và sự giải thích của tổ chức, chúng ta biết ngài đòi hỏi gì nơi mình. Chúng ta cũng biết cách áp dụng điều mình học. Để vui mừng chịu đựng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta cần thực hiện cả hai điều trên. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chắc chắn là Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho mình.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN PHƯỚC CHO CHÚNG TA

12. Theo Ê-sai 30:23-26, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho dân ngài qua những cách nào?

12 Đọc Ê-sai 30:23-26. Lời tiên tri này được ứng nghiệm thế nào đối với người Do Thái trở về xứ Y-sơ-ra-ên sau khi bị lưu đày ở Ba-by-lôn? Họ nhận được rất nhiều ân phước, cả về thể chất lẫn thiêng liêng. Đức Giê-hô-va ban phước cho dân ngài qua việc cung cấp dồi dào thức ăn vật chất. Nhưng quan trọng hơn, ngài ban cho họ dư dật thức ăn thiêng liêng khi sự thờ phượng thanh sạch dần được khôi phục. Chưa bao giờ họ nhận được những ân phước thiêng liêng dồi dào như thế. Như được nói nơi câu 26, Đức Giê-hô-va làm cho ánh sáng thiêng liêng gia tăng rất nhiều (Ê-sai 60:2). Ân phước của Đức Giê-hô-va giúp các tôi tớ ngài tiếp tục vui mừng phụng sự và có thêm sức mạnh “vì lòng vui vẻ”.—Ê-sai 65:14.

13. Lời tiên tri về sự khôi phục được ứng nghiệm vào thời chúng ta như thế nào?

13 Lời tiên tri về sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục có áp dụng cho chúng ta thời nay không? Chắc chắn có! Như thế nào? Kể từ năm 1919, hàng triệu người đã thoát khỏi ách phu tù của Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo sai lầm. Họ được dẫn đến một nơi tốt đẹp hơn nhiều so với Đất Hứa của dân Y-sơ-ra-ên. Đó là địa đàng thiêng liêng (Ê-sai 51:3; 66:8). Địa đàng thiêng liêng là gì?

14. Địa đàng thiêng liêng là gì, và ngày nay ai được sống trong đó? (Xem Giải nghĩa).

14 Kể từ năm 1919, những người được xức dầu vui mừng được sống trong một địa đàng thiêng liêng. b Với thời gian, những người có hy vọng sống trên đất, tức “chiên khác”, cũng được sống trong xứ thiêng liêng này và vui hưởng ân phước dồi dào từ Đức Giê-hô-va.—Giăng 10:16; Ê-sai 25:6; 65:13.

15. Địa đàng thiêng liêng ngày nay ở đâu?

15 Xứ hay địa đàng thiêng liêng ngày nay ở đâu? Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có ở mọi nơi trên đất, nên địa đàng thiêng liêng mà họ cư ngụ cũng ở khắp nơi trên thế giới. Vì thế, dù sống ở đâu trên đất, chúng ta cũng có thể thuộc về địa đàng thiêng liêng miễn là tích cực ủng hộ sự thờ phượng thật.

Mỗi chúng ta có thể làm gì để góp phần vào vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng? (Xem đoạn 16, 17)

16. Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục nhìn thấy vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng?

16 Để tiếp tục ở trong địa đàng thiêng liêng, một trong những điều chúng ta cần làm là duy trì lòng quý trọng sâu xa đối với hội thánh đạo Đấng Ki-tô trên toàn cầu. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Đó là tập trung vào vẻ đẹp của những người ở trong địa đàng ấy, chứ không phải khuyết điểm của họ (Giăng 17:20, 21). Tại sao điều đó rất quan trọng? Hãy nghĩ đến sự so sánh này. Một khu rừng đẹp thì hẳn có đa dạng các loại cây. Tương tự, địa đàng thiêng liêng trong các hội thánh ngày nay được tô điểm bởi nhiều cá nhân được ví như cây (Ê-sai 44:4; 61:3). Chúng ta cần bảo đảm rằng mình tiếp tục tập trung vào vẻ đẹp của cả “khu rừng”, chứ không phải những khuyết điểm của từng “cây” ở gần mình. Đừng để sự bất toàn của bản thân hoặc của người khác trong hội thánh khiến mình không thấy được vẻ đẹp tổng thể của hội thánh đạo Đấng Ki-tô hợp nhất trên toàn cầu.

17. Mỗi chúng ta có thể làm gì để góp phần vào sự hợp nhất trong hội thánh?

17 Mỗi chúng ta có thể làm gì để góp phần vào sự hợp nhất này? Đó là tạo sự hòa thuận (Mat 5:9; Rô 12:18). Mỗi lần chủ động đẩy mạnh mối quan hệ hòa thuận với người khác trong hội thánh, chúng ta góp phần vào vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng. Chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã kéo từng người trong địa đàng thiêng liêng đến với sự thờ phượng thanh sạch (Giăng 6:44). Hãy hình dung Đức Giê-hô-va vui mừng biết bao khi thấy chúng ta nỗ lực để củng cố sự hòa thuận và hợp nhất trong vòng những người mà ngài xem là quý giá, tức là tôi tớ ngài.—Ê-sai 26:3; Ha-gai 2:7.

18. Chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm về điều gì, và tại sao?

18 Làm thế nào để nhận lợi ích trọn vẹn từ những ân phước khi là tôi tớ của Đức Chúa Trời? Chúng ta có thể suy ngẫm về những điều mình học trong Lời ngài và trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Việc học hỏi và suy ngẫm như thế sẽ giúp chúng ta vun trồng những phẩm chất tin kính thúc đẩy mình thể hiện “tình yêu thương anh em” và “lòng trìu mến đối với nhau” trong hội thánh (Rô 12:10). Khi suy ngẫm về những ân phước trong hiện tại, chúng ta củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Và khi suy ngẫm về những ân phước mà Đức Giê-hô-va hứa trong tương lai, chúng ta càng tin chắc rằng niềm hy vọng được phụng sự ngài mãi mãi sẽ thành hiện thực. Tất cả những điều này sẽ góp phần giúp chúng ta vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va.

QUYẾT TÂM CHỊU ĐỰNG

19. (a) Theo Ê-sai 30:18, chúng ta có thể tin chắc điều gì? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta vui mừng chịu đựng?

19 Đức Giê-hô-va “sẽ trỗi dậy” vì lợi ích của chúng ta khi ngài chấm dứt thế gian gian ác này (Ê-sai 30:18). Chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời công minh”, sẽ không để cho thế gian Sa-tan tồn tại lâu hơn mức cần thiết, dù chỉ một ngày (Ê-sai 25:9). Cùng với Đức Giê-hô-va, chúng ta kiên nhẫn chờ đợi ngày giải cứu ấy. Trong khi chờ đợi, chúng ta quyết tâm tiếp tục quý trọng đặc ân cầu nguyện, học và áp dụng Lời Đức Chúa Trời, cũng như suy ngẫm về những ân phước mình có. Khi chúng ta làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta vui mừng chịu đựng trong khi thờ phượng ngài.

BÀI HÁT 142 Nắm chặt hy vọng của chúng ta

a Bài này sẽ xem xét ba cách mà Đức Giê-hô-va giúp những người thờ phượng ngài chịu đựng khó khăn trong đời sống mà vẫn giữ được niềm vui. Chúng ta sẽ tìm hiểu về ba cách đó khi xem xét Ê-sai chương 30. Qua chương này, chúng ta sẽ được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, học hỏi Lời ngài và suy ngẫm những ân phước trong hiện tại cũng như tương lai.

b GIẢI NGHĨA: “Địa đàng thiêng liêng” nói đến môi trường an toàn, trong đó chúng ta hợp nhất thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trong môi trường này, chúng ta có dư dật thức ăn thiêng liêng, là thức ăn không bị ảnh hưởng bởi những lời giả dối của tôn giáo sai lầm, và chúng ta có công việc thỏa nguyện là rao giảng tin mừng về Nước Trời. Chúng ta vui hưởng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và sống hòa thuận với các anh em đầy yêu thương, là những người giúp mình chịu đựng khó khăn trong đời sống mà vẫn giữ được niềm vui. Chúng ta bước vào địa đàng thiêng liêng khi bắt đầu thờ phượng Đức Giê-hô-va đúng cách và nỗ lực hết sức để noi theo ngài.