Bạn có biết?
Mạc-đô-chê có phải là nhân vật có thật trong lịch sử?
Một người Do Thái tên Mạc-đô-chê đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện được ghi lại nơi sách Ê-xơ-tê trong Kinh Thánh. Ông là một người Do Thái bị lưu đày làm việc trong cung điện của Ba Tư. Đó là vào đầu thế kỷ thứ năm TCN, “vào thời [vua] A-suê-ru”. (Ngày nay người ta cho rằng vua này là Xét-xe I). Mạc-đô-chê đã ngăn cản âm mưu ám sát vua. Để đáp lại công trạng đó, vua sắp đặt để Mạc-đô-chê được tôn vinh trước công chúng. Về sau, khi kẻ thù của Mạc-đô-chê và những người Do Thái khác là Ha-man chết, vua thăng chức cho Mạc-đô-chê làm thừa tướng. Nhờ có vị trí này, Mạc-đô-chê đã có thể ban sắc lệnh giải cứu người Do Thái sống trong đế quốc Ba Tư khỏi bị tuyệt diệt.—Ê-xơ-tê 1:1; 2:5, 21-23; 8:1, 2; 9:16.
Một số sử gia vào đầu thế kỷ 20 nói rằng sách Ê-xơ-tê là tác phẩm hư cấu và Mạc-đô-chê không có thật. Tuy nhiên, vào năm 1941, các nhà khảo cổ đã tìm được một thứ mà có thể giúp xác minh lời tường thuật của Kinh Thánh về Mạc-đô-chê. Họ đã tìm thấy gì?
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một bảng chữ hình nêm tiếng Ba Tư nói đến một người tên Marduka (tiếng Việt là Mạc-đô-chê). Ông làm công việc quản lý, có lẽ là giữ sổ sách kế toán, tại Su-san. Ông Arthur Ungnad, một chuyên gia về lịch sử Đông Phương, viết trong báo cáo rằng vào lúc đó bảng này là “tài liệu duy nhất ngoài Kinh Thánh nói đến Mạc-đô-chê”.
Kể từ khi có báo cáo của ông Ungnad, các học giả đã dịch thêm hàng ngàn văn bản chữ hình nêm tiếng Ba Tư. Trong đó có các bảng Persepolis được tìm thấy trong những tàn tích của Kho Báu, gần các tường thành. Những bảng ấy có niên đại vào thời trị vì của vua Xét-xe I. Chúng được viết bằng tiếng Ê-lam và một số tên trong đó cũng được tìm thấy nơi sách Ê-xơ-tê. a
Một số bảng Persepolis nhắc đến tên Marduka, là viên ký lục tại cung điện Su-san vào triều đại của vua Xét-xe I. Một bảng cho biết Marduka là người thông dịch. Chi tiết này phù hợp với điều Kinh Thánh miêu tả về Mạc-đô-chê. Ông là một viên quan phục vụ trong triều của vua A-suê-ru (Xét-xe I) và nói được ít nhất hai thứ tiếng. Mạc-đô-chê thường ngồi tại cổng của cung vua ở Su-san (Ê-xơ-tê 2:19, 21; 3:3). Cổng của cung vua là một tòa nhà lớn và là nơi làm việc của quan chức triều đình.
Có những điểm tương đồng đáng chú ý giữa Marduka được nhắc đến trong các bảng chữ hình nêm và Mạc-đô-chê được đề cập trong Kinh Thánh. Cả hai nhân vật này sống cùng thời, cùng nơi và có chức vụ ở cùng một cung điện. Tất cả những điểm tương đồng này cho thấy các khám phá khảo cổ ấy dường như nói đến Mạc-đô-chê được đề cập trong sách Ê-xơ-tê.
a Vào năm 1992, giáo sư Edwin Yamauchi đã viết một bài nhắc đến mười tên trong các bảng Persepolis mà cũng được tìm thấy trong sách Ê-xơ-tê.