Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Đức Giê-hô-va thêm sức cho chúng tôi khi chiến tranh lẫn khi hòa bình

Đức Giê-hô-va thêm sức cho chúng tôi khi chiến tranh lẫn khi hòa bình

Anh Paul: Chúng tôi đã rất háo hức! Đó là tháng 11 năm 1985, và chúng tôi trên đường đến nhiệm sở giáo sĩ đầu tiên là Liberia, Tây Phi. Máy bay của chúng tôi hạ cánh ở Senegal. Anne nói: “Chỉ còn hơn một giờ nữa, vợ chồng mình sẽ đến Liberia!”. Nhưng chúng tôi nghe một thông báo: “Hành khách đến Liberia phải xuống máy bay. Vì có đảo chính nên chuyến bay không thể hạ cánh ở đó”. Trong mười ngày tiếp theo, chúng tôi sống cùng các giáo sĩ ở Senegal. Chúng tôi nghe tin tức ở Liberia về việc các xe tải chở đầy xác chết, lệnh giới nghiêm được thực hiện nghiêm ngặt và ai không tuân theo sẽ bị bắn chết.

Chị Anne: Chúng tôi không phải là người thích phiêu lưu. Thật ra, từ nhỏ tôi được biết đến là Anne Lo Sợ. Thậm chí tôi còn sợ băng qua đường! Nhưng chúng tôi quyết tâm đi đến nhiệm sở.

Anh Paul: Nơi vợ chồng chúng tôi được sinh ra chỉ cách nhau 8km, thuộc miền tây Anh Quốc. Nhờ sự khuyến khích của cha mẹ tôi và mẹ của Anne, cả hai chúng tôi đều bắt đầu làm tiên phong sau khi học xong phổ thông. Họ hết lòng ủng hộ chúng tôi theo đuổi sự nghiệp phụng sự trọn thời gian. Năm 19 tuổi, tôi có đặc ân phụng sự ở Bê-tên, và Anne cùng tôi phụng sự ở đó sau khi chúng tôi kết hôn vào năm 1982.

Tốt nghiệp Ga-la-át, ngày 8-9-1985

Chị Anne: Chúng tôi rất thích Bê-tên, nhưng đã luôn muốn phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Khi chúng tôi làm việc cùng các anh chị ở Bê-tên từng làm giáo sĩ, ước muốn đó càng mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cầu nguyện cụ thể về điều này mỗi đêm trong suốt ba năm. Vì thế, chúng tôi rất vui khi vào năm 1985, chúng tôi được mời tham dự khóa thứ 79 của Trường Ga-la-át! Chúng tôi được bổ nhiệm đến Liberia, thuộc Tây Phi.

ĐƯỢC THÊM SỨC BỞI TÌNH HUYNH ĐỆ

Anh Paul: Chúng tôi đã lên chuyến bay đầu tiên được phép bay đến Liberia. Bầu không khí rất căng thẳng và lệnh giới nghiêm vẫn được áp dụng. Tiếng nổ của ống pô xe hơi cũng đủ làm cho người ta hoảng sợ và bỏ chạy. Để giữ bình tĩnh, chúng tôi cùng nhau đọc một đoạn của sách Thi thiên vào mỗi buổi tối. Nhưng chúng tôi thật sự yêu thích nhiệm sở của mình. Anne làm giáo sĩ ngoài cánh đồng, còn tôi thì làm ở Bê-tên cùng với anh John Charuk. a Tôi học được nhiều từ anh, vì anh giàu kinh nghiệm và hiểu rõ hoàn cảnh của anh em.

Chị Anne: Tại sao chúng tôi lại nhanh chóng yêu thích Liberia? Vì anh em ở đó. Họ rất nồng ấm, thân thiện và trung thành. Chúng tôi cảm thấy gắn bó với họ. Các anh chị ấy đã trở thành gia đình mới của chúng tôi. Những lời khuyên của họ giúp chúng tôi được củng cố về mặt thiêng liêng. Thánh chức ở đây rất tuyệt vời. Chủ nhà sẽ không hài lòng nếu anh chị không dành nhiều thời gian với họ! Người ta thảo luận các câu hỏi dựa trên Kinh Thánh ở ngoài đường phố. Rất dễ để tham gia cuộc nói chuyện. Chúng tôi có nhiều học hỏi Kinh Thánh đến mức thấy khó để học với tất cả họ. Thật vui khi gặp “vấn đề” đó!

ĐƯỢC THÊM SỨC BẤT KỂ NỖI SỢ

Chăm sóc cho những người tị nạn ở Bê-tên Liberia, năm 1990

Anh Paul: Năm 1989, sau bốn năm có bình an tương đối, một sự thay đổi bất ngờ đã xảy ra, đó là nội chiến khủng khiếp. Phiến quân nổi loạn đã chiếm khu vực xung quanh Bê-tên ngày 2-7-1990. Trong vòng ba tháng, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài, kể cả gia đình và trụ sở trung ương. Khắp nơi đều có sự hỗn loạn, thiếu thực phẩm và nhiều phụ nữ bị hãm hiếp. Tình trạng đó tiếp diễn trong 14 năm và ảnh hưởng đến cả nước.

Chị Anne: Người thuộc một số bộ tộc đánh giết người thuộc bộ tộc khác. Khắp nơi trên đường phố đều có quân lính. Họ mang theo nhiều vũ khí, mặc quần áo kỳ quặc và xông vào từng nhà để cướp bóc. Một số người xem việc giết người giống như giết gà. Xác chết chất đống ở những trạm kiểm soát, và một số trạm nằm gần văn phòng chi nhánh. Những Nhân Chứng trung thành cũng bị giết hại, trong đó có hai giáo sĩ yêu dấu.

Các Nhân Chứng đã liều mạng giấu anh em đồng đạo thuộc những bộ tộc đang bị truy sát. Các giáo sĩ và thành viên Bê-tên cũng làm thế. Một số anh em phải chạy trốn đã ngủ ở tầng trệt của Bê-tên, còn số khác thì sống cùng phòng với các thành viên Bê-tên ở tầng trên. Vợ chồng tôi sống chung phòng với một gia đình gồm bảy người.

Anh Paul: Hằng ngày, quân lính tìm cách vào Bê-tên để kiểm tra xem chúng tôi có giấu người nào không. Chúng tôi có hệ thống an ninh bốn người: Hai người theo dõi từ cửa sổ, còn hai người thì đi ra cổng nói chuyện với quân lính. Nếu hai người ở cổng để tay phía trước thì có nghĩa là không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu họ để tay ra phía sau thì có nghĩa là quân lính rất hung hăng, và những người theo dõi từ cửa sổ cần nhanh chóng giấu anh em đồng đạo.

Chị Anne: Sau nhiều tuần, một nhóm lính tức giận xông vào Bê-tên dù các anh cố can ngăn. Tôi và một chị đã vào phòng vệ sinh và khóa cửa lại. Trong đó, có một khoảng trống ở đáy của chiếc tủ để ẩn nấp. Chị ấy đã chui vào đó. Những tên lính đi lên cầu thang, cầm theo súng liên thanh. Họ tức giận đập cửa. Anh Paul nói: “Vợ tôi đang dùng phòng vệ sinh”. Việc đậy đáy của chiếc tủ gây ra tiếng động và sắp xếp lại mọi thứ trong tủ mất nhiều thời gian, nên tôi nghĩ hẳn nhóm lính sẽ nghi ngờ. Vì thế, tôi cảm thấy sợ đến nỗi run rẩy cả người. Làm sao tôi có thể mở cửa được? Tôi bèn cầu nguyện thầm, nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Sau đó, tôi mở cửa ra và bình tĩnh chào họ. Một tên lính đẩy tôi lùi lại, xông thẳng đến chỗ chiếc tủ, mở ra và lục lọi mọi thứ trong đó. Anh ta không thể tin là mình chẳng tìm thấy gì. Rồi họ lục soát các phòng khác và gác mái, nhưng cũng chẳng thấy gì cả.

CHÂN LÝ TIẾP TỤC CHIẾU SÁNG

Anh Paul: Suốt nhiều tháng, chúng tôi bị thiếu lương thực trầm trọng. Nhưng thức ăn thiêng liêng là phao cứu sinh cho chúng tôi. Chương trình thờ phượng buổi sáng là “bữa sáng” duy nhất của chúng tôi, và mọi người đều quý trọng sức mạnh mà “thức ăn” ấy mang lại.

Nếu đồ ăn và nước uống bị cạn kiệt và chúng tôi buộc phải ra khỏi chi nhánh để tìm những thứ đó, thì những anh chị ẩn nấp rất có thể bị giết. Đôi khi cách thức và thời điểm mà Đức Giê-hô-va cung cấp những thứ cần thiết thật kỳ diệu! Ngài chăm lo cho nhu cầu của chúng tôi và giúp chúng tôi chế ngự nỗi sợ.

Thế gian càng trở nên tăm tối, chân lý lại càng chiếu sáng. Nhiều lần, các anh em đã phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng, nhưng đức tin và phẩm giá vẫn còn nguyên vẹn. Một số anh chị nói rằng việc đối phó với chiến tranh là “tập luyện cho hoạn nạn lớn”. Các trưởng lão và những anh trẻ đã can đảm dẫn đầu trong việc giúp anh em đồng đạo. Khi chạy trốn, anh em đã gắn kết với nhau, mở ra khu vực rao giảng mới và tổ chức các buổi nhóm họp trong các Phòng Nước Trời được dựng tạm trong rừng. Trong những thời điểm cam go ấy, việc tham dự nhóm họp là nguồn khích lệ cho anh em và việc rao giảng thêm sức để họ đương đầu với khó khăn. Khi phân phát đồ cứu trợ, chúng tôi rất cảm động vì nhiều anh chị xin túi rao giảng thay vì quần áo. Những người đang buồn nản và bị ám ảnh đã lắng nghe tin mừng. Họ ngạc nhiên khi thấy Nhân Chứng vui vẻ và tích cực. Các Nhân Chứng chiếu sáng giống như chiếc đèn trong bóng tối (Mat 5:​14-16). Lòng sốt sắng của anh em chúng ta thậm chí đã khiến một số người lính tàn bạo trở thành Nhân Chứng.

ĐƯỢC THÊM SỨC ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NỖI ĐAU

Anh Paul: Nhiều lần, chúng tôi phải rời khỏi Liberia, ba lần là trong thời gian ngắn và hai lần là suốt cả một năm. Một chị giáo sĩ đã nói rất đúng về cảm xúc của chúng tôi: “Ở Trường Ga-la-át, chúng ta được dạy là phải đặt lòng mình vào nhiệm sở, và chúng ta đã làm thế. Vì thế, khi rời xa anh em đồng đạo trong những trường hợp như vậy, chúng ta tan nát cõi lòng!”. Đáng mừng là chúng tôi có thể hỗ trợ cánh đồng Liberia từ những nước gần đó.

Vui mừng trở lại Liberia, năm 1997

Chị Anne: Vào tháng 5 năm 1996, bốn người chúng tôi đã xuất phát bằng xe của chi nhánh, mang theo những giấy tờ quan trọng liên quan đến chi nhánh. Chúng tôi dự định lái xe 16km để đến một nơi an toàn hơn phía bên kia thị trấn. Ngay lúc đó, khu vực của chúng tôi bị tấn công. Những tên lính tức giận bắn chỉ thiên, bắt chúng tôi dừng lại, rồi kéo ba người ra khỏi xe và lái đi mà vẫn còn anh Paul bên trong. Chúng tôi sững sờ. Bỗng nhiên, chúng tôi thấy anh Paul len qua đám đông, đi về phía chúng tôi. Trán anh bị chảy máu. Trong lúc rối bời đó, chúng tôi tưởng anh Paul đã bị bắn, nhưng rồi nhận ra nếu thế thì làm sao mà anh đi bộ được! Một tên lính đã đánh anh ấy khi đẩy anh ra khỏi xe. Tốt là anh chỉ bị thương nhẹ.

Một xe quân đội gần đó chở đầy những người đang hoảng sợ. Chúng tôi bám vào bên ngoài chiếc xe. Chiếc xe lao đi nhanh và suýt nữa thì chúng tôi bị rơi xuống. Chúng tôi nài xin người lái xe dừng lại. Tuy nhiên, ông ta quá hốt hoảng nên không chịu nghe. Cuối cùng, chúng tôi đến được nơi, nhưng cảm thấy bàng hoàng và cơ thể thì rã rời.

Anh Paul: Trên người chẳng có gì ngoài quần áo bẩn và rách rưới, chúng tôi nhìn nhau và tự hỏi làm thế nào mà mình vẫn còn sống. Chúng tôi đã ngủ trong cánh đồng bên cạnh một chiếc trực thăng đầy vết đạn bắn lởm chởm. Hôm sau, chiếc trực thăng ấy đưa chúng tôi đến Sierra Leone. Chúng tôi thật biết ơn là vẫn còn sống nhưng rất lo cho anh em đồng đạo.

SỨC MẠNH ĐỂ CHỊU ĐỰNG THỬ THÁCH BẤT NGỜ

Chị Anne: Khi đến Bê-tên ở Freetown, Sierra Leone, chúng tôi được an toàn và được chăm sóc chu đáo. Nhưng tôi bắt đầu hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra. Suốt cả ngày, tôi cảnh giác, sợ hãi và mọi thứ xung quanh tôi dường như mờ nhạt và không có thật. Vào buổi tối, tôi giật mình tỉnh giấc, toát mồ hôi lạnh, run lẩy bẩy và có cảm giác tai họa sẽ xảy ra. Tôi thấy khó thở. Anh Paul đã ôm lấy tôi và cầu nguyện cùng tôi. Chúng tôi hát bài hát Nước Trời cho đến khi tôi hết run. Tôi cảm thấy mình sắp phát điên và không thể tiếp tục làm giáo sĩ nữa.

Tôi không bao giờ quên chuyện xảy ra tiếp theo. Trong chính tuần đó, chúng tôi nhận được hai tạp chí. Một là Tỉnh Thức! ngày 8-6-1996, có bài “Đối phó với hoảng loạn” (Anh ngữ). Lúc đó, tôi hiểu được lý do mình bị như vậy. Tạp chí thứ hai là Tháp Canh ngày 15-5-1996, trong đó có bài “Sức lực của họ đến từ đâu?”. Bài này có hình một con bướm bị thương. Bài cho biết giống như một con bướm có thể tiếp tục ăn và bay dù cánh bị hư hại nghiêm trọng, chúng ta cũng có thể tiếp tục giúp đỡ người khác với sự trợ giúp của thần khí, ngay cả nếu chúng ta phải chịu nỗi đau tinh thần. Hai bài này là thức ăn rất đúng giờ từ Đức Giê-hô-va và đã thêm sức mạnh cho tôi (Mat 24:45). Việc nghiên cứu đề tài này và sưu tầm những bài liên quan đã giúp tôi rất nhiều. Theo thời gian, các triệu chứng căng thẳng sau sang chấn cũng giảm dần.

ĐƯỢC THÊM SỨC ĐỂ THÍCH NGHI

Anh Paul: Mỗi lần trở lại Liberia, chúng tôi đều rất vui. Đến cuối năm 2004, chúng tôi đã phụng sự ở nhiệm sở của mình gần 20 năm. Chiến tranh đã kết thúc. Có những kế hoạch cho việc xây cất tại chi nhánh. Nhưng đột nhiên chúng tôi được mời nhận nhiệm sở mới.

Đây là thử thách rất lớn với chúng tôi. Chúng tôi đã gắn bó với gia đình thiêng liêng của mình, làm sao chúng tôi có thể rời xa họ? Nhưng trước đây, khi rời xa gia đình yêu dấu để tham dự Trường Ga-la-át, chúng tôi đã đặt mình vào tay Đức Giê-hô-va và điều đó mang lại nhiều ân phước. Vì thế, chúng tôi chấp nhận nhiệm sở mới. Chúng tôi sẽ phụng sự tại một nước gần Liberia là Ghana.

Chị Anne: Chúng tôi đã khóc rất nhiều khi rời Liberia. Chúng tôi ngạc nhiên khi anh Frank, một anh lớn tuổi khôn ngoan, nói với chúng tôi: “Anh chị phải quên chúng tôi đi!”. Rồi anh giải thích: “Chúng tôi biết là anh chị sẽ không bao giờ quên chúng tôi, nhưng anh chị cần hết lòng với nhiệm sở mới. Đó là nhiệm sở đến từ Đức Giê-hô-va, nên hãy tập trung vào anh em ở đó”. Điều anh nói đã thêm sức cho chúng tôi để sẵn sàng bắt đầu lại ở một đất nước mà ít người biết chúng tôi và mọi thứ đều lạ lẫm.

Anh Paul: Nhưng không lâu sau, chúng tôi yêu mến gia đình thiêng liêng mới ở Ghana. Có rất đông Nhân Chứng ở đó! Chúng tôi học được nhiều điều từ sự trung thành và đức tin mạnh của anh em ở nước này. Sau khi chúng tôi phụng sự ở Ghana 13 năm, điều bất ngờ khác xảy ra. Chúng tôi được mời phụng sự ở chi nhánh Đông Phi tại Kenya. Dù rất nhớ anh em trong những nhiệm sở trước, chúng tôi nhanh chóng cảm thấy gắn bó với các anh em trung thành ở Kenya. Và hiện tại, chúng tôi vẫn đang phụng sự ở một khu vực rao giảng rộng và có nhu cầu rất lớn.

Cùng với những người bạn mới ở khu vực chi nhánh Đông Phi, năm 2023

NHÌN LẠI

Chị Anne: Suốt nhiều năm, tôi đã trải qua những hoàn cảnh khiến mình sợ hãi và run rẩy. Những tình huống nguy hiểm hoặc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta không mong là Đức Giê-hô-va bảo vệ mình khỏi điều đó. Thậm chí cho đến bây giờ, khi nghe tiếng súng, tôi vẫn cảm thấy nôn nao và hai tay thì tê liệt. Nhưng tôi đã tập nương cậy nơi sự trợ giúp đến từ Đức Giê-hô-va để có thêm sức mạnh, trong đó có sự giúp đỡ của anh em đồng đạo. Và tôi nhận thấy là khi chúng ta duy trì nề nếp thiêng liêng, Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta tiếp tục phụng sự trong nhiệm sở.

Anh Paul: Một số anh chị hỏi chúng tôi: “Anh chị có thích nhiệm sở của mình không?”. Các quốc gia có thể có phong cảnh rất đẹp, nhưng cũng có thể trở nên bất ổn và nguy hiểm. Vậy điều gì khiến chúng tôi yêu thích nhiệm sở? Đó chính là anh em đồng đạo, gia đình thiêng liêng của chúng tôi. Dù có xuất thân khác nhau, tất cả chúng ta có cùng suy nghĩ. Chúng tôi đã nghĩ là mình được phái đến để khích lệ anh em, nhưng thật ra họ đã thêm sức cho chúng tôi.

Mỗi lần chuyển đi nơi khác, chúng tôi đều thấy được một phép lạ thời hiện đại: Đó là đoàn thể anh em. Miễn là thuộc về hội thánh, chúng tôi vẫn có một gia đình và cảm thấy như đang ở nhà. Chúng tôi tin chắc là nếu tiếp tục nương cậy Đức Giê-hô-va, ngài sẽ ban cho chúng tôi sức mạnh để chịu đựng bất cứ chuyện gì xảy ra.—Phi-líp 4:13.

a Xem tự truyện của anh John Charuk “Tôi biết ơn Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô” được đăng trong Tháp Canh ngày 15-3-1973 (Anh ngữ).