Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 46

BÀI HÁT 49 Làm Cha Giê-hô-va vui lòng

Các anh có đang vươn tới đặc ân làm phụ tá hội thánh không?

Các anh có đang vươn tới đặc ân làm phụ tá hội thánh không?

“Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.​—CÔNG 20:35.

TRỌNG TÂM

Khuyến khích các anh đã báp-têm vươn tới để hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh.

1. Sứ đồ Phao-lô cảm thấy thế nào về phụ tá hội thánh?

 Phụ tá hội thánh thực hiện công việc rất quan trọng trong các hội thánh. Sứ đồ Phao-lô quý trọng những anh trung thành này. Chẳng hạn, khi viết thư cho các tín đồ ở Phi-líp, ông gửi lời chào không chỉ đến trưởng lão mà còn phụ tá hội thánh.—Phi-líp 1:1.

2. Anh Luis cảm thấy thế nào khi được phục vụ với tư cách là phụ tá?

2 Dù trẻ hay già, nhiều anh đã báp-têm có được niềm vui sâu xa khi làm phụ tá. Chẳng hạn, anh Devan được bổ nhiệm làm phụ tá lúc mới 18 tuổi. Còn anh Luis được bổ nhiệm khi đã hơn 50 tuổi. Anh cho biết cảm xúc của mình và cũng là của nhiều anh: “Tôi cảm thấy mình có đặc ân rất lớn khi được làm công việc của phụ tá, đặc biệt khi nghĩ đến tất cả tình yêu thương mà hội thánh đã thể hiện với mình!”.

3. Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

3 Nếu là một người nam đã báp-têm và chưa làm phụ tá, anh có thể đặt ra mục tiêu đó không? Điều gì có thể thúc đẩy anh làm thế? Và anh cần hội đủ những điều kiện nào dựa trên Kinh Thánh? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi đó. Nhưng trước hết, hãy xem vai trò của phụ tá hội thánh là gì.

VAI TRÒ CỦA PHỤ TÁ HỘI THÁNH LÀ GÌ?

4. Vai trò của phụ tá hội thánh là gì? (Cũng xem hình).

4 Phụ tá hội thánh là một anh đã báp-têm được thần khí thánh bổ nhiệm để giúp các trưởng lão thực hiện nhiều công việc thiết thực trong hội thánh. Một số phụ tá lo sao cho những người công bố có đủ khu vực rao giảng và ấn phẩm trong thánh chức. Số khác giúp vệ sinh và bảo trì Phòng Nước Trời. Phụ tá cũng làm người hướng dẫn và điều khiển thiết bị âm thanh, hình ảnh trong các buổi nhóm họp. Những công việc mà họ làm đều rất thiết thực. Nhưng quan trọng nhất, phụ tá là những anh thiêng liêng tính. Họ yêu thương Đức Giê-hô-va và sống theo tiêu chuẩn công chính của ngài. Họ cũng rất yêu quý anh em đồng đạo (Mat 22:​37-39). Làm thế nào một anh đã báp-têm có thể vươn tới đặc ân làm phụ tá?

Các phụ tá hội thánh noi theo Chúa Giê-su bằng cách sẵn lòng phục vụ người khác (Xem đoạn 4)


5. Một anh có thể vươn tới đặc ân bằng cách nào?

5 Kinh Thánh nêu ra các điều kiện để một anh được bổ nhiệm làm phụ tá (1 Ti 3:​8-10, 12, 13). Anh có thể vươn tới đặc ân này bằng cách xem xét những điều kiện dựa trên Kinh Thánh và cố gắng hội đủ. Nhưng trước hết, anh cần chú ý đến động cơ của mình khi vươn tới đặc ân đó.

ĐIỀU GÌ THÚC ĐẨY ANH VƯƠN TỚI ĐẶC ÂN?

6. Điều gì nên thúc đẩy anh phục vụ anh em đồng đạo? (Ma-thi-ơ 20:28; cũng xem hình).

6 Hãy xem gương xuất sắc nhất là Chúa Giê-su. Mọi việc ngài làm được thúc đẩy bởi tình yêu thương dành cho Cha ngài và người khác. Tình yêu thương ấy thúc đẩy ngài siêng năng và làm những việc thấp kém để phục vụ người khác. (Đọc Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 13:​5, 14, 15). Nếu động cơ của anh là tình yêu thương, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho anh và giúp anh đạt được mục tiêu là hội đủ điều kiện làm phụ tá.—1 Cô 16:14; 1 Phi 5:5.

Qua gương mẫu, Chúa Giê-su dạy các sứ đồ khiêm nhường phục vụ người khác thay vì tìm kiếm vị trí nổi trội (Xem đoạn 6)


7. Tại sao một anh cần tránh tham vọng ích kỷ?

7 Trong thế gian hiện nay, những người có nhiều tham vọng thường được người ta ngưỡng mộ, nhưng trong tổ chức của Đức Giê-hô-va thì không. Một anh được thúc đẩy bởi tình yêu thương giống như Chúa Giê-su thì không tham mê quyền lực hoặc vị trí cao trọng. Nếu một người có tham vọng như thế được bổ nhiệm trong hội thánh, rất có thể người ấy sẽ không muốn làm những việc thấp kém để chăm lo cho chiên quý báu của Đức Giê-hô-va. Người ấy có thể xem những việc đó là không xứng với mình (Giăng 10:12). Đức Giê-hô-va sẽ không ban phước cho những ai làm việc cho hội thánh vì kiêu ngạo hoặc tham vọng ích kỷ.—1 Cô 10:​24, 33; 13:​4, 5.

8. Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên nào cho các sứ đồ?

8 Ngay cả những người bạn thân nhất của Chúa Giê-su cũng có lúc vươn tới đặc ân vì động cơ không đúng. Hãy xem trường hợp liên quan đến hai sứ đồ là Gia-cơ và Giăng. Họ đã xin ngài ban cho vị trí nổi trội trong Nước Trời. Chúa Giê-su không khen họ về tham vọng đó. Thay vì thế, ngài nói với cả 12 sứ đồ: “Ai muốn làm lớn trong anh em thì phải là người phục vụ anh em, và ai muốn đứng đầu trong anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mác 10:​35-37, 43, 44). Các anh vươn tới đặc ân với động cơ đúng, tức là phục vụ người khác, sẽ là ân phước đối với hội thánh.—1 Tê 2:8.

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ CỦNG CỐ ƯỚC MUỐN VƯƠN TỚI ĐẶC ÂN?

9. Làm thế nào anh có thể củng cố ước muốn vươn tới đặc ân?

9 Chắc hẳn anh yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn phục vụ người khác. Dù vậy, anh có thể thiếu ước muốn đảm nhận công việc của một phụ tá. Làm thế nào anh có thể củng cố ước muốn phục vụ? Hãy nghĩ đến niềm vui của việc phục vụ anh em đồng đạo. Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công 20:35). Ngài sống theo nguyên tắc này. Ngài đã tìm được niềm vui đích thực khi phục vụ người khác, và anh cũng có thể làm thế.

10. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài vui lòng phục vụ người khác? (Mác 6:​31-34)

10 Hãy xem một trường hợp cho thấy Chúa Giê-su vui lòng phục vụ người khác. (Đọc Mác 6:​31-34). Lần nọ, Chúa Giê-su và các sứ đồ cảm thấy mệt. Họ đi đến một nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi. Nhưng một đoàn dân đã đến đó trước họ, vì muốn được Chúa Giê-su dạy dỗ. Ngài đã có thể từ chối đoàn dân. Suy cho cùng, ngài và các sứ đồ “không có thì giờ để thư giãn, thậm chí ăn uống”. Chúa Giê-su cũng có thể giải tán đoàn dân sau khi chia sẻ chỉ một hoặc hai điều với họ. Nhưng vì được thúc đẩy bởi tình yêu thương, ngài “bắt đầu dạy họ nhiều điều”. Ngài còn tiếp tục dạy họ cho đến khi “trời đã xế chiều” (Mác 6:35). Chúa Giê-su làm thế không phải vì bị bắt buộc mà vì “động lòng thương cảm”. Ngài muốn dạy đoàn dân vì yêu thương họ. Việc phục vụ người khác mang lại cho Chúa Giê-su nhiều niềm vui.

11. Chúa Giê-su phục vụ người khác một cách thực tế như thế nào? (Cũng xem hình).

11 Chúa Giê-su không chỉ giúp đoàn dân qua việc dạy họ về Đức Chúa Trời mà còn qua những cách thực tế. Ngài làm phép lạ để cung cấp thức ăn và bảo các môn đồ phân phát cho đoàn dân (Mác 6:41). Khi làm thế, ngài dạy các môn đồ cách phục vụ người khác. Chúa Giê-su cũng cho họ thấy rằng những công việc phục vụ thực tế, giống như công việc mà phụ tá ngày nay làm, là quan trọng. Hãy hình dung các môn đồ vui mừng thế nào khi cùng làm việc với ngài để phân phát thức ăn cho đến khi “tất cả đều ăn no nê”! (Mác 6:42). Dĩ nhiên, đó không phải là lần duy nhất Chúa Giê-su đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân. Ngài dùng cả cuộc đời trên đất để phục vụ người khác (Mat 4:23; 8:16). Chúa Giê-su tìm được niềm vui và sự thỏa nguyện khi dạy dỗ và chăm lo nhu cầu của người ta. Hẳn anh cũng sẽ cảm nghiệm được nhiều niềm vui khi vươn tới đặc ân làm phụ tá với động cơ bất vị kỷ.

Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và ước muốn phục vụ người khác sẽ thúc đẩy anh làm bất cứ việc gì để giúp hội thánh (Xem đoạn 11) a


12. Tại sao không ai trong chúng ta nên nghĩ rằng mình không hữu ích đối với hội thánh?

12 Nếu anh cảm thấy mình không có kỹ năng đặc biệt nào thì đừng nản lòng. Chắc chắn anh có những phẩm chất giúp ích cho hội thánh. Hãy đọc những lời Phao-lô nói nơi 1 Cô-rinh-tô 12:​12-30 và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp hiểu đoạn này áp dụng thế nào cho mình. Đoạn này cho biết rõ là anh có vai trò cần thiết và quý giá trong hội thánh, giống như mọi tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va. Nếu hiện tại anh chưa hội đủ điều kiện làm phụ tá thì đừng bỏ cuộc. Thay vì thế, hãy làm bất cứ điều gì có thể để trở nên hữu ích với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Hãy tin chắc là các trưởng lão sẽ xem xét khả năng của anh khi giao nhiệm vụ cho anh.—Rô 12:​4-8.

13. Phần lớn những điều kiện dành cho phụ tá có thể áp dụng cho ai?

13 Hãy xem một lý do khác mà anh nên vươn tới để hội đủ điều kiện làm phụ tá: Phần lớn các điều kiện này áp dụng cho tất cả các tín đồ. Thật ra, mọi tín đồ cần đến gần Đức Giê-hô-va, cảm nghiệm niềm vui của việc ban cho và nêu gương tốt trong đời sống. Nhưng cụ thể, một anh có thể làm gì để vươn tới đặc ân?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯƠN TỚI ĐẶC ÂN?

14. “Nghiêm túc” nghĩa là gì? (1 Ti-mô-thê 3:​8-10, 12)

14 Hãy xem xét một số điều kiện được nhắc đến nơi 1 Ti-mô-thê 3:​8-10, 12. (Đọc). Một phụ tá phải “nghiêm túc”. Cụm từ này cũng có thể được dịch là “đáng được tôn trọng” hoặc “danh giá”. Điều này không có nghĩa là anh không bao giờ được cười hoặc vui vẻ (Truyền 3:​1, 4). Tuy nhiên, anh cần nghiêm túc thực hiện tất cả các trách nhiệm của mình. Nếu có danh tiếng là người đáng tin cậy, anh sẽ được hội thánh tôn trọng.

15. “Không nói hai lời” và “không tham lợi bất chính” nghĩa là gì?

15 “Không nói hai lời” nghĩa là anh chân thành, trung thực và đáng tin cậy. Anh giữ lời và không lừa dối người khác (Châm 3:32). “Không tham lợi bất chính” nghĩa là anh trung thực trong việc làm ăn và vấn đề tiền bạc. Anh không lợi dụng mối quan hệ với anh em đồng đạo để trục lợi.

16. (a) “Không mê rượu” nghĩa là gì? (b) Có “lương tâm trong sạch” nghĩa là gì?

16 “Không mê rượu” nghĩa là anh không uống rượu bia quá độ hoặc có tiếng là người uống nhiều. Có “lương tâm trong sạch” nghĩa là anh sống phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Dù không phải là người hoàn hảo, nhưng anh có sự bình an nội tâm nhờ có mối quan hệ tốt đẹp với ngài.

17. Khi “được thử trước xem có phù hợp hay không”, làm thế nào một anh có thể cho thấy mình đáng tin cậy? (1 Ti-mô-thê 3:10; cũng xem hình).

17 “Được thử trước xem có phù hợp hay không” nghĩa là anh đã chứng tỏ mình đáng tin cậy khi được giao trách nhiệm. Vì thế, khi các trưởng lão giao cho anh nhiệm vụ, hãy cẩn thận làm theo chỉ dẫn của họ và tài liệu hướng dẫn của tổ chức. Hãy đảm bảo là anh hiểu cách thực hiện nhiệm vụ đó và thời điểm cần hoàn tất. Khi anh siêng năng thực hiện nhiệm vụ, các anh chị trong hội thánh sẽ nhận ra sự tiến bộ của anh. Hỡi các trưởng lão, hãy chú ý đến việc huấn luyện những anh đã báp-têm. (Đọc 1 Ti-mô-thê 3:10). Hội thánh các anh có những anh đã báp-têm và đang ở những năm đầu của tuổi thiếu niên hoặc trẻ hơn không? Họ có thói quen học hỏi cá nhân tốt không? Họ có đều đặn bình luận tại các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức không? Nếu có, hãy giao nhiệm vụ phù hợp với hoàn cảnh và độ tuổi của họ. Nhờ đó, các anh trẻ ấy có thể “được thử trước xem có phù hợp hay không”. Rồi tới khi được khoảng 17 đến 19 tuổi, rất có thể họ sẽ hội đủ điều kiện làm phụ tá.

Qua việc giao nhiệm vụ cho những anh đã báp-têm, các trưởng lão có thể “thử [họ] trước để xem có phù hợp hay không” (Xem đoạn 17)


18. “Không bị ai cáo buộc” nghĩa là gì?

18 “Không bị ai cáo buộc” nghĩa là anh không bị cáo buộc một cách có căn cứ về việc làm điều sai trái nghiêm trọng. Dĩ nhiên, một tín đồ có thể bị vu oan. Chúa Giê-su bị người ta vu oan, và ngài báo trước là các môn đồ ngài cũng sẽ rơi vào trường hợp đó (Giăng 15:20). Tuy nhiên, nếu anh giữ hạnh kiểm thanh sạch giống như Chúa Giê-su, anh sẽ có được danh tiếng tốt trong hội thánh.—Mat 11:19.

19. “Chồng chỉ một vợ” nghĩa là gì?

19 “Chồng chỉ một vợ”. Nếu đã kết hôn, anh phải theo sát tiêu chuẩn ban đầu của Đức Giê-hô-va về hôn nhân là một vợ, một chồng (Mat 19:​3-9). Một tín đồ không bao giờ được phạm tội vô luân (Hê 13:4). Nhưng không chỉ có vậy. Anh cần chung thủy với vợ qua việc không bao giờ thể hiện sự quan tâm không thích hợp đến người phụ nữ khác.—Gióp 31:1.

20. Làm thế nào một anh “khéo cai quản” gia đình mình?

20 “Khéo cai quản con cái và người nhà mình”. Nếu là người làm đầu gia đình, anh cần thi hành các trách nhiệm một cách nghiêm túc. Hãy đều đặn điều khiển buổi thờ phượng của gia đình. Hãy tham gia thánh chức với mỗi thành viên trong gia đình nhiều nhất có thể. Hãy giúp con cái vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va (Ê-phê 6:4). Một anh chăm sóc tốt cho gia đình thì cho thấy anh có thể chăm lo cho hội thánh.—So sánh 1 Ti-mô-thê 3:5.

21. Nếu chưa làm phụ tá, các anh có thể làm gì?

21 Hỡi các anh, nếu các anh chưa làm phụ tá, hãy đọc kỹ bài này và cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về vấn đề này. Hãy xem xét những điều kiện dành cho phụ tá và nỗ lực hội đủ những điều kiện ấy. Hãy nghĩ đến tình yêu thương sâu xa mà các anh dành cho Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Hãy vun trồng ước muốn phụng sự ngài và phục vụ anh em (1 Phi 4:​8, 10). Khi cố gắng trở thành phụ tá, các anh sẽ cảm nghiệm niềm vui của việc phục vụ gia đình thiêng liêng. Mong sao Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho các anh khi các anh nỗ lực vươn tới đặc ân làm phụ tá hội thánh!—Phi-líp 2:13.

BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”

a HÌNH ẢNH: Bên trái, Chúa Giê-su khiêm nhường phục vụ các môn đồ; bên phải, một phụ tá giúp một anh cao tuổi trong hội thánh.