Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 47

BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy—Món quà từ Đức Chúa Trời

Các anh có đang vươn tới đặc ân làm trưởng lão không?

Các anh có đang vươn tới đặc ân làm trưởng lão không?

“Ai đang vươn tới trách nhiệm giám thị là mong muốn một việc tốt lành”.1 TI 3:1.

TRỌNG TÂM

Một số điều kiện trong Kinh Thánh mà một anh cần hội đủ để phục vụ với tư cách là trưởng lão.

1, 2. “Việc tốt lành” của trưởng lão bao gồm những gì?

 Nếu đã làm phụ tá hội thánh trong một thời gian, có lẽ anh đang trên đường tiến đến việc hội đủ điều kiện làm trưởng lão. Anh có thể nỗ lực vươn tới “việc tốt lành” là trở thành trưởng lão không?—1 Ti 3:1.

2 Công việc của trưởng lão bao gồm những gì? Anh dẫn đầu trong việc rao giảng, nỗ lực chăn chiên và dạy dỗ, cũng như xây dựng hội thánh qua lời nói và gương mẫu. Không ngạc nhiên gì khi Kinh Thánh gọi các trưởng lão siêng năng là “món quà là những con người”.—Ê-phê 4:8.

3. Làm thế nào một anh có thể hội đủ điều kiện làm trưởng lão? (1 Ti-mô-thê 3:​1-7; Tít 1:​5-9)

3 Làm thế nào anh có thể hội đủ điều kiện làm trưởng lão? Hội đủ điều kiện làm trưởng lão không giống như hội đủ điều kiện để làm công việc ngoài đời. Thường thì trong xã hội, nếu có những kỹ năng cơ bản mà chủ cần, rất có thể anh sẽ nhận được việc. Trái lại, nếu muốn được bổ nhiệm làm trưởng lão, anh cần nhiều hơn là có kỹ năng rao giảng và dạy dỗ. Anh cần hội đủ những điều kiện dựa trên Kinh Thánh dành cho trưởng lão được liệt kê nơi 1 Ti-mô-thê 3:​1-7 và Tít 1:​5-9. (Đọc). Bài này sẽ xem xét các điều kiện dành cho trưởng lão trong ba khía cạnh: có tiếng tốt cả bên trong lẫn bên ngoài hội thánh, nêu gương tốt trong việc làm đầu gia đình và sẵn sàng phục vụ hội thánh.

CÓ TIẾNG TỐT

4. “Không chỗ trách được” nghĩa là gì?

4 Để hội đủ điều kiện làm trưởng lão, anh cần “không chỗ trách được”, tức là có tiếng tốt trong hội thánh vì không ai có lý do chính đáng để cáo buộc hạnh kiểm của anh. Ngoài ra, anh cần “có tiếng tốt đối với người ngoài hội thánh”. Người không tin đạo có thể chỉ trích niềm tin của anh, nhưng họ không có cơ sở để nghi ngờ tính trung thực hoặc hạnh kiểm của anh (Đa 6:​4, 5). Hãy tự hỏi: “Mình có tiếng tốt cả bên trong lẫn bên ngoài hội thánh không?”.

5. Anh có thể cho thấy mình “yêu điều lành” như thế nào?

5 Nếu “yêu điều lành”, anh sẽ tìm điểm tốt nơi người khác và khen những phẩm chất đáng quý của họ. Anh cũng vui lòng làm điều lành cho người khác, thậm chí nhiều hơn những gì cần thiết (1 Tê 2:8). Tại sao phẩm chất này rất quan trọng với các trưởng lão? Vì họ dùng nhiều thời gian quý báu để chăn chiên và chăm lo các trách nhiệm trong hội thánh (1 Phi 5:​1-3). Dù vậy, niềm vui đến từ việc phục vụ người khác vượt xa bất cứ sự hy sinh nào.—Công 20:35.

6. Một số cách để thể hiện lòng “hiếu khách” là gì? (Hê-bơ-rơ 13:​2, 16; cũng xem hình).

6 Anh thể hiện lòng “hiếu khách” khi làm điều tốt cho người khác, kể cả những người không phải là bạn thân của mình (1 Phi 4:9). Một tài liệu tham khảo miêu tả người hiếu khách như sau: “Cửa nhà của người đó, cũng như cửa lòng, cần mở ra cho người lạ”. Hãy tự hỏi: “Mình có được biết đến là người hay tiếp đón khách đến thăm hội thánh không?”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:​2, 16). Một người hiếu khách sẽ chia sẻ những gì mình có với người khác, kể cả người có hoàn cảnh khó khăn và những tôi tớ làm việc siêng năng cho Đức Giê-hô-va, chẳng hạn như giám thị vòng quanh và diễn giả khách.—Sáng 18:​2-8; Châm 3:27; Lu 14:​13, 14; Công 16:15; Rô 12:13.

Một cặp vợ chồng hiếu khách đang tiếp đón giám thị lưu động và vợ anh (Xem đoạn 6)


7. Làm thế nào một trưởng lão cho thấy anh “không ham tiền”?

7 “Không ham tiền”. Điều này có nghĩa là của cải vật chất không phải là điều quan trọng nhất đối với anh. Dù giàu hay nghèo, anh đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong mọi khía cạnh của đời sống (Mat 6:33). Anh dùng thời gian, năng lực và những gì mình có để thờ phượng Đức Giê-hô-va, chăm sóc gia đình và phục vụ hội thánh (Mat 6:24; 1 Giăng 2:​15-17). Hãy tự hỏi: “Mình có quan điểm nào về tiền bạc? Mình có thỏa lòng với những thứ cần thiết không? Hay mình tập trung vào việc kiếm tiền và có thêm của cải vật chất?”.—1 Ti 6:​6, 17-19.

8. Anh cho thấy mình “biết điều độ trong mọi sự” và “tự chủ” qua một số cách nào?

8 Nếu “biết điều độ trong mọi sự”“tự chủ”, anh sẽ thăng bằng trong mọi khía cạnh của đời sống. Điều này bao gồm việc không ăn uống quá độ, có cách ăn mặc và kiểu tóc thích hợp, cũng như đưa ra những lựa chọn khôn ngoan trong việc giải trí. Anh không chạy theo trào lưu của thế gian (Lu 21:34; Gia 4:4). Anh là người điềm đạm, tức biết giữ bình tĩnh ngay cả khi bị khiêu khích. Anh “không say sưa”, cũng không có tiếng là người uống nhiều rượu bia. Hãy tự hỏi: “Lối sống của mình có cho thấy mình biết điều độ trong mọi sự và tự chủ không?”.

9. “Biết suy xét” và “sống nề nếp” bao gồm những gì?

9 Nếu “biết suy xét”, anh cẩn thận xem xét các vấn đề dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Anh đã suy nghĩ sâu sắc về các nguyên tắc ấy, và điều đó giúp anh có sự thông sáng và hiểu biết. Anh không vội đi đến kết luận. Thay vì thế, anh đảm bảo mình có đầy đủ thông tin cần thiết (Châm 18:13). Nhờ đó, anh đưa ra những quyết định thăng bằng phản ánh lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Nếu “sống nề nếp”, anh là người có trật tự và đúng giờ. Anh được biết đến là người đáng tin cậy và làm theo chỉ dẫn. Những phẩm chất ấy sẽ giúp anh có danh tiếng tốt. Giờ đây, hãy xem làm thế nào để hội đủ các điều kiện dựa trên Kinh Thánh liên quan đến việc làm đầu gia đình.

NÊU GƯƠNG TỐT TRONG VIỆC LÀM ĐẦU GIA ĐÌNH

10. Làm thế nào một anh “khéo cai quản nhà mình”?

10 Nếu anh là người chồng và muốn trở thành trưởng lão, danh tiếng của gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc anh có hội đủ điều kiện hay không. Vì thế, anh cần “khéo cai quản nhà mình”. Anh cần được biết đến là người làm đầu gia đình đầy yêu thương và có trách nhiệm. Điều này bao gồm việc dẫn đầu trong mọi khía cạnh của sự thờ phượng. Tại sao làm thế rất quan trọng? Sứ đồ Phao-lô lý luận: “Nếu một người không biết cai quản nhà mình thì làm sao chăm lo hội thánh của Đức Chúa Trời?”.—1 Ti 3:​5.

11, 12. Hạnh kiểm của con cái ảnh hưởng thế nào đến việc một anh hội đủ điều kiện làm trưởng lão? (Cũng xem hình).

11 Nếu anh là một người cha, con cái dưới 18 tuổi của anh phải “biết vâng phục và ngoan ngoãn”. Anh cần dạy và huấn luyện chúng một cách yêu thương. Dĩ nhiên, giống như mọi đứa trẻ khác, chúng thích cười đùa và vui chơi. Nhưng nhờ sự huấn luyện tốt của anh, chúng biết vâng lời, tôn trọng người khác và cư xử lễ độ. Ngoài ra, anh cần cố gắng hết sức để giúp con vun trồng mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va, sống theo nguyên tắc Kinh Thánh và tiến bộ đến bước báp-têm.

12 “Có con cái tin đạo là những người không mang tiếng trụy lạc hoặc bất trị”. Nếu một người con tin đạo trong gia đình phạm tội trọng, điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến người cha? Nếu người cha sao lãng trong việc huấn luyện và sửa dạy, rất có thể anh không hội đủ điều kiện làm trưởng lão.—Xin xem Tháp Canh ngày 15-10-1996, trg 21, đ. 6, 7.

Những anh làm đầu gia đình huấn luyện con cái biết cách phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ hội thánh (Xem đoạn 11)


PHỤC VỤ HỘI THÁNH

13. Làm thế nào anh có thể cho thấy mình “phải lẽ” và “không cố chấp”?

13 Những anh thể hiện các phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô rất quý giá đối với hội thánh. Một người “phải lẽ” đẩy mạnh sự hòa thuận. Nếu muốn được biết đến là người phải lẽ, hãy lắng nghe người khác và cố gắng hiểu quan điểm của họ. Giả sử anh có mặt trong buổi họp của hội đồng trưởng lão, anh sẽ sẵn sàng ủng hộ quyết định của số đông nếu quyết định đó không trái với nguyên tắc Kinh Thánh không? “Không cố chấp” có nghĩa là anh không khăng khăng buộc người khác làm theo ý của mình. Anh biết rằng việc xem xét ý kiến của người khác là điều quan trọng (Sáng 13:​8, 9; Châm 15:22). Anh “không hay gây gổ” và cũng “không dễ nóng giận”. Thay vì gay gắt hoặc khó tính, anh nhẹ nhàng và tế nhị. Là người hòa thuận, anh chủ động làm hòa, thậm chí trong những tình huống căng thẳng (Gia 3:​17, 18). Lời nói tử tế của anh có thể làm dịu thái độ của người khác, kể cả những người chống đối.—Quan 8:​1-3; Châm 20:3; 25:15; Mat 5:​23, 24.

14. “Không phải là người mới tin đạo” và “trung thành” nghĩa là gì?

14 Một anh hội đủ điều kiện làm trưởng lão “không phải là người mới tin đạo”. Dù không cần phải là người báp-têm lâu năm, nhưng anh cần thời gian để trở thành một tín đồ thành thục. Trước khi được bổ nhiệm làm trưởng lão, anh cần cho thấy rằng, giống như Chúa Giê-su, anh khiêm nhường và sẵn sàng chờ đợi Đức Giê-hô-va giao nhiệm vụ cho mình (Mat 20:23; Phi-líp 2:​5-8). Anh có thể chứng tỏ mình “trung thành” bằng cách gắn bó với Đức Giê-hô-va và tiêu chuẩn công chính của ngài, cũng như làm theo chỉ dẫn đến từ tổ chức.—1 Ti 4:15.

15. Một trưởng lão có cần phải là một diễn giả xuất sắc không? Hãy giải thích.

15 Kinh Thánh nói rõ rằng các giám thị phải “có khả năng dạy dỗ”. Phải chăng điều này có nghĩa là anh cần là một diễn giả xuất sắc? Không. Nhiều trưởng lão không phải là diễn giả xuất sắc nhưng dạy dỗ hữu hiệu khi làm thánh chức và thăm chiên. (So sánh 1 Cô-rinh-tô 12:​28, 29 và Ê-phê-sô 4:11). Tuy nhiên, anh cần luôn nỗ lực cải thiện khả năng dạy dỗ của mình. Làm thế nào anh có thể trở thành người dạy hữu hiệu hơn?

16. Làm thế nào anh có thể trở thành người dạy hữu hiệu hơn? (Cũng xem hình).

16 “Theo sát lời trung tín của Đức Chúa Trời”. Để trở thành người dạy hữu hiệu hơn, anh cần dạy dỗ và khuyên bảo anh em dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Hãy siêng năng học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm (Châm 15:28; 16:23). Khi học hỏi, hãy lưu ý đến cách áp dụng đúng các câu Kinh Thánh. Và khi dạy dỗ, hãy cố gắng động đến lòng người nghe. Anh có thể cải thiện kỹ năng dạy dỗ nếu hỏi ý kiến và áp dụng đề nghị của những trưởng lão giàu kinh nghiệm (1 Ti 5:17). Trưởng lão cần “khuyến khích” anh em. Tuy nhiên, đôi khi trưởng lão cần đưa ra lời khuyên hoặc thậm chí “khiển trách” họ. Dù là trường hợp nào đi nữa, các anh phải luôn nhân từ. Nếu đối xử với anh em một cách nhẹ nhàng và yêu thương cũng như dạy dỗ dựa trên Lời Đức Chúa Trời, anh sẽ là người dạy hữu hiệu vì đang noi theo Thầy Vĩ Đại là Chúa Giê-su.—Mat 11:​28-30; 2 Ti 2:24.

Một phụ tá hội thánh tận dụng cơ hội để học cách dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh khi đi cùng một trưởng lão giàu kinh nghiệm. Anh phụ tá cũng tập dượt bài giảng trước gương (Xem đoạn 16)


HÃY TIẾP TỤC VƯƠN TỚI ĐẶC ÂN

17. (a) Điều gì có thể giúp các phụ tá hội thánh tiếp tục vươn tới đặc ân? (b) Các trưởng lão nên nhớ điều gì khi xem xét có nên đề cử một anh hay không? (Xem khung “ Hãy khiêm tốn khi đánh giá người khác”).

17 Sau khi xem xét các điều kiện để làm trưởng lão, có lẽ một số phụ tá hội thánh cảm thấy họ không bao giờ hội đủ những điều kiện ấy. Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài không mong đợi anh thể hiện những phẩm chất ấy một cách hoàn hảo (1 Phi 2:21). Ngoài ra, chính thần khí mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh vun trồng những phẩm chất ấy (Phi-líp 2:13). Có phẩm chất nào mà anh muốn cải thiện không? Hãy cầu nguyện về điều đó. Hãy nghiên cứu đề tài ấy, và nhờ một trưởng lão đưa ra những đề nghị về cách cải thiện.

18. Tất cả các phụ tá hội thánh được khuyến khích làm gì?

18 Mong sao tất cả các anh, kể cả những anh đang làm trưởng lão, tiếp tục vun trồng những phẩm chất được thảo luận trong bài này (Phi-líp 3:16). Có phải anh đang là phụ tá hội thánh không? Hãy vươn tới để giúp đỡ anh em nhiều hơn! Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va huấn luyện và uốn nắn anh để hữu dụng hơn trong việc phụng sự ngài và phục vụ hội thánh (Ê-sai 64:8). Mong sao Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho anh khi anh nỗ lực hội đủ điều kiện làm trưởng lão.

BÀI HÁT 101 Cùng hợp nhất phụng sự