Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 45

BÀI HÁT 138 Tóc bạc là sự vinh hiển

Học từ lời từ biệt của những người trung thành

Học từ lời từ biệt của những người trung thành

“Chẳng phải sự khôn ngoan ở giữa bậc cao niên và sự hiểu biết ở cùng người trường thọ sao?”GIÓP 12:12.

TRỌNG TÂM

Vâng lời Đức Giê-hô-va dẫn đến ân phước ngay bây giờ và sự sống vĩnh cửu trong tương lai.

1. Tại sao chúng ta có thể học từ người lớn tuổi?

 Tất cả chúng ta đều cần sự hướng dẫn để đưa ra những quyết định quan trọng trong đời sống. Chúng ta có thể nhận được một số sự hướng dẫn như thế từ các trưởng lão và những tín đồ thành thục khác. Nếu họ lớn tuổi hơn chúng ta nhiều, chúng ta không nên cho rằng lời khuyên của họ là lỗi thời. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta học từ người lớn tuổi. Họ đã có nhiều thời gian hơn chúng ta để thu thập kinh nghiệm, kiến thức và sự khôn ngoan.—Gióp 12:12.

2. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Vào thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va dùng những người lớn tuổi trung thành để khích lệ và hướng dẫn dân ngài. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của Môi-se, Đa-vít và sứ đồ Giăng. Họ sống vào những thời kỳ khác nhau, và hoàn cảnh của họ cũng rất khác nhau. Vào cuối đời, họ đưa ra lời khuyên khôn ngoan cho những người trẻ hơn. Mỗi người trung thành này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vâng lời Đức Chúa Trời. Ngài đã cho ghi lại những lời khôn ngoan ấy để chúng ta rút ra bài học. Dù trẻ hay già, chúng ta cũng có thể nhận lợi ích khi xem xét lời khuyên của họ (Rô 15:4; 2 Ti 3:16). Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận những lời từ biệt của ba người lớn tuổi này và các bài học có thể rút ra từ điều họ nói.

“ANH EM SẼ TỒN TẠI LÂU”

3. Môi-se phụng sự trong những vai trò nào?

3 Môi-se hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va. Ông là nhà tiên tri, quan xét, chỉ huy và sử gia. Môi-se có rất nhiều kinh nghiệm trong đời sống! Ông dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, thoát ách nô lệ. Ông cũng tận mắt chứng kiến nhiều phép lạ của Đức Giê-hô-va. Ngài đã dùng ông để viết năm sách đầu của Kinh Thánh, Thi thiên 90 và có lẽ Thi thiên 91. Rất có thể ông cũng viết sách Gióp.

4. Môi-se khích lệ ai, và tại sao?

4 Không lâu trước khi qua đời ở tuổi 120, Môi-se triệu tập cả dân Y-sơ-ra-ên lại để nhắc họ về những điều họ đã thấy và trải qua. Khi còn trẻ, một số người trong vòng họ chứng kiến nhiều phép lạ mà Đức Giê-hô-va làm, cũng như sự trừng phạt của ngài trên Ai Cập (Xuất 7:​3, 4). Họ đã băng qua Biển Đỏ được rẽ ra và thấy quân đội của Pha-ra-ôn bị tiêu diệt (Xuất 14:​29-31). Trong hoang mạc, họ đã cảm nghiệm sự bảo vệ và chăm sóc của Đức Giê-hô-va (Phục 8:​3, 4). Giờ đây, khi dân chúng sắp vào Đất Hứa, Môi-se tận dụng cơ hội cuối cùng này để khích lệ họ. a

5. Những lời từ biệt của Môi-se nơi Phục truyền luật lệ 30:​19, 20 đảm bảo với dân Y-sơ-ra-ên điều gì?

5 Môi-se đã nói gì? (Đọc Phục truyền luật lệ 30:​19, 20). Dân Y-sơ-ra-ên có triển vọng hưởng một tương lai tuyệt vời. Khi được Đức Giê-hô-va ban phước, họ sẽ có thể sống lâu trong xứ mà ngài hứa ban cho họ. Đó quả là một vùng đất xinh đẹp và màu mỡ! Môi-se miêu tả cho họ về vùng đất ấy: “Xứ có những thành lớn và đẹp đẽ mà anh em không xây, các ngôi nhà chứa đầy những thứ tốt đẹp mà anh em không cần phải làm việc để có được, những hầm chứa nước mà anh em không đào, những vườn nho và cây ô-liu mà anh em không trồng”.—Phục 6:​10, 11.

6. Tại sao Đức Chúa Trời để cho các nước khác chinh phục Y-sơ-ra-ên?

6 Môi-se cũng đưa ra lời cảnh báo cho dân Y-sơ-ra-ên. Để tiếp tục sống trong vùng đất màu mỡ ấy, họ phải vâng theo các điều răn của Đức Giê-hô-va. Môi-se khuyến giục họ “chọn sự sống” bằng cách lắng nghe Đức Chúa Trời và “gắn bó với ngài”. Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên đã không vâng lời ngài. Vì thế, một thời gian sau, Đức Chúa Trời để cho A-si-ri và sau này là Ba-by-lôn chinh phục họ và bắt họ đi lưu đày.—2 Vua 17:​6-8, 13, 14; 2 Sử 36:​15-17, 20.

7. Chúng ta học được gì từ những lời của Môi-se? (Cũng xem hình).

7 Bài học là gì? Vâng lời mang lại sự sống. Giống như dân Y-sơ-ra-ên đứng trước ngưỡng cửa của Đất Hứa, chúng ta sắp bước vào thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa ban. Khi ấy, cả trái đất sẽ trở thành địa đàng (Ê-sai 35:1; Lu 23:43). Sa-tan và các quỷ sẽ không còn nữa (Khải 20:​2, 3). Không còn tôn giáo sai lầm dẫn dụ người ta đi xa Đức Giê-hô-va (Khải 17:16). Cũng không còn chính phủ loài người đàn áp những người ở dưới sự cai trị của họ (Khải 19:​19, 20). Địa đàng sẽ không có chỗ cho những kẻ phản nghịch (Thi 37:​10, 11). Người ở khắp nơi sẽ vâng theo luật pháp công chính của Đức Giê-hô-va, là luật đẩy mạnh sự hợp nhất và bình an. Thế nên, họ sẽ yêu thương và tin cậy lẫn nhau (Ê-sai 11:9). Quả là một triển vọng huy hoàng! Không những thế, nếu vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tiếp tục sống trong địa đàng không chỉ hàng trăm năm nhưng cho đến mãi mãi.—Thi 37:29; Giăng 3:16.

Nếu vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể sống trong địa đàng không chỉ hàng trăm năm nhưng cho đến mãi mãi (Xem đoạn 7)


8. Lời hứa về sự sống vĩnh cửu đã giúp một giáo sĩ lâu năm như thế nào? (Giu-đe 20, 21)

8 Nếu luôn ghi nhớ lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống vĩnh cửu, chúng ta sẽ muốn gắn bó với ngài dù gặp thử thách nào đi nữa. (Đọc Giu-đe 20, 21). Lời hứa ấy cũng có thể thêm sức cho chúng ta để chống lại nhược điểm của bản thân. Một giáo sĩ lâu năm ở châu Phi đã tranh đấu với một nhược điểm dai dẳng. Anh cho biết: “Khi nhận ra mình có nguy cơ mất triển vọng sống mãi mãi, tôi càng quyết tâm để chống lại nhược điểm ấy và tha thiết nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Với sự trợ giúp của ngài, tôi đã có thể vượt qua vấn đề của mình”.

“CON SẼ THÀNH CÔNG”

9. Đa-vít đã trải qua những thử thách nào trong đời?

9 Đa-vít là một vị vua nổi bật. Ông cũng là nhạc sĩ, nhà thơ, chiến binh và nhà tiên tri. Đa-vít đã trải qua nhiều thử thách. Trong nhiều năm, ông sống trong cảnh lưu lạc, chạy trốn vua Sau-lơ đầy lòng ghen tị. Sau khi trở thành vua, một lần nữa Đa-vít phải chạy trốn để giữ mạng sống khi con trai ông là Áp-sa-lôm tìm cách cướp ngôi. Bất kể những khó khăn và lỗi lầm của bản thân, Đa-vít đã chứng tỏ mình trung thành với Đức Chúa Trời cho đến cuối đời. Đức Giê-hô-va gọi ông là “người vừa lòng [ngài]”. Vì vậy, lời khuyên của Đa-vít thật đáng để chúng ta nghe theo!—Công 13:22; 1 Vua 15:5.

10. Tại sao Đa-vít đưa ra lời khuyên cho con trai cũng là người kế vị mình là Sa-lô-môn?

10 Chẳng hạn, hãy xem lời khuyên của Đa-vít dành cho con trai cũng là người kế vị mình là Sa-lô-môn. Chàng trai trẻ này được Đức Giê-hô-va chọn để tiếp tục đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch và xây đền thờ để tôn vinh ngài (1 Sử 22:5). Sa-lô-môn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đa-vít đã nói gì với con trai mình? Hãy cùng xem.

11. Theo 1 Các vua 2:​2, 3, Đa-vít đưa ra lời khuyên nào cho Sa-lô-môn, và kết quả ra sao khi Sa-lô-môn vâng theo lời ấy? (Cũng xem hình).

11 Đa-vít đã nói gì? (Đọc 1 Các vua 2:​2, 3). Đa-vít nói với Sa-lô-môn rằng nếu vâng lời Đức Giê-hô-va, Sa-lô-môn sẽ thành công trong đời sống. Và suốt nhiều năm, Sa-lô-môn đã đạt được nhiều thành công đáng kể (1 Sử 29:​23-25). Ông xây dựng đền thờ nguy nga và viết trọn bộ hoặc một phần của một số sách trong Kinh Thánh. Ông trở nên nổi tiếng về sự khôn ngoan và giàu có của mình (1 Vua 4:34). Nhưng như Đa-vít nói, Sa-lô-môn sẽ thành công chỉ khi vâng lời Đức Giê-hô-va. Điều đáng buồn là khi về già, Sa-lô-môn quay sang thờ những thần khác. Đức Giê-hô-va đã rút lại ân huệ, và Sa-lô-môn không còn sự khôn ngoan để cai trị một cách nhân từ và công bằng.—1 Vua 11:​9, 10; 12:4.

Những lời cuối cùng của Đa-vít dành cho con trai ông là Sa-lô-môn cho thấy nếu chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va, ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đưa ra quyết định đúng (Xem đoạn 11, 12) b


12. Chúng ta học được gì từ những lời của Đa-vít?

12 Bài học là gì? Vâng lời mang lại thành công (Thi 1:​1-3). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không hứa ban cho chúng ta sự giàu có và vinh quang như Sa-lô-môn. Nhưng nếu chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời, ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đưa ra quyết định đúng (Châm 2:​6, 7; Gia 1:5). Các nguyên tắc của ngài có thể hướng dẫn chúng ta trong những khía cạnh thực tế như việc làm, học vấn, giải trí và tiền bạc. Khi áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta tránh được những tổn hại lâu dài (Châm 2:​10, 11). Chúng ta sẽ vun trồng những tình bạn tốt, và cũng sẽ nhận được sự hướng dẫn cần thiết để có gia đình hạnh phúc.

13. Điều gì đã giúp chị Carmen thành công trong đời sống?

13 Chị Carmen, sống ở Mozambique, nghĩ rằng học vấn cao là chìa khóa dẫn đến thành công. Chị vào đại học và học kiến trúc. Chị cho biết: “Tôi rất thích những gì mình đang học, nhưng phải bỏ ra nhiều thời gian và sức lực. Tôi có mặt ở trường từ 7 giờ rưỡi sáng cho đến 6 giờ tối. Vì thế, rất khó để tôi tham dự nhóm họp, và tình trạng thiêng liêng của tôi bị suy yếu. Trong thâm tâm, tôi nhận ra rằng mình đang cố làm tôi cho hai chủ” (Mat 6:24). Chị cầu nguyện về hoàn cảnh của mình và nghiên cứu các ấn phẩm. Chị nói thêm: “Sau khi nhận được lời khuyên khôn ngoan từ các trưởng lão và mẹ mình, tôi quyết định nghỉ học đại học để phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Điều này đã giúp tôi đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho đời sống, và tôi không hề hối tiếc”.

14. Thông điệp chính của Môi-se và Đa-vít là gì?

14 Môi-se và Đa-vít yêu thương Đức Giê-hô-va và biết rằng vâng lời ngài là rất quan trọng. Trong lời từ biệt, họ khuyến khích người nghe noi theo gương của mình bằng cách gắn bó với Đức Giê-hô-va. Cả hai người cũng cảnh báo rằng những ai từ bỏ Đức Chúa Trời sẽ mất ân huệ của ngài và những ân phước mà ngài hứa ban. Lời khuyên của họ vẫn hữu ích cho chúng ta ngày nay. Nhiều thế kỷ sau, một tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va cũng cho thấy tầm quan trọng của việc giữ trung thành với ngài.

‘KHÔNG CÓ GÌ VUI MỪNG HƠN’

15. Sứ đồ Giăng có những trải nghiệm nào trong đời?

15 Giăng là sứ đồ yêu dấu của Chúa Giê-su (Mat 10:2; Giăng 19:26). Ông đồng hành với Chúa Giê-su trong thánh chức của ngài, thấy những phép lạ ngài làm và gắn bó với ngài trong những lúc khó khăn. Giăng chứng kiến Chúa Giê-su bị xử tử và gặp ngài sau khi ngài sống lại. Ông cũng thấy sự lan rộng của đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất và tin mừng “được rao giảng giữa mọi tạo vật ở dưới trời”.—Cô 1:23.

16. Ai nhận được lợi ích từ các lá thư của Giăng?

16 Khi đã cao tuổi, Giăng có đặc ân được góp phần vào Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. Ông ghi lại sách Khải huyền đầy hào hứng (Khải 1:1). Ông viết Phúc âm mang tên mình. Giăng cũng viết ba lá thư được soi dẫn. Ông gửi lá thư thứ ba cho một tín đồ trung thành tên Gai-út, người mà ông xem là con thiêng liêng yêu dấu (3 Giăng 1). Đến thời điểm đó, hẳn có nhiều người mà Giăng xem là con thiêng liêng. Những gì người trung thành cao tuổi này viết đã khích lệ tất cả các môn đồ của Chúa Giê-su cho đến thời chúng ta.

17. Theo 3 Giăng 4, điều gì mang lại niềm vui?

17 Giăng đã viết gì? (Đọc 3 Giăng 4). Giăng viết rằng ông vui khi thấy anh em đồng đạo vâng lời Đức Chúa Trời. Đến thời điểm ông viết lá thư thứ ba, một số người đã lan truyền những giáo lý sai lầm và gây chia rẽ. Tuy nhiên, những người khác vẫn tiếp tục “bước theo chân lý”. Họ vâng lời Đức Giê-hô-va và “bước theo các điều răn ngài” (2 Giăng 4, 6). Những tín đồ trung thành này không chỉ mang lại niềm vui cho Giăng mà còn cho chính Đức Giê-hô-va.—Châm 27:11.

18. Chúng ta học được gì từ những lời của Giăng?

18 Bài học là gì? Trung thành mang lại niềm vui (1 Giăng 5:3). Chẳng hạn, chúng ta vui khi biết mình làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Ngài vui mừng khi thấy chúng ta kháng cự cám dỗ của thế gian và chấp nhận chân lý (Châm 23:15). Các thiên sứ trên trời cũng vui mừng (Lu 15:10). Chúng ta cũng vui khi thấy anh em đồng đạo giữ trung thành, đặc biệt những lúc họ gặp thử thách và cám dỗ (2 Tê 1:4). Rồi khi thế gian này của Sa-tan qua đi, chúng ta sẽ vui mừng vì đã chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va.

19. Chị Rachel nói gì về việc dạy chân lý cho người khác? (Cũng xem hình).

19 Chúng ta đặc biệt vui mừng khi chia sẻ chân lý với người khác. Chị Rachel, sống ở Cộng hòa Dominica, xem việc dạy người khác về Đức Chúa Trời tuyệt vời của chúng ta là một đặc ân quý giá. Khi nghĩ về các con thiêng liêng của mình, chị nói: “Không lời nào miêu tả được niềm vui của tôi khi nhìn thấy những người mà mình dạy ngày càng yêu mến Đức Giê-hô-va, tin cậy ngài và thay đổi đời sống để làm ngài hài lòng. Niềm vui ấy lớn hơn hẳn bất cứ nỗ lực và sự hy sinh nào mà tôi bỏ ra để giúp họ học chân lý”.

Chúng ta có niềm vui khi dạy người khác yêu thương và vâng lời Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 19)


LỜI TỪ BIỆT CỦA NHỮNG NGƯỜI TRUNG THÀNH MANG LẠI LỢI ÍCH

20. Chúng ta có những điểm chung nào với Môi-se, Đa-vít và Giăng?

20 Môi-se, Đa-vít và Giăng sống trong những thời kỳ và hoàn cảnh khác với chúng ta. Nhưng chúng ta có nhiều điểm chung với họ. Họ phụng sự Đức Chúa Trời thật, và chúng ta cũng vậy. Giống như họ, chúng ta cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, nương cậy nơi ngài và tìm kiếm sự hướng dẫn của ngài. Và giống như những người thời xưa ấy, chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho những ai vâng lời ngài.

21. Ân phước nào đang chờ đón những người làm theo lời khuyên của Môi-se, Đa-vít và Giăng?

21 Vậy, hãy làm theo lời từ biệt của những người lớn tuổi ấy bằng cách vâng giữ các điều răn của Đức Giê-hô-va. Rồi chúng ta sẽ thật sự thành công trong mọi điều mình làm. Chúng ta sẽ có sự sống và “sẽ tồn tại lâu”, thật vậy, cho đến mãi mãi! (Phục 30:20). Và chúng ta sẽ có niềm vui vì làm hài lòng Cha yêu thương trên trời, đấng thực hiện mọi lời hứa theo cách còn tuyệt vời hơn những gì chúng ta trông mong hoặc tưởng tượng.—Ê-phê 3:20.

BÀI HÁT 129 Chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng

a Phần đông người Y-sơ-ra-ên chứng kiến phép lạ của Đức Giê-hô-va tại Biển Đỏ đã không còn sống để thấy Đất Hứa (Dân 14:​22, 23). Ngài phán rằng những người từ 20 tuổi trở lên đã được đăng ký sẽ chết trong hoang mạc (Dân 14:29). Tuy nhiên, Giô-suê, Ca-lép, nhiều người thuộc thế hệ trẻ hơn và nhiều người thuộc chi phái Lê-vi đã sống sót để thấy lời hứa của ngài được thực hiện khi dân Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh và vào xứ Ca-na-an.—Phục 1:​24-40.

b HÌNH ẢNH: Bên trái: Đa-vít nói với con trai là Sa-lô-môn những lời khuyên khôn ngoan cuối cùng. Bên phải: Các học viên của Trường dành cho tiên phong nhận lợi ích từ sự giáo dục thần quyền.