BÀI HỌC 44
BÀI HÁT 33 Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va
Làm thế nào để đương đầu với sự bất công?
“Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy luôn lấy điều thiện thắng điều ác”.—RÔ 12:21.
TRỌNG TÂM
Cách đương đầu với sự bất công mà không làm cho vấn đề trở nên tệ hơn.
1, 2. Tất cả chúng ta đều có thể gặp sự bất công dưới những hình thức nào?
Chúa Giê-su đã kể minh họa về một bà góa cứ nài xin quan tòa xét xử công bằng cho bà. Hẳn các môn đồ ngài có thể đồng cảm với người phụ nữ ấy, vì vào thời đó, dân chúng thường là nạn nhân của sự bất công (Lu 18:1-5). Chúng ta cũng có cảm xúc như thế vì tất cả chúng ta đều từng gặp sự bất công.
2 Trong thế gian hiện nay, sự thành kiến, bất bình đẳng và đàn áp là những điều phổ biến. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi bị đối xử bất công (Truyền 5:8). Nhưng có thể chúng ta không ngờ khi bị anh em đồng đạo đối xử thiếu tử tế. Dĩ nhiên, anh em của chúng ta không phải là những người chống đối chân lý. Họ chỉ là những người bất toàn. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ cách Chúa Giê-su phản ứng trước sự bất công mà những kẻ chống đối gian ác gây ra. Nếu có thể kiên nhẫn với những kẻ chống đối, chúng ta lại càng cần kiên nhẫn hơn với anh em đồng đạo! Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi chúng ta bị người khác đối xử bất công, dù người đó ở trong hay ngoài hội thánh? Ngài có quan tâm đến điều xảy ra với chúng ta không?
3. Tại sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va quan tâm đến việc chúng ta bị đối xử bất công?
3 Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến việc chúng ta bị đối xử tệ. Ngài “yêu chuộng công lý” (Thi 37:28). Chúa Giê-su đảm bảo với chúng ta là Đức Giê-hô-va “sẽ nhanh chóng thực thi công lý” khi đến đúng thời điểm (Lu 18:7, 8). Đức Giê-hô-va sẽ sớm khắc phục mọi thiệt hại mà chúng ta phải chịu, và loại bỏ mọi hình thức bất công.—Thi 72:1, 2.
4. Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta sự trợ giúp nào?
4 Trong khi chúng ta chờ đợi thời điểm mà sự công chính ngự trị, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đương đầu với sự bất công (2 Phi 3:13). Ngài dạy chúng ta cách tránh làm điều thiếu khôn ngoan khi bị đối xử không công bằng. Qua Con ngài, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta gương hoàn hảo về cách đối phó với sự bất công. Ngài cũng đưa ra lời khuyên thực tế mà chúng ta có thể áp dụng khi bị đối xử bất công.
CẨN THẬN VỀ CÁCH PHẢN ỨNG TRƯỚC SỰ BẤT CÔNG
5. Tại sao chúng ta nên cẩn thận về cách phản ứng trước sự bất công?
5 Chúng ta có thể cảm thấy tổn thương và buồn nản trước sự bất công (Truyền 7:7). Các tôi tớ trung thành như Gióp và Ha-ba-cúc cũng đã cảm thấy như thế (Gióp 6:2, 3; Ha-ba 1:1-3). Đó là những cảm xúc tự nhiên. Dù vậy, chúng ta cần cẩn thận về cách phản ứng của mình để không làm điều dại dột.
6. Trường hợp của Áp-sa-lôm dạy chúng ta điều gì? (Cũng xem hình).
6 Khi gặp sự bất công, có lẽ phản ứng của chúng ta là tìm cách đáp trả. Nhưng làm thế có thể khiến vấn đề trở nên tệ hơn nhiều. Hãy xem trường hợp của con trai vua Đa-vít là Áp-sa-lôm. Ông rất tức giận khi Ta-ma, em gái mình, bị người anh cùng cha khác mẹ là Am-nôn hãm hiếp. Theo Luật pháp Môi-se, Am-nôn đáng bị xử tử (Lê 20:17). Dù việc Áp-sa-lôm tức giận là điều dễ hiểu, nhưng ông không có quyền tự xử lý vấn đề theo cách riêng.—2 Sa 13:20-23, 28, 29.
7. Người viết Thi thiên phản ứng thế nào khi thấy sự bất công?
7 Khi những người hành động bất công dường như không bị trừng phạt, chúng ta có thể băn khoăn liệu việc làm điều đúng có đáng công không. Chẳng hạn, người viết Thi thiên đã thấy kẻ gian ác đối xử tệ với người công chính nhưng dường như vẫn thịnh vượng. Ông nói: “Kẻ ác là thế, luôn luôn an nhàn” (Thi 73:12). Người viết Thi thiên cũng buồn bực về sự bất công đến mức nghi ngờ lợi ích của việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Ông cho biết: “Khi cố hiểu thấu sự ấy, con thấy băn khoăn phiền muộn” (Thi 73:14, 16). Thậm chí ông nói: “Phần tôi, chân gần chệch lối, suýt nữa là trượt bước rồi” (Thi 73:2). Một anh tạm gọi là Mario đã trải qua điều tương tự.
8. Sự bất công ảnh hưởng đến một anh như thế nào?
8 Anh Mario bị đổ oan là ăn cắp tiền từ quỹ của hội thánh. Hậu quả là anh mất đặc ân, và nhiều anh chị biết về vấn đề đó không còn tôn trọng anh. Anh kể lại: “Tôi cảm thấy cay đắng, tức giận và bức xúc”. Anh đã để cho những cảm xúc ấy ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của mình, thậm chí còn ngưng hoạt động trong 5 năm. Trường hợp này cho thấy hậu quả có thể xảy ra nếu chúng ta trở nên cay đắng khi gặp sự bất công.
NOI THEO CÁCH CHÚA GIÊ-SU ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ BẤT CÔNG
9. Chúa Giê-su đã chịu đựng những sự bất công nào? (Cũng xem hình).
9 Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo về cách đương đầu với sự bất công. Hãy xem ngài bị đối xử bất công thế nào, từ cả người trong gia đình lẫn người ngoài. Người nhà không cùng đức tin nói là ngài bị mất trí, những nhà lãnh đạo tôn giáo cho rằng ngài thông đồng với các quỷ, còn lính La Mã thì chế nhạo, đánh đập và cuối cùng giết ngài (Mác 3:21, 22; 14:55; 15:16-20, 35-37). Dù vậy, Chúa Giê-su chịu đựng tất cả những sự bất công đó mà không đáp trả. Chúng ta học được gì từ gương của ngài?
10. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước sự bất công? (1 Phi-e-rơ 2:21-23)
10 Đọc 1 Phi-e-rơ 2:21-23. a Chúa Giê-su để lại một gương hoàn hảo cho chúng ta noi theo khi đối phó với sự bất công. Ngài biết khi nào cần giữ im lặng và khi nào cần nói ra (Mat 26:62-64). Chúa Giê-su không đáp lại mọi lời nói dối về ngài (Mat 11:19). Khi chọn nói ra, ngài không nhục mạ hoặc đe dọa những người bắt bớ mình. Chúa Giê-su thể hiện tính tự chủ vì ngài “phó chính mình cho đấng xét xử công chính”. Ngài biết Đức Giê-hô-va thấy những sự bất công mà ngài đang phải trải qua. Chúa Giê-su tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết những sự bất công ấy vào đúng thời điểm.
11. Chúng ta có thể kiểm soát lời nói qua một số cách nào? (Cũng xem các hình).
11 Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách kiểm soát điều mình nói khi bị đối xử bất công. Một số sự bất công thì không nghiêm trọng, và chúng ta có thể bỏ qua. Hoặc chúng ta có thể giữ im lặng để tránh nói những điều khiến vấn đề trở nên tệ hơn (Truyền 3:7; Gia 1:19, 20). Nhưng đôi lúc, có thể chúng ta cần nói ra khi thấy sự bất công hoặc khi cần bênh vực chân lý (Công 6:1, 2). Nếu chọn nói ra, chúng ta nên cố gắng hết sức để bình tĩnh và tôn trọng.—1 Phi 3:15. b
12. Chúng ta phó chính mình cho “đấng xét xử công chính” như thế nào?
12 Chúng ta cũng có thể noi theo Chúa Giê-su bằng cách phó chính mình cho “đấng xét xử công chính”. Khi bị người khác hiểu lầm hoặc đối xử thiếu tử tế, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va biết điều đã xảy ra. Lòng tin chắc ấy có thể giúp chúng ta chịu đựng sự bất công vì biết rằng cuối cùng Đức Giê-hô-va sẽ sửa lại vấn đề. Khi để vấn đề trong tay ngài, chúng ta sẽ không cưu mang sự tức giận hoặc hận thù trong lòng. Những cảm xúc ấy có thể khiến chúng ta phản ứng thái quá, cướp đi niềm vui và gây hại cho mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va.—Thi 37:8.
13. Điều gì có thể giúp chúng ta tiếp tục chịu đựng sự bất công?
13 Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ có thể noi theo Chúa Giê-su một cách hoàn hảo. Đôi khi chúng ta nói hoặc làm những điều mà sau này mình phải hối tiếc (Gia 3:2). Một số sự bất công có thể khiến chúng ta bị tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu anh chị ở trong trường hợp đó, hãy tin chắc Đức Giê-hô-va biết điều anh chị đang trải qua. Và Chúa Giê-su, đấng từng chịu sự bất công, đồng cảm với anh chị (Hê 4:15, 16). Ngoài việc cung cấp gương hoàn hảo của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va ban lời khuyên thiết thực giúp chúng ta đương đầu với sự bất công. Hãy xem hai câu trong sách Rô-ma có thể giúp ích cho chúng ta.
“ĐỂ ĐIỀU ĐÓ CHO CƠN THỊNH NỘ”
14. “Để điều đó cho cơn thịnh nộ” có nghĩa gì? (Rô-ma 12:19)
14 Đọc Rô-ma 12:19. Khi sứ đồ Phao-lô khuyến giục các tín đồ “để điều đó cho cơn thịnh nộ”, ông đang nói đến cơn thịnh nộ của ai? Theo văn cảnh, đó là cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. Chúng ta ‘để điều đó cho cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va’ bằng cách để ngài thực thi công lý vào thời điểm và theo cách của ngài. Sau khi bị đối xử bất công, một anh tên John nói: “Tôi phải chống lại khuynh hướng tự mình xử lý điều sai trái. Rô-ma 12:19 đã giúp tôi chờ đợi Đức Giê-hô-va”.
15. Tại sao điều tốt nhất là chờ đợi Đức Giê-hô-va xử lý vấn đề?
15 Chúng ta được lợi ích khi chờ đợi Đức Giê-hô-va xử lý vấn đề. Nếu chờ đợi ngài, chúng ta sẽ tránh được gánh nặng và sự bức xúc của việc phải cố gắng tự giải quyết vấn đề. Đức Giê-hô-va sẵn lòng giúp đỡ chúng ta. Ngài như thể đang nói: “Hãy để sự bất công đó cho Cha. Cha sẽ giải quyết”. Nếu tin cậy lời hứa của ngài là: “Ta sẽ báo trả”, chúng ta có thể bỏ qua vấn đề và tin chắc ngài sẽ xử lý theo cách tốt nhất. Đó là điều đã giúp anh John, người được đề cập ở trên. Anh nói: “Nếu tôi cố gắng chờ đợi Đức Giê-hô-va, ngài sẽ xử lý vấn đề tốt hơn nhiều so với cách của tôi”.
“LUÔN LẤY ĐIỀU THIỆN THẮNG ĐIỀU ÁC”
16, 17. Làm thế nào việc cầu nguyện có thể giúp chúng ta “luôn lấy điều thiện thắng điều ác”? (Rô-ma 12:21)
16 Đọc Rô-ma 12:21. Phao-lô cũng khuyến giục các tín đồ “luôn lấy điều thiện thắng điều ác”. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình” (Mat 5:44). Đó chính là điều mà ngài đã làm. Hẳn chúng ta đã suy ngẫm về nỗi đau mà Chúa Giê-su phải chịu khi bị lính La Mã đóng đinh trên cây cột. Chúng ta khó có thể tưởng tượng được nỗi đau cũng như sự nhục nhã và bất công mà ngài đã trải qua.
17 Chúa Giê-su không khuất phục trước sự bất công mà ngài phải chịu. Thay vì rủa sả những người lính ấy, ngài cầu nguyện: “Thưa Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết mình đang làm gì” (Lu 23:34). Khi chúng ta cầu nguyện cho người đối xử tệ với mình, điều đó có thể xoa dịu cảm giác cay đắng và tức giận, thậm chí thay đổi quan điểm của chúng ta về họ.
18. Việc cầu nguyện đã giúp anh Mario và anh John như thế nào để đương đầu với sự bất công?
18 Việc cầu nguyện đã giúp hai anh được đề cập ở trên đương đầu với sự bất công. Anh Mario nói: “Tôi đã cầu nguyện cho những anh em đối xử không công bằng với mình. Nhiều lần, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình bỏ qua sự bất công ấy”. Đáng mừng là anh Mario đã trở lại phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trung thành. Còn anh John cho biết: “Nhiều lần, tôi cầu nguyện cho anh khiến mình tổn thương. Những lời cầu nguyện như thế giúp tôi có quan điểm tích cực hơn về anh và không xét đoán anh. Tôi cũng có được sự bình an tâm trí”.
19. Chúng ta cần làm gì khi còn trong thế gian này? (1 Phi-e-rơ 3:8, 9)
19 Chúng ta không biết mình sẽ đối mặt với sự bất công nào trước khi thế gian này chấm dứt. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, đừng bao giờ ngưng cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Cũng hãy noi theo cách Chúa Giê-su phản ứng khi bị đối xử tệ và tiếp tục áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Nếu làm những điều đó, chúng ta có thể tin chắc là mình sẽ thừa hưởng ân phước từ Đức Giê-hô-va.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:8, 9.
BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ
a Trong thư thứ nhất của sứ đồ Phi-e-rơ, nơi chương 2 và 3, ông nhắc đến trường hợp của nhiều tín đồ vào thế kỷ thứ nhất bị những người chủ hà khắc hoặc người chồng không tin đạo đối xử bất công.—1 Phi 2:18-20; 3:1-6, 8, 9.
b Xem video Tình yêu thương mang lại bình an thật trên jw.org.