Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Người công chính sẽ vui mừng nơi Đức Giê-hô-va”

“Người công chính sẽ vui mừng nơi Đức Giê-hô-va”

Chị Diana ngoài 80 tuổi. Chồng chị mắc bệnh Alzheimer và ở viện dưỡng lão vài năm trước khi qua đời. Chị Diana cũng đương đầu với nỗi đau mất hai người con trai và bản thân chị phải chống chọi với bệnh ung thư vú. Nhưng khi các anh chị trong hội thánh gặp chị tại buổi nhóm họp hay trong thánh chức, họ thấy chị luôn vui vẻ.

Anh John làm giám thị lưu động hơn 43 năm. Anh yêu thích hình thức phụng sự này, và đó là cuộc sống của anh. Tuy nhiên, anh phải ngưng công việc lưu động để chăm sóc người thân bị bệnh, và hiện nay anh phụng sự tại một hội thánh địa phương. Khi gặp lại anh tại hội nghị, những người quen cũ thấy anh vẫn như xưa, vẫn luôn vui vẻ.

Làm sao chị Diana và anh John có thể vui mừng? Làm thế nào một người mang nỗi đau tinh thần và thể chất vẫn có được niềm vui? Nhờ đâu một người không có đặc ân như trước vẫn giữ được sự vui mừng? Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu lý do khi nói: “Người công chính sẽ vui mừng nơi Đức Giê-hô-va” (Thi 64:10). Chúng ta có thể hiểu rõ hơn sự thật này khi biết điều gì mang lại niềm vui lâu bền và điều gì không.

SỰ VUI MỪNG TẠM THỜI

Hẳn anh chị biết một số điều hầu như luôn mang lại niềm vui. Hãy nghĩ đến đôi uyên ương trong ngày cưới, người sắp làm cha mẹ hay người nhận được một đặc ân thần quyền. Những điều này mang lại sự vui mừng vì đến từ Đức Giê-hô-va. Ngài đã thiết lập hôn nhân, ban cho con người khả năng sinh con cái và ban các nhiệm vụ trong hội thánh.—Sáng 2:18, 22; Thi 127:3; 1 Ti 3:1.

Tuy nhiên, một số điều mang lại niềm vui có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chẳng hạn, người hôn phối có thể không chung thủy hoặc qua đời (Ê-xê 24:18; Ô-sê 3:1). Một số người con không vâng lời cha mẹ và Đức Chúa Trời, thậm chí còn bị khai trừ. Các con trai của Sa-mu-ên không phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách ngài chấp nhận, và những hành động của Đa-vít khiến ông gặp họa bởi chính người nhà mình (1 Sa 8:1-3; 2 Sa 12:11). Những chuyện như thế gây ra đau buồn và căng thẳng, và chắc chắn không mang lại niềm vui.

Tương tự, các đặc ân phụng sự trong vòng dân Đức Chúa Trời cũng có thể kết thúc, chẳng hạn vì sức khỏe kém, trách nhiệm gia đình hay sự thay đổi trong tổ chức. Nhiều người thừa nhận rằng họ nhớ cảm giác thỏa nguyện khi đảm nhận nhiệm vụ trước đây.

Chúng ta dễ nhận thấy rằng một số điều mang lại niềm vui có thể chỉ là tạm thời. Vậy, có sự vui mừng nào vẫn còn ngay cả trong hoàn cảnh bất lợi không? Hẳn phải có vì Sa-mu-ên, Đa-vít và những người khác đã duy trì được niềm vui dù gặp thử thách.

SỰ VUI MỪNG LÂU BỀN

Chúa Giê-su biết thế nào là sự vui mừng thật. Trước khi xuống trái đất làm người, trong hoàn cảnh thuận lợi, ngài “luôn luôn vui mừng tại trước mặt [Đức Giê-hô-va]” (Châm 8:30). Nhưng khi ở trên đất, thỉnh thoảng ngài gặp những thử thách cam go. Dù vậy, ngài vẫn có niềm vui khi làm theo ý muốn của Cha (Giăng 4:34). Còn vào những giờ phút cuối cùng đầy đau đớn của ngài thì sao? Kinh Thánh cho biết: “Vì niềm vui đặt trước mặt mà ngài chịu đựng cây khổ hình” (Hê 12:2). Thế nên, hợp lý để xem hai lời nhận xét của ngài về sự vui mừng thật.

Có lần, 70 môn đồ trở về với Chúa Giê-su sau một đợt rao giảng. Họ rất vui mừng vì đã làm được nhiều việc phi thường, thậm chí đuổi quỷ. Chúa Giê-su nói với họ: “Đừng vui mừng vì các ác thần quy phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi ở trên trời” (Lu 10:1-9, 17, 20). Thật vậy, được Đức Giê-hô-va chấp nhận là điều quan trọng hơn bất cứ đặc ân nào. Các môn đồ trung thành ấy được ngài ghi nhớ, và đây là điều vui mừng hơn.

Vào dịp khác, khi Chúa Giê-su đang nói với đoàn dân, có một phụ nữ Do Thái rất ấn tượng trước cách dạy của ngài và nói rằng mẹ của ngài chắc hẳn rất hạnh phúc. Nhưng Chúa Giê-su đáp: “Không, đúng hơn phải nói: ‘Hạnh phúc cho những người nghe và giữ lời Đức Chúa Trời!’” (Lu 11:27, 28). Đành rằng niềm tự hào về con cái mang lại niềm vui cho cha mẹ, nhưng vâng lời Đức Giê-hô-va và có mối quan hệ với ngài mang lại niềm vui lớn hơn.

Thật vậy, cảm giác được Đức Giê-hô-va chấp nhận mang lại niềm vui lâu bền cho chúng ta. Thử thách không mang lại niềm vui, nhưng cũng không lấy đi cảm giác ấy. Thay vì thế, nếu chịu đựng thử thách với lòng trọn thành, niềm vui của chúng ta sẽ càng sâu xa hơn (Rô 5:3-5). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va ban thần khí cho những người tin cậy ngài, và vui mừng là một khía cạnh của bông trái thần khí (Ga 5:22). Vì thế, thật dễ hiểu khi Thi thiên 64:10 nói: “Người công chính sẽ vui mừng nơi Đức Giê-hô-va”.

Điều gì đã giúp anh John giữ được niềm vui sâu xa?

Điều này giải thích tại sao chị Diana và anh John giữ được niềm vui lâu bền khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Chị Diana chia sẻ: “Tôi đã náu thân nơi Đức Giê-hô-va như con trẻ nương cậy nơi cha mình”. Chị cảm nhận Đức Giê-hô-va hài lòng về mình như thế nào? Chị cho biết: “Tôi cảm nhận Đức Giê-hô-va ban phước cho tôi bằng cách giúp tôi có thể thường xuyên rao giảng với nụ cười trên gương mặt”. Còn anh John tiếp tục sốt sắng trong thánh chức sau khi ngưng công việc lưu động mà anh yêu thích. Anh giải thích về điều đã giúp anh rất nhiều: “Từ năm 1998, khi được chỉ định dạy Trường Huấn luyện Thánh chức, tôi đã học cá nhân nhiều hơn bao giờ hết”. Anh nói thêm về vợ chồng anh: “Trong nhiều năm, chúng tôi luôn sẵn sàng phụng sự Đức Giê-hô-va ở bất cứ nhiệm sở nào và không hề hối tiếc. Nhờ có tinh thần đó, sự thay đổi lần này cũng không khó đối với chúng tôi”.

Nhiều người khác cũng nhận thấy những lời nơi Thi thiên 64:10 thật đúng. Chẳng hạn, một cặp vợ chồng từng phụng sự hơn 30 năm tại Bê-tên ở Hoa Kỳ, rồi được bổ nhiệm ra cánh đồng làm tiên phong đặc biệt. Với cái nhìn thực tế, họ thừa nhận: “Buồn khi mất điều mình quý là tự nhiên, nhưng không thể cứ buồn mãi”. Họ nhanh chóng hòa mình vào công việc thánh chức cùng với hội thánh. Họ cũng cho biết: “Chúng tôi cầu nguyện về một số điều cụ thể. Rồi khi thấy lời cầu nguyện được nhậm, chúng tôi được khích lệ và vui mừng. Không lâu sau khi chúng tôi chuyển đến hội thánh, có những anh chị khác bắt đầu làm tiên phong, và Đức Giê-hô-va ban phước cho chúng tôi bằng cách ban cho hai học hỏi tiến bộ”.

“MÃI HÂN HOAN”

Thành thật mà nói không phải lúc nào cũng dễ để giữ sự vui mừng, và sẽ có lúc chúng ta cảm thấy buồn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va soi dẫn để những lời an ủi nơi Thi thiên 64:10 được ghi lại. Ngay cả khi nản lòng, nếu chúng ta trung thành và chứng tỏ mình là “người công chính”, chắc chắn chúng ta “sẽ vui mừng nơi Đức Giê-hô-va”. Hơn nữa, chúng ta có thể trông mong ngày mà lời hứa về “trời mới và đất mới” sẽ thành hiện thực. Lúc đó, sẽ không còn sự bất toàn. Hết thảy dân Đức Chúa Trời sẽ “hoan hỉ và mãi hân hoan” khi được hưởng những điều ngài tạo dựng và ban cấp.—Ê-sai 65:17, 18.

Hãy hình dung điều ấy có nghĩa gì: Chúng ta sẽ có sức khỏe hoàn hảo và bắt đầu ngày mới tràn đầy sức sống. Ký ức về mọi nỗi đau tinh thần sẽ không còn. Chúng ta được đảm bảo là “những điều trước kia sẽ không được gợi lên trong trí, cũng không được khơi lại trong lòng”. Nhờ phép lạ về sự sống lại, chúng ta sẽ được đoàn tụ với người thân yêu. Hàng triệu người sẽ cảm thấy như cha mẹ của em gái 12 tuổi được Chúa Giê-su làm sống lại: “Họ vui mừng khôn xiết” (Mác 5:42). Cuối cùng, mỗi người trên đất sẽ đều là “người công chính” theo nghĩa trọn vẹn nhất và sẽ “vui mừng nơi Đức Giê-hô-va” cho đến muôn đời.