Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 51

Anh chị biết rõ Đức Giê-hô-va đến mức nào?

Anh chị biết rõ Đức Giê-hô-va đến mức nào?

“Những ai biết danh ngài sẽ tin cậy nơi ngài; chẳng bao giờ ngài bỏ người nào tìm kiếm ngài, lạy Đức Giê-hô-va!”—THI 9:10.

BÀI HÁT 56 Tự chọn bước theo Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1, 2. Trường hợp của anh Angelito cho thấy mỗi chúng ta cần phải làm gì?

Có phải anh chị lớn lên trong gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu vậy, hãy nhớ rằng anh chị không thừa hưởng mối quan hệ tốt mà cha mẹ mình có với Đức Giê-hô-va. Dù cha mẹ có phụng sự Đức Chúa Trời hay không, mỗi chúng ta cần phải tự vun đắp tình bạn với ngài.

2 Hãy xem trường hợp của anh Angelito. Anh được nuôi dạy trong gia đình Nhân Chứng. Nhưng khi còn trẻ, anh không cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời. Anh thừa nhận: “Tôi phụng sự Đức Giê-hô-va chỉ vì muốn làm theo gia đình”. Tuy nhiên, anh Angelito quyết định dành thời gian đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, và cầu nguyện với ngài thường xuyên hơn. Kết quả là gì? Anh cho biết: “Tôi nghiệm ra rằng cách duy nhất để có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, Cha yêu thương, là tự mình học về ngài”. Trường hợp của anh Angelito nêu lên một số câu hỏi quan trọng: Có sự khác biệt nào giữa việc biết Đức Giê-hô-va và biết rõ ngài? Và chúng ta có thể biết rõ Đức Giê-hô-va qua cách nào?

3. Có sự khác biệt nào giữa việc biết Đức Giê-hô-va và biết rõ ngài?

3 Có thể nói một người biết Đức Giê-hô-va là biết danh ngài và một số điều mà ngài nói hoặc làm. Nhưng biết rõ Đức Giê-hô-va bao hàm nhiều hơn. Chúng ta cần dành thời gian học về Đức Giê-hô-va và những phẩm chất tuyệt vời của ngài. Chỉ khi làm thế, chúng ta mới có thể hiểu tại sao ngài nói và làm điều gì đó. Điều này sẽ giúp chúng ta biết ngài có hài lòng với quan điểm, quyết định và hành động của mình không. Khi đã hiểu ý của Đức Giê-hô-va là gì, chúng ta cần làm theo.

4. Xem xét những gương trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta như thế nào?

4 Có lẽ một số người sẽ chế giễu vì chúng ta muốn phụng sự Đức Giê-hô-va, thậm chí họ chống đối nhiều hơn khi chúng ta bắt đầu kết hợp với dân ngài. Nhưng nếu tin cậy Đức Giê-hô-va, ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta sẽ bắt đầu xây dựng tình bạn với Đức Chúa Trời, là tình bạn sẽ bền vững mãi mãi. Chúng ta có thể thật sự biết rõ Đức Giê-hô-va không? Có! Gương của những người bất toàn, chẳng hạn như Môi-se và vua Đa-vít, cho thấy điều này. Khi xem xét những gì họ làm, hãy tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Điều gì giúp họ biết rõ Đức Giê-hô-va? Và chúng ta có thể học được gì từ gương của họ?

MÔI-SE NHÌN THẤY “ĐẤNG VÔ HÌNH”

5. Môi-se đã chọn làm gì?

5 Môi-se hành động dựa trên những gì học được. Lúc khoảng 40 tuổi, Môi-se chọn kết hợp với dân Đức Chúa Trời là người Hê-bơ-rơ, thay vì được biết đến là “con của công chúa Ai Cập” (Hê 11:24). Ông đã từ bỏ địa vị cao trọng của mình. Khi đứng về phía người Hê-bơ-rơ, Môi-se biết Pha-ra-ôn, một nhà cai trị quyền lực được người ta xem là thần, sẽ vô cùng tức giận. Đức tin của Môi-se thật nổi bật! Ông tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Lòng tin cậy như thế là nền tảng cho một mối quan hệ bền vững.—Châm 3:5.

6. Chúng ta học được gì từ gương của Môi-se?

6 Bài học là gì? Giống như Môi-se, mỗi chúng ta đứng trước quyết định: Mình sẽ chọn phụng sự Đức Chúa Trời và kết hợp với dân ngài không? Có lẽ chúng ta phải hy sinh một số điều để phụng sự Đức Giê-hô-va hoặc bị những người không biết ngài chống đối. Nhưng nếu tin cậy Cha trên trời, chắc chắn chúng ta sẽ được ngài trợ giúp.

7, 8. Môi-se tiếp tục học về điều gì?

7 Môi-se tiếp tục học về những phẩm chất của Đức Giê-hô-va và làm theo ý muốn ngài. Chẳng hạn, khi Môi-se được bảo dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh lưu đày, ông cảm thấy thiếu tự tin và nhiều lần nói với Đức Giê-hô-va rằng ông không đủ khả năng. Đức Chúa Trời đáp lại Môi-se với lòng trắc ẩn và cung cấp sự trợ giúp cho ông (Xuất 4:10-16). Nhờ thế, Môi-se có thể rao truyền thông điệp phán xét mạnh mẽ cho Pha-ra-ôn. Sau đó, ông chứng kiến Đức Giê-hô-va dùng quyền năng giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và nhấn chìm Pha-ra-ôn cùng đạo quân của hắn dưới lòng Biển Đỏ.—Xuất 14:26-31; Thi 136:15.

8 Sau khi Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, họ cứ tìm cớ để phàn nàn hết lần này đến lần khác. Nhưng Môi-se thấy được sự kiên nhẫn tuyệt vời của Đức Giê-hô-va qua cách ngài đối xử với dân mà ngài đã giải thoát khỏi cảnh nô lệ (Thi 78:40-43). Môi-se cũng thấy Đức Giê-hô-va thể hiện sự khiêm nhường nổi bật khi ngài đổi ý và chiều theo lời cầu xin của ông.—Xuất 32:9-14.

9. Hê-bơ-rơ 11:27 cho thấy mối quan hệ giữa Môi-se và Đức Giê-hô-va mật thiết thế nào?

9 Sau cuộc hành trình ra khỏi Ai Cập, mối quan hệ của Môi-se với Đức Giê-hô-va mật thiết đến mức như thể ông nhìn thấy Cha trên trời. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:27). Điều này cho thấy mối quan hệ đó khắn khít biết bao! Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va nói chuyện với Môi-se mặt đối mặt, như hai người nói chuyện với nhau”.—Xuất 33:11.

10. Để biết rõ Đức Giê-hô-va, chúng ta cần làm gì?

10 Bài học là gì? Để biết rõ Đức Giê-hô-va, chúng ta không chỉ học về những phẩm chất của ngài mà còn phải làm theo ý muốn ngài. Ý muốn của Đức Giê-hô-va ngày nay là “mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về chân lý” (1 Ti 2:3, 4). Một cách để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời là dạy người khác về ngài.

11. Tại sao có thể nói khi dạy người khác về Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ biết ngài rõ hơn?

11 Thường thì khi dạy người khác về Đức Giê-hô-va, chính chúng ta sẽ biết ngài rõ hơn. Chẳng hạn, chúng ta thấy rõ bằng chứng về lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va khi ngài hướng dẫn chúng ta đến với những người có lòng ngay thẳng (Giăng 6:44; Công 13:48). Chúng ta thấy quyền lực của Lời Đức Chúa Trời trong việc giúp các học viên Kinh Thánh từ bỏ thói xấu và mặc lấy nhân cách mới (Cô 3:9, 10). Chúng ta cũng thấy sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời khi ngài cho những người trong khu vực nhiều cơ hội để học về ngài và được cứu.—Rô 10:13-15.

12. Như được nói nơi Xuất Ai Cập 33:13, Môi-se cầu xin điều gì, và tại sao?

12 Môi-se quý trọng mối quan hệ của ông với Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời dùng Môi-se để làm nhiều phép lạ, nhờ thế ông hiểu rõ về ngài. Tuy nhiên, ông vẫn xin Đức Giê-hô-va giúp ông hiểu ngài rõ hơn. (Đọc Xuất Ai Cập 33:13). Lúc đưa ra lời cầu xin này, Môi-se hơn 80 tuổi. Nhưng ông biết vẫn còn nhiều điều để học về Cha yêu thương trên trời.

13. Một cách chúng ta cho thấy mình quý trọng tình bạn với Đức Chúa Trời là gì?

13 Bài học là gì? Dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu, chúng ta không bao giờ muốn xem thường mối quan hệ của mình với ngài. Một cách chúng ta cho thấy mình quý trọng tình bạn với Đức Chúa Trời là tâm sự với ngài qua lời cầu nguyện.

14. Tại sao việc cầu nguyện là bí quyết để giúp chúng ta học thêm về Đức Chúa Trời?

14 Trò chuyện cởi mở là huyết mạch của một tình bạn vững bền. Vì thế, hãy đến gần Đức Chúa Trời bằng cách thường xuyên cầu nguyện và đừng ngại thổ lộ với ngài tư tưởng thầm kín nhất (Ê-phê 6:18). Chị Krista ở Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ: “Mỗi lần trải lòng với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và cảm nghiệm được ngài giúp đỡ, tôi càng yêu thương và tin cậy ngài nhiều hơn. Việc thấy cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện đã giúp tôi xem ngài là Cha và là Bạn của mình”.

MỘT NGƯỜI LÀM VỪA LÒNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15. Đức Giê-hô-va miêu tả thế nào về vua Đa-vít?

15 Vua Đa-vít sinh ra trong một nước được biệt riêng cho Đức Giê-hô-va. Nhưng Đa-vít làm nhiều hơn là chỉ theo những truyền thống tôn giáo của gia đình. Chính ông vun đắp mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời, và Đức Giê-hô-va đặc biệt yêu mến ông. Đức Giê-hô-va miêu tả Đa-vít là “người vừa lòng [ngài]” (Công 13:22). Nhờ đâu Đa-vít có mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va?

16. Đa-vít học được điều gì về Đức Giê-hô-va qua công trình sáng tạo?

16 Đa-vít học về Đức Giê-hô-va qua công trình sáng tạo. Khi còn trẻ, Đa-vít dành nhiều giờ ở ngoài đồng để chăm sóc bầy cừu của cha. Có lẽ đó là lúc ông bắt đầu suy ngẫm về những gì Đức Giê-hô-va tạo ra. Chẳng hạn, khi Đa-vít ngắm nhìn bầu trời đêm, hẳn ông không chỉ thấy một bầu trời đầy sao mà ông còn suy ngẫm về những phẩm chất của đấng tạo ra muôn vật. Đa-vít được thôi thúc để viết: “Các tầng trời rao vinh quang Đức Chúa Trời. Bầu trời cao thuật công việc của tay ngài” (Thi 19:1, 2). Khi suy ngẫm về cách con người được tạo ra, Đa-vít thấy sự khôn ngoan tột bậc của Đức Giê-hô-va (Thi 139:14). Khi cố gắng hiểu thấu những công việc của Đức Giê-hô-va, ông nhận thấy mình thật nhỏ bé.—Thi 139:6.

17. Chúng ta học được điều gì nếu suy ngẫm về công trình sáng tạo?

17 Bài học là gì? Hãy suy ngẫm về công trình sáng tạo. Chúng ta không muốn chỉ đơn thuần tồn tại trên trái đất tuyệt đẹp mà Đức Giê-hô-va tạo ra, nhưng muốn dành thời gian chiêm ngưỡng những tạo vật ấy. Trong đời sống hằng ngày, hãy suy ngẫm xem những tạo vật xung quanh, chẳng hạn như cây cối, loài vật và con người, dạy mình điều gì về Đức Giê-hô-va. Rồi mỗi ngày mới, anh chị sẽ học thêm vô số điều về Cha yêu thương (Rô 1:20). Và mỗi ngày trôi qua, anh chị sẽ thấy càng yêu thương ngài nhiều hơn.

18. Thi thiên 18 cho thấy Đa-vít đã nhận biết điều gì?

18 Đa-vít nhận biết Đức Giê-hô-va trợ giúp ông. Chẳng hạn, khi bảo vệ bầy cừu của cha khỏi sư tử và gấu, Đa-vít nhận biết Đức Giê-hô-va đã giúp ông hạ gục những con thú dữ tợn này. Khi đánh bại chiến binh khổng lồ Gô-li-át, Đa-vít thấy rõ Đức Giê-hô-va đang hướng dẫn ông (1 Sa 17:37). Và khi chạy trốn khỏi vị vua đố kỵ Sau-lơ, Đa-vít biết Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông (Thi 18, ghi chú đầu bài). Người kiêu ngạo thường nhận mọi công trạng về mình. Nhưng Đa-vít là người khiêm nhường, nhờ thế ông có thể nhận biết bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình.—Thi 138:6.

19. Chúng ta học được gì từ gương của Đa-vít?

19 Bài học là gì? Chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Chúng ta cũng cần cố gắng nhận ra thời điểm Đức Giê-hô-va trợ giúp mình và cách ngài làm thế. Nếu khiêm nhường nhận biết giới hạn của bản thân, chúng ta sẽ thấy rõ Đức Giê-hô-va bù đắp cho mình những gì còn thiếu. Và mỗi lần nhận thấy cách Đức Giê-hô-va giúp đỡ, mối quan hệ của chúng ta với ngài càng bền chặt hơn. Anh Isaac sống ở Fiji, phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm, đã cảm nghiệm được sự thật này. Anh nói: “Khi nhìn lại, tôi cảm nghiệm Đức Giê-hô-va giúp mình từ lúc bắt đầu học Kinh Thánh cho đến nay. Vì thế, ngài thực sự có thật đối với tôi”.

20. Chúng ta học được gì từ mối quan hệ của Đa-vít với Đức Giê-hô-va?

20 Đa-vít bắt chước những phẩm chất của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta với khả năng bắt chước các phẩm chất của ngài (Sáng 1:26). Càng học về những phẩm chất của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ càng noi gương ngài tốt hơn. Đa-vít ngày càng biết rõ về Cha trên trời; thế nên ông đã noi gương ngài trong cách đối xử với người khác. Hãy xem một ví dụ. Đa-vít phạm tội với Đức Giê-hô-va khi ông ngoại tình với Bát-sê-ba và lập mưu để chồng bà bị giết (2 Sa 11:1-4, 15). Nhưng Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thương xót với Đa-vít, người đã tỏ lòng thương xót với người khác. Vì có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va nên Đa-vít trở thành một trong những vị vua được dân Y-sơ-ra-ên rất yêu mến, và Đức Giê-hô-va dùng ông làm gương mẫu cho các vua khác của Y-sơ-ra-ên.—1 Vua 15:11; 2 Vua 14:1-3.

21. Phù hợp với Ê-phê-sô 4:24 và 5:1, chúng ta nhận được lợi ích nào khi ‘bắt chước Đức Chúa Trời’?

21 Bài học là gì? Chúng ta cần ‘bắt chước Đức Chúa Trời’. Điều này không chỉ mang lại lợi ích mà còn giúp chúng ta hiểu thêm về ngài. Khi bắt chước những phẩm chất của Đức Giê-hô-va, chúng ta cho thấy mình là con cái của ngài.—Đọc Ê-phê-sô 4:24; 5:1.

TIẾP TỤC HỌC VỀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

22, 23. Kết quả là gì nếu chúng ta áp dụng những điều mình học về Đức Giê-hô-va?

22 Như chúng ta đã thấy, Đức Giê-hô-va tiết lộ về ngài qua công trình sáng tạo và Lời ngài là Kinh Thánh. Cuốn sách độc nhất vô nhị này ghi lại nhiều gương trung thành của tôi tớ Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể noi theo, chẳng hạn như Môi-se và Đa-vít. Đức Giê-hô-va đã làm phần của ngài. Chúng ta cần làm phần của mình bằng cách giữ mắt tập trung, mở lòng và lắng nghe để biết rõ hơn về ngài.

23 Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng học về Đức Giê-hô-va (Truyền 3:11). Điều quan trọng không phải là chúng ta biết bao nhiêu về ngài, nhưng chúng ta làm gì với sự hiểu biết ấy. Nếu áp dụng những điều mình học và cố gắng bắt chước Cha yêu thương trên trời, ngài sẽ tiếp tục đến gần chúng ta (Gia 4:8). Qua Lời ngài, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng ngài không bao giờ từ bỏ những ai đang tìm kiếm ngài.

BÀI HÁT 80 “Nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!”

^ đ. 5 Nhiều người tin có Đức Chúa Trời nhưng họ không thật sự biết ngài. Biết Đức Giê-hô-va có nghĩa gì? Và chúng ta có thể học được gì từ Môi-se và vua Đa-vít về cách để có mối quan hệ mật thiết với ngài? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.