Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy cảm tạ về mọi điều”

“Hãy cảm tạ về mọi điều”

Anh chị có thấy mình là người có lòng biết ơn không? Đây là câu hỏi mà mỗi chúng ta nên tự xem xét. Kinh Thánh báo trước rằng trong thời chúng ta, nhiều người sẽ trở nên “vô ơn” (2 Ti 3:2). Rất có thể anh chị từng gặp một số người cảm thấy họ xứng đáng được hưởng mọi thứ, như thể mọi điều đều thuộc về họ. Dường như họ cảm thấy mình không cần biết ơn về những điều nhận được. Anh chị có thấy khó chịu khi ở gần những người như thế không?

Trái lại, tôi tớ Đức Giê-hô-va được khuyên: “Hãy tỏ lòng biết ơn”. Chúng ta nên “cảm tạ về mọi điều” (Cô 3:15; 1 Tê 5:18). Thật ra, vun trồng lòng biết ơn mang lại lợi ích cho chúng ta. Hãy xem một số lý do tại sao chúng ta nên làm thế.

LÒNG BIẾT ƠN VÀ CÁI NHÌN THĂNG BẰNG VỀ BẢN THÂN

Một lý do quan trọng để vun trồng lòng biết ơn là vì điều đó giúp chúng ta có quan điểm tích cực về bản thân. Một người nói lời cám ơn thường cảm thấy vui về chính mình, và người nhận lời cám ơn ấy cũng thấy vui. Tại sao lòng biết ơn mang lại ảnh hưởng hai chiều như thế? Hãy xem một ví dụ: Khi người khác sẵn sàng làm điều gì đó cho anh chị, hẳn họ cảm thấy anh chị xứng đáng nhận được điều đó. Họ quan tâm đến anh chị. Khi cảm nhận được sự quan tâm ấy, anh chị cảm thấy vui về bản thân. Hẳn đây là điều mà Ru-tơ đã cảm nhận. Khi được Bô-ô thể hiện lòng rộng rãi, Ru-tơ rất vui vì biết có người quan tâm đến mình.—Ru 2:10-13.

Thể hiện lòng biết ơn với Đức Chúa Trời là điều đặc biệt thích hợp. Hẳn anh chị nghĩ đến nhiều món quà về vật chất lẫn thiêng liêng mà ngài đã và sẽ tiếp tục ban cho mình (Phục 8:17, 18; Công 14:17). Nhưng thay vì chỉ nghĩ thoáng qua về sự tốt lành của Đức Chúa Trời, hãy dành thời gian để suy ngẫm đến nhiều ân phước mà ngài đã đổ trên anh chị và người thân. Suy ngẫm về lòng rộng rãi của Đấng Tạo Hóa sẽ giúp anh chị gia tăng lòng biết ơn dành cho ngài và cảm nhận rõ hơn ngài yêu thương và quý trọng mình thế nào.—1 Giăng 4:9.

Nhưng hãy làm nhiều hơn là chỉ suy ngẫm về lòng rộng rãi và ân phước mà ngài ban cho; hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va vì sự tốt lành của ngài (Thi 100:4, 5). Người ta nói rằng “thể hiện lòng biết ơn góp một phần quan trọng vào hạnh phúc của mỗi người”.

LÒNG BIẾT ƠN KÉO MỌI NGƯỜI LẠI GẦN NHAU HƠN

Một lý do khác cho thấy lòng biết ơn mang lại lợi ích là vì điều đó củng cố tình bạn giữa anh chị và người khác. Ai trong chúng ta cũng cần cảm thấy mình được quý trọng. Khi chân thành cám ơn người khác về hành động tử tế của họ, hai người sẽ được kéo lại gần nhau hơn (Rô 16:3, 4). Hơn nữa, người biết ơn thường là người sẵn lòng giúp đỡ người khác. Họ nhận thấy sự tử tế mà người khác thể hiện với họ và được thúc đẩy để đáp lại sự tử tế ấy. Đúng thế, giúp đỡ lẫn nhau mang lại hạnh phúc. Điều này phù hợp với những gì Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công 20:35.

Ông Robert Emmons, hiệu phó của một trường đại học ở California nghiên cứu về đề tài lòng biết ơn, nhận xét: ‘Để thể hiện lòng biết ơn, chúng ta cần hiểu rằng mỗi người chúng ta phụ thuộc vào nhau. Có lúc chúng ta cho đi và có lúc nhận lại’. Sự thật là để duy trì sự sống và có một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta phụ thuộc vào người khác theo nhiều cách. Chẳng hạn, họ có thể cung cấp thức ăn hoặc sự trợ giúp về y tế cho chúng ta (1 Cô 12:21). Người biết ơn sẽ cho thấy mình quý trọng những gì người khác làm cho mình. Anh chị có thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn về những điều mà người khác làm cho mình không?

LÒNG BIẾT ƠN VÀ CÁI NHÌN VỀ CUỘC SỐNG

Một lý do nữa để vun trồng lòng biết ơn là vì phẩm chất này giúp anh chị tập trung vào điều tích cực thay vì tiêu cực. Theo một nghĩa nào đó, trí não của chúng ta giống như một lõi lọc. Nó giúp mình tập trung vào một số khía cạnh trong đời sống, đồng thời loại bỏ hoặc ngăn chặn những khía cạnh khác. Nhờ thế, anh chị sẽ hướng đến những điều tích cực và ít chú tâm đến những vấn đề tiêu cực. Càng biết ơn, anh chị sẽ càng thấy nhiều điều tốt lành, rồi anh chị sẽ được thúc đẩy để biết ơn nhiều hơn nữa. Có cái nhìn biết ơn trong đời sống sẽ giúp anh chị có cùng cảm xúc với lời khuyến giục của Phao-lô: “Hãy luôn vui mừng trong Chúa”.—Phi-líp 4:4.

Anh chị sẽ nhận ra là lòng biết ơn có thể làm vô hiệu hóa những suy nghĩ tiêu cực. Hẳn một người khó có thể vừa biết ơn lại vừa ganh tị, buồn nản hay bực bội phải không? Người biết ơn cũng không đặt nặng về vật chất. Họ quý trọng những gì họ có và không tìm mọi cách để có thêm.—Phi-líp 4:12.

NGHĨ ĐẾN NHỮNG ÂN PHƯỚC!

Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, anh chị biết rằng Sa-tan luôn muốn anh chị đau buồn và nản lòng trước những thử thách mà anh chị phải đối mặt trong những ngày sau cùng này. Hắn sẽ rất hả hê khi chúng ta có thái độ tiêu cực, phàn nàn. Thái độ như thế có thể khiến người khác khó lắng nghe khi anh chị rao truyền tin mừng. Sự thật là lòng biết ơn đi đôi với bông trái thần khí của Đức Chúa Trời, bao gồm sự vui mừng đến từ ngài và đức tin nơi mọi lời ngài hứa.—Ga 5:22, 23.

Là dân của Đức Giê-hô-va, hẳn anh chị đồng ý với những điều được nói về lòng biết ơn trong bài này. Dù vậy, anh chị nhận ra rằng lòng biết ơn và thái độ lạc quan không tự nhiên mà có. Nhưng đừng để điều đó khiến anh chị nản lòng. Anh chị có thể vun trồng và duy trì lòng biết ơn. Như thế nào? Mỗi ngày, hãy dành thời gian nghĩ đến một số khía cạnh của đời sống mà anh chị có thể tỏ lòng biết ơn. Càng làm thế, anh chị sẽ càng dễ thể hiện lòng biết ơn. Điều đó sẽ giúp anh chị hạnh phúc hơn nhiều so với những người tập trung vào khó khăn trong đời sống. Hãy nghĩ đến điều tốt lành mà Đức Chúa Trời và người khác làm, là những điều khích lệ và khiến anh chị vui mừng. Anh chị cũng có thể viết ra hai hoặc ba điều khiến anh chị biết ơn trong ngày.

Một số người nghiên cứu về đề tài này nói rằng: ‘Thường xuyên thể hiện lòng biết ơn có thể thay đổi cách não bộ hoạt động, nhờ đó chúng ta dễ cảm thấy vui vẻ và tích cực hơn về đời sống’. Người biết ơn là người hạnh phúc hơn. Vì thế, hãy nghĩ đến những ân phước mình có, tận hưởng những điều tốt lành trong đời sống và thể hiện lòng biết ơn! Thay vì xem thường những điều tốt mình nhận được, “hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, bởi ngài thật tốt”. Thật thế, “hãy cảm tạ về mọi điều”.—1 Sử 16:34; 1 Tê 5:18.