Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 52

Hỡi các bậc cha mẹ—Hãy dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va

Hỡi các bậc cha mẹ—Hãy dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va

“Con cái là sản nghiệp từ Đức Giê-hô-va”.—THI 127:3.

BÀI HÁT 134 Con cái là sản nghiệp từ Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va giao cho cha mẹ trách nhiệm nào?

Đức Giê-hô-va tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên và ban cho họ ước muốn có con. Kinh Thánh thật đúng khi nói: “Con cái là sản nghiệp từ Đức Giê-hô-va” (Thi 127:3). Điều này có nghĩa gì? Hãy hình dung một người bạn thân nhờ anh chị giữ một số tiền lớn. Anh chị cảm thấy thế nào? Hẳn anh chị cảm thấy vinh dự vì được bạn mình tin cậy. Nhưng có lẽ anh chị lo lắng không biết làm thế nào để giữ số tiền ấy được an toàn. Đức Giê-hô-va, Bạn thân nhất của chúng ta, ban cho các bậc cha mẹ một điều quý giá hơn nhiều so với tiền. Ngài giao cho họ trách nhiệm chăm sóc và giúp con cái có đời sống hạnh phúc.

2. Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào?

2 Ai nên là người quyết định có con hay không; nếu chọn có con thì khi nào nên có? Và cha mẹ có thể làm gì để giúp con có đời sống hạnh phúc? Hãy xem một số nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời có thể giúp các cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô đưa ra quyết định khôn ngoan.

TÔN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH CỦA CẶP VỢ CHỒNG

3. (a) Ai nên là người quyết định có con hay không? (b) Gia đình và bạn bè muốn ghi nhớ nguyên tắc Kinh Thánh nào?

3 Tại một số nước, người ta mong chờ các cặp vợ chồng mới cưới sẽ sinh con càng sớm càng tốt. Thậm chí các cặp vợ chồng còn bị gia đình và người khác gây áp lực để làm theo thông lệ đó. Anh Jethro ở châu Á cho biết: “Trong hội thánh, một số người có con gây áp lực trên những cặp chưa có con”. Một anh khác ở châu Á tên là Jeffrey nói: “Một số người nói với những cặp chưa có con rằng sẽ không ai chăm sóc họ khi về già”. Tuy nhiên, mỗi cặp vợ chồng sẽ tự quyết định nên có con hay không. Đó là vấn đề cá nhân và là trách nhiệm của họ (Ga 6:5, chú thích). Dĩ nhiên, gia đình và bạn bè muốn cặp vợ chồng mới cưới được hạnh phúc, nhưng tất cả cần nhớ rằng có con hay không là quyết định của mỗi cặp vợ chồng.—1 Tê 4:11.

4, 5. Các cặp vợ chồng cần thảo luận hai vấn đề nào, và khi nào là thời điểm tốt nhất để thảo luận các vấn đề đó? Hãy giải thích.

4 Một cặp vợ chồng quyết định có con nên thảo luận với nhau hai vấn đề quan trọng: Thứ nhất là họ muốn có con khi nào? Thứ hai là họ muốn có bao nhiêu con? Khi nào là thời điểm tốt nhất để vợ chồng thảo luận những vấn đề này? Và tại sao đây là hai vấn đề rất quan trọng?

5 Trong đa số trường hợp, trước khi kết hôn, một cặp nên nói chuyện với nhau về đề tài con cái. Tại sao? Vì có cùng quan điểm với nhau về vấn đề này là điều quan trọng. Họ cũng cần suy xét xem mình đã sẵn sàng cho trách nhiệm đó hay chưa. Một số cặp quyết định đợi ít nhất một hoặc hai năm sau khi kết hôn thì mới sinh con, vì trở thành cha mẹ sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và năng lực. Họ nhận ra rằng việc đợi một thời gian sẽ giúp họ thích nghi với đời sống hôn nhân và gắn bó với nhau hơn.—Ê-phê 5:33.

6. Thời kỳ chúng ta đang sống tác động thế nào đến quyết định của một số cặp vợ chồng?

6 Những tín đồ khác chọn noi gương ba con trai của Nô-ê và vợ họ. Ba cặp vợ chồng này không sinh con ngay sau khi kết hôn (Sáng 6:18; 9:18, 19; 10:1; 2 Phi 2:5). Chúa Giê-su ví thời kỳ của chúng ta với “thời Nô-ê”; chắc chắn chúng ta đang sống trong “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (Mat 24:37; 2 Ti 3:1). Do đó, một số cặp quyết định không sinh con ở thời điểm này, nhờ thế họ có thể tham gia thánh chức nhiều hơn.

Khi quyết định có con hay không và có bao nhiêu con, một cặp vợ chồng khôn ngoan sẽ “tính phí tổn” (Xem đoạn 7) *

7. Nguyên tắc nơi Lu-ca 14:28, 29 và Châm ngôn 21:5 giúp ích thế nào cho các cặp vợ chồng?

7 Khi quyết định có con hay không và có bao nhiêu con, một cặp vợ chồng khôn ngoan sẽ “tính phí tổn”. (Đọc Lu-ca 14:28, 29). Các bậc cha mẹ có kinh nghiệm công nhận rằng việc nuôi dạy con không chỉ tốn kém, mà còn đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực. Vì thế, điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần xem xét những câu hỏi như: “Cả hai vợ chồng sẽ phải đi làm để chu cấp những nhu cầu căn bản cho gia đình không? Cả hai có thống nhất đâu là “những nhu cầu căn bản” không? Nếu hai vợ chồng cùng đi làm, ai sẽ trông nom con? Ai sẽ uốn nắn lối suy nghĩ và hành động của con?”. Khi xem xét kỹ các câu hỏi này, các cặp vợ chồng muốn áp dụng những lời nơi Châm ngôn 21:5.Đọc.

Một người chồng yêu thương sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ vợ (Xem đoạn 8)

8. Các cặp vợ chồng cần suy nghĩ trước về một số thử thách nào, và một người chồng yêu thương sẽ làm gì?

8 Một đứa trẻ cần và xứng đáng được cha mẹ dành nhiều thời gian và năng lực cho chúng. Vì thế, nếu sinh vài người con trong một thời gian ngắn, có lẽ cha mẹ khó dành sự quan tâm đúng mức cho mỗi người con. Một số cặp có nhiều con nhỏ nói rằng họ cảm thấy bị choáng ngợp. Người mẹ có thể bị kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần, đến mức không còn sức lực cho việc học hỏi, cầu nguyện và đều đặn rao giảng. Điều này cũng có thể khiến chị khó tập trung và nhận lợi ích từ các buổi nhóm họp. Dĩ nhiên, một người chồng tâm lý và yêu thương sẽ làm những điều có thể để hỗ trợ vợ khi con cần được quan tâm, dù là khi ở nhà hay tại nhóm họp. Chẳng hạn, anh có thể giúp vợ làm việc nhà. Anh sẽ nỗ lực để đảm bảo mọi thành viên nhận lợi ích qua việc duy trì Buổi thờ phượng của gia đình. Ngoài ra, anh sẽ cùng gia đình đều đặn tham gia thánh chức.

DẠY CON YÊU MẾN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

9, 10. Điều gì là thiết yếu để giúp cha mẹ nuôi dạy con cái?

9 Cha mẹ có thể làm một số điều nào để dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va? Làm thế nào để bảo vệ con khỏi những mối nguy hiểm về đạo đức? Hãy xem một số điều mà cha mẹ có thể làm.

10 Cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Hãy xem gương của vợ chồng Ma-nô-a, cha mẹ Sam-sôn. Khi biết hai vợ chồng sắp có con, Ma-nô-a nài xin Đức Giê-hô-va ban sự chỉ dẫn để giúp họ biết cách nuôi dạy con cái.

11. Cha mẹ có thể noi gương Ma-nô-a như thế nào, như được nói trong Quan xét 13:8?

11 Anh Nihad và chị Alma, đến từ Bosnia và Herzegovina, đã noi gương Ma-nô-a. Họ chia sẻ: “Giống như Ma-nô-a, chúng tôi nài xin Đức Giê-hô-va giúp mình biết cách trở thành cha mẹ tốt. Ngài đã đáp lời cầu nguyện của chúng tôi qua nhiều cách, cụ thể là qua Kinh Thánh, ấn phẩm, các buổi nhóm họp và hội nghị”.—Đọc Quan xét 13:8.

12. Giô-sép và Ma-ri nêu gương nào cho các con?

12 Dạy bằng gương mẫu. Những điều anh chị nói rất quan trọng; tuy nhiên, những gì anh chị làm có thể sẽ tác động lớn hơn đến con. Chắc chắn, Giô-sép và Ma-ri đã nêu gương xuất sắc cho các con, trong đó có Chúa Giê-su. Giô-sép siêng năng làm việc để chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích các thành viên quý trọng những điều thiêng liêng (Phục 4:9, 10). Dù theo Luật pháp, Giô-sép không buộc phải đưa cả gia đình đến Giê-ru-sa-lem “hằng năm” để dự Lễ Vượt Qua, nhưng ông vẫn làm thế (Lu 2:41, 42). Có lẽ một số người cha vào thời của Giô-sép xem những chuyến đi như thế rất bất tiện, tốn kém và mất nhiều thời gian. Nhưng rõ ràng Giô-sép xem trọng điều thiêng liêng và dạy các con quý trọng những điều ấy. Ngoài ra, Ma-ri biết Kinh Thánh rất rõ. Qua lời nói và việc làm, chắc chắn bà đã dạy các con yêu mến Lời Đức Chúa Trời.

13. Một cặp vợ chồng đã noi gương của Giô-sép và Ma-ri như thế nào?

13 Anh Nihad và chị Alma được đề cập ở trên đã noi gương của Giô-sép và Ma-ri. Gương của họ đã giúp vợ chồng anh Nihad như thế nào trong việc nuôi dạy con yêu mến và phụng sự Đức Chúa Trời? Họ cho biết: “Qua lối sống, chúng tôi cố gắng cho con trai thấy việc sống theo nguyên tắc của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích như thế nào”. Anh Nihad nói thêm: “Hãy là người mà anh chị muốn con trở thành”.

14. Tại sao cha mẹ cần biết con mình đang kết hợp với những ai?

14 Giúp con chọn bạn tốt. Cả cha và mẹ cần biết con mình kết hợp với những ai và đang làm gì. Điều này có nghĩa là cha mẹ cũng cần biết con mình liên lạc với ai trên mạng xã hội hoặc điện thoại. Những mối giao tiếp đó có thể ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động của con cái.—1 Cô 15:33.

15. Cha mẹ có thể học được gì từ kinh nghiệm của anh Jessie?

15 Cha mẹ có thể làm gì nếu không biết nhiều về máy vi tính hoặc thiết bị di động? Anh Jessie, một người cha ở Philippines, nói: “Chúng tôi biết rất ít về công nghệ. Nhưng điều đó không cản trở chúng tôi giúp các con nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn của thiết bị điện tử”. Anh Jessie không cấm các con dùng thiết bị điện tử chỉ vì mình không biết mấy về các thiết bị này. Anh cho biết: “Tôi khuyến khích các con dùng thiết bị điện tử để học ngôn ngữ mới, chuẩn bị cho các buổi nhóm và đọc Kinh Thánh hằng ngày”. Nếu là cha mẹ, anh chị có thể dùng mục “Thanh thiếu niên” trên jw.org® để thảo luận với con những lời khuyên khôn ngoan và thăng bằng về việc nhắn tin và đăng hình lên mạng. Anh chị cũng có thể cùng con xem video Ai đang làm chủ: Bạn hay thiết bị điện tử? và video Dùng mạng xã hội cách khôn ngoan. * Những tài liệu này rất hữu ích để dạy con về việc dùng thiết bị điện tử một cách khôn ngoan.—Châm 13:20.

16. Nhiều bậc cha mẹ đã làm gì, và điều này mang lại kết quả nào?

16 Nhiều bậc cha mẹ cố gắng tạo cơ hội cho con mình kết hợp với những anh chị gương mẫu trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, anh En-Deni và chị Bomine đến từ Bờ Biển Ngà thường mời giám thị vòng quanh ở lại nhà họ. Anh En-Deni kể lại: “Điều này tác động rất lớn đến con trai cả của tôi. Cháu bắt đầu làm tiên phong và hiện đang làm giám thị vòng quanh dự khuyết”. Anh chị có thể tạo những cơ hội tương tự cho con của mình không?

17, 18. Khi nào cha mẹ nên bắt đầu huấn luyện con?

17 Huấn luyện con càng sớm càng tốt. Cha mẹ càng huấn luyện con sớm thì càng hữu ích (Châm 22:6). Hãy xem trường hợp của Ti-mô-thê, người sau này đi cùng với sứ đồ Phao-lô. Ti-mô-thê được mẹ là Ơ-nít và bà ngoại là Lô-ít huấn luyện “từ thuở thơ ấu”.—2 Ti 1:5; 3:15.

18 Một cặp vợ chồng khác ở Bờ Biển Ngà là anh Jean-Claude và chị Peace đã nuôi dạy sáu người con yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều gì giúp họ dạy dỗ con cái thành công? Họ noi theo gương của Ơ-nít và Lô-ít. Cặp vợ chồng này cho biết: “Chúng tôi khắc ghi Lời Đức Chúa Trời vào lòng các con từ thuở thơ ấu, không lâu sau khi chúng chào đời”.—Phục 6:6, 7.

19. Khắc ghi Lời Đức Chúa Trời vào lòng con có nghĩa gì?

19 “Khắc ghi” Lời Đức Giê-hô-va vào lòng con có nghĩa gì? “Khắc ghi” nghĩa là “dạy và in sâu bằng cách thường xuyên lặp đi lặp lại”. Để làm được điều đó, cha mẹ cần thường xuyên dành thời gian cho con trẻ. Có lẽ đôi khi cha mẹ cảm thấy bực bội vì phải lặp lại nhiều lần những chỉ dẫn cho con. Tuy nhiên, cha mẹ muốn cố gắng xem đây là cơ hội để giúp con hiểu và áp dụng Lời Đức Chúa Trời.

Cha mẹ cần xem xét cách dạy dỗ phù hợp với mỗi người con (Xem đoạn 20) *

20. Thi thiên 127:4 có thể áp dụng thế nào trong việc nuôi dạy con cái?

20 Hiểu rõ con. Thi thiên 127 ví con cái với mũi tên. (Đọc Thi thiên 127:4). Mũi tên có thể được làm từ các chất liệu khác nhau và có kích cỡ đa dạng. Cũng vậy, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Vì thế, cha mẹ cần xem xét cách dạy dỗ phù hợp với từng người con. Một cặp vợ chồng ở nước Israel nuôi dạy thành công hai người con phụng sự Đức Giê-hô-va chia sẻ điều mà họ thấy hữu ích. Họ nói: “Chúng tôi học hỏi Kinh Thánh riêng với từng cháu”. Dĩ nhiên, mỗi người chủ gia đình sẽ quyết định xem cách dạy dỗ đó có cần thiết hoặc thực tế với gia đình mình hay không.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ GIÚP ANH CHỊ

21. Đức Giê-hô-va giúp các bậc cha mẹ qua cách nào?

21 Có lẽ đôi khi cha mẹ cảm thấy choáng ngợp trước những thử thách, nhưng con cái là món quà đến từ Đức Giê-hô-va. Ngài luôn sẵn sàng trợ giúp và lắng nghe lời cầu nguyện của cha mẹ. Ngài đáp lại những lời cầu nguyện của họ qua Kinh Thánh, ấn phẩm, gương mẫu và lời khuyên của các bậc cha mẹ khác có kinh nghiệm trong hội thánh.

22. Những điều tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con là gì?

22 Một số người nói rằng nuôi dạy con cái tựa như một dự án kéo dài 20 năm, nhưng cha mẹ sẽ mãi là cha mẹ. Những điều tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con là tình yêu thương, thời gian và sự huấn luyện dựa trên Kinh Thánh. Mỗi người con sẽ hưởng ứng khác nhau trước sự huấn luyện đó. Tuy nhiên, nhiều người con được cha mẹ tin kính dạy dỗ có cùng cảm nghĩ với một chị ở châu Á tên là Joanna Mae. Chị cho biết: “Nhìn lại quãng thời gian được cha mẹ huấn luyện, tôi vô cùng biết ơn vì cha mẹ đã khuyên bảo và dạy tôi yêu mến Đức Giê-hô-va. Họ không chỉ cho tôi cuộc sống, mà còn giúp tôi có cuộc sống đầy ý nghĩa” (Châm 23:24, 25). Hàng triệu tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng có cảm nghĩ tương tự.

BÀI HÁT 59 Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Giê-hô-va

^ đ. 5 Một cặp vợ chồng có nên sinh con không? Nếu quyết định sinh con, họ nên sinh bao nhiêu? Và làm thế nào họ có thể dạy con yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va? Bài này nêu lên một số gương thời hiện đại và các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta giải đáp những câu hỏi đó.

^ đ. 15 Xin xem Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 1, chg 36 và Tập 2, chg 11.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng tín đồ thảo luận sẽ có con hay không, xem xét những niềm vui và trách nhiệm khi có con.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng học Kinh Thánh riêng với từng người con vì các con có độ tuổi và khả năng khác nhau.