Độc giả thắc mắc
Phải chăng những lời của sứ đồ Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 15:29 có nghĩa là một số tín đồ thời đó báp-têm thay cho người chết?
Không phải vậy, không nơi nào trong Kinh Thánh hay trong các sách lịch sử nói về thực hành đó.
Cách dịch câu này trong nhiều bản Kinh Thánh khiến một số người nghĩ rằng việc báp-têm trong nước thay cho người chết đã được thực hiện vào thời Phao-lô. Chẳng hạn: “Nếu kẻ chết không sống lại thì tại sao người ta chịu phép báp-têm vì những người chết?”.—Bản Phổ thông.
Nhưng hãy lưu ý đến lời bình luận của hai học giả Kinh Thánh. Tiến sĩ Gregory Lockwood nói rằng không có bằng chứng nào trong Kinh Thánh hay lịch sử cho thấy một người báp-têm thay cho người chết. Tương tự, giáo sư Gordon Donald Fee viết: “Phép báp-têm này chưa từng có tiền lệ trong Kinh Thánh hay trong lịch sử. Phần Tân ước hoàn toàn không nhắc đến điều này; không có bằng chứng nào cho thấy các giáo hội hay cộng đồng Ki-tô giáo chính thống thực hành phép báp-têm này trong những thế kỷ sau đó”.
Kinh Thánh nói rằng các môn đồ của Chúa Giê-su sẽ ‘đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ, làm phép báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều’ ngài đã truyền (Mat 28:19, 20). Trước khi trở thành môn đồ đã báp-têm, một người cần tìm hiểu, đặt đức tin và vâng lời Đức Giê-hô-va cũng như Con ngài. Một người đã qua đời và ở trong mồ thì không thể làm điều đó, và một tín đồ còn sống cũng không thể làm thế thay cho người đã chết.—Truyền 9:5, 10; Giăng 4:1; 1 Cô 1:14-16.
Vậy, những lời của Phao-lô có nghĩa gì?
Một số tín đồ ở Cô-rinh-tô không tin người chết sẽ được sống lại (1 Cô 15:12). Phao-lô đã phản bác quan điểm đó. Ông nói: “Hằng ngày tôi đều đối mặt với cái chết”. Nhưng dù đối mặt với những hiểm nguy, ông tin chắc rằng sau khi chết, ông sẽ được sống lại với tư cách là tạo vật thần linh mạnh mẽ, giống như Chúa Giê-su.—1 Cô 15:30-32, 42-44.
Các tín đồ ở Cô-rinh-tô cần hiểu rằng là tín đồ được xức dầu, họ sẽ đối mặt với những thử thách hằng ngày và chết trước khi được sống lại. “Báp-têm trong Đấng Ki-tô Giê-su” bao hàm việc “báp-têm trong sự chết của ngài” (Rô 6:3). Điều này có nghĩa là giống như Chúa Giê-su, họ sẽ trải qua những thử thách và chết rồi được sống lại để lên trời.
Hơn hai năm sau khi Chúa Giê-su báp-têm trong nước, ngài nói với hai sứ đồ: “Các anh sẽ... chịu phép báp-têm tôi đang chịu” (Mác 10:38, 39). Lúc đó, Chúa Giê-su không đang báp-têm trong nước. Thế nên, ý của Chúa Giê-su là lối sống trọn thành của ngài sẽ dẫn đến cái chết. Phao-lô viết rằng những tín đồ được xức dầu sẽ “cùng chịu khổ với ngài để cũng được vinh hiển với ngài” (Rô 8:16, 17; 2 Cô 4:17). Do đó, họ cũng phải chết để được sống lại lên trời.
Vì vậy, những lời của Phao-lô có thể được dịch chính xác như sau: “Nếu người chết không được sống lại thì những người được báp-têm để chịu chết sẽ được gì? Sao những người ấy lại được báp-têm để chịu chết?”.