Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn còn nhớ không?

Bạn còn nhớ không?

Bạn có đọc kỹ những số Tháp Canh năm vừa qua không? Hãy thử trả lời những câu hỏi sau:

Chúng ta sẽ được ban thưởng thế nào nếu dành thời gian trò chuyện và lắng nghe Đức Giê-hô-va cũng như suy ngẫm về ngài?

Chúng ta sẽ đưa ra quyết định tốt hơn, dạy dỗ hữu hiệu hơn, có đức tin mạnh hơn và ngày càng yêu thương Đức Giê-hô-va.—w22.01, trg 30, 31.

Chúng ta nhận được lợi ích nào khi tập tin cậy Đức Giê-hô-va và những người đại diện cho ngài?

Giờ là lúc tập tin cậy đường lối của Đức Giê-hô-va bằng cách không nghi ngờ những hướng dẫn và quyết định của các trưởng lão. Khi hoạn nạn lớn đến, chúng ta sẽ sẵn sàng vâng lời ngay cả khi nhận những chỉ dẫn có vẻ lạ thường hoặc phi lý.—w22.02, trg 4-6.

Ý của thiên sứ là gì khi nói với Xa-cha-ri về “dây dọi trong tay [quan tổng đốc] Xô-rô-ba-bên”? (Xa 4:8-10)

Khải tượng này đảm bảo với dân Đức Chúa Trời rằng đền thờ khiêm tốn đang xây sẽ được hoàn tất và đáp ứng các tiêu chuẩn của ngài.—w22.03, trg 16, 17.

Làm thế nào để “làm gương… trong cách nói năng”? (1 Ti 4:12)

Chúng ta nói năng một cách tử tế và tôn trọng trong thánh chức, hát hết lòng, đều đặn bình luận tại buổi nhóm họp và nói chân thật cũng như giúp người khác vững mạnh, tránh mọi lời gây tổn thương.—w22.04, trg 6-9.

Tại sao những đặc điểm của bốn con thú dữ (vương quốc) nơi Đa-ni-ên chương 7 chỉ thuộc về một con thú nơi Khải huyền 13:1, 2?

Con thú dữ nơi Khải huyền 13 không tượng trưng cho chỉ một vương quốc cụ thể, như La Mã. Thay vì thế, nó tượng trưng cho mọi thế lực chính trị nắm quyền trên nhân loại.—w22.05, trg 9.

Một cách chính yếu để cho thấy chúng ta tin cậy nơi công lý của Đức Chúa Trời là gì?

Nếu có ai đó xúc phạm, làm tổn thương hoặc phạm lỗi với mình, chúng ta cố gắng bỏ đi sự oán giận và thù hằn, để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ xóa bỏ mọi tổn hại do tội lỗi gây ra.—w22.06, trg 10, 11.

Một anh đại diện người khác cầu nguyện tại buổi nhóm họp nên nhớ điều gì?

Không nên dùng lời cầu nguyện để khuyên hội thánh hoặc thông báo điều gì đó. Anh không cần “nói nhiều”, nhất là khi cầu nguyện mở đầu (Mat 6:7).—w22.07, trg 24, 25.

Những “ai có thói làm điều đê mạt” sẽ được “sống lại để bị kết án [hay “được xét xử”]” theo nghĩa nào? (Giăng 5:29)

Họ sẽ không bị kết án dựa trên những gì đã làm trước khi qua đời. Họ sẽ được đánh giá dựa trên thái độ và hạnh kiểm sau khi sống lại.—w22.09, trg 18.

Anh Rutherford đưa ra lời khuyến giục hào hứng nào tại một hội nghị vào tháng 9 năm 1922?

Tại hội nghị ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, anh nói: “Vua đang trị vì! Các bạn là những người quảng bá của ngài. Vậy hãy loan báo, loan báo, loan báo về Vua và Nước Trời!”.—w22.10, trg 3-5.

Ê-sai chương 30 nhấn mạnh Đức Chúa Trời giúp chúng ta chịu đựng qua ba cách nào?

Chương này cho thấy ngài (1) lắng nghe và đáp lời cầu nguyện của chúng ta, (2) cung cấp sự hướng dẫn và (3) ban phước cho chúng ta ngay bây giờ và trong tương lai.—w22.11, trg 9.

Tại sao có thể kết luận rằng những lời nơi Thi thiên 37:10, 11, 29 đã ứng nghiệm vào thời xưa và sẽ ứng nghiệm trong tương lai?

Những lời của Đa-vít miêu tả rất đúng tình trạng hưng thịnh ở Y-sơ-ra-ên, chẳng hạn như vào thời Sa-lô-môn cai trị. Chúa Giê-su nói đến địa đàng trong tương lai và đã trích câu 11 (Mat 5:5; Lu 23:43).—w22.12, trg 8-10, 14.