Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 51

Tìm được bình an khi gặp khủng hoảng

Tìm được bình an khi gặp khủng hoảng

“Đừng để lòng anh em lo lắng và sợ hãi”.—GIĂNG 14:27.

BÀI HÁT 112 Giê-hô-va là Đức Chúa Trời bình an

GIỚI THIỆU a

1. “Sự bình an của Đức Chúa Trời” là gì, và chúng ta nhận được lợi ích nào khi có sự bình an ấy? (Phi-líp 4:6, 7)

 Có một loại bình an mà thế gian này không biết. Đó là “sự bình an của Đức Chúa Trời”, tức là sự điềm tĩnh đến từ việc có mối quan hệ quý báu với Cha trên trời. Khi có sự bình an của Đức Chúa Trời, chúng ta cảm thấy an toàn. (Đọc Phi-líp 4:6, 7). Ngoài ra, chúng ta có tình bạn thân thiết với những người yêu mến ngài. Chúng ta cũng có mối quan hệ nồng ấm với “Đức Chúa Trời của sự bình an” (1 Tê 5:23). Khi chúng ta biết, tin cậy và vâng lời Cha trên trời, sự bình an của ngài có thể xoa dịu nỗi lo lắng vào những lúc chúng ta đương đầu với tình huống căng thẳng.

2. Tại sao chúng ta tin chắc mình có thể tìm được sự bình an của Đức Chúa Trời?

2 Có thật là chúng ta vẫn có thể tìm được sự bình an của Đức Chúa Trời khi gặp khủng hoảng, chẳng hạn dịch bệnh bùng phát, thảm họa, bất ổn xã hội hoặc sự ngược đãi? Những khủng hoảng ấy có thể khiến chúng ta rất sợ hãi. Tuy nhiên, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ: “Đừng để lòng anh em lo lắng và sợ hãi” (Giăng 14:27). Đáng mừng là nhiều anh chị đã làm theo lời khuyên này của Chúa Giê-su. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, họ đã có thể tìm được bình an trong khi đương đầu với thử thách cam go.

TÌM ĐƯỢC BÌNH AN KHI DỊCH BỆNH BÙNG PHÁT

3. Dịch bệnh hoặc đại dịch có thể khiến chúng ta mất bình an như thế nào?

3 Dịch bệnh hoặc đại dịch có thể đảo lộn hầu như mọi khía cạnh của đời sống. Hãy xem đại dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến nhiều người. Theo một nghiên cứu, hơn một nửa số người tham gia đã cho biết họ bị khó ngủ trong suốt đại dịch. Trong đại dịch, tình trạng lo lắng, trầm cảm, lạm dụng rượu và thuốc, dùng ma túy, bạo lực gia đình và tự tử bất thành đã tăng vọt. Nếu sống ở nơi có dịch bệnh bùng phát, anh chị có thể làm gì để kiểm soát lo lắng và có sự bình an của Đức Chúa Trời?

4. Tại sao biết lời tiên tri của Chúa Giê-su về những ngày sau cùng mang lại cho chúng ta sự bình an?

4 Chúa Giê-su báo trước rằng trong những ngày sau cùng sẽ có dịch bệnh “hết nơi này đến nơi khác” (Lu 21:11). Tại sao biết điều đó mang lại cho chúng ta sự bình an? Chúng ta sẽ không bất ngờ khi dịch bệnh bùng phát. Chúng ta biết rằng các biến cố đang diễn ra đúng như lời Chúa Giê-su nói. Vì thế, chúng ta có lý do để làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su dành cho những người sống trong thời kỳ cuối cùng. Ngài nói: “Hãy thận trọng, đừng hoảng sợ”.—Mat 24:6.

Nghe những phần thu âm của tổ chức có thể giúp anh chị có bình an nội tâm khi dịch bệnh bùng phát (Xem đoạn 5)

5. (a) Phù hợp với Phi-líp 4:8, 9, chúng ta nên cầu xin điều gì khi dịch bệnh bùng phát? (b) Việc nghe các phần thu âm của tổ chức có thể mang lại lợi ích nào cho anh chị?

5 Dịch bệnh bùng phát có thể khiến chúng ta rất lo lắng, thậm chí hoảng sợ. Điều đó đã xảy ra với chị Desi. b Sau khi người chú, anh họ và bác sĩ của chị đều qua đời vì COVID-19, chị rất sợ mình sẽ nhiễm bệnh và lây cho người mẹ lớn tuổi. Đại dịch cũng khiến chị có nguy cơ mất việc, nên chị lo lắng không biết làm thế nào để đủ tiền mua thức ăn và thuê nhà. Những mối lo đó cứ luẩn quẩn trong đầu và khiến chị mất ngủ. Nhưng chị Desi đã có lại bình an. Bằng cách nào? Chị cầu nguyện cụ thể, xin Đức Giê-hô-va giúp mình bình tĩnh và suy nghĩ về những điều tích cực. (Đọc Phi-líp 4:8, 9). Chị nghe Đức Giê-hô-va “nói” qua những phần thu âm Kinh Thánh. Chị cho biết: “Giọng êm dịu của những người đọc giúp tôi bớt lo lắng và nhắc tôi nhớ đến lòng thương xót của ngài”.—Thi 94:19.

6. Việc học hỏi cá nhân và các buổi nhóm họp sẽ giúp anh chị như thế nào?

6 Dịch bệnh bùng phát hẳn làm xáo trộn một số hoạt động trong đời sống anh chị, nhưng đừng để điều đó ảnh hưởng đến việc học hỏi cá nhân hoặc tham dự nhóm họp. Những kinh nghiệm có thật trong các ấn phẩm và video sẽ nhắc anh chị nhớ là anh em đồng đạo đang giữ lòng trọn thành bất kể những khó khăn tương tự (1 Phi 5:9). Các buổi nhóm họp sẽ giúp anh chị làm đầy tâm trí bằng những ý tưởng tích cực trong Kinh Thánh. Đó cũng là cơ hội để anh chị khích lệ người khác và được khích lệ (Rô 1:11, 12). Khi nghĩ đến cách Đức Giê-hô-va hỗ trợ những người thờ phượng ngài lúc họ bị bệnh, sợ hãi hoặc cô đơn, anh chị sẽ được củng cố đức tin và tin chắc rằng ngài cũng sẽ hỗ trợ anh chị.

7. Anh chị học được gì từ sứ đồ Giăng?

7 Hãy giữ liên lạc với anh em đồng đạo. Dịch bệnh bùng phát có thể khiến chúng ta phải giữ khoảng cách ngay cả với anh em. Trong hoàn cảnh đó, có lẽ anh chị cảm thấy như sứ đồ Giăng. Ông muốn gặp trực tiếp bạn mình là Gai-út (3 Giăng 13, 14). Tuy nhiên, Giăng hiểu rằng trong một thời gian, ông không thể gặp Gai-út. Vì thế, Giăng đã làm những gì có thể; ông viết cho Gai-út một lá thư. Nếu không thể đến thăm anh em trực tiếp, hãy cố gắng liên lạc với họ bằng điện thoại, cuộc gọi video hoặc tin nhắn. Khi giữ liên lạc với anh em đồng đạo, anh chị sẽ cảm thấy yên tâm và bình an hơn. Nếu anh chị cảm thấy rất lo lắng, hãy liên lạc với các trưởng lão và chấp nhận sự khích lệ đầy yêu thương của họ.—Ê-sai 32:1, 2.

TÌM ĐƯỢC BÌNH AN KHI ĐỐI MẶT VỚI THẢM HỌA

8. Thảm họa có thể cướp đi sự bình an của anh chị như thế nào?

8 Nếu đã từng trải qua động đất, lũ lụt hoặc một vụ cháy, anh chị có thể cảm thấy rất lo lắng trong một thời gian dài. Nếu bị mất người thân yêu hoặc nhà cửa và đồ đạc bị phá hủy, có lẽ anh chị cảm thấy đau buồn, vô vọng, thậm chí giận dữ. Điều này không có nghĩa là anh chị thiên về vật chất hoặc thiếu đức tin. Suy cho cùng, anh chị đã trải qua một thử thách cam go. Có lẽ một số người nghĩ rằng anh chị sẽ phản ứng tiêu cực (Gióp 1:11). Nhưng bất kể hoàn cảnh căng thẳng, anh chị vẫn có thể tìm được bình an. Bằng cách nào?

9. Chúa Giê-su chuẩn bị cho chúng ta như thế nào để đương đầu với thảm họa?

9 Hãy nhớ những điều Chúa Giê-su tiên tri. Khác với một số người trong thế gian cho rằng họ sẽ không bao giờ gặp thảm họa, chúng ta biết thảm họa sẽ gia tăng và có thể ảnh hưởng đến mình. Chúa Giê-su cho các môn đồ biết rằng “động đất lớn” và những thảm họa khác sẽ xảy ra trước khi sự cuối cùng đến (Lu 21:11). Ngài cũng tiên tri về “sự gian ác gia tăng”, là điều đang xảy ra ngày nay, chẳng hạn tội ác, bạo động và những vụ khủng bố (Mat 24:12). Chúa Giê-su không bao giờ nói rằng nếu chúng ta gặp những thảm họa như thế thì đó là vì Đức Giê-hô-va đã từ bỏ mình. Thực tế, nhiều tôi tớ trung thành của ngài cũng là nạn nhân (Ê-sai 57:1; 2 Cô 11:25). Dù Đức Giê-hô-va không làm phép lạ để bảo vệ chúng ta khỏi mọi thảm họa, nhưng ngài ban những gì chúng ta cần để giữ điềm tĩnh và bình an.

10. Tại sao việc chuẩn bị ngay bây giờ để đối phó với thảm họa cho thấy chúng ta có đức tin? (Châm ngôn 22:3)

10 Chúng ta sẽ dễ giữ bình tĩnh hơn trong trường hợp khẩn cấp nếu chuẩn bị trước. Nhưng việc chuẩn bị trước có cho thấy mình thiếu đức tin nơi Đức Giê-hô-va không? Chắc chắn không. Thật ra, việc chuẩn bị trước cho thảm họa cho thấy chúng ta có đức tin là ngài có khả năng chăm sóc chúng ta. Tại sao? Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta chuẩn bị trước cho những thảm họa có thể xảy ra. (Đọc Châm ngôn 22:3). Qua các bài trong tạp chí, buổi nhóm họp và thông báo đúng lúc, tổ chức Đức Chúa Trời nhiều lần khuyến giục chúng ta chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp. c Chúng ta có tin cậy Đức Giê-hô-va không? Nếu có, chúng ta sẽ làm theo lời khuyên ấy ngay bây giờ trước khi thảm họa xảy ra.

Chuẩn bị trước có thể giúp anh chị sống sót qua thảm họa (Xem đoạn 11) d

11. Anh chị học được gì từ gương của chị Margaret?

11 Hãy xem trường hợp của chị Margaret. Chính quyền ra lệnh cho chị phải sơ tán sau khi có một vụ cháy rừng xảy ra ở khu vực đó. Vì có quá nhiều người cố gắng sơ tán cùng lúc nên giao thông bị tắc nghẽn và kẹt cứng. Khói đen càng lúc càng dày đặc, và chị Margaret bị kẹt trong xe. Tuy nhiên, chị đã sống sót nhờ chuẩn bị trước. Chị mang theo bản đồ trong giỏ để có thể tìm đường sơ tán. Thậm chí trước đó chị còn lái xe thử trên con đường này để dễ tìm đường trong lúc khẩn cấp. Nhờ chuẩn bị trước, chị Margaret đã sống sót qua thảm họa.

12. Tại sao chúng ta cần làm theo các chỉ dẫn an toàn?

12 Để bảo vệ chúng ta và giữ trật tự, chính quyền có thể đòi hỏi chúng ta tuân theo lệnh giới nghiêm, sơ tán hoặc làm theo các chỉ dẫn khác. Một số người chậm vâng lời hoặc trì hoãn vì không muốn bỏ lại tài sản. Còn các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thì sao? Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Vì cớ Chúa, hãy phục tùng mọi quyền hành do con người lập nên, dù là vua, tức người có địa vị cao, hay các quan tổng đốc, tức những người được vua sai đến” (1 Phi 2:13, 14). Tổ chức Đức Chúa Trời cũng đưa ra những chỉ dẫn nhằm giúp chúng ta giữ an toàn. Chúng ta thường xuyên được nhắc cập nhật thông tin cho các trưởng lão để họ có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Anh chị đã làm thế chưa? Chúng ta cũng có thể nhận được chỉ dẫn về việc trú ẩn tại chỗ, sơ tán và chuẩn bị đồ cứu trợ hoặc về việc giúp đỡ người khác như thế nào và khi nào. Nếu không vâng lời, chúng ta có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mình và các trưởng lão. Hãy nhớ rằng những anh trung thành ấy đang coi sóc chúng ta (Hê 13:17). Chị Margaret cho biết: “Tôi tin chắc rằng việc làm theo chỉ dẫn của các trưởng lão và tổ chức đã cứu mạng tôi”.

13. Điều gì đã giúp nhiều anh chị phải rời bỏ nhà cửa giữ được niềm vui và sự bình an?

13 Nhiều anh chị phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh hoặc bất ổn xã hội đã nỗ lực để thích nghi với hoàn cảnh mới và nhanh chóng tham gia vào các hoạt động thần quyền. Giống như các tín đồ thời ban đầu bị tản mác vì sự ngược đãi, những anh chị ấy tiếp tục “công bố tin mừng của lời Đức Chúa Trời” (Công 8:4). Việc rao giảng giúp họ tập trung vào Nước Trời thay vì hoàn cảnh khó khăn. Nhờ thế, họ giữ được niềm vui và sự bình an.

TÌM ĐƯỢC BÌNH AN KHI BỊ NGƯỢC ĐÃI

14. Sự ngược đãi có thể làm chúng ta mất bình an như thế nào?

14 Sự ngược đãi có thể cướp đi nhiều thứ mà thường đem lại bình an cho chúng ta. Chúng ta vui mừng và thỏa nguyện khi tự do nhóm họp, thoải mái rao giảng và làm những việc thường ngày mà không sợ bị bắt. Nếu không còn được tự do như thế, chúng ta có thể trở nên lo lắng, sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Việc cảm thấy như vậy là bình thường. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận để không bị vấp ngã. Chúa Giê-su cho biết rằng sự ngược đãi có thể khiến các môn đồ vấp ngã (Giăng 16:1, 2). Vậy làm sao để giữ được bình an khi bị ngược đãi?

15. Tại sao chúng ta không nên sợ sự ngược đãi? (Giăng 15:20; 16:33)

15 Kinh Thánh nói: “Hết thảy những ai muốn sống cuộc đời tin kính của môn đồ Đấng Ki-tô Giê-su cũng sẽ bị ngược đãi” (2 Ti 3:12). Khi công việc của chúng ta bị cấm đoán ở nước anh Andrei sống, anh từng cảm thấy khó tin rằng tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ bị ngược đãi. Anh đã lý luận: “Có rất nhiều Nhân Chứng ở đây. Lẽ nào chính quyền lại bắt hết chúng ta sao?”. Nhưng suy nghĩ đó không giúp anh có bình an mà lại khiến anh luôn lo lắng. Những anh em khác thì để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va, không nghĩ rằng họ sẽ không bị bắt. Họ biết điều đó có thể xảy ra nhưng họ không lo lắng nhiều như anh Andrei. Vì thế, anh quyết định bắt chước họ và hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va. Sau đó, anh cảm thấy bình an và giờ đây anh có niềm vui bất kể khó khăn. Điều này có thể đúng trong trường hợp của chúng ta. Dù Chúa Giê-su cảnh báo sẽ có sự ngược đãi, nhưng ngài cũng đảm bảo rằng chúng ta có thể giữ trung thành.—Đọc Giăng 15:20; 16:33.

16. Chúng ta cần vâng theo chỉ dẫn nào khi bị ngược đãi?

16 Khi công việc Nước Trời bị cấm đoán hoặc hạn chế, chúng ta có thể nhận được chỉ dẫn từ văn phòng chi nhánh và các trưởng lão. Những chỉ dẫn này là để bảo vệ chúng ta, để đảm bảo chúng ta luôn nhận được thức ăn thiêng liêng và giúp chúng ta tiếp tục rao giảng trong hoàn cảnh hiện tại. Hãy cố gắng hết sức để vâng theo chỉ dẫn mà anh chị nhận được, ngay cả khi không hiểu rõ lý do chỉ dẫn ấy được đưa ra (Gia 3:17). Ngoài ra, đừng bao giờ tiết lộ thông tin về anh chị khác hoặc về hoạt động của hội thánh cho những người không có quyền biết.—Truyền 3:7.

Điều gì sẽ giúp anh chị có bình an ngay cả trong lúc khó khăn? (Xem đoạn 17) e

17. Như các sứ đồ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta quyết tâm làm gì?

17 Một trong những lý do chính mà Sa-tan gây chiến với dân Đức Chúa Trời là vì họ “có nhiệm vụ làm chứng về Chúa Giê-su” (Khải 12:17). Đừng để Sa-tan và thế gian của hắn làm anh chị sợ hãi. Rao giảng và dạy dỗ bất kể sự chống đối mang lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Vào thế kỷ thứ nhất, khi các nhà cầm quyền Do Thái ra lệnh cho các sứ đồ phải ngưng rao giảng, họ đã chọn vâng lời Đức Chúa Trời. Những người trung thành này đã tiếp tục rao giảng, và công việc ấy làm cho họ hạnh phúc (Công 5:27-29, 41, 42). Dĩ nhiên, khi công việc Nước Trời bị hạn chế, chúng ta cần thận trọng khi rao giảng (Mat 10:16). Nhưng nếu nỗ lực hết sức, chúng ta sẽ có sự bình an vì đã làm hài lòng Đức Giê-hô-va và mang thông điệp cứu mạng đến cho người khác.

‘ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA SỰ BÌNH AN SẼ Ở CÙNG ANH CHỊ’

18. Chúng ta có thể tìm được bình an thật từ đâu?

18 Hãy tin chắc rằng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, chúng ta vẫn có thể có bình an. Vào những lúc như thế, chúng ta cần nhớ rằng sự bình an mình cần là sự bình an của Đức Chúa Trời, tức là sự bình an mà chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể ban cho. Hãy nương cậy nơi ngài khi đối mặt với dịch bệnh bùng phát, thảm họa hoặc sự ngược đãi. Hãy gắn bó với tổ chức của ngài. Hãy hướng đến tương lai tuyệt vời đang chờ đón anh chị. Khi làm thế, ‘Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh chị’ (Phi-líp 4:9). Bài tới sẽ xem xét làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ anh em đồng đạo đang đương đầu với nghịch cảnh có được sự bình an của Đức Chúa Trời.

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ

a Đức Giê-hô-va hứa ban bình an cho những người yêu thương ngài. Sự bình an mà Đức Chúa Trời ban là gì, và làm sao để tìm được? Việc có “sự bình an của Đức Chúa Trời” có thể giúp chúng ta như thế nào khi đối mặt với dịch bệnh bùng phát, thảm họa hoặc sự ngược đãi? Bài này sẽ trả lời những câu hỏi ấy.

b Một số tên đã được thay đổi.

c Xem bài “Khi có thảm họa—Làm sao để sống sót?” trong Tỉnh Thức! Số 5 năm 2017.

d HÌNH ẢNH: Một chị đã chuẩn bị trước để sơ tán.

e HÌNH ẢNH: Một anh sống ở nơi công việc rao giảng bị hạn chế tiếp tục làm chứng một cách thận trọng.